Thứ ba, 15/10/2024
   

Ngân hàng đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho doanh nghiệp

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ngoài sự nỗ lực của ngành ngân hàng nhằm đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho doanh nghiệp thì các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động doanh nghiệp để các tổ chức tín dụng có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

Chiều ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có: Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đồng chí Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội.

Dự Hội nghị có các đại biểu đại diện các Vụ, Cục, đơn vị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện các ngân hàng thương mại; các sở, ban ngành, các hiệp hội doanh nghiệp cùng trên 200 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc hội nghị

Ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong năm 2022, trước những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức cao, lạm phát trong tầm kiểm soát, thị trường tiền tệ ngoại hối ổn định, tỷ giá, lãi suất được điều hành phù hợp, VND là một trong những đồng tiền ổn định trên thế giới và khu vực, mặt bằng lãi suất giảm dần… những thành quả đó được các nhà đầu tư trong nước, thế giới ghi nhận.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, bối cảnh trong nước đang ở giai đoạn vô cùng khó khăn, thách thức. Cụ thể, bối cảnh thế giới biến động phức tạp khó lường, chưa hết ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 lại bị đã ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tăng cao trên toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ của một số nước. Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhập khẩu nên không thể tránh khỏi ảnh hưởng.

Với những tác động từ trong và ngoài nước khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chậm lại.đã làm giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, khiến tăng trưởng tín dụng chậm. Do vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ cũng không nằm ngoài thách thức đó.

Tuy nhiên, với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tập trung điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng; Điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; Điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế; Rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng; Chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong một số ngành, lĩnh vực chủ chốt (như bất động sản, nông sản xuất khẩu chủ lực, công nghiệp và xây dựng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã,...); Ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp (NH-doanh nghiệp) trên toàn quốc, các hội nghị chuyên đề, hội nghị vùng,…

“Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành Ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn TP.Hà Nội. Tôi hy vọng rằng với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND, HĐND, cùng với các Sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên BCH trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho doanh nghiệp

Báo cáo tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 của toàn ngành khoảng 14-15%. Tính đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1% so với cuối năm 2022.

Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông từ 02) cũng góp phần hỗ trợ các ngân hàng có nguồn lực và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn tín dụng. Đến cuối tháng 8, tổng giá trị nợ (gốc +lãi) được cơ cấu thời đạt gần 121.000 tỷ đồng, với gần 124.000 lượt khách hàng.

Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 cũng đạt doanh số gần 155.000 tỷ đồng vào cuối tháng 7, dự nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 56.000 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng, số tiền hỗ trợ lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 681 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực bất động sản, bà Giang thông tin: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo và yêu cầu các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định.

Đồng thời, tổ chức tín dụng xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng yêu cầu các ngân hàng có văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. Hiện, ngân hàng BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh với số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đã có 13 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Đến nay, doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng (bằng 37% tổng số tiền cam kết cho vay theo chương trình), cho 2.000 lượt khách hàng vay vốn.

Đối với địa bàn thành phố Hà Nội, bà Giang cho biết, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc: 5,56%, cao hơn mức tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Hồng: 8,35%); quy mô tín dụng của thành phố đứng thứ 2 toàn quốc, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng

Theo bà Hà Thu Giang, dù toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới ngành Ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực, cụ thể:

Một là, tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của Thành phố. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu); xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo Danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại với giá rẻ.

Hai là, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo tổ chức tín dụng tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trọng tâm là Chương trình hỗ trợ lại suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại, các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực; Kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; kiểm soát chất lượng tín dụng và ngăn ngừa nợ xấu.

Ba là, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân; Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.

Bốn là, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023.

Năm là, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp…

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Nguồn vốn tín dụng ngân hàng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển ổn định

Phát biểu tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội, các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội đều bày tỏ lời cảm ơn đối với ngành Ngân hàng đã đồng hành và chia sẻ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bà Trịnh Thị Ngân, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội chia sẻ, thời gian qua đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP. Hà Nội và các ngân hàng trên địa bàn để liên tục triên khai các cuộc trao đổi giữa ngân hàng-doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Qua các chương trình kết nối, các doanh nghiệp trên địa bàn đã được vay với số tiền là 553 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp khối xuất khẩu (chiếm số đông doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội) rất vui mừng khi tỷ giá ổn định.

Bà Nguyễn Thị Thu Thương, Tổng Giám đốc, Công ty Nagakawa chia sẻ, để doanh nghiệp phát triển như hiện nay, Nagakawa đã nhận được sự đồng hành của các ngân hàng, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển ổn định.

Phát biểu của các đại biểu tại Hội nghị cho thấy, mặc dù toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của , song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế lên ngành Ngân hàng…

Bên cạnh đó là, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: Cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản; sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Đánh giá cao sự đồng hành của các ngân hàng nhưng trước những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội đề nghị, các ngân hàng xem xét cắt giảm thủ tục hành chính để các doanh nghiệp tiếp cận vốn với thời gian ngắn hơn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Bàn chủ toạ tại hội nghị

Bà Trịnh Thị Ngân, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục cải cách hành chính, rút ngắn thời gian, thủ tục hồ sơ tín dụng để doanh nghiệp tiếp cận vốn nhanh hơn. Đồng thời, Chính phủ cần nâng cao vai trò của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần cho phép bảo lãnh tín chấp. Đồng thời xem xét giảm phí đẻ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trước những khó khăn doanh nghiệp hiện nay, đại diện các ngân hàng phát biểu cũng bày tỏ cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, với những giải pháp cụ thể như: Cải cách thủ tục hành chính, giảm lãi suất, giảm phí…

Ngân hàng luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển ổn định

Tại hội nghị, đại diện các ngân hàng đã có những chia sẻ về kết quả đạt được trong thời gian qua trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban điều hành VietinBank cho biết, bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, VietinBank cũng triển khai nhiều chương trình, gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt trên địa bàn TP. Hà Nội, có thể kể đến như: Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% trên địa bàn Hà Nội đã đạt hơn 1.000 tỷ đồng; triển khai gói 30.000 tỷ đồng cho vay xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở khu công nhân; cho vay các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, với tổng dư nợ trên địa bàn TP. Hà Nội đạt khoảng 42 nghìn tỷ đồng; lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm từ 2-3%; tiếp tục ưu đãi phí, giảm phí cho khách hàng….

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, TP. Hà Nội là 1 trong 2 khu vực trọng điểm của Vietcombank, với 16 chi nhánh. Quy mô huy động vốn của ngân hàng trên địa bàn đạt 359 nghìn tỷ đồng (chiếm 27% huy động vốn toàn hệ thống), tổng dư nợ là 250 nghìn tỷ đồng (chiếm 22% trên toàn hệ thống). Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn, chủ yếu vào sản xuất kinh doanh. Đến hết tháng 8/2023, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,72%.

Ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Techcombank cũng cho biết, đồng hành cùng các doanh nghiệp, thời gian qua, Techcombank đã có 4 đợt giảm lãi suất cho vay. Đối với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, ngân hàng đã thực hiện đồng loạt trên toàn hệ thống. Tính đến cuối tháng 8/2023, tổng dư nợ hỗ trợ lãi suất trong năm 2023 là gần 12 nghìn tỷ đồng, với số tiền hỗ trợ lãi suất là hơn 60 nghìn tỷ đồng, trong đó địa bàn Hà Nội có 30 doanh nghiệp với tổng dư nợ là 70 tỷ đồng. Trong hoạt động cấp tín dụng, Techcombank cũng liên tục áp dụng công nghệ mới và thay đổi chính sách tín dụng để bảo đảm được thời gian cũng như năng lực đáp ứng vốn kịp thời cho khách hàng…

Ông Đinh Tiến Đông -, Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Nội cho biết, để hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp Agribank đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, bao gồm: Xây dựng lại các cơ chế nội bộ, cắt giảm thời gian thủ tục để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn; giảm lãi suất cho vay; chỉ đạo các chi nhánh trên địa bàn TP. Hà Nội thực hiện đúng các chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cơ cấu lại nợ, đẩy mạnh cấp tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Tính riêng Agribank Hà Nội, đến ngày 31/8/2023, Agribank chi nhánh Hà Nội đã 5 lần giảm lãi suất cho vay, với mức giảm từ 1,3 – 2,5% đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 2 – 3% đối với lĩnh vực tiêu dùng, 3 – 4% đối với lĩnh vực bất động sản; thực hiện 7 chương trình ưu đãi tín dụng, lãi suất thấp hơn từ 2 – 3 % so với lãi suất cho vay thông thường…

Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trong những tháng cuối năm 2023, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất, giảm dần mặt bằng lãi suất huy động từ đó có cơ sở để giảm lãi suất cho vay; tiết giảm chi phí theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… “Vietcombank cam kết từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục lộ trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng”, ông Nguyễn Thanh Tùng cam kết và cho biết: “Toàn bộ khách hàng có dư nợ hiện hữu đều được giảm lãi suất. Theo tính toán sẽ có hơn 200 nghìn khách hàng được giảm lãi suất, với tổng dư nợ bình quân là khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Với quyết định này, Vietcombank sẽ giảm khoảng 1.800 tỷ lợi nhuận trong năm 2023”.

Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện ngân hàng đề nghị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, sớm có giải pháp cho phép xác thực định danh khách hàng cá nhân; Chính phủ và các bộ ngành có giải pháp kích thích tổng cầu, đẩy nhanh vòng quay vốn trong nền kinh tế, gia tăng nhu cầu tín dụng với ngân hàng; đẩy mạnh việc cấp thủ tục pháp lý liên quan đến các dự án đầu tư, trong đó có các dự án liên quan đến bất động sản; hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai…

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Quang cảnh hội nghị

Tăng cường các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ, năm 2023 là năm rất quan trọng. Hà Nội là trung tâm kinh tế, nơi đóng trụ sở của các Tập đoàn Kinh tế và các ngân hàng, do đó, Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp rất có ý nghĩa và quan trọng.

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho biết, 9 tháng năm 2023 kinh tế cả nước và Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức. Thu ngân sách đạt trên 83%, đầu tư công đạt 53%... trong đó có sự đóng góp không nhỏ của người dân, doanh nghiệp và ngành Ngân hàng. Hà Nội lập tổ công tác tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cả về thủ tục, cả về tạo thị trường để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt hơn.

Cho rằng trong ngân hàng chi phí tài chính là quan trọng, tuy nhiên, lãnh đạo TP Hà Nội rất mong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hướng dẫn các ngân hàng cải cách hành chính, thủ tục phù hợp để doanh nghiệp dễ tiếp cận. “Hơn 370.000 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội với những số phận khác nhau. Các ngân hàng đã quan tâm rồi, mong các ngân hàng tiếp tục quan tâm hơn nữa để các doanh nghiệpcó thể tiếp cận được nguồn vốn phục hồi sản xuất kinh doanh”- Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nói.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu năm 2023 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Riêng trên địa bàn TP Hà Nội, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc 5,56%, cao hơn mức tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng 8,35%); quy mô tín dụng của TP đứng thứ 2 toàn quốc.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mặc dù toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản; sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngành Ngân hàng luôn chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Hiện nay, Luật tổ chức tín dụng quy định các tổ chức tín dụng yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án dự án khả thi, khả năng tài chính để đảm bảo khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn đúng mục đích. Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng quy định như vậy. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định khoản vay bắt buộc phải có tài sản đảm bảo (thực tế các tổ chức tín dụng vẫn cho vay tín chấp nếu khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo và không quy định tài liệu khách hàng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng để chứng minh đủ điều kiện vay vốn.

Yêu cầu đẩy mạnh triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Thống đốc đề nghị các ngân hàng rà soát, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tham mưu để có thể điều chỉnh tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống.

Cùng với đó, chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.

Mặt khác, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về các sản phẩm dịch vụ,chính sách hỗ trợ đối với khách hàng và các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm nâng cao sự hiểu biết và tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội. Đăng tải đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách của ngân hàng triển khai để khách hàng nắm bắt đầy đủ thông tin về chương trình, sản phẩm cho vay của khách hàng, cũng như cách thức tiếp cận vốn.

Để ngành Ngân hàng trên cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng có thể triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mong nhận được sự quan tâm, phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía UBND Thành phố, các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Trong đó, về phía các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động doanh nghiệp để các tổ chức tín dụng có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…) để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Khẳng định tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành Ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hy vọng với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND, HĐND, cùng với các Sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo SBV
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay