Thứ năm, 14/11/2024
   

Một số hoạt động nổi bật của Tổ chức hội viên trong tháng 5

Số liệu cập nhật từ Ban Công tác hội viên cho thấy, trong tháng 5/2022, các Tổ chức hội viên có một số hoạt động động nổi bật, như: thay đổi nhân sự cấp cao, tiếp tục tăng vốn điều lệ, tái cấu trúc, mở rộng mạng

Số liệu cập nhật từ Ban Công tác hội viên cho thấy, trong tháng 5/2022, các Tổ chức hội viên có một số hoạt động động nổi bật, như: thay đổi nhân sự cấp cao, tiếp tục tăng vốn điều lệ, tái cấu trúc, mở rộng mạng lưới…

Về hoạt động tín dụng:

Tính đến cuối quý 1, Top 10 ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất hiện đang cho vay hơn 6,22 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 80% trong 27 ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán.Đứng đầu danh sách vẫn là 3 ngân hàng lớn:Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với dư nợ cho vay khách hàng lần lượt là 1,418 triệu tỷ đồng, 1,23 triệu tỷ đồng, 1,029 triệu tỷ đồng.Ngân hàng Quân đội (MB) đã vượt qua Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) để giữ vị trí thứ tư trong danh sách với dư nợ cho vay khách hàng là 416 nghìn tỷ đồng. Ở vị trí thứ 5 là Sacombank với 413 nghìn tỷ đồng.Ở nửa sau của danh sách, Ngân hàng Á Châu (ACB) vươn lên vị trí thứ 6 với dư nợ tín dụng đạt hơn 380 nghìn tỷ đồng; tiếp theo là Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) với dư nợ 374 nghìn tỷ đồng; Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với dư nợ 366 nghìn tỷ đồng và Ngân hàng Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) với dư nợ 225 nghìn tỷ đồng.

Đối với Top 10 tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng nhanh nhất, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) đứng đầu danh sách khi tăng trưởng hơn 14,3% so với đầu năm; tiếp theo MB với tăng trưởng 14,3%; vị trí thứ 3 là HDBank với tăng trưởng 10,8%; Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) tăng trưởng gần 8,8% xếp thứ 4. VietinBank đứng vị trí thứ 5 khi ghi nhận tăng trưởng 8,75%.Vietcombank cũng lọt vào top 10 khi tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng đạt 7,09%; tiếp theo là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) và Sacombank với tăng trưởng lần lượt là 6,87%, 6,83% và 6,47%. Xếp thứ 10 là Ngân hàng An Bình (ABBank) với tăng trưởng đạt 6,45%.

Eximbank tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 2

Sau kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông vào cuối tháng 4 vừa qua bất thành do không đạt đủ số lượng cổ đông tham dự, ngày 27/5, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 2.

Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với: lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu đạt 2.500 tỷ đồng (tăng 107,5% so với năm 2021). Tổng tài sản đạt 179.000 tỷ đồng, tăng gần 8%. Dư nợ tín dụng lên kế hoạch đạt 127.149 tỷ đồng, tăng 10%, tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 1,7%, huy động vốn tổ chức kinh tế và dân cư mục tiêu đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 7,4%. Đại hội cũng đã thông qua phương án tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận để lại của 5 năm từ năm 2017 đến năm 2021. Số vốn tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng với dự kiến đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, trụ sở làm việc, đầu tư công nghệ,... và mở rộng hoạt động kinh doanh. Như vậy, đây sẽ là lần đầu tiên Eximbank thực hiện chia cổ tức cho cổ đông kể từ năm 2014. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, nguyên Chủ tịch ngân hàng là ông Yasuhiro Saitohcho cho biết, năm 2022, Eximbank đã thỏa mãn điều kiện cuối cùng để chia cổ tức. Lần chia cổ tức gần đây nhất là 4% cho năm 2013. Ngân hàng không thể chia cổ tức trong những năm qua do chưa thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông.

Một số thay đổi nhân sự lãnh đạo các Tổ chức hội viên

HDBank công bố nghị quyết của HĐQT bầu ông Kim Byoungho - thành viên HĐQT độc lập giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank vào đầu tháng 5/2022 thay thế bà Lê Thị Băng Tâm. Việc ông Kim Byoungho - người từng là Chủ tịch và Tổng Giám đốc - vị trí lãnh đạo cấp cao nhất tại Hana Bank - trở thành Chủ tịch HĐQT HDBank thể hiện tầm nhìn của cổ đông đưa các chuẩn mực quốc tế tốt nhất vào công tác quản trị của HDBank trong giai đoạn phát triển mới và hội nhập quốc tế. HHNH cũng đã kịp thời gửi Thư chúc mừng tân Chủ tịch HĐQT của HDBank.

Ngân hàng Phương Đông (OCB) công bố thông tin miễn nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư đối với ông Lý Hoài Văn sau khi tiếp nhận đơn đề nghị chấm dứt Hợp đồng lao động của ông Văn vì lý do cá nhân. Trước đó, ông Lý Hoài Văn được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư OCB kể từ tháng 11/2017.

Ngân hàng Quốc Dân (NCB) công bố Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Đình Tuấn đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc thường trực kể từ ngày 13/5. Đồng thời, HĐQT cũng ra quyết định thôi đảm nhiệm chức danh Quyền Tổng giám đốc theo nguyện vọng cá nhân của bà Dương Thị Lệ Hà và giao bà Hà đảm nhận vị trí Phó Tổng giám đốc NCB.

Như vậy, tính đến ngày 13/05/2022, Ban Điều hành NCB gồm có: ông Nguyễn Đình Tuấn - Phó Tổng giám đốc thường trực và 04 Phó Tổng giám đốc gồm: bà Dương Thị Lệ Hà, bà Hoàng Thu Trang, bà Lê Kim Chi và bà Nguyễn Thị Thùy Dương.

ACB, OCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ

ACB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.755 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông ACB thông qua và HĐQT ACB thống nhất triển khai.Theo ban lãnh đạo ACB, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết đối với ngân hàng nhằm tăng thêm nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ. Đồng thời, ngân hàng cũng có thêm nguồn vốn để xây dựng văn phòng làm việc, cải tạo, sửa chữa, di dời trụ sở kênh phân phối; đầu tư vào các dự án thực hiện chiến lược 2019-2024.

OCB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm gần 59 tỷ đồng (50 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động và thêm 8,82 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài) theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 thông qua. Như vậy, sau khi hoàn tất đợt phát hành này, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng lên 13.758 tỷ đồng.

Vietcombank tiếp tục mở rộng mạng lưới

Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản về việc chấp thuận Kế hoạch phát triển mạng lưới năm 2021 của Vietcombank với việc thành lập 05 chi nhánh: Đông Hà Nội (TP.Hà Nội), Tây Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), Bắc Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), Tây Long An (tỉnh Long An), Nam Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai). Đồng thời, chấp thuận việc Vietcombank thành lập 09 phòng giao dịch tại các tỉnh: Lâm Đồng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam và Hưng Yên.

Hiện Vietcombank có 121 chi nhánh và 476 phòng giao dịch trên toàn quốc. Mạng lưới giao dịch của ngân hàng đứng thứ 4 trong hệ thống, sau Agribank, VietinBank, BIDV.

Đã có hướng xử lý CBBank và OceanBank

Vietcombank và MB là hai ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn để tham gia tái cơ cấu hai ngân hàng yếu kém là Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) theo hình thức chuyển giao bắt buộc. Sau khi Vietcombank và MB nhận chuyển giao bắt buộc, CBBank và OceanBank hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất BCTC vào BCTC hợp nhất của hai ngân hàng nhận chuyển giao.

Hai ngân hàng nhận chuyển giao sẽ không góp vốn vào TCTD trong thời gian TCTD còn lỗ lũy kế, đồng thời, không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của TCTD trong thời gian thực hiện phương án CGBB. Vietcombank và MB sẽ tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ tại Phương ánchuyển giao bắt buộc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, cả hai bên nhận chuyển giao và được chuyển giao đều được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại Phương án chuyển giao bắt buộc.

BIDV tiên phong triển khai giao dịch ngân hàng bằng CCCD gắn chip

BIDV là ngân hàng đầu tiên phối hợp Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân - Bộ Công An (Trung tâm RAR) triển khai thành công việc ứng dụng CCCD chip trên các giao dịch tại khu vực tự phục vụ của BIDV như ATM, E-Zone trong đó khách hàng có thể sử tính năng giao dịch mới như chuyển tiền, nộp/rút tiền tại máy ATM,… hoàn toàn bằng CCCD chip một cách dễ dàng, nhanh chóng và đảm bảo an toàn, bảo mật.

Hiện BIDV đang triển khai chấp nhận CCCD chip trên kênh giao dịch tự động tại 09 điểm trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh. Trong thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân - Bộ Công An triển khai mở rộng trên toàn hệ thống và trên ứng dụng BIDV SmartBanking để gia tăng trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng CCCD chip trong giao dịch ngân hàng.

SeABank triển khai và áp dụng các chuẩn mực Basel III

Ngày 19/5, SeABank đã tổ chức tọa đàm công bố kết quả triển khai và áp dụng các chuẩn mực Basel III vào hoạt động kinh doanh cũng như hoạt động quản trị rủi ro của Ngân hàng.

Khi áp dụng Basel III, SeABank sẽ tối ưu được tài sản có rủi ro (RWA) và vốn bằng các phương pháp luận nâng cao cho phép tính toán đo lường nhạy cảm với rủi ro và thị trường. Nhờ đó, Ngân hàng có thể cân đối được giữa rủi ro và cơ hội sinh lời của việc nắm giữ vốn, cải thiện thanh khoản, nâng cao khả năng xử lý rủi ro tín dụng, đơn giản hóa cách thức xử lý rủi ro hoạt động. Ngoài ra, SeABank đã xây dựng công cụ để thực hiện tính và kiểm soát 2 chỉ số liên quan đến thanh khoản gồm: LCR (Liquidity Coverage Ratio - Tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản) và NSFR (Net Stable Funding Ratio - Tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng). Trong đó, chỉ số LCR hướng tới mục tiêu đảm bảo ngân hàng có đủ tài sản có khả năng chuyển đổi thành tiền mặt để đáp ứng nhu cầu thanh khoản trong 30 ngày, kể cả trong điều kiện bất lợi. Chỉ số NSFR là một trong những cập nhật trọng yếu của Basel III, yêu cầu các ngân hàng duy trì một cấu trúc vốn bền vững, hạn chế sự phụ thuộc vào các nguồn vốn ngắn hạn đối với tất cả các khoản mục tài sản. Điều này giúp SeABank duy trì khả năng thanh khoản, đảm bảo hoạt động của ngân hàng và quyền lợi của khách hàng, đối tác kể cả trong các tình huống xấu.

Shinhan Bank chính thức công bố "Future Bank Group" - mô hình Bank In Bank (B.I.B) đầu tiên trong nước

Future Bank Group được thành lập như một tổ chức độc lập và được Shinhan Bank cấp quyền lập kế hoạch, lên ngân sách, hoạch định nhân sự cũng như là đánh giá độc lập nhằm mục tiêu hỗ trợ ngân hàng, thúc đẩy kinh doanh, bắt kịp với những đổi mới của nền tài chính kỹ thuật số hiện đại.

Để nâng cao trải nghiệm người dùng và mang đến những sản phẩm thiết thực cho khách hàng, ShinhanBank cũng đã lên kế hoạch cho việc mở rộng hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử của Hàn Quốc và cả Việt Nam. Theo đó, ở phía các doanh nghiệp Hàn Quốc, ngân hàng dự định mở rộng quan hệ hợp tác với một trong những ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất thế giới - Baemin. Còn ở phía thị trường trong nước, Shinhan Bank sẽ phối hợp với kênh mua sắm thực phẩm Market Saigon để phân phối và tiếp thị các các sản phẩm địa phương một cách hiệu quả nhất.

Về phía Ngân hàng Shinhan Việt Nam, Tổng Giám đốc Kang Gew Won cho biết, sự hỗ trợ từ phía Shinhan Bank Hàn Quốc là bước đệm quan trọng để Ngân hàng hoàn thiện mình trong chặng đường chuyển đổi số. Future Bank Group sẽ hỗ trợ đắc lực cho ShinhanBank trong việc tiếp cận các khách hàng thuộc phân khúc Gen MZ - những người trẻ có hành vi tiêu dùng hiện đại và lớp khách hàng là những phụ nữ có khả năng tài chính độc lập - đóng vai trò chính trong việc phát triển kinh tế xã hội.

4 ngân hàng lọt Top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Forbes

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách Global 2000 năm 2022 xếp hạng 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo 4 tiêu chí là doanh thu, lợi nhuận thuần, tổng tài sản và giá trị thị trường. Việt Nam có 5 đại diện lọt trong Top 2000 là Vietcombank (xếp hạng 950), VietinBank (xếp hạng 1.560), Tập đoàn Hòa Phát (xếp hạng 1.564), BIDV (xếp hạng 1.605), và Techcombank (xếp hạng 1.854). Forbes cho biết các doanh nghiệp trong danh sách Global 2000 năm nay có tổng doanh thu khoảng 47.600 tỷ USD, tổng lợi nhuận 5.000 tỷ USD, tổng tài sản 233.700 tỷ USD và tổng vốn hóa 76.500 tỷ USD.

SHB, SeABankđược Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm

Moody's đã nâng mức xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) từ B2 lên B1, nâng hạng Đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) của SHB từ B3 lên B2, đồng thời thay đổi triển vọng xếp hạng của SHB từ ổn định thành tích cực. Việc nâng mức xếp hạng đối với SHB của Moody’s phản ánh chất lượng tài sản của Ngân hàng được cải thiện rõ rệt, do trong năm 2021 SHB đã thu hồi nợ và tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC, Vinashin trước thời hạn, thể hiện sự kỳ vọng của cơ quan xếp hạng về việc cải thiện hơn nữa hồ sơ tín dụng của SHB, nhờ vào sự cải thiện vốn của Ngân hàng.

Moody’s cũng nâng hạng BCA của SeABank từ B2 lên B1. Chất lượng tài sản tại SeABank được cải thiện khi tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ 1,9% (năm 2020) xuống 1,6% vào cuối năm 2021, bất chấp sự gián đoạn do đại dịch gây ra. Khả năng sinh lời được ghi nhận cải thiện và Moody's kỳ vọng tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) của SeABank sẽ duy trì ổn định ở mức khoảng 1% trong 12 - 18 tháng tới khi danh mục cho vay gồm các khoản cho vay bán lẻ và cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay