Ngày 15/4/2021, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai triển khai Nghị định 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 21) quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Tham dự tại 63 điểm cầu tình, thành phố, có đại diện các tổ chức tín dụng hội viên của Hiệp hội Ngân hàng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Mạnh, hàm Vụ phó Vụ pháp luật Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định Nghị định 21 thay thế Nghị định 163/2006/CP-NĐ về giao dịch bảo đảm và Nghị định 11/2012/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi Nghị định 163, nên đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến nghiệp vụ tín dụng, giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, do vậy cần có sự thống nhất khi triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Tạ Dũng
Nghị định 21 gồm 5 chương, 62 điều, quy định rất sát với hoạt động tín dụng, giao dịch tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm… của các ngân hàng. Quá trình xây dựng nghị định, cơ quan soạn thảo đã quan tâm xem xét ý kiến của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, điều chỉnh quy định cho phù hợp, cơ bản những vướng mắc đã được Nghị định 21 giải quyết. Tuy nhiên, do tính phức tạp của các quy định về tài sản bảo đảm, về xử lý tài sản bảo đảm… cần có sự giải thích, hướng dẫn rõ ràng, để việc triển khai thực hiện Nghị định 21 thực sự mang lại hiệu quả thiết thực.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, hàm Vụ phó Vụ pháp luật Văn phòng Chính phủ phát biểu - Ảnh: TD
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, hàm Vụ phó Vụ pháp luật Văn phòng Chính phủ, việc xây dựng Nghị định 21 hết sức phức tạp và sau khi ban hành, nội dung Nghị định tuy chưa thỏa mãn hết các vấn đề mà thực tiễn nêu ra nhưng đã cố gắng tiếp thu hết mức để quy định phù hợp với hoạt động về giao dịch bảo đảm. Trong thời gian tới, chúng ta có thể tính tới việc xây dựng một văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn chẳng hạn Luật về giao dịch bảo đảm, khi đó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề toàn diện hơn.
Hội nghị đã được nghe ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) chia sẻ một số nội dung cơ bản cần quan tâm trong áp dụng, thi hành Nghị định 21. Trả lời các câu hỏi của đại biểu tham dự tại điểm cầu trung tâm và điểm cầu 63 tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Hồng Hải đã có những lưu ý quan trọng đối với các tổ chức tín dụng khi Nghi định 21 có hiệu lực từ ngày 15/5/2021 sắp tới.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) - Ảnh: TD
Theo đó, ông Nguyễn Hồng Hải đã dành nhiều thời gian giải thích những nội dung quan trọng của Nghị định 21 về phạm vi điều chỉnh; cơ chế áp dụng và thỏa thuận; về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của người khác; bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng nhiều biện pháp bảo đảm; bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng nhiều tài sản; về giữ, sử dụng, giao, nhận giấy chứng nhận; quyền truy đòi tài sản bảo đảm. Về tài sản bảo đảm, ông Nguyễn Hồng Hải lưu ý đến cơ chế pháp lý xác định, mô tả tài sản bảo đảm; cơ chế pháp lý giải quyết đầu tư vào tài sản bảo đảm; cơ chế pháp lý giải quyết biến động về tài sản bảo đảm. Về xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm theo thỏa thuận, tổ chức tín dụng cần lưu ý đến hiệu lực của hợp đồng bảo đảm; hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm và một số biện pháp bảo đảm cụ thể. Một lưu ý quan trọng về hiệu lực thi hành. Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định 21/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Đối với hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm xác lập, thực hiện trước ngày Nghị định 21 có hiệu lực mà chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện có nội dung khác với quy định của Nghị định 21 thì các bên có thể thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm phù hợp với Nghị định 21 và để áp dụng quy định của Nghị định 21.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, Nghị định 21 bước đầu đã tháo gỡ một phần vướng mắc trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Quá trình thực thi, áp dụng Nghị định 21, với vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục tổng hợp những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn hoạt động của các tổ chức tín dụng, phản ánh tới các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện các quy định pháp luật về thực hiện bảo đảm nghĩa vụ.