Theo đó, ngày 24/5 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối cùng tham dự họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 23/5. Thời gian tổ chức đại hội dự kiến là 15/6 tại Hà Nội. Nội dung cuộc họp lần này là thông qua số lượng và bầu thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của MB đã được tổ chức vào tháng 4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái đã xin ý kiến cổ đông về việc đại hội chưa tiến hành các thủ tục bầu HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới và duy trì tư cách thành viên nhiệm kỳ 2019 - 2024 đến khi các lãnh đạo mới được bầu và được cổ đông chấp thuận.
Hiện tại, HĐQT ngân hàng này gồm có 10 thành viên, trong đó ông Lưu Trung Thái giữ chức Chủ tịch HĐQT. Hai Phó chủ tịch HĐQT là bà Vũ Thị Hải Phượng và ông Đỗ Minh Phương. Thành viên độc lập là ông Trần Trung Tín và 6 thành viên còn lại bao gồm bà Nguyễn Thị Thúy, bà Nguyễn Thị Ngọc, ông Lê Viết Hải, ông Kiều Đặng Hùng, bà Vũ Thái Huyền và ông Ngô Minh Thuấn.
Ban kiểm soát ngân hàng này hiện có 4 thành viên với bà Lê Thị Lợi là Trưởng ban; Phó trưởng ban là bà Nguyễn Thị An Bình và 2 thành viên bao gồm ông Đỗ Văn Hưng và bà Đỗ Thị Tuyết Mai.
Ở diễn biến liên quan, ngày 24/5 tới đây, MB sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức 5% bằng tiền mặt, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 500 đồng.
Như vậy, với hơn 5.287 triệu cổ phiếu đang lưu hành, MB sẽ phải chi tương ứng khoảng hơn 2.643 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 14/6.
Đồng thời, MB cũng sử dụng danh sách chốt cổ đông trên để tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024. Đại hội dự kiến sẽ diễn ra ngày 15/6 tại Hà Nội, nhằm thông qua số lượng và bầu thành viên HĐQT, Thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2024 mới đây, Ngân hàng đã thông qua mức chia cổ tức năm 2023 là 20%, gồm 5% bằng tiền mặt. Như vậy, sau khi hoàn tất việc thanh toán cổ tức trên, MB sẽ còn phải thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%.
Đồng thời, Ngân hàng còn thông qua kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, dự kiến thực hiện từ năm 2024 đến quý II/2025.
Trước đó, MB đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho hai cổ đông là SCIC và Viettel, nâng tổng khối lượng chứng khoán niêm yết lên hơn 5.287 triệu cổ phiếu, ngày thay đổi niêm yết có hiệu lực từ 15/5/2024.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6 – 8%. Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 13%, tức đạt gần 1,068 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024, trở thành ngân hàng tiếp theo vượt qua cột mốc 1 triệu tỷ sau nhóm Big4.
Tín dụng được dự báo tăng trưởng 15 - 16% trong năm 2024, tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước. Huy động trong năm 2024 tùy thuộc nhu cầu sử dụng vốn.
Kết thúc quý I/2024, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.795 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ là 5.258 tỷ đồng, giảm 10%.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm đến từ việc thu nhập hoạt động cốt lõi kém khả quan và ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng.
Tại thời điểm ngày 31/3/2024, tổng tài sản MB ở mức 900.647 tỷ đồng, thu hẹp 4,7% so với đầu năm, chủ yếu do tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 83% xuống còn hơn 10.800 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng của MB chỉ tăng 0,7%, trong khi năm 2023 là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất (tăng gần 29%).
Về chất lượng nợ vay, nợ xấu tại MB tăng tới 56% trong quý I, lên mức 15.294 tỷ đồng. Theo đóm kéo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 1,6% lên mức 2,49%.