Thứ hai, 17/06/2024
   

Khó thu hồi nợ, nhiều TCTD phải cắt giảm cho vay tiêu dùng để tránh nợ xấu phát sinh

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, do hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của TCTD gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại nên một số TCTD buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh.

Ngày 16/11/2023, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm “Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng (TCTD) và vấn đề thu hồi nợ hiện nay”. Hội thảo nhằm chỉ ra những khó khăn, thực trạng về vấn đề cho vay tiêu dùng và thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng.

Tham dự hội thảo có Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Ông Bùi Đức Tài – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công An); Ông Nguyễn Mạnh Cường – Hàm Vụ phó Vụ Kinh tế tổng hợp (Văn phòng Chính phủ); Bà Lê Thị Hoàng Thanh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Tinh tế (Bộ Tư pháp); Ông Nguyễn Hồng Quân – Thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Ông Nguyễn Đình Đức – Phó Chủ nhiệm CLB Tài chính Tiêu dùng; Ông Kian Foh Then - Tổng Giám đốc điều hành Collectius (Asia) cùng đại diện các tổ chức tín dụng.

“Bùng nợ” ngày càng gia tăng

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện nay hoạt động tín dụng tiêu dùng của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gồm 3 hình thức là: Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng và cuối cùng là cấp tín dụng thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.

TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tính đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 TCTD triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tạm tính là 134.279 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho cho vay tiêu dùng toàn hệ thống). Đây có thể được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với người dân trong xã hội.

Theo ông Hùng, thời gian vừa qua để giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay nhất là lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng cá nhân, qua đó hạn chế tín dụng đen và phổ cập tài chính toàn diện quốc gia, các TCTD đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình hình hoạt động, tăng dư nợ tín dụng theo phê duyệt của NHNN, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, tiết giảm chi phí, nâng dần hiệu quả sử dụng vốn, cải cách thủ tục hành chính, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, mở rộng mạng lưới đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa…

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và nền kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến hoạt động cho vay nói chung và đặc biệt là cho vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức với tỷ lệ tăng trưởng thấp, đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022 (mức tăng rất thấp so với 5 năm qua). Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên/dưới 2%), thậm chí tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Lý giải cho thực trạng này, TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền; Các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ” tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các TCTD nhưng không bị xử lý… Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của TCTD gặp rất nhiều khó khăn, một số TCTD buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh.

Giải pháp cho an toàn tín dụng tiêu dùng

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá cao ý nghĩa và vai trò của hội thảo. Ông cũng cho biết hội thảo lần này là một vấn đề nóng được NHNN quan tâm và phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, để tìm ra giải pháp tạo thuận lợi cho việc tiếp cận tín dụng, góp phần tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Theo ông Tú, trước đại dịch COVID-19, cho vay tiêu dùng tăng trưởng rất nhanh, giải quyết nhu cầu thiết thực của người dân. Kết quả hoạt động của các công ty tài chính cũng tích cực. Điển hình như FE Credit, hiệu quả của cho vay tiêu dùng rất nhân văn khi đáp ứng được nhu cầu đời sống của người dân. Tuy nhiên, sau đại dịch, tín dụng tiêu dùng giảm mạnh. Từ đầu năm 2023 tới nay, do ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế toàn cầu và khó khăn của kinh tế trong nước, hoạt động của các ngân hàng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tính đến hết tháng 9/2023 tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế ở mức thấp 6,92%, trong đó tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng chỉ tăng 1,53% so với cuối năm 2022.

Theo Phó Thống đốc NHNN nhận định, cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng được là một lĩnh vực tiềm năng. Tại các nước phát triển, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng ở mức cao. Tại Việt Nam, khi điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân ngày càng tăng, vượt qua ngưỡng của các nước đang phát triển thì việc vay tiêu dùng và cho vay phục vụ tiêu dùng là nhu cầu hết sức khách quan và cần thiết của xã hội. Cho vay tiêu dùng vừa đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân vừa góp phần kích cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thu hẹp quy mô, sự ảnh hưởng của tín dụng đen.

Để quản lý hoạt động tín dụng tiêu dùng, đồng thời kiểm soát, hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD, thời gian qua NHNN đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD thực hiện cho vay tiêu dùng; ban hành các quy định về giới hạn giải ngân, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay phục vụ đời sống để quản lý hiệu quả chất lượng tín dụng cũng như kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng; tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng tiêu dùng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, cảnh báo các TCTD về các vấn đề rủi ro.

Toàn cảnh hội thảo Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng (TCTD) và vấn đề thu hồi nợ hiện nay
Toàn cảnh hội thảo

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp là do nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, trong khi chi phí đầu vào cao, thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp suy giảm kéo theo cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm; do thu nhập của người dân bị suy giảm, nhu cầu tiêu dùng bị thắt chặt dẫn đến nhu cầu vay tiêu dùng giảm sút mạnh, khả năng trả nợ khó khăn, nợ xấu gia tăng.

Việc xử lý, thu hồi nợ xấu của các TCTD, đặc biệt là của các công ty tài chính gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro tăng cao. Nợ xấu gia tăng ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung của nền kinh tế còn có những yếu tố chủ quan là khách hàng cố tình không trả nợ, thành lập các hội nhóm “bùng nợ” trên mạng xã hội, chống đối, vu khống cán bộ thu hồi nợ, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của các ngân hàng, các công ty tài chính, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cán bộ thu hồi nợ.

Ông Tú nhấn mạnh, đây là vấn đề NHNN rất quan tâm, làm sao duy trì được sự tăng trưởng của TDTD, góp phần nâng cao đời sống người dân, ngăn chặn tín dụng đen, củng cố và tiếp tục nâng cao niềm tin của thị trường – người dân – người vay vốn.

Thực tiễn cho vay tiêu dùng tại các TCTD

Nhìn vào bối cảnh thực tiễn tại một số tổ chức tín dụng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đơn vị luôn đi đầu trong thực hiện chính, sách trong đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, Agribank có tổng tài sản đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ khoảng 65%...

Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) phát biểu tại hội thảo
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) phát biểu tại hội thảo

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện phía Agribank cho biết hoạt động cho vay tiêu dùng tại Agribank còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như sau: Việc nắm bắt nhu cầu vay vốn cụ thể, chính đáng của khách hàng còn khó khăn ; Khách hàng vay tiêu dùng không thuộc đối tượng ưu tiên theo chính sách của Đảng và Nhà nước nên phải áp dụng chính sách cho vay như đối với khách hàng thông thường, các quy định về điều kiện vay vốn, hồ sơ cho vay, về lãi suất cho vay, tài sản bảo đảm đối với khách hàng cần tuân thủ quy định chung về cho vay của ngân hàng nên một số khách hàng khó tiếp cận được vốn vay một cách nhanh chóng; Những khó khăn chung của nền kinh tế thời kỳ hậu Covid-19 khiến thị trường bất động sản trầm lắng, ít giao dịch ảnh hưởng đến việc chuyển nhượng tài sản, kinh tế suy giảm, thu nhập của người dân giảm sút ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng; Một số khách hàng vay tiêu dùng tại nhiều TCTD, Công ty tài chính với mức dư nợ nhỏ nên khi một khoản vay phát sinh nợ xấu thì ảnh hưởng đến phân loại nợ theo chính sách phân loại nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).

Chia sẻ tại  hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Hàm Vụ phó Vụ Kinh tế tổng hợp Văn phòng Chính phủ cho biết, ở Việt Nam dân số đang ở trong độ tuổi dân số vàng lớn, đây là nhóm khách hàng có nhu cầu tiêu dùng cao nhưng thu nhập chưa đủ để bù đắp chi tiêu. Nhờ đó, tín dụng tiêu dùng sẽ là giải pháp tốt để họ thoả mãn nhu cầu chi tiêu, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt là đối với lượng lớn khách hàng, nhất là các đối tượng người yếu thế, người lao động có thu nhập thấp, nguồn tài chính, thu nhập không ổn định, thiếu tài sản bảo đảm, bị ngân hàng bỏ qua thì cho vay tiêu dùng chính thức đang góp phần hạn chế tệ nạn tín dụng đen.

ông Nguyễn Mạnh Cường, Hàm Vụ phó Vụ Kinh tế tổng hợp Văn phòng Chính phủ
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Hàm Vụ phó Vụ Kinh tế tổng hợp Văn phòng Chính phủ

Khi thu nhập không đủ bù đắp chi tiêu thì việc phát sinh nhu cầu vay mượn là điều không thể tránh khỏi. Do đó, nếu không nhận được hỗ trợ vốn từ các kênh chính thức như vay mượn người thân quen, vay mượn ngân hàng/công ty tài chính,...người dân sẽ tìm đến tín dụng đen để có nguồn hỗ trợ tài chính.

Kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng hy vọng sẽ tìm ra được những giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập, trong khâu thu hồi nợ cho vay tiêu dùng giúp người dân có góc nhìn khách quan về vay tiêu dùng đối với các TCTD. Đồng thời, ông Hùng cho biết VNBA sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các TCTD để gửi trình lên Chính phủ, cơ quan ban ngành, cấp có thẩm quyền để tạo điều kiện cho các TCTD phát triển hoạt hoạt động cho vay tiêu dùng lành mạnh, bền vững và hiệu quả hơn, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Ngọc Anh
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay