Thứ hai, 17/06/2024
   

Hội nghị về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng

Sáng 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị

Thủ tướng Chính phủ cho biết dự báo tình hình thế giới năm 2024 vẫn còn không ít khó khăn, thách thức do xung đột, ảnh hưởng bởi đại dịch, các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn khó khăn, ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, có nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo, điều hành cụ thể, sát thực tiễn để hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, an toàn, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đối với ngành Ngân hàng, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023 trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn, người dân vẫn tiếp tục gửi vào ngân hàng 14 triệu tỷ đồng, song doanh nghiệp vẫn thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh; lãi suất cho vay vẫn còn cao; nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm; một số chương trình tín dụng chưa hiệu quả.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận, để đưa ra đáp án, giải pháp cụ thể điều hành chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Thay mặt Ngân hàng Nhà nước trình bày báo cáo tại cuộc họp, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022. Do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023.

Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại so với tháng 1. Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế.

Tạm tính đến cuối tháng 1/2024, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 950,8 nghìn tỷ đồng (giảm 0,17%); công nghiệp và xây dựng đạt gần 3,46 triệu tỷ đồng (giảm 0,13%); thương mại dịch vụ gần 9,06 triệu tỷ đồng (giảm 0,91%). Trong đó, tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu là 2,73%; tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán là gần 111,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,56%.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, dòng vốn tín dụng ngân hàng chỉ là dòng vốn bổ sung, không phải dòng vốn chủ lực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy chỉ sự nỗ lực riêng của ngành Ngân hàng là chưa đủ, cần sự chung tay, tháo gỡ khó khăn của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank

Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank, động lực thúc đẩy tăng trưởng căn bản vẫn là giải quyết những vấn đề liên quan đến đầu tư công, chính sách tài khóa,… hay vấn đề vướng mắc về pháp lý liên quan đến bất động sản và các thủ tục đầu tư xây dựng; vấn đề trách nhiệm và đạo đức công vụ…

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần sớm có chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong bối cảnh các tiêu chuẩn về môi trường ngày càng nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu hàng hóa. Agribank cũng cam kết đồng hành có chính sách tín dụng ưu đãi với các doanh nghiệp để chuyển đổi xanh thành công.

Qua đó, có thể tạo động lực cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời, kỳ vọng vào thu nhập của người dân sẽ tăng lên sẽ làm giảm tâm lý phòng thủ, kích thích tiêu dùng. Từ đó cầu tín dụng mới có khả năng tăng lên.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV cho biết, trong hơn 70 ngày qua, BIDV đã giải ngân cho vay hơn 470.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, mức cho vay này vẫn thấp hơn số tiền trả nợ của người dân và các doanh nghiệp cho ngân hàng (gần 485.000 tỷ đồng) nên dư nợ của BIDV có sụt giảm so với cuối năm 2023 (khoảng 1%), nhưng vẫn tăng trưởng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023.

BIDV đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành nỗ lực hoàn thiện thể chế (hướng dẫn thực hiện các Luật kinh doanh bất động sản, đất đai, nhà ở, tổ chức tín dụng...) vừa được Quốc hội thông qua; hoàn thiện các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển các thị trường (như hàng hóa, tiêu thụ, xuất nhập khẩu; lao động, bất động sản,…). Đây chính là tiền đề và là động lực phát triển thị trường tài chính (cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; tín dụng ngân hàng,…).

BIDV cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (khôi phục thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, giảm và giảm hoàn thuế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cải thiện tình hình tài chính và tăng cường đào tạo quản trị doanh nghiệp, liên kết thông qua các hội, hiệp hội ngành nghề.

Đồng thời đề nghị NHNN và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quá trình chuyển đổi số và cung cấp các dịch vụ sản phẩm thông qua phương tiện điện tử trong hoạt động ngân hàng; tăng cường chỉ đạo và tạo điều kiện các tổ chức tín dụng phi ngân hàng (Công ty tài chính, Công ty cho thuê tài chính,…) nâng cao năng lực cấp tín dụng cho nền kinh tế. Đây cũng là một nguồn cung tín dụng đáng kể cho nền kinh tế, đặc biệt là khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế còn hạn chế.

BIDV cũng đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nỗ lực tìm kiếm thị trường, hợp đồng, đơn hàng; hoàn thiện thủ tục pháp lý, có phương án kinh doanh hiệu quả khả thi; minh bạch hệ thống sổ sách kế toán tài chính, quản lý dòng tiền; đặc biệt cam kết thực hiện trách nhiệm, củng cố niềm tin giữa người đi vay và người cho vay.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank bày tỏ, đã tập trung giải ngân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gần 5.000 tỷ đồng; xây dựng hơn 4.000 tỷ đồng; vận tải kho bãi hơn 5.000 tỷ đồng; nông lâm nghiệp gần 4.000 tỷ đồng; hoạt động làm thuê gia công, cho vay hộ gia đình gần 12.000 tỷ đồng….

Cùng đó, thời gian qua HDBank đã chủ động triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách lớn như trong thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước; triển khai các gói ưu đãi dành cho các chuỗi doanh nghiệp bán lẻ, chuỗi nông nghiệp nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp; tài trợ kích cầu tiêu dùng,…

Lãnh đạo HDBank, kiến nghị: Thứ nhất là tăng trưởng tín dụng nên đi đôi với xem xét chính sách tài chính, miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp; điều chỉnh biểu thuế suất thu nhập cá nhân để "khoan sức dân", tăng khả năng tiêu dùng.

Thứ hai, HDBank kiến nghị Tổ công tác Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương cùng ngành ngân hàng quyết liệt triển khai các biện pháp tháo gỡ vướng mắc thủ tục giấy phép cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư trong các lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và từ đó hỗ trợ cho công tác giải ngân tín dụng.

Thứ ba, cần sớm khôi phục niềm tin để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển trở lại, bên cạnh nguồn vốn từ ngân hàng để các doanh nghiệp, dự án có nguồn vốn dài hạn, bền vững.

Thứ tư, hỗ trợ khu vực cho vay nông nghiệp nông thôn, phụ nữ, khởi nghiệp, khu vực lao động phổ thông, nới lỏng các quy định về tài sản đảm bảo nguồn trả nợ.

Thứ năm, HDBank thấy rằng ngành ngân hàng là nơi tập trung các hoạt động kinh tế tổng hợp, nên chăng, tất cả các ngành kinh tế khác nhau hãy cùng tập hợp với nhau dưới các tổ chức như hiệp hội, các hội nghị kết hợp giữa ngành ví dụ như: hàng không, du lịch, bất động sản, dịch vụ…

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank)
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank)

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), bày tỏ rất ủng hộ tất cả các ý kiến phát biểu trước, đã chỉ rõ các biện pháp về lãi suất, tăng trưởng,… Đồng thời, mong muốn là Nhà nước có hẳn một chương trình riêng để hỗ trợ bằng các chính sách tài khóa, bởi riêng chính sách tín dụng không thì không đủ.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng "cần xem lại lại xem tại sao một số chính sách đưa ra lại không chạy, có chính sách đưa ra giải ngân được ngay nhưng có những chính sách đưa ra 2 năm không giải ngân được. Qua đó rút kinh nghiệm để có một chương trình mới cho khách hàng, doanh nghiệp".

Về vấn đề lãi suất, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, các doanh nghiệp cũng muốn lãi suất giảm. Điều đó rất chính đáng nhưng để giảm còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Các chuyên gia cũng phân tích lãi suất huy động giảm rất nhiều nhưng còn một yếu tố nữa rất quan trọng là các thủ tục, chi phí liên quan làm kìm hãm không thể giảm được lãi suất.

Ngoài ra, ông Vinh cũng đề nghị về có giải pháp cho vấn đề là xử lý nợ. Do càng ngày các ngân hàng càng vấp phải vấn đề xử lý nợ, không chỉ nợ không thu hồi được tài sản, không dám cho vay mà còn tăng thêm chi phí, vốn. Nghị quyết 42 sẽ hết hạn tháng 12 này, tất cả các ngân hàng hiện nay đang lâm vào tình trạng không ai hỗ trợ ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo, ưu tiên thứ tự thu hồi nợ và các biện pháp khác. Trước đây, chỉ cho vay tín chấp mới mất tiền, giờ cả vay thế chấp cũng phải 2 đến 3 năm mới xử lý được nợ.

Vì vậy, ông Vinh đề nghị về dài hạn có một Bộ luật về vấn đề xử lý nợ xấu. Trong Bộ luật các tổ chức tín dụng ban hành vừa qua, rất nhiều điều hay nhưng riêng vấn đề xử lý nợ chỉ có 2, 3 điều. Trong lúc chờ đợi, ông Vinh đề nghị gia hạn Nghị quyết 42.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành Ngân hàng về sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Trong đó, ngành Ngân hàng đã tích cực rà soát, hoàn thiện thể chế về cơ chế, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, trong năm 2023 đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện tiên quyết để giảm lãi suất huy động và cho vay; tỷ giá cơ bản ổn định.

Ngành Ngân hàng đã hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho nền kinh tế; tiếp tục tiên phong trong chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao năng lực của hệ thống, góp phần tối ưu các chi phí cho nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, chú trọng công tác truyền thông chính sách, bảo đảm thông tin rõ ràng, minh bạch, góp phần tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế của ngành Ngân hàng như: Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023 dù số tiền gửi tại các tổ chức tín dụng là rất lớn, hiện có trên 13,6 triệu tỷ đồng; tiếp cận vốn của doanh nghiệp chưa cao; mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động; lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại đang còn cao; nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro; kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian tới bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi thì nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và các hạn chế, tồn tại kéo dài nhiều năm.

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Mục tiêu tổng quát là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, gìn giữ môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ở mức 4,0 - 4,5%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%; tăng trưởng tín dụng đạt 15%...

Lược theo baochinhphu.vn

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay