Là tổ chức trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng đang có vai trò quan trọng tham gia phản biện cơ chế, chính sách, góp ý xây dựng khung pháp lý liên quan đến lĩnh vực ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng, cùng Hiệp hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên.
Thành lập vào cuối năm 2012, đến nay đã được 9 năm, đến nay Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng đã có 54 hội viên, trong đó 40 hội viên là tổ chức và 14 hội viên cá nhân.
Nhiệm kỳ 2019 - 2021vừa qua, Câu lạc bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, khẳng định vai trò trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý ngành Ngân hàng nói riêng và pháp luật nói chung. Hoạt động của Câu lạc bộ ngày càng vững mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên, đáp ứng được yêu cầu của các thành viên cũng như tham mưu tích cực cho Hiệp hội các nội dung về quy định pháp luật ngành Ngân hàng. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ rất có trách nhiệm, đóng góp tích cực cho hoạt động của Hiệp hội. Điều đó được thể hiện qua các mặt công tác như: (i) Tham gia đóng góp ý kiến vào các cơ chế, chính sách, pháp luật quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng; (ii) Nắm bắt những vướng mắc, bất cập về pháp lý của các TCTD trong quá trình hoạt động, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp tháo gỡ; (iii) Đại diện Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng tham dự và có ý kiến tham luận tại các cuộc họp, hội nghị, tọa đàm liên quan đến hoạt động ngân hàng; (iv) Cùng với lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng làm việc trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên.
Ghi nhận những đóng góp của Câu lạc bộ đối với lĩnh vực hoàn thiện thể chế ngành Ngân hàng, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Câu lạc bộ đã bám sát các nghiệp vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước, có nhiều đóng góp trong việc hoạch định chính sách, hoàn thiện khung chính sách, thể chế. Câu lạc bộ cũng tích cực tổ chức triển khai các văn bản pháp luật do Ngân hàng Nhà nước ban hành và văn bản pháp luật khác, kịp thời phản ánh khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để Ngân hàng Nhà nước kịp thời chỉnh sửa, bổ sung. Đại diện Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước mong muốn, tiếp tục nhận được sự đồng hành của Câu lạc bộ cũng như Hiệp hội trong việc tổng hợp ý kiến hội viên góp ý để hoàn thiện chính sách, thể chế.
Chỉ đạo hoạt động Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng trong nhiệm kỳ 2021-2021, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng yêu cầu, Câu lạc bộ sẽ xây dựng chương trình công tác phù hợp, đóng góp vào công tác hoàn thiện khung pháp lý, tiếp tục bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên; tiếp tục có tiếng nói phản biện chính sách đối với các cơ quan quản lý nhà nước, thể hiện đúng vai trò Câu lạc bộ trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Để nâng cao vai trò của Câu lạc bộ Pháp chế tương xứng với vị thế của Hiệp hội Ngân hàng, bên cạnh việc khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra trong nhiệm kỳ vừa qua, như: Mức độ tham gia của các hội viên chưa đồng đều, còn có một số hội viên chưa đóng góp tích cực hoạt động của Câu lạc bộ; chưa tập hợp được tiếng nói thống nhất của các hộiviên trong một số vấn đề để kiến nghị cơ quan quản lý có giải pháp tháo gỡ… Ban Chủ nhiệm xác định: Trong những năm tới, ngành ngân hàng tiếp tục tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống TCTD, gắn với xử lý nợ xấu; bám sát định hướng hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và của Hiệp hội Ngân hàng.
Trong nhiệm kỳ 2021-2023, Câu lạc bộ tập trung vào 8 nhiệm vụ cụ thể:
1. Tích cực, chủ động hơn trong việc tham gia góp ý kiến, phản biện cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động của TCTD; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo góp ý ngay từ đầu vào các dự thảo văn bản lấy ý kiến, trong đó tập trung vào các văn bản quan trọng, tác động lớn đến hoạt động của các TCTD, dự kiến ban hành trong thời gian tới như: (i) Luật các TCTD 2010, Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD 2010; Luật Đất đai; Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật giao dịch điện tử, Luật về xử lý nợ xấu hoặc Nghị quyết về xử lý nợ xấu (nếu được Quốc hội cho phép); Luật về các biện pháp bảo đảm (nếu có); Nghị định thay thế Nghị định 102 về Đăng ký biện pháp bảo đảm… (ii) Các dự thảo Thông tư mà Câu lạc bộ Pháp chế và Hiệp hội Ngân hàng đã góp ý thời gian qua như Thông tư 39, Thông tư 52, … để tiếp tục có ý kiến góp ý theo đề nghị của Ban soạn thảo. (iii) Các dự thảo văn bản, góp ý cơ chế chính sách khác theo đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền và của Hiệp hội Ngân hàng.
2. Nắm bắt kịp thời nhưng các khó khăn, vướng mắc pháp lý trong quá trình hoạt động của các thành viên để báo cáo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ: (i) Vướng mắc về thực hiện quy định pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; vướng mắc về thực hiện quy định tại Thông tư 01, 03, 14 của NHNN, các vướng mắc thực hiện cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng, thanh toán, chính sách thuế... liên quan hoạt động ngân hàng; (ii) Vướng mắc của các TCTD trong việc thực hiện quy định báo cáo theo đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền hiện nay…
3. Tư vấn, hỗ trợ hội viên giải quyết vướng mắc, bất cập, tranh chấp pháp lý phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh liên quan đến các quyết định, bản án của các cơ quan có thẩm quyền, không phù hợp quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động kinh doanh ngân hàng theo đề nghị của cá TCHV.
4. Tham mưu cho Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng tăng cường đối thoại với các Bộ ngành để phản ảnh các vướng mắc của hội viên và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ một cách hiệu quả hơn: Tiếp tục xây dựng nội dung, chương trình làm việc làm việc với Toà án, Viện Kiểm soát, Bộ Tư pháp để trao đổi, toạ đàm về áp dụng pháp luật trong hoạt động ngân hàng, những vấn đề pháp lý ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các TCHV, các vụ án tồn đọng chưa được giải quyết…
5. Phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tập huấn nghiệp vụ nhằm tuyên truyền phổ biến pháp luật, vận động các thành viên thực hiện đúng quy định của pháp luật; nâng cao trình độ, nhận thức pháp luật cho các thành viên, phòng chống rủi ro pháp lý trong hoạt động ngân hàng.
6. Làm việc/liên kết chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc của Hiệp hội Ngân hàng (CLB Fintech, CLB xử lý nợ, Chi Hội thẻ), các Ủy ban Chính sách, Công nghệ của Hiệp hội Ngân hàng để nắm bắt vướng mắc cụ thể trong từng lĩnh vực để có các giải pháp hỗ trợ cụ thể và thiết thực hơn.
7. Tích cực tuyên truyền/phổ biến cho cho các ngân hàng thành viên của Câu lạc bộ về các rủi ro pháp lý liên quan đến lừa đảo, giả mạo thông tin, cơ chế chính sách…để có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa.
8. Định kỳ hàng tháng hoặc quý họp với các thành viên để tổ chức triển khai hoạt động của CLB kịp thời và hiệu quả hơn.