Thứ tư, 18/09/2024
   

Hội nghị triển khai Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm

Sáng ngày 9/2/2023, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp, tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Sáng ngày 9/2/2023, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp, tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Ngân hàng đã chủ động lên kế hoạch giảm lãi suất

>Video Hội nghị triển khai Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm

Tham dự Hội nghị có TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư Pháp; Bà Phạm Thị Thịnh, Đại diện Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường; cùng các đại diện Bộ Tư Pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Văn phòng Đăng ký Đất đai Hà Nội và đông đảo đại diện các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng.

Ông Hùng 090223 700

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, hoạt động cấp tín dụng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do đó, các biện pháp bảo đảm được áp dụng tương đối phổ biến để phòng ngừa và dự phòng rủi ro. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, biện pháp bảo đảm không phải là điều kiện bắt buộc khi cấp tín dụng, nhưng là một trong các yếu tố quan trọng để tổ chức tín dụng đánh giá, quyết định cấp tín dụng cho khách hàng. Vì vậy, các tổ chức tín dụng thường yêu cầu người vay phải có tài sản bảo đảm cho số tiền vay.

Trong những năm qua, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký giao dịch bảo đảm đã được không ngừng hoàn thiện và đã hướng dần theo thông lệ quốc tế, đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn, cũng như trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Đặc biệt, sự ra đời của Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, Nghị định 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, với rất nhiều nội dung tiến bộ,…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm tại Nghị định 102/2017/NĐ-CP và thực tiễn áp dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền (Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản; Văn phòng đăng ký đất đai) cho thấy vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế nhất định, dẫn đến khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình thi hành.

Do đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 về đăng ký biện pháp bảo đảm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2023 nhằm thay thế Nghị định 102/2017/NĐ-CP.

Nghị định 99/2022/NĐ-CP đã quy định nhiều nội dung mới tác động tích cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, góp phần giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm như: quy định cụ thể đăng ký biện pháp bảo đảm đối với các giao dịch bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên thứ ba; quy định tư cách của chủ doanh nghiệp tư nhân trong việc đứng tên người yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm; quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan đăng ký trong việc không yêu cầu sửa lại tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp vi phạm nguyên tắc này; tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai số hóa hồ sơ, thủ tục liên quan đến hoạt động nhận bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm tại các tổ chức tín dụng; quy định rõ việc đăng ký đối với bất động sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu chung của vợ chồng…

Ông Hải 0902 2023

Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp

Theo ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp cho biết, Nghị định gồm 5 chương, 58 điều, bao gồm quy định chung về đăng ký biện pháp bảo đảm; thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm; quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm. Nghị định được xây dựng nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật khác liên quan; thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoạt động của cơ quan đăng ký và hệ thống đăng ký; khắc phục những vướng mắc, bất cập, đồng thời nắm bắt, bao quát được những vấn đề mới, yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn và trong quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm. Trong đó, có 11 nhóm sửa đổi, bổ sung cơ bản như: 1. Phạm vi điều chỉnh; 2. Các trường hợp đăng ký; 3. Nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin; 4. Chủ thể trong đăng ký, cung cấp thông tin (người yêu cầu, cơ quan đăng ký); 5. Hiệu lực của đăng ký; 6. Hồ sơ đăng ký (Bao gồm cả ngôn ngữ, chữ ký, con dấu) và giải quyết hồ sơ đăng ký; 7. Thủ tục về từ chối đăng ký, đăng ký thay đổi, xóa đăng ký (bao gồm cả thủ tục đăng ký theo từng trường hợp tài sản); 8. Cơ chế pháp lý về chỉnh lý thông tin có sai sót, hủy đăng ký; 9. Cơ chế pháp lý về cung cấp thông tin; 10. Quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm; 11. Phụ lục các biểu mẫu.

Về phạm vi điều chỉnh, bổ sung trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Nghị định số 99/2022/NĐ-CP quy định đăng ký biện pháp bảo đảm bao gồm ghi, cập nhật vào Sổ đăng ký hoặc vào cơ sở dữ liệu đăng ký biện pháp bảo đảm là đăng ký biện pháp bảo đảm.

Về ngôn ngữ, hiệu lực đối kháng, Nghị định đã bổ sung quy định hiệu lực đối kháng với người thứ ba nhằm phù hợp với Bộ luật Dân sự và Nghị định số 21/2021/NĐ-CP, đây cũng là một bổ sung kịp thời để giải quyết những vướng mắc về thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký biện pháp bảo đảm.

Ngoài ra, phân định rõ nhiệm vụ của Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường. Như vậy, theo quy định từ ngày 15/01/2023, đã bổ sung thêm một cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cơ quan cung cấp thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm là Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Bổ sung các trường hợp từ chối đăng ký; các trường hợp không tính vào thời gian đăng ký; các trường hợp đăng ký thay đổi, xóa đăng ký, hủy đăng ký. Đồng thời, Nghị định quy định cụ thể thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển; thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản, cây hàng năm, công trình tạm…

Bà Thịnh 090223

Bà Phạm Thị Thịnh, Đại diện Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường

Phát biểu tại Hội nghị, Bà Phạm Thị Thịnh, Đại diện Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá việc ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật khác liên quan; thực hiện hiệu quả chiến lược cải cách thủ tục hành chính, chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoạt động của cơ quan đăng ký, hệ thống đăng ký; khắc phục những vướng mắc, bất cập, bao quát được những vấn đề mới, yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động đăng ký.

Ngoài ra bà Thịnh cũng đã giải thích thêm về nguyên tắc đăng ký (Điều 5) trong Nghị định số 99, đã bổ sung quy định người yêu cầu đăng ký phải kê khai trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin kê khai. Đồng thời, quy định cụ thể hơn về phạm vi, trách nhiệm của cơ quan đăng ký như: thẩm quyền, nhiệm vụ, căn cứ, thủ tục và thời hạn; không làm phát sinh thủ tục khác với quy định của Nghị định này; không yêu cầu nộp thêm bất cứ giấy tờ nào hoặc không yêu cầu kê khai thêm bất cứ thông tin nào mà Nghị định này không quy định phải có trong hồ sơ đăng ký; không yêu cầu sửa lại tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm.

Về hiệu lực của đăng ký (Điều 6), bổ sung quy định đối với trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì việc đăng ký đối với nghĩa vụ tiếp theo không làm thay đổi hoặc không làm chấm dứt hiệu lực của đăng ký đối với nghĩa vụ đã được đăng ký trước đó. Trường hợp việc đăng ký đã bị hủy nhưng sau đó được khôi phục thì thời điểm có hiệu lực và thời hạn có hiệu lực của đăng ký trước khi bị hủy không thay đổi hoặc không chấm dứt. Ngoài ra, còn quy định cụ thể hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký ban đầu không chấm dứt trong trường hợp thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hoặc từ hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển giao khác về quyền sở hữu đối với tài sản khác gắn liền với đất đã được đăng ký, sau đó được chuyển tiếp sang đăng ký thế chấp nhà ở, thế chấp tài sản khác gắn liền với đất.

Đối với vần đề từ chối đăng ký trong Điều 15 của Nghị định 99, đã sửa đổi, bổ sung quy định về từ chối đăng ký, cụ thể: Trường hợp thông tin mô tả trên Phiếu yêu cầu đăng ký đối với tài sản bảo đảm không phù hợp với thông tin trên Giấy chứng nhận, trừ trường hợp thông tin mô tả trên Phiếu yêu cầu đăng ký phù hợp với thông tin đang được lưu giữ tại cơ quan đăng ký do có việc thành lập bản đồ địa chính mới thay thế tài liệu, số liệu đo đạc đã sử dụng để cấp Giấy chứng nhận mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chưa cấp đổi Giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính mới… Ngoài ra, Bà Hải cũng làm rõ hơn về đăng ký thay đổi quy định trong Điều 18 hoặc về xóa đăng ký quy định trong Điều 20,...

Ảnh toàn cảnh 0902 2023

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Hải và bà Phạm Thị Thịnh đã trả lời nhiều câu hỏi của các tổ chức tín dụng về các vướng mắc. Trong đó, có vấn đề liên quan tới ngân hàng cho vay kinh doanh căn hộ Codotel và các vấn đề khác nữa.

Kết thúc tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP và Nghị định số 21/2021/NĐ-CP đối với các hoạt động cùng quyền lợi của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, Tổng Thư ký cho biết, Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn và đào tạo chuyên sâu hơn nếu được các Hội viên yêu cầu.

VNBA News

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay