Ngày 29/10, Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm của nhóm các công ty tài chính hội viên (theo hình thức trực tuyến). Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ và Cơ quan Thanh tra Giám sát - Ngân hàng Nhà nước; lãnh đạo của 12 công ty tài chính hội viên, lãnh đạo các Ban, đơn vị Cơ quan Thường trực, các Câu lạc bộ và Chi hội của Hiệp hội. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội chủ trì Hội nghị và điều hành thảo luận.
Kết quả đạt được:
Tính đến nay, tổng vốn điều lệ của các công ty tài chính hội viên đạt: 22.195 tỷ, tăng trên 21% so với tổng vốn điều lệ năm 2020 và chiếm khoảng gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính, trong đó công ty đứng đầu về vốn điều lệ là: Fe Credit (10,928 tỷ). Tổng tài sản các công ty tài chính hội viên tính đến cuối tháng 9/2021 đạt khoảng 151.000 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng 2% so với cuối năm 2020; Tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu bình quân: 9-10% trong khi tỷ lệ này vào thời điểm cuối năm 2020 đạt khoảng 6% và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.
Thực hiện theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN, các công ty tài chính đã nỗ lực trong việc cơ cấu nợ, thời hạn trả nợ; miễn, giảm phí, lãi suất cho vay hỗ trợ người vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nổi bật là một số công ty như: Công ty tài chính Fe Credit đã có tới 400 nghìn khoản vay, trị giá khoảng 2 ngàn tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi; Công ty Lotte Finance, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợcho 468 khách hàng với dư nợ 13,9 tỷ đồng, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho467 khách hàng với dư nợ 10,9 tỷ đồng; Công ty Mirae Asset đã hỗ trợ miễn, giảm lãi cho 4.759 khách hàng với tổng số là 7,43 tỷ đồng, hỗ trợ cho 1.430 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay với tổng dư nợ là 45 tỷ đồng; Công ty SHB Finance hỗ trợ cho 3.995 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay với tổng dư nợ được cơ cấu là 104 tỷ đồng; Công ty MB Shinsei hỗ trợ cho 18.493 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ đã được cơ cấu lại là hơn 381 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho 29.320 khách hàng với tổng dư nợ được miễn giảm lãi lũy kế là gần 486 tỷ đồng, ...
Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng theo Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước, các công ty tài chính đã triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, quản trị rủi ro và công tác thu hồi nợ. Trong đó:
Về hoạt động kinh doanh, đã: Nỗ lực phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, tạo ra những sản phẩm tài chính toàn diện, tiếp cận sâu rộng đến khách hàng ở địa bàn xa, với mức lãi suất hợp lý kèm những tiện ích phục vụ hiện đại; Chú trọng đẩy mạnh triển khai các sản phẩm tài chính tiêu dùng trên nền tảng số (Digital Lending), tận dụng ứng dụng CNTT để giảm chi phí bán hàng, hướng tới mức lãi suất cho vay hợp lý để đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng; Thực hiện kiểm soát chặt chẽ, thực hiện đánh giá định kỳ danh mục sản phẩm. Đối với những sản phẩm có nợ quá hạn/nợ xấu cao sẽ được rà soát và điều chỉnh điều kiện sản phẩm, giới hạn doanh số giải ngân hoặc ngừng bán khi chạm ngưỡng giới hạn quản trị rủi ro quy định; Nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, thẩm định khách hàng trước cho vay đối với đội ngũ nhân viên kinh doanh.
Về công tác quản trị rủi ro: Triển khai quyết liệt, toàn diện các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ nhóm 2, nợ xấu phát sinh thông qua việc rà soát chính sách sản phẩm, kiểm soát chất lượng nợ theo cơ cấu sản phẩm/vùng miền/kênh bán để kịp thời có giải pháp điều chỉnh tổng thể danh mục;Áp dụng biện pháp thu hồi nợ linh hoạt theo từng thời kỳ giúp kiểm soát tỷ lệ chuyển nợ quá hạn của khách hàng ngay từ giai đoạn thu hồi nợ sớm; Nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, thẩm định khách hàng, tăng cường kiểm tra giám sát khi cho vay và sau cho vay để đảm bảo chất lượng tín dụng; Tiếp tục hoàn thiện các mô hình thẩm định tương ứng với chiến lược tiếp cận khách hàng trên nền tảng số (Digital Lending) và hoạt động thẻ tín dụng.
Về công tác thu hồi nợ: Tập trung điều chỉnh cách thức tác nghiệp, chính sách phân bổ chỉ tiêu, bổ sung nhân sự cho thu nợ địa bàn, ban hành các chương trình thi đua... nhằm nâng cao năng suất thu nợ và cải thiện nợ xấu; Tăng cường ứng dụng CNTT cho hoạt động thu hồi nợ địa bàn (thông qua Mobile Apps Collection) giúp cải thiện năng suất và hiệu quả thu hồi.
Có được kết quả trên, các công ty tài chính đã bám sát, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng của Ngân hàng Nhà nước, chú trọng việc mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay, giúp người dân tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức. Các công ty tài chính đã thiết lập mạng lưới các điểm giới thiệu dịch vụ rộng khắp, chú ý đến địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội và hạn chế tín dụng đen. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thẩm định phê duyệt hồ sơ khách hàng, ngoài các nguồn thông tin khách hàng cung cấp, các công ty tài chính đã tăng cường bổ trợ thêm các nguồn thông tin từ các kênh thay thế, tăng cường hệ thống hóa và tự động hóa (tự động xác minh địa chỉ khách hàng; tự động xác minh số điện thoại tham chiếu; kiểm tra thông tin lịch sử tín dụng...
Nhiều khó khăn, thách thức:
Hoạt động của các công ty tài chính có tính đặc thù, riêng biệt: vốn kinh doanh chủ yếu dựa nguồn vay thương mại;đối tượng vay vốn chủ yếu là những người lao động có thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội; địa bàn phân tán; món vay nhỏ lẻ... chi phí đầu vào cao đẩy lãi suất cho vay cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Việc thẩm định, xác minh, quản lý hồ sơ vay vốn, việc thu nợ khó khăn do những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động và sự hiểu biết của các đối tượng vay tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, nợ xấu tăng mạnh.
Khó khăn phát sinh từ dịch bệnh Covid-19: Trong 9 tháng đầu năm 2021, đặc biệt từ quý II đến quý III2021,dịch covid -19bùng phát lần thứ 4 đã có khoảng 20 tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Việc giãn cách trong thời gian dài đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ các hoạt động của nền kinh tế. Hoạt động của các công ty tài chính là một trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Nhiều khách hàng là F1, Fo hoặc ở trong khu vực giãn cách không thể giao tiếp được với các công ty để làm các thủ tục theo quy định, đa phần các Điểm giới thiệu dịch vụ đều phải duy trì số lượng tối thiểu cán bộ nhân viên (làm việc luân phiên hoặc 3 tại chỗ) và/hoặc tạm thời đóng cửa, dẫn đến khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng để giới thiệu sản phẩm cũng như thu phí dịch vụ, thu nợ, xử lý nợ xấu,... (do khách hàng phải hạn chế đi lại, các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ bị đóng cửa).Những yếu tố này vừa tác động lớn đến doanh số giải ngân và thu nợ dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm. Thực hiện các thông tư của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu nợ, thời hạn trả nợ, miễn giảm phí lãi suất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19 quy định chung cho các tổ chức tín dụng, phân định rõ tính đặc thù của hoạt động tài chính tiêu dùng. Các công ty tài chính đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc khi phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro… là rất lớn.
Vướng mắc từ cơ chế, chính sách: Trong quá trình hoạt động, các công ty tài chính căn cứ vào Nghị định 39/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước để triển khai như Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-NHNN; Thông tư số 39/2016/TT-NHNN; Thông tư số 43/2016/TT-NHNN; Văn bản hợp nhất số 39/VBHN-NHNN; Thông tư số 19/2016/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi bổ sung. Tuy nhiên, quá trình thực thi còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập và hạn chế, tập trung vào những nội dung sau:
- Về thực hiện Thông tư số 43/2016/TT-NHNN và Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 43 về quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính và Văn bản hợp nhất số 39 - hợp nhất TT43 và TT18:vướng mắc về nhu cầu, mục đích vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng còn bị hạn chế; Quy định về tổng dư nợ và tỷ lệ tối đa cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng chưa phù hợp với nhu cầu người vay (đối tượng ở khu vực nông thôn, yếu thế, mức vay ít, phục vụ tiêu dùng thiết yếu là chủ yếu); Quy định về điểm giới thiệu dịch vụ (địa điểm, hợp đồng,...) làm hạn chế kênh tiếp cận, cung ứng sản phẩm, dịch vụ khách hàng; Quy định về chỉ tiêu an toàn, tỷ lệ nợ xấu,quy định nội bộ (nhắc nợ, kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay), trách nhiệm của công ty tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, … chưa phù hợp với đặc thù và tính chất hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng, mức độ rủi ro của khách hàng ở mức cao hơn so với các loại hình tổ chức tín dụng khác,...
- Về thực hiện Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay:
Các tiêu chí cho vay tiêu dùng hiện chưa phù hợp, như: Mức lãi chậm trả theo quy định tối đa không quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả như vậy là tương đối thấp, gây khó khăn cho các công ty tài chính khi cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm; Việc yêu cầu khách hàng gửi hồ sơ về phương án sử dụng vốn khả thi tương đối bất cập (Mục đích vay tiêu dùng đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 43/2016/TT-NHNN và giá trị khoản vay thấp tối đa không quá 100 triệu); Quy định về chủ thể vay vốn, thời hạn vay vốn, điều kiện vay vốn, quy định về nhu cầu vốn không được cho vay,... còn vướng mắc.
Về áp dụng cho vay sử dụng phương thức điện tử:các công ty đều đang từng bước số hóa các hoạt động của công ty nói chung và hoạt động cho vay nói riêng, tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định hướng dẫn, điều chỉnh về hoạt động cho vay điện tử này dẫn đến sự không đồng nhất trong cách hiểu, áp dụng pháp luật.
Quy định giới hạn tăng trưởng tín dụng cũng hạn chế khả năng tăng trưởng về quy mô và điều hòa tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính, do nhu cầu của khách hàng vay tăng lên nhất là sau dịch Covid-19 và chưa phù hợp với đề án tái cơ cấu đã được Thống đốc phê duyệt.
Kiến nghị của các công ty tài chính hội viên:
Thảo luận tại Hội nghị sơ kết hoạt động, các đại biểu tham dự đều nhất trí cao với những kết quả đã đạt được của nhóm công ty tài chính trong 9 tháng đầu năm 2021. Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của nam 2021, đặc biệt thích ứng linh hoạt, an toàn với diễn biến dịch bệnh Covid-19 trong trang thái bình thương mới, các ý kiến tham luận cũng đã bày tỏ với Chính phủ tiếp tục duy trì và chỉ đạo có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19 để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, phục hồi sản xuất - kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh khung pháp lý, tháo gỡ vướng mắc cho công ty tài chính trong hoạt động cho vay tiêu dùng.
Đề nghị các cơ quan quản lý từng bước rà soát lại các Thông tư, các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, Luật các TCTD để hạn chế thấp nhất sự chồng chéo; điều chỉnh các quy định cho phù hợp hơn với đặc thù hoạt động của Công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt trong giai đoạn đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19.
Xem xét những vướng mắc, bất cập của các TCTD hiện nay trong thực tiễn thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN để sửa đổi, bổ sung, đưa ra giải pháp hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng và trực tiếp các Công ty tài chính tiêu dùng, có hướng dẫn đối với giao dịch trong thời gian thực hiện giãn cách, khách hàng thuộc diện F0, F1,..
Xem xét chỉnh sửa, bổ sung quy định tại Thông tư 43 với những nội dung:
- Điều chỉnh các quy định, chỉ tiêu an toàn cho phù hợp hơn với đặc thù hoạt động của Công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt trong giai đoạn đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19; xem xét tỷ lệ nợ xấu định hướng riêng cho nhóm công ty tài chính, theo trung bình các công ty tài chính tiêu dùng, phù hợp đặc thù ngành. Đồng thời kịp thời hoàn thiện, bổ sung các văn bản hướng dẫn (hành lang pháp lý) áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số như eKYC, định danh số, chữ ký số, chữ ký điện tử, bao gồm cả việc giải quyết các tranh chấp đối với các giao dịch được thiết lập dưới hình thức chữ ký số, chữ ký điện tử, hướng dẫn phương thức thanh toán qua ví điện tử…
- Điều chỉnh lộ trình giảm tỷ lệ tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho Khách hàng so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của Công ty tài chính để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thiết thực của người dân để hạn chế họ tìm đến “tín dụng đen” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường; đồng thời, nhằm chuẩn bị các cơ sở cho hoạt động phục hồi sau đại dịch.
- Sửa đổi quy định về điểm giới thiệu dịch vụ theo hướng mở hơn, cho phép các Công ty tài chính mở các điểm giới thiệu dịch vụ để giới thiệu đa dạng các sản phẩm, dịch vụ đến khách hàngphù hợp với điều kiện, đặc thù hoạt động của Công ty tài chính tiêu dùng.
- Cho phép ký hợp đồng tại các Điểm giới thiệu dịch vụ giúp các công ty tài chính giảm thiểu được thời gian, quy trình thủ tục xử lý hồ sơ thay vì thực hiện xử lý tập trung, từ đó giúp khách hàng tiếp cận được với khoản vay một cách nhanh chóng, và sẽ hạn chế khách hàng tìm đến nguồn tín dụng dụng đen;cho phép hoạt động thu hồi nợ tại các Điểm giới thiệu dịch vụ cũng sẽ giúp cho các công ty tài chính chủ động triển khai các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ một cách nhanh chóng, kịp thời qua đó hạn chế phát sinh nợ xấu mới.
- Tùy theo mức độ và tính chất của các khiếu nại từ phía khách hàng, tổ chức, công ty tài chính gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết trong thời hạn 48 (bốn mươi tám) giờ kể từ khi tiếp nhận khiếu nại về số tiền cho vay, lãi suất, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ theo quy định tại hợp đồng cho vay tiêu dùng.Do đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung “thực hiện cam kết giải quyết khiếu nại với khách hàng trong thời gian sớm nhất” để phù hợp hơn với tình tình hoạt động thực tế của các công ty tài chính.
- Nới rộng phạm vi hoạt động của các công ty tài chính để đa dạng hóa dịch vụ, tối ưu hóa các nguồn lực, tăng doanh thu để từ đó kéo chi phí vốn, chi phí hoạt động xuống, làm tiền đề để giảm lãi suất cho vay đồng thời có thể sử dụng data khách hàng từ các dịch vụ khác để đánh giá năng lực tài chính cũng như hỗ trợ công tác thu hồi nợ.
Xem xét chỉnh sửa, bổ sung quy định tại Thông tư 39 với những nội dung:
- Xem xét đưa ra tiêu chí cho vay phù hợp với khách hàng cá nhân vay tiêu dùngtrong đó điều chỉnh mức lãi chậm trả lãi và xem xétbổ sung các quy định cho phép các công ty tài chính có thể chủ động trong việc áp dụng các quy định về cho vay theo hướng tinh gọn thủ tục, trình tự vay vốn (hồ sơ vay vốn; phương thức/cách thức thẩm định, phê duyệt; xác lập hợp đồng/thỏa thuận cho vay; thẩm định, phê duyệt; đến xác lập hợp đồng/thỏa thuận cho vay; giải ngân vốn vay) trên cơ sở bảo đảm an toàn và tự chịu trách nhiệm về chất lượng tín dụng để phù hợp hơn với đặc thù công tác thu hồi nợ và đối tượng khác hàng vay vốn của các công ty tài chính.
- Đề nghị Ngân hàng nhà nước xem xét nghiên cứu, ban hành các hành lang pháp lý cụ thể về hoạt động cho vay có sử dụng các phương thức điện tử theo hướng bổ sung quy định cho phép tổ chức tín dụng được chủ động quyết định áp dụng phương thức thẩm định, phê duyệt tín dụng một cách linh hoạt trên cơ sở bảo đảm được yếu tố độc lập và an toàn (phê duyệt tín dụng qua phương thức điện tử, quy định về chữ ký điện tử, xác lập thỏa thuận cho vay trên các kênh trực tuyến,...); Tạo điều cho công ty tài chính được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để giúp công ty tài chính định vị khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn đồng thời hỗ trợ cho công tác thu hồi nợ.
Đề xuất được Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng cơ chế tăng trưởng linh động, không áp trần tăng trưởng tín dụng (hoặc nới lỏng room tín dụng) đối với các Công ty tài chính sau khi nền kinh tế đã kiểm soát được dịch bệnh covid nhằm hỗ trợ các công ty trong công tác cung ứng vốn cho người dân phục hồi việc kinh doanh hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống.; bên cạnh đó có cơ chế hỗ trợ vốn cho khối tài chính tiêu dùng để các công ty tài chính có thể giảm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh những đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan quản lý về cơ chế chính sách, các ý kiến nhấn mạnh việc các tổ chức hội viên phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng đẩy mạnh truyền thông hoạt động cho vay tiêu dùng chính thống tới khác hàng; tạo cơ chế để các công ty tài chính phối hợp cùng các cơ quan nhà nước … để truyền thông tới người dân, người lao động nâng cao nhận thức và hiểu rõ về các dịch vụ của công ty tài chính, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính hợp pháp, giảm thiểu hoạt động tín dụng đen, ổn định đời sống xã hội của người dân.