Thứ sáu, 21/02/2025
   

Hoạt động nổi bật của hội viên phía Nam 04 tuần qua (từ 20/01 - 14/02/2025)

Hoạt động nổi bật của các tổ chức hội viên khu vực phía Nam 04 tuần qua (từ 20/01/2025 - 14/02/2025) với các thông tin chính: Nhiều ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực; Tổ chức các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội; Ngân hàng cũng đang đẩy mạnh tài chính xanh, cung cấp nguồn vốn cho các dự án theo hướng phát triển bền vững...
Hoạt động nổi bật của hội viên phía Nam trong tuần qua
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất vừa công bố cho thấy riêng Quý 4/2024, Ngân hàng TMCP Á Châu thu được hơn 7.080 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ thu được gần 869 tỷ đồng tiền lãi, tăng 19%. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh ngoại hối trở thành điểm sáng khi thu được khoản lãi hơn 344 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ có 29 tỷ đồng. Trong Quý, ACB giảm 54% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích gần 148 tỷ đồng. Do đó, Ngân hàng lãi trước thuế hơn 5.671 tỷ đồng, tăng 12%.

Cả năm 2024, thu nhập lãi thuần của ACB đạt 27.795 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Ngân hàng chỉ trích hơn 1.606 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng (-11%), do đó lãi trước thuế gần 21.006 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023. Nếu so với mục tiêu 22.000 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra cho cả năm, ACB chỉ thực hiện được 95%.

Tỷ lệ ROE của ACB đạt 22%. Nhìn lại giai đoạn 2019-2024, lợi nhuận trước thuế của ACB đã tăng gần gấp 3 lần trong vòng 5 năm, trong khi tỷ lệ ROE liên tục giữ ở mức 22-25%.

Tổng tài sản tính đến cuối năm 2024 của ACB mở rộng 20% so với đầu năm, lên 864.006 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm 18% (còn 5.696 tỷ đồng), tiền gửi tại NHNN tăng 36% (25.219 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 19% lên 580.686 tỷ đồng.

Tiền gửi khách hàng tăng 11% so với đầu năm, lên 537.304 tỷ đồng. Tổng quy mô huy động của ACB trong năm 2024 gồm tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 639.000 tỷ đồng, tăng 19%. Tỷ lệ CASA cải thiện từ 22,9% năm 2023 lên 23,3% vào năm 2024.

Về đầu tư cho chuyển đổi số trong giai đoạn 2019-2024, ACB đã phát triển Ngân hàng số ACB ONE thành kênh kinh doanh trọng yếu song song với ngân hàng truyền thống. Nhờ đó, ACB đã mở rộng thêm kênh huy động và thu hút thêm tệp khách hàng mới, gia tăng thị phần. ACB đạt được mức tăng trưởng kép với tỷ lệ số lượng giao dịch online tăng 98%, cùng giá trị giao dịch online tăng 75% trong giai đoạn này.

ACB vẫn đáp ứng quy định về an toàn tài chính như tỷ lệ LDR 78%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 18,8%, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất CAR trên 12%. Hệ số rủi ro bình quân đối với tài sản có được kiểm soát ở mức gần 70%.

Nếu không tính đến 8.690 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của ACBS, đến ngày 31/12/2024, tổng nợ xấu của ACB là 8.650 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng nhẹ từ mức 1,22% đầu năm lên 1,51%.

Trong năm, thu nhập bình quân nhân viên ACB tăng từ 37 lên 38 triệu đồng/người/tháng.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank)

- BCTC hợp nhất vừa công bố cho thấy lũy kế cả năm 2024, lợi nhuận thuần của Ngân hàng đạt hơn 2.306 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2023, dù lãi từ dịch vụ giảm 31%, còn 38 tỷ đồng, do tăng chi phí từ hoạt động dịch vụ khác. Đáng chú ý, lãi từ kinh doanh ngoại hối gấp đôi năm trước, thu được gần 46 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1.002 tỷ đồng, dù đã trích gần 612 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, BVBank lãi trước thuế gần 391 tỷ đồng, gấp 5,4 lần năm trước, vượt xa so với kế hoạch 200 tỷ đồng được ĐHĐCĐ đề ra cho cả năm 2024.

Trong riêng Q4/2024, BVBank thu được gần 759 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước. BVBank lãi trước thuế gần 209 tỷ đồng trong Q4, vượt xa cùng kỳ năm trước. BVBank giải trình nguyên nhân lợi nhuận Q4 tăng cao so với quý trước đến từ việc tăng mạnh hoạt động cho vay (đóng góp gần 40% mức tăng cả năm), tốc độ thu nợ đẩy nhanh với mức thu gần 3 lần bình quân các quý trước, cải thiện mạnh thu lãi và giảm chi phí dự phòng.

Tổng tài sản của BVBank tính đến cuối năm 2024 đạt 103.536 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Hoạt động tín dụng ghi nhận kết quả tích cực với số dư nợ cho vay khách hàng hơn 68.063 tỷ đồng, tăng 18%. Trong đó, dư nợ của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 75% tổng quy mô dư nợ.

Tổng quy mô huy động của BVBank ghi nhận 95.400 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi khách hàng đạt 67.389 tỷ đồng, tăng 18% với động lực chính đến từ các chương trình tập trung vào khách hàng nhỏ lẻ. Tổng số lượng khách hàng tăng gần 30% so với đầu năm, đạt 2,3 triệu khách hàng.

BVBank cho biết, năm 2024 cũng là năm đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động chuyển đổi số với 92% khách hàng mới đến từ kênh số, tăng 40% so với 2023. Tổng số lượng giao dịch trên kênh số cũng tăng 40% so với năm trước.

Tổng nợ xấu tính đến 31/12/2024 của BVBank là gần 2.106 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay giảm từ mức 3,31% xuống còn 3,09%. Tỷ lệ nợ xấu/tổng nợ theo quy định tại Thông tư số 31/2024/TT-NHNN giảm còn 2,59%.

- Ngân hàng Bản Việt công bố lãi suất cho vay bình quân tháng 1/2025 của Ngân hàng là 8,36%/năm, giảm 0,22% so với tháng 12/2024 (Trong đó, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân là 8,46%/năm, giảm 0,36%; khách hàng doanh nghiệp là 8,2%/năm, tăng 0,12%); chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 3,17%, giảm 0,27% so với tháng 12/2024.

Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank)

- Theo số liệu từ BCTC hợp nhất Quý 4/2024, KienlongBank ghi nhận những kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024. Lợi nhuận trước thuế trong Q4 của Ngân hàng đạt 352 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tăng nhẹ chủ yếu do hoạt động đầu tư nâng cao và cải tiến công nghệ, tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên các kênh số theo từng phân khúc, nhóm đối tượng khách hàng. Với kết quả tích cực này, lũy kế trong năm 2024 tổng lợi nhuận trước thuế vượt mốc 1.100 tỷ đồng, hoàn thành 139% kế hoạch cả năm.

Tính đến hết Q4/2024, tổng tài sản của KienlongBank đạt 92.176 tỷ đồng, tăng 5.204 tỷ đồng (tương đương 6%) so với cùng kỳ năm trước. Tổng huy động vốn đạt 82.906 tỷ đồng, tăng 6.963 tỷ đồng (tương đương 9,2%); dư nợ tín dụng đạt 61.431 tỷ đồng, tăng 8.852 tỷ đồng (tương đương 16,8%) so với năm liền kề - ghi nhận hệ số tăng trưởng tín dụng cao hơn tỷ lệ bình quân của toàn ngành Ngân hàng.

Kiên định và quyết liệt trong việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số toàn diện với 3 động lực chính: Công nghệ - Quản trị - Nhân sự, năm 2024 cũng là năm KienlongBank đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động quản trị, điều hành. Việc triển khai sớm Basel III một cách chủ động và đồng bộ tiêu chuẩn ESG cùng nhiều công cụ quản trị hiện đại giúp KienlongBank nâng tỷ trọng, chất lượng vốn, xây dựng mức đệm dự phòng lớn hơn để giảm rủi ro hoạt động. Bên cạnh đó Ngân hàng cũng nâng cao khả năng nắm bắt, tạo khung quản trị rủi ro vững chắc, góp phần giúp hoạt động kinh doanh phát triển an toàn, hiệu quả bền vững.

Về chất lượng tài sản, tính đến 31/12/2024, KienlongBank ghi nhận tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,91%, thuộc nhóm thấp so với mặt bằng chung toàn ngành, đảm bảo tuân thủ yêu cầu của NHNN. Tính đến hết năm 2024, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Ngân hàng đạt 80%, tăng mạnh so với năm liền kề.

- KienlongBank mới đây triển khai gói tín dụng ưu đãi “Vay vốn liền tay - Nhận ngay ưu đãi” dành cho khách hàng Doanh nghiệp. Gói tín dụng có quy mô 5.000 tỷ đồng, được triển khai từ ngày 03/02/2025 đến hết ngày 31/12/2025. Theo đó, khách hàng doanh nghiệp ký hợp đồng tín dụng mới và giải ngân trong thời gian triển khai chương trình sẽ được hưởng lãi suất vay ưu đãi chỉ từ 5,8%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và từ 7,9%/năm đối với các khoản vay trung/dài hạn.

Đây được xem là mức lãi suất cạnh tranh trên thị trường, giúp khách hàng giảm áp lực tài chính, tối đa hiệu quả dòng tiền. KienlongBank cũng nâng cao chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ, thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng. Gói vay đặc biệt ưu đãi đối với các nhóm ngành phát triển xanh như: Nông nghiệp bền vững, Năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, KienlongBank còn đang triển khai combo SME E-COMBOBIZ với nhiều ưu đãi như: miễn phí tài khoản số đẹp theo mã số thuế hoặc số điện thoại; miễn phí duy trì dịch vụ E-Banking; miễn phí chuyển khoản nhanh liên ngân hàng với các giao dịch dưới 500.000 VNĐ và ưu đãi phí với các giao dịch chuyển khoản trên 500.000 VNĐ; miễn phí 10 giao dịch chuyển tiền quốc tế đi bằng điện đầu tiên và miễn phí nhận tiền chuyển đến (không giới hạn doanh số) mà không yêu cầu số dư tối thiểu trong tài khoản thanh toán.

- Qua gần 3 thập kỷ kết nối giá trị, KienlongBank luôn kiên định với phương châm “Sẵn lòng chia sẻ”, cùng giá trị cốt lõi Tâm - Tín - Kiên - Xanh trong những hoạt động hướng đến cộng đồng. Năm 2025 đánh dấu hành trình 12 năm KienlongBank thực hiện chương trình “San sẻ yêu thương - Thêm hương ngày Tết”. Hơn 83.000 phần quà ý nghĩa với tổng giá trị gần 35 tỷ đồng đã được KienlongBank trao tặng đến bà con có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh thành trên cả nước, hỗ trợ bà con đón Tết đầm ấm, đủ đầy hơn.

Chương trình được tổ chức thường niên từ năm 2014, do tập thể cán bộ, nhân viên, cộng tác viên KienlongBank cùng góp sức thực hiện, lan tỏa thông điệp về truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tinh thần đoàn kết tương trợ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Riêng dịp Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025, KienlongBank phối hợp cùng chính quyền các địa phương tổ chức trao tặng hơn 8.000 phần quà Tết với tổng giá trị gần 5 tỷ đồng cho bà con có hoàn cảnh khó khăn.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank)

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM công bố BCTC Quý 4 và năm 2024 với các chỉ tiêu tăng trưởng cao, đạt và vượt các mục tiêu do ĐHĐCĐ đề ra.

Năm 2024, HDBank đạt 16.731 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 29% so với năm 2023 và hoàn thành 106% kế hoạch cổ đông giao. ROA đạt 2,04% và ROE đạt 25,71%, đều cao hơn cùng kỳ năm trước và duy trì trong nhóm ngân hàng dẫn đầu toàn ngành. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất (theo Thông tư 11) thấp chỉ 1,48%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II ở mức 14,1%, cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Các chỉ tiêu an toàn hoạt động khác được đảm bảo.

Ở mảng tài chính tiêu dùng, Công ty con HD SAISON tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường về lợi nhuận, đạt 1.200 tỷ đồng, tăng mạnh 84% so với năm 2023. Kết quả này một lần nữa cho thấy chiến lược phát triển bền vững, năng lực duy trì tăng trưởng cao, quản trị rủi ro hiệu quả.

Tổng tài sản HDBank đạt 697.281 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2023. Huy động vốn vượt 621 nghìn tỷ đồng, tăng 16%, trong đó tiền gửi từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 18%. Tổng dư nợ đạt trên 437 nghìn tỷ đồng, tăng 24%, hướng tới những ngành là động lực tăng trưởng kinh tế như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp SME, tài trợ chuỗi…

HDBank hiện phục vụ khoảng 20 triệu khách hàng với 97% giao dịch bán lẻ được thực hiện trên nền tảng số. Kênh số đóng góp tới 82% số lượng khách hàng mới. Ngân hàng ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số hiện đại, được thị trường đón nhận, đặc biệt là Ngân hàng số Vikki.

Trong năm 2024, HDBank đã hoàn thành chi trả cổ tức tỷ lệ cao 30%, bao gồm 10% tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu, thuộc nhóm các ngân hàng trả cổ tức cao trong ngành.

Mới đây, HDBank đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước lựa chọn thực hiện phương án nhận chuyển giao Ngân hàng Đông Á, mở ra cơ hội mở rộng quy mô, phát triển các mô hình kinh doanh mới, mang lại giá trị lớn cho cổ đông, khách hàng và đối tác.

Trong năm 2024, ngân hàng đã triển khai gói tín dụng ưu đãi trị giá 12.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh và tái thiết sau bão số 3 tại các tỉnh phía Bắc; đóng góp 80 tỷ đồng cho chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ phát động, lan tỏa tinh thần sẻ chia và trách nhiệm cộng đồng sâu sắc.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

Ngân hàng TMCP Phương Đông vừa công bố kết quả kinh doanh Quý 4/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.453 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản của OCB đạt 280.712 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2023. Đặc biệt, ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng thị trường 1 đạt gần 20%, cao hơn trung bình ngành (15,08%). Trong đó, dư nợ tín dụng tiếp tục tập trung vào 2 nhóm chiến lược khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Huy động thị trường 1 đạt 192.413 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm.

Tổng thu thuần Quý 4 của OCB tăng trưởng đáng kể, đạt 3.218 tỷ, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng tốt, thu nhập thuần từ lãi tăng 1.323 tỷ, tăng 99% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính đến từ tín dụng tăng trưởng gần 20% và NIM cải thiện ở mức 3,5% vào cuối năm 2024. Thu thuần ngoài lãi của OCB trong Q4 đạt 563 tỷ, tăng 148% so với quý trước. Đáng chú ý, thu thuần từ dịch vụ tăng 126 tỷ, tương đương 37% so với cùng kỳ đến từ hoạt động chuyển đổi số hiệu quả và tăng trưởng các khoản thu phí từ dịch vụ.

Tỷ lệ giao dịch qua kênh số hiện ở mức 96%, mức khá cao so với các ngân hàng trên toàn hệ thống. Đơn cử, chỉ sau 7 tháng ra mắt ngân hàng số OCB OMNI phiên bản mới, số lượng giao dịch trên kênh này đã tăng 74%, CASA tăng 21% và doanh thu tiền gửi tiết kiệm trực tuyến tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng Liobank cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng với 300.000 khách hàng mới, tổng giá trị giao dịch nhận và gửi qua kênh này đạt 11 nghìn tỷ đồng, với 8 triệu giao dịch được thực hiện, tăng 4,2 lần so với năm 2023. Xếp hạng trên các app store đạt 4,7+ thuộc nhóm đầu các ứng dụng tài chính. Đặc biệt, năm 2024 trong hành trình “ngân hàng dẫn đầu” triển khai mô hình ngân hàng Mở (Open Banking), OCB đã cán mốc hơn 150 Open API. Đến cuối năm 2024, số lượng khách hàng kết nối OPEN API ở ngân hàng tăng 150% so với năm 2023, hiệu suất xử lý mạnh mẽ với trung bình hơn 6 triệu giao dịch/tháng.

Tuy nhiên, thu thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ và chứng khoán, cụ thể là trái phiếu chính phủ, giảm do điều kiện thị trường không thuận lợi, cùng những tác động từ các động thái giảm lãi suất của FED (Cục dự trữ Liên bang Mỹ) và sự biến động “sức mạnh” của đồng USD. Đây được xem là những yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư và kinh doanh của các ngân hàng trên toàn hệ thống nói chung.

Cả năm 2024, lợi nhuận trước thuế lũy kế của OCB đạt 4.006 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả trong Q4 đã có sự tăng trưởng vượt bậc so với các quý trước đó. Cụ thể, lợi nhuận đạt 1.453 tỷ tăng 230% so với Q3.

Thực tế cho thấy, năm 2024, OCB đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững. Cụ thể, danh mục khách hàng có sự chuyển dịch, đẩy mạnh tập trung vào nhóm khách hàng chiến lược cá nhân và DNVVN. Dư nợ tín dụng của khách hàng cá nhân tăng 11,4%, SME tăng 51,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, ngân hàng cũng đang đẩy mạnh tài chính xanh, cung cấp nguồn vốn cho các dự án theo hướng phát triển bền vững như: Năng lượng tái tạo, công trình xanh, nhà máy cung cấp nước hay nông nghiệp thông minh, nuôi trồng bền vững, tưới nhỏ giọt, lưu trữ/chứa nước. Theo số liệu thống kê đến 31/12/2024, tín dụng xanh tại OCB tăng 30% so với năm 2023.

Hoạt động đầu tư mở rộng mạng lưới trên toàn quốc phát triển mạnh mẽ với 05 CN và 12 PGD mới được thành lập. Dự án về công nghệ, chuyển đổi số vẫn được ưu tiên đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách phúc lợi cùng các hoạt động đào tạo, chương trình nội bộ dành riêng cho CBNV cũng được chú trọng. Đây được xem là các nguyên nhân dẫn đến chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển quy mô, nhân sự cốt lõi, năng lực tốt sẽ giúp ngân hàng xây dựng nền tảng vững chắc, đẩy mạnh tốc độ phát triển trong thời gian tới.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam vừa công bố BCTC hợp nhất với lãi trước thuế năm 2024 đạt hơn 9.004 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước, trong khi tín dụng tăng trưởng 22%.

Năm 2024, thu nhập lãi thuần VIB đạt hơn 16.750 tỷ đồng, giảm 9% so với năm trước. VIB cho biết định hướng tập trung vào phân khúc khách hàng chất lượng cao, có tài sản đảm bảo tốt, cùng với việc đưa ra thị trường nhiều gói sản phẩm bán lẻ lãi suất cạnh tranh nên có sụt giảm về biên lãi ròng (NIM) - ở mức 3,8%. Thu nhập ngoài lãi vẫn duy trì tăng trưởng 6% so với năm trước và đóng góp 19% tổng doanh thu Ngân hàng. Thu nhập từ phí đạt 2.100 tỷ đồng với 2 sản phẩm chính là thẻ tín dụng và bảo hiểm. Riêng về số lượng thẻ tín dụng, VIB đạt hơn 865.000 thẻ, chi tiêu thẻ đạt 5 tỷ USD, tương ứng mức trung bình 10.000 tỷ đồng/tháng, tăng hơn 20% so với năm trước.

Lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng giảm 9% còn hơn 500 tỷ đồng, do tăng chi cho các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ. Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng đến 91%, thu được 248 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác tăng 64%, đạt 1.300 tỷ đồng, nhờ thu hồi nợ đã được xử lý, bù đắp bằng nguồn dự phòng rủi ro 1.247 tỷ đồng, tăng đến 80%.

Chi phí hoạt động của Ngân hàng trong năm 2024 tăng 9% lên 7.211 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các hoạt động đầu tư vào con người, công nghệ, ngân hàng số, marketing và mở rộng chi nhánh. Hệ số hiệu quả chi phí (CIR) đạt mức 35%.

Trong năm, Ngân hàng trích hơn 4.353 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, do đó thu được hơn 9.004 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 16% so với năm trước, mới thực hiện được 75% kế hoạch năm (12.045 tỷ đồng). Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt khoảng 18%.

Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản Ngân hàng tăng trưởng 20% so với đầu năm, lên 493.158 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng VIB đạt 324.010 tỷ đồng, tăng 22%, với động lực tăng trưởng đến từ cả ở 4 mảng phân khúc trọng tâm là bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp, SME và định chế tài chính. Trong đó, dư nợ bán lẻ đạt gần 260.000 tỷ đồng, tỷ lệ bán lẻ duy trì mức 80%, với trên 90% khoản vay bán lẻ có tài sản đảm bảo chủ yếu là nhà ở, đất ở với đầy đủ pháp lý và có thanh khoản. Số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm 0,2% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, toàn bộ trái phiếu đều thuộc lĩnh vực sản xuất, thương mại và tiêu dùng.

Tiền gửi khách hàng tăng 17% so với đầu năm, lên 276.308 tỷ đồng. Trong đó, huy động khách hàng cá nhân đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng 14%. Tỷ lệ CASA và ngoại tệ tăng hơn 35%, giúp chi phí lãi 2024 giảm 14%.

Tổng nợ xấu VIB tính đến 31/12/2024 là 11.374 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay là 3,51%. Tỷ lệ nợ xấu Ngân hàng công bố là 2,4%.

Các chỉ tiêu an toàn vẫn đảm bảo theo quy định như tỷ lệ an toàn vốn (CAR) Basel II đạt 11,9%, hệ số cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) ở mức 72%, hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 22% và hệ số nguồn vốn ổn định ròng theo Basel III (NSFR) 117%.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)

Các tuần qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn tiếp tục thông báo về việc chấm dứt hoạt động 01 PGD tại TP.HCM (từ ngày 22/01/2025) và 01 PGD tại TP. Đà Nẵng (từ ngày 07/02/2025), đó là: Phòng giao dịch 3 Tháng 2 - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch và Phòng giao dịch Đống Đa - Chi nhánh Sông Hàn.

Như vậy, tính từ tháng 6/2023 đến nay, SCB đã giải thể hoạt động 161 PGD tại các tỉnh thành, riêng tại TP.HCM là 81 PGD, tại các tỉnh thành khác là 80 PGD.

SCB khẳng định, việc chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch trên không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch khác của Ngân hàng SCB.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank)

- BCTC Quý 4/2024 cho thấy trong riêng Q4/2024, hoạt động chính sụt giảm so với cùng kỳ năm trước 76% khi chỉ thu được hơn 52 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Các khoản thu nhập phi tín dụng cũng sụt giảm như lãi từ dịch vụ giảm 20% (còn 8 tỷ đồng), lãi từ hoạt động khác giảm 71% (còn gần 49 tỷ đồng), lãi kinh doanh ngoại hối đi ngang ở mức 9,5 tỷ đồng. Thêm vào đó, Ngân hàng tăng chi phí hoạt động 15% lên 180 tỷ đồng, do đó lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 61 tỷ đồng. Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 52 tỷ đồng khiến Saigonbank lỗ trước thuế gần 114 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, Saigonbank lãi trước thuế hơn 99 tỷ đồng, giảm đến 70% so với năm trước. Đây là con số thấp nhất trong 5 năm trở lại đây của Ngân hàng. Lỗ Q4 kéo lùi Saigonbank làm cho mục tiêu 368 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2024 chỉ mới thực hiện được 27%.

Tổng tài sản tính đến cuối năm 2024 của SGB chỉ tăng 6% so với đầu năm, đạt 33.260 tỷ đồng. Trong khi cho vay khách hàng tăng 9% (21.834 tỷ đồng), thì tiền gửi khách hàng chỉ tăng nhẹ 4% (24.413 tỷ đồng).

Chất lượng nợ vay của SGB cũng sụt giảm khi tổng nợ xấu tính đến 31/12/2024 tăng đến 44% so với đầu năm, lên hơn 581 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ mức 2,03% đầu năm lên 2,66%.

- Tiếp tục thực hiện công tác an sinh xã hội, trong 02 ngày 18-19/01/2025, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương phối hợp cùng Chùa Thiên Đức và Chùa Pháp Bảo đã trao 400 phần quà gồm các nhu yếu phẩm cần thiết cho Hội người mù Quận 5, Quận 6, Quận 8, Quận 11 và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM, thể hiện tình yêu thương của tập thể cán bộ nhân viên Saigonbank giúp những người khiếm thị và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đón Tết ấm áp, tràn đầy yêu thương.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

- Theo BCTC hợp nhất vừa công bố, tính riêng Quý 4/2024, thu nhập lãi thuần của Sacombank tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 6.099 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ tăng đến 64%, thu được 964 tỷ đồng. Một số nguồn thu ngoài lãi lại sụt giảm so với cùng kỳ như hoạt động kinh doanh ngoại hối (-7%), hoạt động khác (-70%).

Nhờ tiết giảm chi phí hoạt động 8% (3.150 tỷ đồng) và được hoàn nhập hơn 367 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, do đó Ngân hàng lãi trước thuế Q4 hơn 4.626 tỷ đồng, tăng đến 68% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2024, Sacombank lãi trước thuế trên 12.720 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước. Mốc lợi nhuận này đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử hình thành của Sacombank và vượt 20% kế hoạch 10.600 tỷ đồng lãi trước trước thuế đề ra cho cả năm.

Tổng tài sản của Ngân hàng tính đến cuối năm 2024 đạt 748.094 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong khi cho vay khách hàng tăng 12% (539.314 tỷ đồng), tiền gửi khách hàng tăng 11% (566.881 tỷ đồng).

Tổng nợ xấu tính đến 31/12/2024 của Sacombank là 12.957 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng nhẹ từ mức 2,28% đầu năm lên 2,4%.

- Ngày 23/01/2025, phòng chờ thương gia đồng thương hiệu Sacombank First Lounge by Bamboo Airways tại tầng 3, nhà ga T1 sân bay quốc tế Nội Bài chính thức được nâng cấp từ phòng chờ hiện hữu của Bamboo Airways, nhằm mang đến nhiều tiện ích và dịch vụ đặc quyền, đẳng cấp cho khách hàng Sacombank. Khách hàng cá nhân chỉ cần xuất trình thẻ Sacombank Visa Infinite, Visa Platinum, Visa Signature, Visa Imperial Signature, World Mastercard, Bamboo Airways Platinum để sử dụng phòng chờ. Trong đó, số lượt của chủ thẻ Visa Infinite là không giới hạn. Khách hàng doanh nghiệp sở hữu thẻ Visa Platinum Corporate, Mastercard World Business Digital, Mastercard World Business Travel sử dụng phòng chờ với số lượt miễn phí theo chính sách ưu đãi từng loại thẻ.

Đặc biệt, thẻ tín dụng liên kết Sacombank Bamboo Airways Platinum còn có những lợi ích vượt trội như chính sách về ưu đãi phí thường niên, chương trình điểm thưởng hấp dẫn với các phần thưởng quy đổi có giá trị khi bay cùng Bamboo Airways, hoàn tiền đến 600.000 đồng khi mở và chi tiêu thẻ, giảm giá đến 50% các dịch vụ ăn uống, mua sắm, du lịch… bên cạnh những tính năng đặc trưng của thẻ tín dụng.

- Nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025, Sacombank tổ chức chương trình “Ấm tình mùa Xuân” lần thứ 22 trao hàng chục nghìn phần quà ý nghĩa, tổng giá trị 10 tỷ đồng. Cụ thể, trong các ngày từ 06-19/01/2025, các Chi nhánh, Phòng giao dịch Sacombank trên toàn quốc đã tổ chức đến các xã phường, cơ sở từ thiện, mái ấm tình thương… thăm chúc Tết và tặng quà, mừng tuổi cho các trẻ em cơ nhỡ, người khuyết tật, người già neo đơn và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, Sacombank cũng tổ chức tặng quà đến kiều bào khó khăn đang sinh sống, làm việc tại 2 nước Lào và Campuchia, góp phần cùng mọi người đón Tết trọn vẹn hơn.

Qua 22 năm, Sacombank đã dành hơn 104 tỷ đồng cho hoạt động thiện nguyện mỗi dịp tết đến xuân về, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Trong năm 2024, Sacombank cũng đã triển khai nhiều chương trình ý nghĩa hướng đến cộng đồng: Hơn 18.000 CBNV Sacombank tự nguyện đóng góp tối thiểu 01 ngày lương/người, với số tiền hơn 12,7 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc ảnh hưởng bởi bão Yagi; Trao hơn 4000 suất học bổng trị giá hơn 11 tỷ đồng được trao đến các em học sinh, sinh viên hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước... Với phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Sacombank chung tay cùng các tỉnh Bạc Liêu, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Khánh Hoà, Lâm Đồng… xây dựng hàng nghìn căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách gặp khó khăn về nơi ở; trao kinh phí xây dựng trường học, nhà văn hóa, cầu đường, nhà vệ sinh công cộng chất lượng cao hay các chương trình mang điện, đèn đường, nước sạch, giếng khoan đến nhiều vùng còn khó khăn; hỗ trợ miễn phí hàng trăm ca mổ mắt, phục hồi thị lực cho các bệnh nhận đục thuỷ tinh thể; hỗ trợ chi phí và quà dinh dưỡng cho các bệnh nhi đang điều trị ung thư tại TP.HCM… cùng nhiều chương trình, hoạt động thiện nguyện lớn, nhỏ khác với ngân sách hơn 100 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)

BCTC hợp nhất cho thấy trong riêng Quý 4, Eximbank đã có một quý tăng trưởng toàn diện. Thu nhập lãi thuần tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.518 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi tăng bằng lần như: lãi từ dịch vụ gấp 5,8 lần (742 tỷ đồng), lãi từ kinh doanh ngoại hối gấp 7,7 lần (185 tỷ đồng), hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư chuyễn lỗ thành lãi. Thêm vào đó, Ngân hàng chỉ tăng 6% chi phí hoạt động, lên 967 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 64% lên 2.075 tỷ đồng. Eximbank chỉ trích gần 265 tỷ đồng dự phòng trong quý, do đó lãi trước thuế hơn 1.810 tỷ đồng, tăng đến 80% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2024, Eximbank lãi trước thuế hơn 4.188 tỷ đồng, tăng 54% so với năm trước, dù tăng mạnh dự phòng rủi ro. Mặc dù vậy, Eximbank mới thực hiện được 80% mục tiêu 5.180 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra cho cả năm.

Tổng tài sản tính đến cuối năm 2024 của Eximbank đạt 239.768 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại các TCTD khác giảm 30% (còn 29.829 tỷ đồng), dư nợ cho vay đạt 165.154 tỷ đồng, tăng 18%.

Tiền vay NHNN tăng đột biến lên 2.079 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ có gần 20 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 7% so với đầu năm, lên 167.447 tỷ đồng. Thời điểm cuối năm, Eximbank phát sinh 7.602 tỷ đồng tiền vay các TCTD khác trong khi đầu năm không ghi nhận.

Tổng nợ xấu tính đến 31/12/2024 của Ngân hàng là 4.180 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ giảm từ 2,65% đầu năm xuống còn 2,53%.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank)

- Theo BCTC hợp nhất Quý 4/2024, trong Quý cuối năm 2024, thu nhập chính của Vietbank giảm 3% so cùng kỳ, chỉ còn gần 699 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Ngân hàng giải trình do đẩy mạnh hoạt động huy động vốn nên chi phí huy động vốn tăng, làm giảm thu nhập lãi thuần. Lãi thuần từ dịch vụ gần 27 tỷ đồng, tăng 5%, nhờ tăng dịch vụ ngân hàng số.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối trở thành điểm sáng khi thu được hơn 25 tỷ đồng lãi, gấp 3 lần cùng kỳ. Mua bán chứng khoán đầu tư chỉ còn lãi hơn 7 tỷ đồng, giảm 80%, do diễn biến lãi suất trên thị trường không thuận lợi, nên ngân hàng thực hiện giữ ổn định danh mục trong thời gian còn lại của năm. Thu nhập từ hoạt động khác hơn 456 tỷ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ, do thu được các khoản nợ đã xử lý rủi ro.

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 751 tỷ đồng, tăng 89% so cùng kỳ. Tuy nhiên, Ngân hàng đã dành ra hơn 440 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 21 lần cùng kỳ, do đó chỉ còn gần 311 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 21%.

Lũy kế cả năm, Vietbank lãi trước thuế hơn 1.131 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận tích cực nhất trong 5 năm gần đây của Vietbank. Nếu so với mục tiêu “cơ sở” 950 tỷ đồng và mục tiêu “phấn đấu” 1.050 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra cho cả năm 2024, Vietbank đã hoàn thành cả 2 kế hoạch.

Tổng tài sản tính đến cuối năm của Ngân hàng ghi nhận 162.855 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 25% (còn 7.024 tỷ đồng), tiền gửi tại các TCTD khác tăng 28% (34.021 tỷ đồng), phát sinh 1.900 tỷ đồng cho vay các TCTD khác, cho vay khách hàng tăng 16% (93.637 tỷ đồng). Trong khi đó, tiền gửi khách hàng chỉ tăng nhẹ 5% so với đầu năm, lên 94.841 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu Vietbank tính đến 31/12/2024 là 2.486 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ mức 2,56% đầu năm lên 2,66%.

- Đón đầu nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp những tháng đầu năm 2025, các ngân hàng đã dành nguồn tín dụng ưu đãi dồi dào cùng những giải pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%, định hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hưởng ứng chủ trương này, từ nay đến 30/06/2025, Vietbank chính thức triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng mang tên “Trao vốn nhanh, kinh doanh bứt phá”, với mức lãi suất hấp dẫn chỉ từ 6%/năm, thời gian vay linh hoạt từ 3 đến 9 tháng.

Vietbank không ngừng nâng cấp quy trình duyệt vay, tinh gọn thủ tục để đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng. Chỉ trong 48 giờ sau khi hồ sơ được phê duyệt, khoản vay sẽ được giải ngân. Vietbank cũng xây dựng dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên biệt, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp 24/7, cùng nhiều ưu đãi đặc biệt: khi đăng ký, khách hàng sẽ được miễn phí 100% các dịch vụ tài chính quan trọng trong gói tài khoản doanh nghiệp VB Biz, bao gồm: Phí thanh toán quốc tế; Phí mở tài khoản số đẹp theo yêu cầu; Phí giao dịch tại quầy; Phí dịch vụ ngân hàng điện tử; Phí thẻ ghi nợ quốc tế Vietbank Visa cho khách hàng tổ chức.

Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC (VPB FC/ FE Credit)

Tận dụng các chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm, VPBank tăng tốc bứt phá mở rộng quy mô tín dụng tại các phân khúc chiến lược trong Q4, góp phần đưa lợi nhuận cả năm tăng trưởng vượt trội 85%. Ngân hàng đã và đang tiếp tục kiện toàn nền tảng, mở rộng hệ sinh thái, tạo bệ phóng vững chắc cho chiến lược tăng trưởng bền vững trong trung - dài hạn.

Quy mô tín dụng hợp nhất của VPBank cán mốc 710 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế (PBT) hợp nhất trong năm đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng. Tính riêng Q4, lợi nhuận hợp nhất của VPBank đạt hơn 6.100 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so cùng kỳ.

Trong đó, Ngân hàng mẹ ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 18,3 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2023. Các công ty con tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của tập đoàn, đặc biệt là sự trở lại mạnh mẽ của FE Credit sau quá trình tái cấu trúc toàn diện, khi báo lãi liên tiếp trong 3 quý gần nhất và đạt 500 tỷ đồng lợi nhuận cả năm 2024.

Với chiến lược tập trung bán lẻ, hưởng lợi từ đà tăng trưởng cao của khu vực thương mại - dịch vụ (tăng 8,21% trong Q4 và 7,38% cho cả năm 2024, theo số liệu của Tổng cục Thống kê), VPBank đã tăng tốc mở rộng quy mô tín dụng, ghi nhận cho vay tăng trưởng ổn định trong các phân khúc chiến lược và phân khúc tiềm năng FDI.

Nhờ cầu tiêu dùng cải thiện dần trong năm và quá trình tái cấu trúc thành công, quy mô tín dụng của FE Credit tăng 10,3% và doanh số giải ngân cả năm 2024 tăng 40% so với 2023.

Bên cạnh việc duy trì vị thế tại mảng bán lẻ, VPBank cũng không ngừng tìm kiếm cơ hội ở những phân khúc mới tiềm năng. Với sự hậu thuẫn của cổ đông chiến lược SMBC, phân khúc FDI của Ngân hàng đã ghi nhận dư nợ tín dụng tăng trưởng gấp ba lần so với 2023.

VPBank tiếp tục áp dụng đa dạng các biện pháp xử lý nợ xấu, giúp đảm bảo tỷ lệ nợ xấu (NPL) theo Thông tư 11 của ngân hàng mẹ được kiểm soát dưới ngưỡng 3% theo quy định của NHNN. Đồng thời, nợ xấu của FE Credit tiếp tục xu hướng cải thiện rõ rệt khi giảm trong ba quý liền kề.

Đối với sự gia nhập của GPBank vào hệ sinh thái VPBank mở rộng mới đây, VPBank tiếp nhận không chỉ là một ngân hàng con mà còn là sự cộng hưởng gia tăng sức mạnh tổng thể giúp nối dài mạng lưới kinh doanh của hệ thống, qua đó củng cố hơn nữa vị thế cạnh tranh của tập đoàn trên thị trường. Sau khi hoàn tất chuyển giao GPBank, Ngân hàng được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi GPBank, ổn định thị trường tài chính tiền tệ, trong khi tăng cường niềm tin của nhà đầu tư và người dân đối với hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng TNHH Indovina (IVB)

Ngân hàng TNHH Indovina vừa công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi, cho vay bình quân và các lãi suất khác kỳ tháng 1/2025 (số liệu cập nhật đến 31/01/2025) như sau: Lãi suất cho vay bình quân với khách hàng cá nhân (ngắn hạn) là 7,32% (tăng 0,43% so với kỳ trước), trung dài hạn là 9,03% (giảm 0,32%); Lãi suất cho vay bình quân với khách hàng doanh nghiệp (ngắn hạn) là 6,02% (tăng 0,28%), trung dài hạn là 9,6% (giảm 0,02%); Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 2,76% (giảm 0,21%).

Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank)

Ngân hàng Shinhan mới đây ký kết hợp tác chiến lược cùng Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (“PJICO”) nhằm khai thác tối đa tiềm năng của hai bên, từ đó thúc đẩy phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính - bảo hiểm đa dạng, mang lại những lợi ích vượt trội cho khách hàng.

Với lịch sử phát triển hơn 30 năm cùng uy tín vững chắc tại thị trường Việt Nam, Ngân hàng Shinhan là một trong những đối tác toàn diện của PJICO trong việc cung cấp các sản phẩm/dịch vụ tài chính chất lượng, đáp ứng hiệu quả nhu cầu cầu vay vốn của doanh nghiệp.

Về phía PJICO, với vị thế thương hiệu bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam, trong suốt 30 năm qua, PJICO là đối tác bảo hiểm, điểm tựa tài chính vững chắc của hàng ngàn tổ chức, doanh nghiệp và hàng chục triệu khách hàng cá nhân khắp toàn quốc.

Theo khuôn khổ ký kết hợp tác, Ngân hàng Shinhan sẽ là đối tác ngân hàng ưu tiên của PJICO khi có nhu cầu vay vốn, tái cấp vốn hoặc gia hạn tín dụng. Song song đó, Ngân hàng Shinhan sẽ triển phân phối rộng rãi các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ của PJICO, bao gồm: bảo hiểm tài sản, kỹ thuật, cháy nổ, xe cơ giới, hàng hóa, sức khỏe...đến các khách hàng của Ngân hàng Shinhan trên toàn quốc. Sự hợp tác chiến lược giữa hai định chế Tài chính - Bảo hiểm lớn không chỉ giúp doanh nghiệp hai bên khai thác hiệu quả các nền tảng kinh doanh hiện có mà còn mang lại cho khách hàng cơ hội tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm đa dạng, tiện lợi và an toàn.

Ngân hàng Shinhan và PJICO cũng sẽ hợp tác sâu rộng trong việc triển khai các giải pháp quản lý dòng tiền, giao dịch ngoại hối và phái sinh nhằm tối ưu hóa hiệu quả tài chính, thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của cả hai bên.

Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance)

Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam mới đây chính thức giới thiệu phiên bản mới 5.0 của nền tảng tài chính số iShinhan. Kể từ khi ứng dụng di động iShinhan lần đầu được giới thiệu vào năm 2020, đây là sự chuyển đổi và nâng cấp tổng thể, không chỉ thay đổi toàn bộ giao diện mà còn cung cấp thêm nhiều dịch vụ và tiện ích, tích hợp các giải pháp công nghệ hiện đại, hứa hẹn mang lại trải nghiệm tài chính số toàn diện, thân thiện và an toàn cho khách hàng Shinhan Finance. Phiên bản 5.0 đã được chạy thử nghiệm từ ngày 20/12/2024 và được đông đảo khách hàng đón nhận.

Bên cạnh các tính năng sẵn có dành cho khách hàng mới trên iShinhan, như đăng ký vay tín chấp hoặc mở thẻ tín dụng, giải pháp e-KYC để nhận biết khách hàng, iShinhan 5.0 đã được nâng cấp để tăng mức độ bảo mật qua xác thực thông tin và dữ liệu sinh trắc học theo quy định của Cơ quan quản lý, chỉ bằng cách chạm CCCD vào điện thoại có hỗ trợ NFC (Near Field Communications, công nghệ kết nối không dây tầm ngắn). Thao tác thiết lập hồ sơ đề nghị vay hoặc mở thẻ tín dụng trên iShinhan 5.0 cũng được thiết kế đơn giản hơn, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho khách hàng chủ động thực hiện yêu cầu tín dụng của mình.

iShinhan phiên bản 5.0 đặc biệt giới thiệu giải pháp thanh toán tích hợp thẻ tín dụng phiên bản phi vật lý và ví điện tử Google - sử dụng công nghệ thanh toán bằng NFC. Với dịch vụ này, khách hàng là chủ thẻ của Shinhan Finance có thể dễ dàng thực hiện thanh toán chỉ bằng một thao tác “chạm” với điện thoại thông minh Android có cài đặt iShinhan và Google Pay mà không cần mang theo thẻ vật lý hay tiền mặt. Bên cạnh đó, chủ thẻ tín dụng còn có thể rút tiền mặt lên đến 100% hạn mức thẻ chỉ với mã rút tiền tạo lập từ iShinhan 5.0. Ngoài ra, khách hàng của Shinhan Finance còn có thể thanh toán các hóa đơn điện, nước và hàng chục dịch vụ tiện ích khác ngay trên nền tảng iShinhan nhờ tích hợp bộ công cụ phần mềm dịch vụ trung gian thanh toán Payoo với đa dạng nguồn tiền thanh toán.

iShinhan 5.0 giới thiệu đến khách hàng các dịch vụ tài chính khác trong hệ sinh thái tài chính One Shinhan hàng đầu Hàn Quốc, bao gồm dịch vụ bảo hiểm nhân thọ được cung cấp bởi Công ty Shinhan Life Việt Nam và dịch vụ chứng khoán do Công ty Chứng khoán Shinhan thực hiện. Hơn nữa, nền tảng iShinhan 5.0 còn xây dựng, lựa chọn và giới thiệu mạng lưới đối tác uy tín của Shinhan Finance đến người dùng, từ sản phẩm xe máy, hàng kim khí điện máy, điện thoại và sắp tới là mạng lưới các showroom xe hơi nổi tiếng. Bằng cách này, Shinhan Finance kỳ vọng mang đến cho người dùng nhiều tiện ích gia tăng qua các chương trình ưu đãi đặc biệt mà các đối tác dành riêng cho khách hàng của Shinhan Finance trên iShinhan 5.0.

Năm 2024 là năm đánh dấu nỗ lực chuyển mình của Shinhan Finance sau những khó khăn hậu đại dịch, suy thoái kinh tế và thiên tai dồn dập. Năm này cũng ghi nhận bước tiến mới trong hành trình Shinhan Finance chuyển đổi số bằng việc liên tục ứng dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa quy trình, gia tăng quyền lợi cho khách hàng trong khi vẫn đảm bảo an toàn và bảo mật theo định hướng của Tập đoàn Shinhan Financial Group và Công ty mẹ Shinhan Card.

VPĐD TP.HCM
  • Quyết liệt triển khai đồng bộ giải pháp thúc đẩy kinh doanh

    Quyết liệt triển khai đồng bộ giải pháp thúc đẩy kinh doanh

    Trong năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức từ bối cảnh kinh tế chung, Agribank vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trên nhiều mặt tạo nền tảng tài chính vững chắc để ngân hàng tiếp tục mở rộng hoạt động và thực hiện các mục tiêu chiến lược trong năm 2025.

  • Tin buồn

    Tin buồn

    Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: chồng, cha, ông chúng tôi là ông Nguyễn Văn Dễ - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Nguyên chủ tịch hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (Chủ tịch HĐHH nhiệm kỳ I)

  • Agribank cho vay trả nợ ngân hàng khác với lãi suất từ 2,4%/năm

    Agribank cho vay trả nợ ngân hàng khác với lãi suất từ 2,4%/năm

    Từ nay đến ngày 31/12/2025, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tiếp tục triển khai chương trình cho vay trả nợ ngân hàng khác với lãi suất hấp dẫn chỉ từ 2,4%/năm, nhằm hỗ trợ khách hàng giảm gánh nặng tài chính và tận hưởng chính sách vay ưu đãi.

  • PVcomBank ra mắt gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2025

    PVcomBank ra mắt gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2025

    Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, việc duy trì dòng vốn ổn định là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) phát triển bền vững. Đặc biệt, khi nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh ngày càng lớn, các doanh nghiệp cần một giải pháp tài chính hiệu quả để tối ưu chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh. Nhằm đáp ứng nhu cầu này, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) chính thức triển khai hai gói tín dụng PV Advance và Vay ưu đãi VNĐ cầm cố USD.

  • Co-opBank: Hướng tới phát triển toàn diện

    Co-opBank: Hướng tới phát triển toàn diện

    Tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch kinh doanh và công tác tín dụng Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) năm 2025 vừa qua, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Co-opBank, Phạm Thị Hồng Minh cho biết, Co-opBank quyết tâm đổi mới đột phá để đạt được các mục tiêu trong năm 2025; tiếp tục đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, cung cấp những giải pháp tài chính hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế và kiến tạo tương lai thịnh vượng...

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay