Thứ tư, 23/04/2025
   

Hoạt động xử lý nợ tại các TCTD chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19

Sáng ngày 16/12, Câu lạc bộ Xử lý nợ (AMC) thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quý IV năm 2021, nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tăng khả năng liên kết, phối hợp nhằm thúc đẩy công tác xử lý nợ.

Sáng ngày 16/12, Câu lạc bộ Xử lý nợ (AMC) thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quý IV năm 2021, nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tăng khả năng liên kết, phối hợp nhằm thúc đẩy công tác xử lý nợ.

Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Pháp chế, đại diện Cục I - cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam gồm: Ban Pháp luật và Nghiệp vụ, Ban Tổ chức hội viên, Trang tin điện tử, Tạp chí thị trường tài chính tiền tệ; đại diện Công ty quản lý tài sản (VAMC); cùng với 4 thành viên Ban Chủ nhiệm, thành viên Bộ phận thường trực và toàn thể 21 đơn vị hội viên của Câu lạc bộ.

Năm 2021, đại dịch COVID - 19 có những diễn biến phức tạp, các biện pháp giãn cách xã hội đã gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp suy giảm doanh thu, lợi nhuận, ảnh hưởng lớn đến nguồn trả nợ của các khách hàng, liên tục gây ra tình trạng trả nợ không đúng hạn. Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến việc tiếp xúc, trao đổi, đôn đốc khách hàng trả nợ cũng như làm việc với các cơ quan tòa án, thi hành án, chính quyền để xử lý nợ. Các công tác khảo sát tài sản bảo đảm, làm việc với khách hàng; thông báo thu giữ/đấu giá tài sản; khởi kiện, thi hành án… đều bị ảnh hưởng dẫn tới việc khó thu hồi khoản nợ của khách hàng với tổ chức tín dụng (TCTD). Cụ thể, tính đến ngày 30/10/2021, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chỉ xử lý được 60% kế hoạch xử lý thu hồi nợ năm 2021.

Đặc biệt tại các tháng dịch COVID - 19 bùng phát mạnh ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Công tác đôn đốc khách hàng trả nợ, công tác thu giữ, nhận bàn giao tài sản bảo đảm, bán tài sản… đều gặp khó khăn do giãn cách xã hội, khách hàng không có nguồn thu. Việc xử lý nợ qua khởi kiện và thi hành án bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng như tòa án, thi hành án vẫn mang tâm lý ngại tiếp xúc với đương sự. Tại các địa bàn áp dụng chỉ thị giãn cách thì việc gặp và làm việc với thẩm phán, chấp hành viên thúc đẩy giải quyết vụ việc là rất khó khăn dẫn đến các vụ việc đã khởi kiện/yêu cầu thi hành án bị đình trệ không có tiến triển trong thời gian dài. Số lượng vụ việc khởi kiện mới và được thụ lý ở các tháng bùng phát dịch giảm mạnh, số lượng vụ việc được đưa ra xét xử để có bản án buộc khách hàng phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ không đáng kể.

Đối với hoạt động xử lý nợ xấu từ các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB), dư nợ gốc xử lý được từ ngày 1/1/2021 đến ngày 15/11/2021 là 19.634 tỷ đồng (đạt 65,45% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 phân bổ). Trong 3 năm gần đây kết quả xử lý thu hồi nợ xấu đã mua bằng TPĐB của VAMC có chiều hướng giảm, năm sau giảm so với năm trước khoảng 24%. Hoạt động thu giữ, nhận bàn giao, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã mua bằng TPĐB là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được VAMC dự kiến tập trung thực hiện. Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài nên VAMC đã không thể thực hiện làm việc với các TCTD, khách hàng, chủ tài sản, khảo sát tài sản...

Dịch bệnh cũng tác động tới hoạt động xử lý nợ xấu từ các khoản nợ mua theo giá trị thị trường. Dư nợ gốc xử lý được từ ngày 1/1/2021 đến ngày 15/11/2021 là 1.634 tỷ đồng, đạt 48,03% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 phân bổ. Việc đôn đốc khách hàng chỉ thực hiện gián tiếp qua gọi điện và gửi email, không tiếp xúc trực tiếp nên kết quả thu hồi nợ bị hạn chế. Tài sản đấu giá khó thu hồi tiền bán do khách hàng gặp khó khăn tài chính, bàn giao tài sản và hoàn tất thủ tục sau đấu giá bị đình trệ do dịch bệnh, việc tổ chức đấu giá tài sản không thể thực hiện do giãn cách xã hội... Do nguồn thu bị ảnh hưởng nên khách hàng được VAMC cơ cấu lại nợ không có khả năng trả nợ theo phương án đã được phê duyệt.

Trước những khó khăn ở trên, để thúc đẩy công tác xử lý nợ cần tranh thủ khoảng thời gian thực hiện các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới và thích nghi với dịch COVID-19, có thể tổ chức đấu giá đồng thời nhiều tài sản trong cùng một thời điểm nhằm tạo thuận lợi nhất cho khách hàng có nhu cầu tham gia đấu giá. Hay có thể tổ chức đấu giá theo thủ tục rút gọn (với các tài sản đấu giá sau 2 lần không thành) để rút ngắn thời gian thực hiện đấu giá... Đồng thời, xây dựng phương án đấu giá trực tuyến (đi thuê của tổ chức đấu giá có hệ thống đấu giá trực tuyến) đối với một số tài sản phù hợp để đảm bảo hoạt động đấu giá không bị gián đoạn quá lâu trong trường hợp dịch bệnh phức tạp kéo dài. Đối với VAMC, cần tổ chức đấu giá theo thủ tục rút gọn để rút ngắn thời gian thực hiện đấu giá, nhất là trong tình hình dịch bệnh diến tiến phức tạp; tập trung đôn đốc nhắc nhở khách hàng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán sau đấu giá thành và hoàn tất bàn giao hồ sơ tài sản cho khách hàng; Vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ, tài sản bảo đảm; chú trọng tổ chức thực hiện các hoạt động của Sàn trên nền tảng online và ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện công khai hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu…

Đặc biệt, tăng cường các biện pháp trọng tâm như khôi phục việc tác nghiệp hiện trường; tăng cường các biện pháp thúc đẩy tiến trình tố tụng tại Tòa; thi hành án để gia tăng sức ép thu hồi nợ; giải quyết những tài sản còn tồn đọng khi bị phong tỏa; Áp dụng các biện pháp xử lý nợ linh hoạt, đưa ra chính sách miễn giảm lãi, giải chấp hợp lý để hỗ trợ khách hàng. Đối với những khách hàng thiện chí có thể xem xét miễn giảm lãi, phí phù hợp để khách hàng thực hiện ngay được nghĩa vụ trả nợ giảm nợ xấu cho ngân hàng. Bên cạnh những giải pháp tình thế, về lâu dài, phải có Luật Xử lý nợ xấu của các TCTD. Hiện dự luật này đang trong quá trình xây dựng khung nội dung chính để khi ban hành được hoàn chỉnh và phù hợp với thực tiễn.

Dù đại dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp nhưng được sự chỉ đạo, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ, kịp thời của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, CLB AMC đã đạt được một số kết quả hoạt động trong công tác truyền thông, phát triển và quản lý hội viên, tổ chức và tham gia nhiều hội nghị, sự kiện, hội thảo; thực hiện tốt công tác chia sẻ thông tin, chính sách pháp luật liên quan đến nghiệp vụ xử lý nợ, phát triển thị trường mua, bán nợ để các hội viên có điều kiện giao lưu, học hỏi, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tăng khả năng liên kết, phối hợp cũng như tham luận, phản biện các chính sách, tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, kích thích sự phát triển chung của ngành. Nhờ đó, tính đến cuối tháng 8/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tổng nợ xấu cơ cấu xác định theo Nghị quyết 42 là 424 nghìn tỷ đồng, đã xử lý được 364 nghìn tỷ đồng.

Về định hướng hoạt động trong năm 2022, CLB AMC cho biết, sẽ tăng cường hoạt động phát triển hội viên tổ chức và hội viên cá nhân theo đúng tôn chỉ mục đích và hợp tác chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức khác như CLB Pháp chế, CLB Fintech thuộc Hiệp hội Ngân hàng… CLB AMC sẽ chú trọng tổ chức các buổi tọa đàm theo chủ đề hội viên quan tâm như cơ chế chính sách đối với hoạt động xử lý nợ xấu, đặc biệt khi thời gian thí điểm thực hiện Nghị quyết 42 chỉ còn hơn 1 năm; tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động xử lý nợ... Khuyến khích các hội viên quan tâm, đăng ký thành viên, sử dụng dịch vụ và giao dịch trên Sàn giao dịch nợ VAMC, qua đó cùng tạo lập, phát triển một thị trường mua bán, xử lý nợ xấu chuyên nghiệp và hiệu quả tại Việt Nam.

CLB tiếp tục tổng hợp, phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu tới các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và đề xuất các giải pháp xử lý và báo cáo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng để biết và phối hợp. Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực xử lý nợ theo quy định của pháp luật.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay