Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra sáng 15/7, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện nay các doanh nghiệp hết sức khó khăn, gần như các nguồn lực dự trữ không còn,thị trường vốn, bất động sản vẫn còn khó khăn… Mặc dù chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân song sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn thấp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, ông Hùng đề nghị Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành đánh giá đúng thực trạng khó khăn trên cơ sở đó trình Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân (như thời điểm dịch covid 19) đối với những chính sách vượt thẩm quyền của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành địa phương đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý đối với những dự án dở dang, nhà ở xã hội, triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao vai trò quĩ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa (hiện nay có 24 qũy tại 24 tỉnh thành phố, song hoạt động không hiệu quả cần phải kiện toàn) rà soát đánh giá hiệu quả quĩ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trực thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư trên cơ sở đó bổ sung vốn cho quĩ này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn tại TCTD được vay vốn khởi nghiệp hoặc khôi phục sản xuất kinh doanh
Ông Hùng cũng đề nghị Chính phủ giảm thuế VAT cho các ngân hàng thương mại như các doanh nghiệp khác để có điều kiện giảm sâu lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời cho phép các NHTM Nhà nước được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận các năm tới thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại sau trích lập các quỹ giai đoạn 2022-2023.
Đối với các Bộ ngành, đại diện Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin Truyền thông các bộ ngành khác tăng cường và có giải pháp xử lý triệt để tội phạm mạng hiện nay, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Trong đó, kiến nghị Bộ Công An, VKS, tòa án nghiên cứu xem xét trả vật chứng trong các vụ án hình sự để các ngân hàng xử lý phát mại, đấu giá kịp thời nhằm hạn chế tổn thất trong quá trình thu giữ.
Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo tòa án các cấp thống nhất hình thức xử lý tranh chấp liên qua đến chủ tài sản tạo tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD.
Bộ Tài chính phối hợp Bộ ngành liên quan xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, ban hành hướng dẫn về định giá khoản nợ xấu thông qua Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam theo quy định của Luật Giá , hình thành thị trường mua bán nợ , Đồng thời nghiên cứu ban hành chính sách phù hợp để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh tạo niềm tin với nhà đầu tư và hạn chế tình trạng thao túng thị trường chứng khoán.
Tổng cục thi hành án dân sự rà soát những bản án thi hành còn tồn đọng, liên quan đến xử lý TSBĐ thu hồi nợ xấu.