Sáng 27/8, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 52/2018/TT-NHNN (Thông tư 52) quy định xếp hạng tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách Tiền tệ, Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện các TCTD, nhóm Công tác Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá cao sự quan tâm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đối với Thông tư 52, bởi tính chất quan trọng, tầm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động qua việc đánh giá, xếp loại chất lượng tài sản, chỉ số an toàn vốn… cũng như việc thực thi đến các quy định liên quan tại các Thông tư 36, Thông tư 41… Thông tư 52 mặc dù mới ra đời chưa đầy 3 năm, bên cạnh những mặt tích cực là góp phần nâng cao tính tuân thủ, kỷ luật, kỷ cương, hạn chế rủi ro, nhận diện được các tổ chức tín dụng yếu kém để phục vụ cho công tác quản lý và đảm bảo an toàn trong hoạt động, đến nay đã bộc lộ khá nhiều vướng mắc do có nhiều quy định còn chưa phù hợp với thực tiễn khách quan, cần được cơ quan quản lý xem xét tháo gỡ, sớm bổ sung, sửa đổi; để việc xếp hạng tổ chức tín dụng đem lại hiệu quả, thực chất.
Ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng trình bày bản tổng hợp những vướng mắc trong thực tiễn thực hiện Thông tư 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và một số ý kiến đóng góp ý đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư sô 52/2018/TT-NHNN.
Nhiều ý kiến đóng góp, đề nghị sửa đổi, bổ sung tập trung vào 12 điều trên tổng số 22 điều của Thông tư 52. Đó là: Về phương pháp xếp hạng; Về nhóm các ngân hàng thương mại để xếp hạng; Về nợ cơ cấu tiềm ẩn thành nợ xấu (Điều 3); Về tiêu chí vốn (Điều 7); Tiêu chí về chất lượng tài sản (Điều 8); Về quản trị điều hành (Điều 9); Tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh (Điều 10); Tiêu chí khả năng thanh toán (Điều 11); Về mức độ nhạy cảm rủi ro thị trường (Điều 12); Ngưỡng tính điểm từng chỉ tiêu định lượng (Điều 14); Về cách tính điểm nhóm chỉ tiêu định tính (Điều 16); Quy định cách tính điểm xếp hạng (Điều 19) Quy định về xếp hạng (Điều 20); Thời hạn và phương thức báo cáo kết quả tự chấm điểm xếp hàng (Điều 21); Về thông báo kết quả xếp hạng (Điều 22)… (*)
Một trong những ý kiến được nêu ra rất đáng chú ý là, tại Thông tư 52 hiện hành và dự thảo sửa đổi bổ sung đều đang chấm điểm dưới dạng tĩnh; đơn lẻ từng năm và căn cứ chủ yếu vào số liệu của tổ chức tại một thời điểm 31 tháng 12, chưa phân tích dưới dạng động ở 1 chu kỳ hoạt động của tổ chức qua các năm trong mối tương quan với các đơn vị cùng nhóm. Cần làm rõ hơn nội dung này khi nhìn nhận quá trình vận động của tổ chức tín dụng qua các năm, việc cải thiện các chỉ số (khả năng sinh lời, an toàn vốn, hanh khoản …) cải thiện tỷ trọng (cấu trúc vốn, cấu trúc tài sản sinh lời…) trong xu thế và định hướng phát triển tương quan với các tổ chức khác trong cùng nhóm về sản phẩm đặc thù, thị phần, định hướng, chiến lược kinh doanh.. để có có bức tranh toan diện về hoạt động của tổ chức trong môi trường có sự anhtr hưởng và tác động lẫn nhau.
Một số ý kiến cho rằng, mục tiêu giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng của thông tư 52 là rất đúng, rất trúng, song cần có cơ chế thích hợp đảm bảo thực thi hiệu quả. Để có sự công bằng trong xếp loại cần có cách ứng xử phù hợp với từng nhóm tổ chức, tiêu chí xếp loại không cào bằng giữa nhóm này với nhóm khác, giữa ngân hàng có vốn chủ sở hữu nhà nước với ngân hàng tư nhân, tổ chức là ngân hàng với công ty tài chính, giữa ngân hàng chủ yếu bán buôn với ngân hàng đang chuyển dịch mạnh sang bán lẻ, giữa việc tăng cường sinh lời qua đẩy mạnh thu dịch vụ tiện ích với nghiệp vụ tín dụng truyền thống. Cần có cơ chế khuyến khích các tổ chức tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, chủ động hạn chế vi phạm; khuyến khích việc tuân thủ, chấp hành quy định, cam kết, có chính sách, định hướng chiến lược phát triển dài hạn; Có cơ chế phù hợp đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện tốt trách nhiệm xã hội… Cần có sự công khai, minh bạch trong công tác thông tin, báo cáo, thông báo đánh giá, xếp loại, để các tổ chức được xếp loại nhìn nhận đúng đắn về kết quả hoạt động, rút kinh nghiệm và tìm ra giải pháp, biện pháp hữu hiệu khắc phục tồn tại, hạn chế đã được tổ chức xếp hạng chỉ ra.
Cùng tham dự hội thảo, đại diện các vụ, cục chức năng Ngân hàng Nhà nước đã ghi nhận, đánh giá cao ý kiến đóng góp của các tổ chức tín dụng hội viên Hiệp hội Ngân hàng, đã đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước trong việc tham gia phản biên cơ chế, chính sách, thiết thực đóng góp xây dựng văn bản quản lý theo hướng tiếp cận sơm nhất với những thay đổi của thực tiễn, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp. Theo ông Nguyễn Phi Lân, Cục trưởng Cục 4 Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước, việc Hiệp hội Ngân hàng tổ chức hội thảo về Thông tư 52, cùng với sự tham dự đông đảo, có nhiều ý kiến đống góp xác đáng từ phía các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã gợi mở nhiều điều đối với cơ quan soạn thảo trong quá trình tiếp thu, bổ sung, sửa đổi Thông tư 52; đặc biệt những vấn đề về phân loại nhóm xếp loại, phương pháp, cách tính xếp loại như ý kiến các đại biểu đã nêu. Với tinh thần cầu thị, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát cũng mong muốn sự phối chặt chẽ với Hiệp hội Ngân hàng để nhanh chóng báo cáo, trình lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét, để Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 52 sớm được ban hành, đi vào thực tiễn cuộc sống.
(*) Xem thêm Vướng mắc vướng mắc trong thực tiễn thực hiện quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và một số ý kiến đóng góp ý đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư sô 52/2018/TT-NHNN (xem tại đây).