Thứ năm, 14/11/2024
   

Sửa đổi Thông tư 03 kịp thời sẽ hạn chế ảnh hưởng đến các TCTD và khách hàng

Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại và lan rộng trên 62 tỉnh, thành phố cả nước, hàng chục tỉnh phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội nói chung và hoạt động của doanh nghiệp, người dân cũng như các tổ chức tín dụng nói

Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại và lan rộng trên 62 tỉnh, thành phố cả nước, hàng chục tỉnh phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội nói chung và hoạt động của doanh nghiệp, người dân cũng như các tổ chức tín dụng nói riêng.

Theo đề nghị của các tổ chức hội viên, ngày 5/8/2021, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức tọa đàm trực tuyến nhằm trao đổi về các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) và các kiến nghị, đề xuất. Tham dự cuộc họp có đại diện của Vụ Tín dụng, Vụ Chính sách Tiền tệ, Vụ Pháp chế và Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng-Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nhóm Công tác Ngân hàng nước ngoài và tất cả TCTD hội viên của Hiệp hội Ngân hàng tham dự đầy đủ (51/51 TCTD). Qua trao đổi, Hiệp hội Ngân hàng có một số ý kiến sau:

Ý kiến chung:

- Các TCTD cho rằng Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) trong bối cảnh dịch mới xuất hiện (tháng 3/2020) đã thể hiện được quan điểm tháo gỡ khó khăn cho các TCTD và doanh nghiệp và để an toàn hệ thống, tránh lợi dụng, Ngân hàng Nhà nước đã loại dự thu đối với các khoản cơ cấu nợ, tuy nhiên khi dịch bệnh diễn ra đến lần thứ 3, ngày 21/4/2021, Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Thông tư 03 là quá chậm, dẫn đến nhiều khoản nợ của khách hàng, TCTD áp dụng Thông tư 02. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 lần này ảnh hưởng hết sức nặng nề, các TCTD không thể áp dụng Thông tư 02 vì khách hàng không còn đủ tiềm lực tài chính, không có doanh thu, mà áp dụng theo Thông tư 03 thì không một khoản nợ nào phát sinh sau ngày 10/6/2020 được cơ cấu nợ. Vì vậy, nếu không sửa đổi Thông tư 03 kịp thời thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các TCTD và khách hàng, nợ xấu tăng lên đáng kể, sơ bộ 14 TCTD thì dư nợ ảnh hưởng khoảng 1.190.000 tỷ đồng.

- Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét sửa đổi hoặc hướng dẫn những vấn đề mang tính cấp bách như bổ sung đối tượng thẻ tín dụng, thời điểm phát sinh khoản nợ, thời gian và số lần cơ cấu nợ, qui trình cơ cấu nợ, hồ sơ cơ cấu trong thời gian dãn cách…. tạo hành lang pháp lý cho TCTD khi thực hiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo hướng trao quyền chủ động cho các TCTD và tự chịu trách nhiệm theo Luật TCTD, Luật Doanh nghiệp, Bộ Luật dân sự…

- Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu ban hành thông tư mới thay thế Thông tư 01, Thông tư 03 theo hướng trong phạm vi khuôn khổ pháp luật quy định trong luật và nghị định chưa rõ, đảm bảo an toàn hệ thống, ổn định kinh tế vĩ mô và mang tính định hướng quản lý, nội dụng chi tiết triển khai để Hội đồng Quản trị các TCTD tự ban hành và chịu trách nhiệm trước Đại hội Cổ đông và pháp luật. Thực tế tại Thông tư 01 và Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước quy định loại dự thu và trích dự phòng rủi ro 3 năm đã thể hiện đảm bảo an toàn hệ thống.

- Hậu quả dịch Covid-19 lần thứ 4 chắc chắn sẽ rất lớn và có thể xác định được thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, xã hội nói chung và các hoạt động kinh doanh của các TCTD cũng như khách hàng, người dân nói riêng vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét khoanh nợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch.

Tại buổi tọa đàm, các TCTD và CNNHNNg đều thống nhất kiến nghị Ngân hàng Nhà nước những vấn đề chính sau:

I. Các vấn đề vướng mắc cấp bách đề nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp xử lý ngay để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19

1. Điểm 1 Khoản 2 Điều 1 Thông tư 03 (sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư 01) quy định khoản nợ cơ cấu đáp ứng điều kiện phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính

- Dịch bệnh lần thứ 4 khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, gặp khó trong trả nợ, do đó, sẽ có nhiều khoản nợ cần được cơ cấu nhưng lại không đáp ứng được điều kiện quy định tại Điểm 1 Khoản 2 Điều 1 Thông tư 03 về thời gian phát sinh nợ là trước ngày 10/6/2020. Việc không được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ không thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn tài chính do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ bị chuyển nợ xấu ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp và cả TCTD.

Vì vậy, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ các khoản giải ngân sau ngày 10/6/2020 hoặc xem xét không quy định thời gian phát sinh nợ "trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính" mà chỉ quy định về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi để đảm bảo chủ động, linh hoạt trong thực hiện, tránh phải sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 03 nhiều lần (trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp sau thời điểm 31/12/2021.

- Dư nợ được xem xét cơ cấu nợ theo quy định tại Thông tư 03 trên chỉ áp dụng đối với nghiệp vụ cho vay, cho thuê tài chính, không bao gồm dự nợ phát sinh từ các nghiệp vụ cấp tín dụng khác như: thẻ tín dụng, bảo lãnh, L/C, bao thanh toán… Tuy nhiên, đại dịch đã ảnh hưởng đến khách hàng mà không phân biệt hình thức cấp tín dụng. Thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng rất phổ biến, đặc biệt là với xu hướng không dùng tiền mặt như hiện nay thì số lượng khách hàng sử dụng thẻ tín dụng và số dư nợ thẻ tín dụng ngày càng tăng. Do đó, đề nghị Ngân hàng nhà nước xem xét điều chỉnh quy định này theo hướng cho phép cơ cấu nợ bao gồm số dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19.

2. Điểm 2 Khoản 2 Điều 1 Thông tư 03 (sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư 01) quy định khoản nợ cơ cấu đáp ứng điều kiện phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021.

Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm, chưa dự báo được thời điểm kết thúc dịch. Đến nay (hết tuần đầu tháng 8/2021), dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát dù Chính phủ đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ: giãn cách xã hội nhiều tỉnh, thành phố, kiểm soát/hạn chế di chuyển… Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Thông tư 03 theo hướng cho phép áp dụng với các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 cho đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp sau thời điểm 31/12/2021.

3. Điểm 3 Khoản 2 Điều 1 Thông tư 03 (sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư 01) quy định số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận,..

Đối với khách hàng tại Tỉnh/Thành phố phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thuộc khu vực phong tỏa/cách ly, khách hàng không thể đáp ứng các điều kiện quy định trên tại Thông tư 03 khi đề xuất xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng cơ chế này theo hướng: số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 60-90 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.

4. Điểm 7 Khoản 2 Điều 1 Thông tư 03 (sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư 01) quy định về thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

- Việc quy định giới hạn thời gian cơ cấu tối đa 12 tháng kể từ thời điểm cơ cấu nợ không còn phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng trong thời gian dài như hiện nay, đặc biệt đối với khoản cho vay trung dài hạn, lịch trả nợ của khách hàng tại từng kỳ hạn đã được xác định phù hợp với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng/dự án khi thẩm định, cấp tín dụng; Trường hợp khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ một số kỳ hạn đến hạn trả nợ, cần thiết phải giãn số tiền này sang các kỳ sau ngày cuối cùng của thời hạn cho vay. Nếu bắt buộc phân bổ vào ngay các kỳ sau thời điểm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khách hàng không chỉ phải trả nợ các kỳ sẽ đến hạn mà còn phải trả nợ các kỳ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ không phù hợp với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng, tiếp tục gây khó khăn, áp lực đối với khách hàng.

Vì vậy, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giao các TCTD chủ động xác định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ căn cứ đánh giá nguồn thu, dòng tiền của khách hàng nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay, cho thuê tài chính.

- Thông tư 03 quy định thời gian cơ cấu nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày ngân hàng thực hiện cơ cấu nợ nhưng lại không quy định cụ thể “Thời điểm thực hiện cơ cấu nợ” là thời điểm nào? Thực tế, khách hàng vay vốn có nhiều kỳ trả nợ theo tháng/quý/6 tháng/12 tháng… Khi có khó khăn về dòng tiền trả nợ, khách hàng thường đề nghị cơ cấu nợ cùng lúc cho nhiều kỳ trả nợ và để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng cũng như giảm bớt thủ tục thì ngân hàng sẽ thực hiện cơ cấu nợ cùng lúc cho nhiều kỳ trả nợ gần nhau. Trong trường hợp này, thời điểm “Thực hiện cơ cấu nợ” sẽ được tính từ thời điểm nào: (i) Thời điểm ngân hàng có Phê duyệt/Thông báo về việc đồng ý cơ cấu nợ; (ii) Thời điểm ký Thỏa thuận sửa đổi Hợp đồng tín dụng với khách hàng; (ii) Thời điểm đến hạn của từng kỳ trả nợ được cơ cấu nợ?

Vì chưa có cách hiểu thống nhất nên nội dung này đang là một trong những vướng mắc của Thông tư 03 mà Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn để các TCTD triển khai trên thực tế hoặc giao cho TCTD quyết định và tự chịu trách nhiệm.

5. Điểm 4 và Điểm 5 Khoản 2 Điều 1 Thông tư 03 (sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư 01) quy định về điều kiện xem xét, cơ cấu nợ cho khách hàng.

Theo quy định tại các điều khoản trên thì điều kiện để được xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng là khách hàng phải có đề nghị và được TCTD đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên trong thực tế có nhiều trường hợp khách hàng có khả năng trả nợ nhưng không thể ký được giấy đề nghị cơ cấu và (hoặc) không thể nộp tiền thanh toán nợ do đang bị cách ly (theo diện F1, F2) hoặc không được di chuyển ra khỏi địa phương theo quy định của pháp luật do không phải là nhu cầu thiết yếu, cấp bách...

Đây là những nguyên nhân mang tính khách quan và tình trạng này diễn ra khá phổ biến trong giai đoạn hiện nay, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn giải pháp hỗ trợ đối với các trường hợp này theo hướng cho phép các TCTD được chủ động cơ cấu đối với các khách hàng bị phong tỏa, không cần đề nghị khách hàng cung cấp hồ sơ/tài liệu chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid–19. Việc hoãn trả nợ được thực hiện tự động bởi Ngân hàng. Thông báo về lịch trả nợ mới sẽ được gửi đến khách hàng đầy đủ qua các kênh thông báo hiện tại như tin nhắn, email… Nếu Khách hàng không muốn hoãn trả nợ, khách hàng có thể thực hiện việc trả nợ như lịch thông thường (không phát sinh thêm các phí trả nợ trước hạn). Việc phân loại nợ đối với các khoản hoãn trả nợ: Không ghi nhận những khoản hoãn trả nợ này là cơ cấu nợ; Không thay đổi phân loại nợ của khách hàng sau khi thực hiện hoãn trả nợ.

II. Các vấn đề vướng mắc đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư 03 theo đúng quy định và báo cáo Chính phủ có giải pháp tháo gỡ

1. Khoản 5 Điều 1 Thông tư 03 (bổ sung Điều 6a Thông tư 01) quy định về trích lập dự phòng rủi ro:

- TCTD cũng bị tác động rất lớn của dịch Covid-19. Ngoài nỗ lực duy trì hoạt động, TCTD còn có trách nhiệm hỗ trợ khách hàng thông qua các biện pháp như cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi suất, phí. Việc hỗ trợ khách hàng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, kết quả kinh doanh của Ngân hàng. Do vậy, quy định các TCTD phải trích tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đến ngày 31/12/2021 (và tỷ lệ phân bổ tương ứng cho các năm tiếp đến) là khá lớn, rất khó cho TCTD. Do đó, cùng với việc nghiên cứu sửa đổi các quy định tại Thông tư 03, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh kéo dài thời hạn trích lập bổ sung (có thể trong 5 năm) và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm tải áp lực tài chính cho các TCTD, giúp các TCTD có thêm nguồn lực vừa phát triển kinh doanh, vừa triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn.

- Việc trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03 có tính đến số lần cơ cấu nợ theo Thông tư 01 sẽ làm tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro cao hơn rất nhiều so với Thông tư 02 do nhiều khách hàng cơ cấu nợ nhiều lần theo Thông tư 01 sẽ bị chuyển lên nhóm 5 (tỷ lệ trích lập 100%). Đây là quy định bất cập, nhiều khách hàng sau khi được cơ cấu lại nợ bị chuyển nhóm nợ và không phù hợp với quy định tại Thông tư 01. Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại quy định này.

- Ngoài ra, với quy định hiện hành thì các TCTD phải theo dõi tay toàn bộ các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hơn nữa số lượng khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể tăng thêm do diễn biến dịch còn kéo dài, gây tốn nguồn lực, dễ nhầm lẫn, sai xót trong tính toán. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu áp dụng công thức tính đơn giản, dễ vận dụng hoặc có hướng dẫn chi tiết để hạn chế sai sót cho các TCTD trong công tác trích lập dự phòng, nhằm hỗ trợ tối đa cho khách hàng.

2. Khoản 1 và Khoản 3 Điều 1 Thông tư 03 quy định về các khoản nợ thực hiện miễn, giảm lãi:

- Theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 02, các khoản nợ sau khi được miễn, giảm lãi phải thực hiện phân loại nợ vào nhóm 3 (do khách hàng suy giảm khả năng tài chính) và Thông tư 02 không có quy định về việc phân loại nợ vào nhóm nợ thấp hơn mặc dù sau khi được miễn, giảm lãi khách hàng đã trả nợ đầy đủ các kỳ tiếp theo. Vì vậy theo quy định tại Thông tư 03, đối với các trường hợp khách hàng được miễn, giảm lãi mặc dù được giữ nguyên nhóm nợ tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện miễn, giảm lãi lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 03, tuy nhiên vẫn phải thực hiện trích lập dự phòng bổ sung phần chênh lệch theo nhóm nợ quy định tại Thông tư 02 (trích lập theo nhóm 3).

- Miễn, giảm lãi theo quy định tại Thông tư 03 với mục đích hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, về mặt bản chất không giống với việc miễn, giảm lãi cho khách hàng theo Thông tư 02 là do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng. Sau khi được miễn, giảm lãi một phần theo Thông tư 03, khách hàng đã thực hiện trả nợ đầy đủ lãi phát sinh các kỳ tiếp theo, tuy nhiên TCTD vẫn phải trích lập dự phòng bổ sung tính trên toàn bộ dư nợ của khách hàng trong trường hợp không được giữ nguyên nhóm nợ (nhóm 3), do vậy không phản ánh đúng thực trạng của khách hàng. Đặc biệt, có trường hợp khách hàng được miễn, giảm lãi với số tiền rất nhỏ nhưng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro trên toàn bộ dư nợ hàng trăm tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng đến tình hình tài chính cho TCTD và chưa phản ánh chính xác rủi ro của khách hàng.

Khoản nợ được miễn, giảm lãi theo quy định tại Thông tư số 03 đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mang tính chất đặc thù. Trường hợp các khách hàng đã trả đầy đủ nợ sau khi được miễn, giảm lãi theo Thông tư 03, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép TCTD không phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo nợ nhóm 3 như quy định tại Thông tư 02.

3. Khoanh nợ đối với dư nợ được cơ cấu:

Dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay là sự kiện bất khả kháng, cần thiết có quy định cho phép các TCTD được khoanh nợ không tính lãi đối với các số dư nợ được cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện nay, việc khoanh nợ không tính lãi mới chỉ được áp dụng đối với các khoản vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 116/2018/NĐ-CP. Việc khoanh nợ không tính lãi trong một thời hạn hợp lý cũng là một trong những giải pháp hết sức cần thiết áp dụng đồng bộ với giải pháp cơ cấu nợ trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và diễn biến khó lường như hiện nay. Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần báo cáo Chính Phủ thiệt hại của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trên cơ sở đó xem xét ban hành Nghị định về khoanh nợ đối với số dư nợ được cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không phân biệt mục đích sử dụng vốn, nhằm chia sẻ khó khăn với hệ thống ngân hàng trong dịch bệnh và đảm bảo an toàn hoạt động.

4. Tiếp cận cơ cấu nợ theo khách hàng thay vì theo dự nợ/khoản vay:

Thông tư 01 và Thông tư 03 đều xây dựng trên quan điểm là cơ cấu “số dư nợ/khoản vay” của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Quan điểm này là phù hợp trong giai đoạn đầu của đại dịch. Tuy nhiên, với diễn biến của đại dịch trong thời gian gần đây thì cho thấy tác động của dịch là đối với toàn bộ nền kinh tế, không biệt đối tượng, ngành nghề hoạt động, chỉ khác nhau về mức độ ảnh hưởng. Do vậy, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có quan điểm tiếp cận cơ cấu nợ “theo khách hàng” thay vì “theo dư nợ/khoản vay” khi tiến hành sửa Thông tư 03 trong thời gian tới.

III. Một số vướng mắc của TCTD liên quan đến quy định giãn cách xã hội hiện nay, đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn

- Hiện nay, tại một số địa phương thực hiện giãn cách, các TCTD gặp vướng mắc khi nhân sự của Ngân hàng bị hạn chế hoặc không được phép ra ngoài tiếp xúc, làm việc với khách hàng trong khi ngân hàng vẫn phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật khi thực hiện hoạt động cấp tín dụng, đặc biệt là cho vay, nhiều khâu trong quy trình cho vay được yêu cầu phải làm việc trực tiếp với khách hàng như thẩm định hồ sơ trên thực tế, ký kết hợp đồng cho vay theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Hơn nữa, tại một số địa bàn phía Nam, hoạt động công chứng bị tạm dừng, làm cho các Ngân hàng không thể hoàn tất thủ tục bảo đảm tiền vay theo đúng quy định pháp luật về biện pháp bảo đảm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động cấp tín dụng. Những lý do trở ngại trên đã hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu vay vốn để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Liên quan đến giao dịch tất toán Tiền gửi tiết kiệm khách hàng cá nhân đang là F0 hoặc các đối tượng thuộc nhóm cách ly. Theo quy định tại Thông tư 48/2018/NHNN và Quy định Tiền gửi Tiết kiệm, khách hàng có nhu cầu tất toán tiền gửi tiết kiệm cần đến quầy giao dịch để thực hiện hoặc giao dịch thông qua người đại diện thông qua hình thức ủy quyền giao dịch. Đồng thời, khách hàng cần cung cấp các Giấy tờ tùy thân và sổ tiết kiệm theo yêu cầu để đảm bảo yếu tố KYC theo quy định. Hồ sơ giao dịch tất toán tiền gửi tiết kiệm yêu cầu có chữ ký và xác nhận bằng văn bản của khách hàng và Ngân hàng. Tuy nhiên, với tình hình dịch Covid-19 kéo dài, các khách hàng nằm trong nhóm F0 hoặc đối tượng thuộc nhóm cách ly và không thể đáp ứng yêu cầu về quy trình giao dịch theo quy định.

Căn cứ phản ánh trên của các TCTD, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà Nước xem xét bổ sung vào nội dung sửa đổi thông tư 03 nêu tại phần I cụ thể:

1. Ban hành chính sách, quy định cho phép tạm thời gia hạn nợ gốc/lãi đến hạn và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ (kể cả nợ thẻ tín dụng, nợ đã được cơ cấu và đến kỳ thanh toán mới theo lịch đã cơ cấu) mà Ngân hàng chưa thể thu được do khách hàng thuộc khu vực phong tỏa hoặc khách hàng bị đi cách ly tập trung hoặc thuộc đối tượng F0 theo hướng dẫn của Bộ Y Tế;

2. Có hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp giao dịch tất toán Tiền gửi tiết kiệm khách hàng cá nhân đang là F0 hoặc các đối tượng thuộc nhóm cách ly để tạo điều kiện cho khách hàng thực hiện giao dịch.

Những vướng mắc của các TCTD trong thực tiễn triển khai Thông tư 03 đã được Hiệp hội Ngân hàng ghi nhận và có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sớm có giải pháp tháo gỡ.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay