Tài sản thanh lý ngân hàng để bảo đảm xử lý thu hồi nợ của các ngân hàng hiện khá sôi động với thông tin được công bố trên nhiều kênh công khai và dễ tiếp cận. Dạo một vòng qua website của các ngân hàng hoặc các công ty xử lý nợ của các ngân hàng, có thể thấy mục “thanh lý tài sản thế chấp”, “phát mại tài sản”, “thu giữ/bán đấu giá tài sản”… nằm ngay giao diện chính để khách hàng dễ thấy, dễ truy cập.
Gõ trên google từ khóa “tài sản thanh lý ngân hàng”, khách hàng cũng dễ dàng tìm thấy nhiều thông tin về thanh lý tài sản thế chấp qua mạng xã hội zalo, facebook, các trang giao dịch bất động sản.
Không bàn đến các tài sản thế chấp là dự án, máy móc, công cụ sản xuất… do tính phức tạp trong việc định giá. “Săn” mua tài sản thanh lý ngân hàng là bất động sản như nhà đất, đất nền, chung cư hoặc động sản là ô tô, cũng là sự lựa chọn về một kênh đầu tư của không ít người do giá cả khá cạnh tranh so với thị trường. Như ngân hàng VIB đang thanh lý một loạt ô tô thương hiệu khác nhau, trong đó có chiếc Mercedes E300 2017, đã đi được hơn 74.000km, với giá 1,12 tỉ đồng trong khi giá thị trường của dòng xe này khoảng 1,8 tỉ đồng. Quy trình mua xe ô tô này được VIB giới thiệu khá đơn giản gồm liên hệ hoặc đăng ký với nhân viên, chờ xác nhận, đóng tiền mua tài sản…
Có nhu cầu tìm mua bất động sản là đất nền ở vùng ven TP HCM, anh Trung Kiên được cán bộ tín dụng một ngân hàng cổ phần ở TP HCM tư vấn thủ tục giao dịch tài sản thanh lý ngân hàng không phức tạp, thậm chí là quy trình rất “chuẩn và nhanh gọn”. Cán bộ tín dụng này cũng cho biết, nếu khách hàng có nhu cầu mua một bất động sản sẽ được đi xem trực tiếp, sau đó tùy bất động sản có thể áp dụng mua theo giá thỏa thuận hoặc theo đấu giá.
“Tài sản phát mại qua ngân hàng thường sẽ có đầy đủ giấy tờ pháp lý nên không lo ngại tranh chấp. Thời gian chuyển nhượng tài sản kể từ thời điểm khách hàng quyết định mua, đến khi chuyển nhượng sổ và bàn giao có thể chỉ 10 ngày”, cán bộ tín dụng này nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, nhận định hiện các quy định của pháp luật liên quan đến tài sản thanh lý ngân hàng là đầy đủ; việc mua tài sản thanh lý này là dễ và chuẩn nhờ tính pháp lý rõ ràng.
Ở góc độ pháp lý, thủ tục bán tài sản thanh lý ngân hàng qua đấu giá là một hoạt động công khai, minh bạch và ngày càng phổ biến vì bảo đảm quyền lợi và an toàn pháp lý nhất cho tất cả các bên tham gia, bao gồm chủ tài sản, ngân hàng và khách mua. Các tài sản thanh lý đã được ngân hàng thẩm định qua nhiều bộ phận trước khi nhận thế chấp để cho vay trước đó. Ngoài ra, ngân hàng là tổ chức lớn và có uy tín trên thị trường nên khi mua tài sản thanh lý, khách hàng sẽ luôn được hỗ trợ trong quá trình mua bán, sang tên tài sản.
Theo tìm hiểu, lợi thế của các ngân hàng trong rao bán tài sản thế chấp, tài sản thanh lý ngân là là mạng lưới cho vay phân bố cả nước và sản phẩm thế chấp phong phú, nguồn tài sản thanh lý là bất động sản, ô tô với nhiều vùng giá, tại nhiều địa bàn và phân khúc khác nhau… Do đó, có thể đáp ứng được cả nhu cầu đầu tư và sử dụng của người mua.
Để tạo thuận lợi cho khách hàng, một số ngân hàng đã tiên phong cải tiến hoạt động thanh lý tài sản, quy trình mua bán công khai, minh bạch, nhanh chóng. Chẳng hạn, website của ngân hàng VIB liên quan đến việc đăng sản phẩm thanh lý được thiết kế chuyên nghiệp và bắt mắt. Người mua có thể tìm thấy các sản phẩm từ xe sang như BMW, Mercedes đến xe tải, xe ô tô phân khúc bình dân; hoặc bất động sản tại nhiều khu vực như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương với mức giá từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng rồi bất động sản tại Tây Nguyên, miền Tây, chung cư tại TP HCM với mức giá chỉ vài trăm triệu đồng.
Chưa hết, khách hàng cũng có thể mua tài sản thanh lý ngân hàng bằng vốn vay của chính ngân hàng đó. VIB đang áp dụng ưu đãi rất mạnh cho các khoản vay mua tài sản thanh lý bởi ngân hàng này để hỗ trợ khách hàng. Cụ thể, lãi suất vay mua tài sản thanh lý chỉ từ 6%/năm và đặc biệt được ân hạn gốc trong 18 tháng đầu, số tiến vay đến 90% nhu cầu vay vốn hoặc 80% giá trị tài sản.
Thông tin rõ ràng để xóa định kiến về tài sản thanh lý ngân hàng
Theo một số chuyên gia tài chính, tâm lý e ngại thủ tục mua bán và pháp lý của tài sản thanh lý ngân hàng, một bộ phận khách hàng vẫn lựa chọn mua tài sản thông thường khác, thay vì mua tài sản thanh lý dù giá tốt, pháp lý rõ ràng… Để xóa định kiến về tài sản thanh lý, ngành ngân hàng cần thông tin rõ ràng, minh bạch về các tài sản này, trình tự thủ tục mua bán cũng như những ưu điểm, giá bán hấp dẫn so với thị trường. Từ đó sẽ khuyến khích nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tham gia thị trường không kém sôi động và nhiều lợi ích này.