Thứ ba, 18/06/2024
   

Tái cấu trúc nợ ngoài tòa giữ vai trò quan trọng trong xử lý nợ xấu

Sáng 19/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Bàn tròn thảo luận về Tái cấu trúc nợ ngoài tòa (OCW) nhằm giúp các tổ chức Hội viên có cái nhìn rõ hơn về vấn đề tái cấu trúc nợ ngoài tòa án, đồng thời các chuyên gia chia sẻ về các mô hình OCW quốc tế và đưa ra mô hình phù hợp với Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có TS.Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Darryl Dong - Phó Giám đốc quốc gia, IFC; bà Nina Mocheva – Chuyên gia tài chính cao cấp; ông Charlie Booth – Chuyên gia về OCW cùng đông đảo đại diện các tổ chức hội viên.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam gửi lời chào mừng nồng nhiệt tới tất cả các đại biểu tham dự.

TS.Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại hội nghị
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam 

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, tái cơ cấu nợ ngoài tòa được hiểu là thủ tục tái cơ cấu nợ với sự tham gia hạn chế hoặc không có sự tham gia của tòa án. Tái cấu trúc nợ ngoài tòa giữ vai trò quan trọng trong xử lý nợ xấu và đóng góp thiết yếu đối với sự bền vững của hệ thống tài chính, đặc biệt phù hợp ở các nước mà thủ tục chính thức để giải quyết phá sản doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập.

Như vậy, để có hiệu quả, hoạt động tái cơ cấu ngoài tòa phải cân bằng được giữa tính linh hoạt và chính thức dựa trên bối cảnh thị trường, quy định, và thể chế cụ thể. Khuôn khổ tái cơ cấu càng có tính phi chính thức và tự nguyện, cơ quan quản lý tài chính càng có vai trò quan trọng trong việc thuyết phục ngành tuân thủ các nguyên tắc hoặc chuẩn mực tái cơ cấu áp dụng trong ngành.

Việc hiểu rõ môi trường pháp lý hiện hành và khung pháp lý về phá sản, thiết kế và ban hành các tiêu chuẩn khung, phổ biến các tiêu chuẩn tới các bên liên quan và xây dựng năng lực cần thiết phải được chú trọng”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, chương trình hội thảo tập trung vào việc làm rõ và giải quyết các hạn chế, bất cập khi áp dụng tái cấu trúc nợ ngoài tòa hay tái cấu trúc phi chính thức để giúp các Tổ chức hội viên hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Các đại biểu tham dự sẽ cùng nhau thảo luận chia sẻ các mô hình tái cấu trúc ngoài tòa khác nhau trên thế giới để thấy được mô hình nào phù hợp với Việt Nam và thảo luận về Dự thảo Đề cương Hướng dẫn của tái cấu trúc nợ ngoài tòa.

Ông Darryl Dong - Phó Giám đốc quốc gia, IFC cũng đã nhấn mạnh rằng, những thành viên tham dự bàn tròn hôm nay đóng vai trò chủ trì để cùng nói về OCW tức là Tái cơ cấu nợ ngoài tòa án. Ông cho biết: “Tất cả chúng ta sẽ cùng nhau tham gia với sự tin tưởng, kiên trì. Và ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau hành động, cùng nhau thực hiện. Chính sự lãnh đạo và sự dẫn dắt của các anh chị sẽ vô cùng quan trọng vì chúng ta sẽ dẫn đường và định hướng cho Tái cấu trúc nợ ngoài tòa án, hỗ trợ cho sự phát triển của hệ thống tài chính tại Việt Nam.

Ông Darryl Dong - Phó Giám đốc quốc gia, IFC nhấn mạnh tầm quan trọng của OCW
Ông Darryl Dong - Phó Giám đốc quốc gia, IFC phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Darryl Dong, “nếu chúng ta muốn đi đầu, tiên phong thì cần nâng tầm hoạt động của mình, cần hướng về phía trước, cần tấn công nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau. Chúng ta cần xem ngày hôm nay là chiến trường trong cuộc chiến xử lý nợ xấu, đó là thực hiện tái cơ cấu nợ ngoài tòa án để xử lý nợ xấu. Chúng ta cần OCW để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, cho thế giới thấy chúng ta thực sự quan tâm đến hoạt động kinh doanh và làm tốt.”

Ông Darryl Dong cũng cho rằng, Việt Nam vẫn đang có một cánh cổng đóng với tái cấu trúc nợ ngoài tòa án. OCW vẫn chưa được khai mở nên các doanh nghiệp trong nước chưa thể tận dụng được giải pháp có tính chất nhanh chóng và hiệu quả với các ngân hàng. Vấn đề là cánh cửa OCW còn chưa mở và “cuộc chiến” nợ xấu đang là một vấn đề nhức nhối cần được giải quyết.

Ông cũng đặt ra câu hỏi làm sao để mở rộng cánh cửa đó vì khi nhắc đến OCW, là yếu tố cốt yếu trong thế giới về xử lý nợ xấu; đây chính là vấn đề rất quan trọng. Nếu hệ thống được xây dựng ở Việt Nam, ông Darryl Dong tin rằng thị trường, các chủ nợ và con nợ sẽ đón nhận nếu như được xây dựng phù hợp hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu tái cấu trúc của thị trường. Một lần nữa ông khẳng định mô hình này chắc chắn sẽ hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ xấu tại Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm của Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC) đã chia sẻ các kiến thức về Tái cấu trúc nợ ngoài, các mô hình về tái cấu trúc ở các quốc gia khác nhau trên thế giới.

Bà Nina Mocheva - Chuyên gia tài chính cao cấp của IFC đã chi sẻ những thông tin về tái cơ cấu nợ ngoài và tái cơ cấu nợ nâng cao. Bà Nina Mocheva cho biết, không có một thuật ngữ chung nào mang tính toàn cầu. OCW và tái cơ cấu nâng cao không yêu cầu phải được quy định trong luật.

Bà Nina Mocheva - Chuyên gia tài chính cao cấp của IFC
Bà Nina Mocheva - Chuyên gia tài chính cao cấp của IFC 

Trong khi đó, ông Charlie Booth – Chuyên gia về Tái cơ cấu ngoài (OCW) cho rằng, tái cơ cấu nợ ngoài tòa án là một khung pháp lý tổng thể về nợ và phá sản của Quốc gia. Ông Charlie Booth lấy ví dụ về mối liên quan giữa các chủ nợ và con nợ. Nếu song phương, con nợ không trả nợ khi đến hạn thì chủ nợ cần biện pháp thực thi để thu hồi được khoản nợ đó. Nếu có quy trình chỉ cần thực hiện ngược lại. Tức là nhân nhượng một phần để con nợ vận hành.

Theo ông Charlie Booth, mô hình OCW cũng gặp phải một số rào cản nhất định như vấn đề giữ bí mật thông tin, không chia sẻ thông tin, điều này khiến cho các bên hỗ trợ như ngân hàng, tổ chức tài chính, tín dụng không thể hỗ trợ kịp thời.

Ông Charlie Booth – Chuyên gia về Tái cơ cấu ngoài (OCW
Ông Charlie Booth – Chuyên gia về OCW trình bày tại hội thảo

Trao đổi tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các tổ chức tín dụng cũng đã có nhiều chia sẻ và thảo luận, đặt câu hỏi về các vấn đề liên quan tới mô hình OCW, những đóng góp, vai trò của tòa án và mức độ hỗ trợ của tòa án khi triển khai mô hình OCW. Bên cạnh đó các hội viên cũng đặt câu hỏi về việc nếu như áp dụng Tái cấu trúc nợ ngoài tại Việt Nam thì cần phải sửa đổi, bổ sung những yếu tố nào vào Luật phá sản.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Bàn tròn thảo luận về Tái cấu trúc nợ ngoài tòa (OCW)
Quang cảnh hội thảo.

Các chuyên gia của tập đoàn IFC và các chuyên gia Việt Nam đã cập nhật nhiều thông tin quan trọng, tìm ra những điểm mấu chốt về Tái cấu trúc nợ ngoài. Các chủ đề và thông tin chia sẻ tại hội thảo được đánh giá là rất hữu ích với giới xây dựng chính sách kinh tế - tài chính cũng như giới nghiên cứu tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung vào tái cơ cấu thị trường tài chính.

Ngọc Anh

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay