Ngày 26/8/2021, tại Nhà Khách Chính phủ, Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến về chủ đề “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Tiềm năng - Cơ hội và Cách tiếp cận mới” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các nhà ngoại giao, các tập đoàn kinh tế đến từ các nước khu vực Trung Đông, đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, các chuyên gia kinh tế, ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam.
Với chủ đề “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Tiềm năng - Cơ hội và Cách tiếp cận mới”, hội thảo chia thành 2 phiên, gồm: (i) Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Trung Đông và tiềm năng thị trường Việt Nam; (ii) Cách tiếp cận mới trong tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tham dự hội thảo và có bài phát biểu thảo luận.
Tại phiên thứ nhất về Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Trung Đông và tiềm năng thị trường Việt Nam, do ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Các diễn giả chính: Ngài Haldun Tekneci, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ, Tiến sỹ Khaled Al-Yahya, Tổng Thư ký Liên đoàn Phòng Thương mại Saudi Arabia đã có bài phát biểu về Chính sách đầu tư ra nước ngoài của một số nước trung Đông và các Quỹ đầu tư khu vực; Ông Jamal Al-Jarwan, Tổng Thư ký Hội đồng các nhà đầu tư quốc tế UAE có bài phát biểu về Xu hướng thay đổi đầu tư gián tiếp nước ngoài của khu vực Trung Đông; Trao đổi về Tiềm năng thị trường Việt Nam: cơ hội đối với các nhà đầu tư khu vực, hội thảo đã được nghe các bài tham luận của ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Năng và ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam , Phó chủ tịch VNCPEC; Về Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, hội thảo đã nghe các phát biểu của ông Đỗ Quốc Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh.
Tham gia thảo luận tại phiên họp thứ nhất, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có bài phát biểu với nhận định: tiềm năng và cơ hội quan hệ hợp tác đôi bên dư địa còn nhiều, song kết quả còn khiêm tốn, chưa tương xứng, do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, thách thức trở ngại về khoảng cách địa lý, chia sẻ thông tin chưa nhiều, hiểu biết sâu về thị trường các bên còn ở mức giới hạn, tạp quán kinh doanh và hệ thống pháp luật còn có khoảng trống.
Sau đây xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
“… Lời đầu tiên, tôi xin cảm ơn Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức Hội thảo rất có ý nghĩa trong bối cảnh quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Đông đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp chung cho hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Hội thảo sẽ là cơ hội quý báu để các bên cập nhật, chia sẻ, trao đổi các định hướng, nhận diện các cơ hội, thách thức, nhu cầu và tiềm năng hợp tác đầu tư, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng giữa Việt Nam và các nước Trung Đông.
Thưa các Quý vị.
Quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Trung Đông đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê chuẩn đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước Trung Đông và Châu Phi, giai đoạn 2016-2025". Từ đó đến nay đã được các bên chú trọng, nâng tầm quan hệ, không ngừng được củng cố và đi vào chiều sâu thông qua nhiều hình thức linh hoạt, thể hiện qua những kết quả, thành tựu rất đáng khích lệ bất chấp khó khăn do đại dịch COVID-19 vừa qua, nổi bật qua quan hệ kinh tế, lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Về lĩnh vực ngân hàng, đến hết năm 2020, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã thiết lập hơn 493 quan hệ đại lý với các quốc gia tại thị trường Trung Đông, doanh số thanh toán, chuyển tiền đạt hơn 4,3 tỷ USD. Trong đó doanh số giao dịch thanh toán quốc tế với Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đạt hơn 2,3 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng doanh số giao dịch với thị trường Trung Đông bởi quốc gia này không chỉ có nhu cầu xuất nhập khẩu lớn hàng hoá với Việt Nam, mà còn là, trung gian thanh toán với thị trường các nước khác nhất là thị trường châu Phi (thị trường thứ ba, với các quốc gia ở châu Phi). Một số ngân hàng thương mại Việt Nam hoạt động tích cực tại thị trường này phải kể đến Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Viecombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang tiến hành trao đổi để thống nhất nội dung, tiến tới ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác chung với một số Ngân hàng Trung ương (NHTW) các nước Trung Đông. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến phức tạp của Đại dịch COVID-19, quá trình trao đổi bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) bị gián đoạn và kéo dài song Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn đang tích cực liên hệ để hoàn thiện, có thể tiến hành ký kết trong thời điểm thích hợp trong thời gian tới. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai tham vấn, xây dựng cơ chế họp ủy ban hỗn hợp, ủy ban liên chính phủ; tổ chức giao lưu trực tuyến với các quốc gia, đối tác khu vực để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cụ thể và tìm kiếm các cơ hội mới.
Bên cạnh đó thường xuyên cử đại diện tham dự các kỳ họp, để nắm bắt thông tin, giải đáp các vướng mắc trong hợp tác ngân hàng, đồng thời sẵn sàng chia sẻ đầu mối liên hệ trong trường hợp cần thiết để xây dựng cơ chế trao đổi thông tin chính thức về (i) Chính sách quản lý tiền tệ, ngoại hối; (ii) Cập nhật Danh sách các ngân hàng thương mại uy tín; và (iii) Định kỳ tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc trong thanh toán quốc tế, trong hoạt động ngân hàng giữa hai bên để cùng trao đổi, thảo luận các biện pháp tháo gỡ. Về hoạt động thanh toán đối với các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông (ngoại trừ Iran đang chịu các lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và EU) không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và được thực hiện phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thưa các Quý vị.
Xét về tiềm năng, cơ hội quan hệ hợp tác đôi bên dư địa còn nhiều. Song kết quả còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, được xem do nhiều yếu tố khách quan chủ quan, thách thức, trở ngại về khoảng cách địa lý, chia sẻ thông tin còn khiêm tốn, hiểu biết sâu về thị trường các bên còn ở mức giới hạn, tập quán kinh doanh và hệ thống pháp luật của nhau còn có khoảng trống… Hiện chưa có bất kỳ ngân hàng thương mại Việt Nam nào hiện diện hoặc thể hiện nhu cầu mở hiện diện tại các quốc gia của khu vực Trung Đông, theo quan sát, có thể do mức độ mở cửa thị trường của khu vực này không cao, các ngân hàng thương mại Việt Nam khó đáp ứng yêu cầu để thiết lập hiện diện.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam rất vui mừng và đánh giá cao sáng kiến và các nỗ lực của Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo này. Với sự hiện diện của các Bộ, Ngành, các tỉnh thành, các Đại sứ/Đại biện các nước và tổ chức quốc tế, các tập đoàn/công ty, các Quỹ đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam và khu vực, các ngân hàng thương mại Việt Nam…, tôi cho rằng các thông tin về cơ chế chính sách mới, nhận diện các biện pháp, 3 tiềm năng của thị trường các bên, sẽ đem lại lợi ích to lớn trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư, cách tiếp cận mới để thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tự trực tiếp/ gián tiếp từ khu vực Trung Đông vào Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác, tạo sinh lực mới để Việt Nam và Trung Đông tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện, mà sự tham gia đông đảo của các Quý vị tại Hội thảo ngày hôm nay là minh chứng sinh động nhất.
Đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn đời sống kinh tế, chính trị toàn cầu; gây nhiều khó khăn và làm gián đoạn các kế hoạch hợp tác song phương giữa các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Song đây cũng là một cơ hội để gắn kết các quốc gia cùng chịu tác động nghiêm trọng của Đại dịch Covid-19 đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong đó có các nước Trung Đông dưới nhiều hình thức như chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống COVID-19, hỗ trợ vật tư y tế, trao đổi về khả năng hợp tác về vắc-xin và điều trị COVID-19. Quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp, trong những năm qua cùng với tiềm năng to lớn giữa các bên sẽ giúp Việt Nam - Trung Đông nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng, sẽ có những bước phát triển vượt bậc, đưa quan hệ hợp tác giữa các bên trên tất cả các lĩnh vực, sẽ không ngừng mở rộng, hiệu quả và thực chất; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, tận dụng các cơ hội, tạo thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác trong những năm tiếp theo. Tôi xin chúc các Quý vị dồi dào sức khoẻ và chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!