Chủ nhật, 29/09/2024
   

Hoàn thiện chính sách và đồng bộ giải pháp thúc đẩy thanh toán dịch vụ y tế qua ngân hàng

Với nhiều tiện ích cho cả người dân và bệnh viện, đồng thời để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, nhiều bệnh viện đã đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

Với nhiều tiện ích cho cả người dân và bệnh viện, đồng thời để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, nhiều bệnh viện đã đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, dịch vụ thanh toán viện phí qua ngân hàng mới chỉ tập trung ở những bệnh viện lớn hoặc ở thành thị, chưa thực sự phổ biến tới người dân. Thời gian tới, để đẩy nhanh hơn nữa việc thanh toán viện phí qua ngân hàng, bên cạnh hoàn thiện chính sách thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng (trong đó có thanh toán viện phí), các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, điều tiết chính sách phí ưu đãi đối với các dịch vụ công (trong đó có lĩnh vực y tế), đồng thời đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thanh toán có tính kết nối và bảo mật cao, gia tăng tiện ích.

Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án 2545), trong đó đặc biệt yêu cầu Bộ Y tế hoàn thành việc chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM. Để tiếp tục đẩy mạnh việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển TTKDTM tại Việt Nam.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã phối hợp các bệnh viện triển khai thu viện phí không dùng tiền mặt. Với dịch vụ này, người dân cũng tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, đặc biệt giảm nguy cơ lây nhiễm khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Bệnh viện cũng không phải bố trí số đông nhân lực chỉ làm công tác thu tiền và thanh toán viện phí… do đó tiết kiệm được chi phí, nhân lực; đồng thời giảm rủi ro trong thanh toán bằng tiền mặt.

Ngân hàng phối hợp bệnh viện thúc đẩy thanh toán viện phí không dùng tiền mặt

Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng và mang đến sự nhanh chóng, tiện lợi trong khâu thanh toán cho bệnh nhân khám chữa bệnh, từ tháng 6/2021, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã có những thành công bước đầu trong chuyển đổi số với việc áp dụng các phương thức thanh toán mới ưu việt từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB). Bệnh viện Bạch Mai đang đẩy mạnh phát hành sản phẩm Thẻ Y tế thông minh, tích hợp tính năng đặt lịch, thanh toán và dữ liệu hồ sơ khám bệnh. Bằng việc đăng ký và sử dụng Thẻ Y tế thông minh, người bệnh không còn phải xếp hàng chờ thanh toán viện phí mà chỉ cần đến quầy tiếp đón bệnh nhân một lần duy nhất, nạp tiền vào thẻ sau đó thực hiện toàn bộ quy trình khám bệnh, thanh toán tự động ngay tại phòng khám, đăng ký tái khám nhanh chóng do khâu thanh toán được thực hiện hoàn toàn online.

Ngoài chức năng thanh toán, Thẻ Y tế thông minh còn lưu trữ toàn bộ thông tin về những lần khám, chữa của bệnh nhân tại phần mềm bệnh viện, giúp người bệnh có thể tra cứu thông tin tiện lợi, chính xác. Chất lượng phục vụ bệnh nhân cũng nhờ đó được cải thiện và nâng cao, giảm bớt hiện tượng quá tải trong khâu thu viện phí hay đăng ký khám; đồng thời tránh được những rủi ro trong giao dịch bằng tiền mặt, tạo nên phương thức thanh toán mới an toàn hơn cho bệnh nhân và người nhà.

Theo đại diện của MB, Thẻ Y tế thông minh được sử dụng đồng thời như thẻ ATM thanh toán nội địa, chi tiêu và mua sắm khắp mọi nơi trên toàn quốc với hơn 14.700 ATM và 250.000 POS. Khách hàng có thể nộp tiền bằng cách chuyển khoản vào thẻ từ tài khoản/thẻ của bất kỳ ngân hàng nào; hoặc nộp tiền tại 13.200 điểm giao dịch Vietnam Post - Bưu điện Việt Nam và 35.000 điểm giao dịch của Viettel trên cả nước.

Cùng với đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng đang ứng dụng đồng loạt các hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt từ MB, bên cạnh Thẻ Y tế “All - in - one” như: thanh toán bằng chuyển khoản từ ngân hàng khác vào tài khoản bệnh viện; thanh toán bằng thẻ qua máy POS; thanh toán bằng quét mã QR Code.

Không chỉ tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng thúc đẩy việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong mùa dịch Covid-19 như: Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Đại học Y dược... bằng cách quẹt thẻ ngân hàng qua máy POS, liên kết với ngân hàng đưa vào áp dụng thẻ khám bệnh có chức năng thanh toán...

Tại nhiều bệnh viện, bệnh nhân chỉ cần quét mã QR (Quick Response) trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với bệnh viện. Ngay lập tức có kết quả phản hồi mà không cần phải xếp hàng đợi thanh toán viện phí hay đến bệnh viện khám bệnh phải mang theo tiền mặt. Đến nay có khoảng 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán viện phí bằng QR code tại bệnh viện và giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn, thậm chí có thể nhờ người thân thanh toán viện phí từ xa.

Chẳng hạn, với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), bên cạnh việc tham gia thanh toán các dịch vụ công, Vietcombank còn phối hợp với các đơn vị để triển khai TTKDTM với một loạt bệnh viện lớn như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế… Khi sử dụng dịch vụ của bệnh viện, bệnh nhân có thể dễ dàng thanh toán viện phí bằng cách sử dụng tính năng "Thanh toán QR code" trên ứng dụng ngân hàng số VCB Digibank, VCBPAY và trên các ứng dụng Mobile banking của các ngân hàng hoặc các ví điện tử có liên kết thanh toán QR với Vietcombank. Với sự kết nối từ hệ thống điện tử giữa Vietcombank và bệnh viện, mã QR code sẽ được tạo ra và in ngay trên hóa đơn viện phí của từng khách hàng. Khách hàng chỉ cần mở ứng dụng Mobile banking và thực hiện "quét" ngay trên hóa đơn để hoàn thành việc thanh toán. Khi thành công, thông tin thanh toán sẽ được cập nhật vào hệ thống theo dõi của bệnh viện.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đã cung cấp dịch vụ thanh toán không tiền mặt cho nhiều bệnh viện và phòng khám. Tổng số điểm cơ sở y tế và giáo dục mà Sacombank đã triển khai máy POS lên hơn 2.200 điểm.

Trong khi đó, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã ký kết với khoảng 20 bệnh viện, trung tâm y tế và đang tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người bệnh TTKDTM. Đầu tháng 3/2021, Agribank chi nhánh Bình Thạnh và Bệnh viện Thành phố Thủ Đức đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện để phối hợp triển khai các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng; cung cấp các giải pháp thanh toán, thu hộ viện phí, trả lương qua tài khoản thẻ, lắp đặt ATM, POS...

Đến nay, nhiều ngân hàng đã hoàn thành triển khai kết nối để cung ứng dịch vụ thanh toán viện phí điện tử, đã có hơn 30 bệnh viện triển khai thanh toán viện phí điện tử, một số bệnh viện đã đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Việt Nam hiện có hơn 70 ngân hàng cung cấp dịch vụ ứng dụng di động và hơn 40 ví điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có thể tham gia cung cấp các giải pháp thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt; gần 14.000 cơ sở y tế đều có sử dụng tài khoản ngân hàng. Đây cũng là cơ sở cho việc thúc đẩy thanh toán viện phí cũng như các dịch vụ công khác qua ngân hàng.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án 2545, hoạt động TTKDTM vẫn còn khá “khiêm tốn” trong lĩnh vực y tế do vấp phải nhiều khó khăn. Đầu tiên là thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, trong khi hình thức thanh toán bằng thẻ ngân hàng hay ứng dụng Mobile banking vẫn chưa gần gũi với phần đông người dân. Đây là rào cản lớn nhất khi triển khai sử dụng dịch vụ TTKDTM ở Việt Nam nói chung và ngành Y tế nói riêng. Việc sử dụng thẻ hay các hình thức thanh toán điện tử khác gặp khó khăn đối với đối tượng già, yếu, cao tuổi. Số lượng ATM, POS chưa nhiều, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Một bộ phận người dân còn e ngại về mức phí dịch vụ thanh toán. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện chưa có chuẩn kỹ thuật, phần mềm và dữ liệu tập trung, chuẩn hóa nên các bệnh viện khó kết nối với ngân hàng để thanh toán điện tử. Chưa kể, phía ngân hàng phải đầu tư giải pháp công nghệ và mạng lưới đủ lớn để việc thu nộp qua ngân hàng đem lại hiệu quả rõ rệt, điều này đỏi hỏi chi phí lớn cũng như nguồn lực thực hiện.

Để thúc đẩy thanh toán viện phí qua ngân hàng

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, việc thanh toán các dịch vụ y tế qua ngân hàng cần được khuyến khích nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh, giảm áp lực cho bệnh viện và tiết kiệm thời gian cho người dân khi làm thủ tục tại bệnh viện. Do đó, về phía ngành Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan và chỉ đạo kịp thời các ngân hàng đẩy mạnh TTKDTM đối với các dịch vụ công, trong đó có thanh toán viện phí.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng, trong đó cần nghiên cứu, bổ sung các giải pháp đẩy nhanh thanh toán viện phí và dịch vụ công khác qua ngân hàng vào Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025; Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về TTKDTM trình Chính phủ ban hành; tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tích cực phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ công để cung cấp các giải pháp TTKDTM hiện đại, tiện ích đối với dịch vụ công.

Cơ quan quản lý cần tiếp tục vận động các ngân hàng thương mại giảm phí thanh toán, trong đó có phí thanh toán trong lĩnh vực y tế; đồng thời có văn bản yêu cầu các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng chính sách miễn, giảm phí đối với dịch vụ công để hỗ trợ các bệnh viện trong thời gian đầu triển khai.

Liên quan đến phí dịch vụ thanh toán, việc quy định các mức phí trao đổi, chia sẻ giữa các bên trong cung ứng dịch vụ thẻ như mức phí chấp nhận thanh toán, phí trao đổi,... là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy TTKDTM. Do đó, thời gian tới, các cơ quan liên quan cần cân nhắc sự cần thiết quy định cơ chế thu, trả phí liên ngân hàng giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và đơn vị chấp nhận thanh toán. Từ đó, có chính sách áp dụng mức phí trần, là căn cứ để cơ quan quản lý ban hành quy định về các mức phí thanh toán, trong đó có thể điều tiết chính sách phí ưu đãi đối với các dịch vụ công (trong đó có lĩnh vực y tế).

Các ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cần không ngừng nghiên cứu, triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán qua ngân hàng tiên tiến, hiện đại, phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch vụ công. Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật thanh toán có tính kết nối, đồng bộ, tăng cường an ninh, bảo mật nhằm đảm bảo thuận tiện và an toàn giao dịch, từ đó thu hút được nhiều người dân sử dụng dịch vụ. Các đơn vị cung ứng dịch vụ công, tổ chức cung ứng giải pháp TTKDTM cần đẩy mạnh phối hợp, đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu với ngân hàng.

Vấn đề thanh toán viện phí có tính xã hội cao và việc kết nối thanh toán viện phí cần tạo được sự đồng thuận giữa các bên, do đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các bệnh viện cần trao đổi, thống nhất tìm ra giải pháp, trong đó có việc phát triển hệ sinh thái số trên các ứng dụng thanh toán (như dịch vụ thanh toán viện phí trên các ví điện tử), cung cấp các giải pháp thanh toán, thu hộ viện phí, trả lương qua tài khoản thẻ, lắp đặt ATM, POS… nhằm gia tăng tiện ích cho cả bệnh viện và khách hàng, giảm chi phí xã hội, từ đó đẩy nhanh việc thanh toán viện phí qua ngân hàng.

Để người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, người chưa có tài khoản ngân hàng có thể tiếp cận được dịch vụ thanh toán không tiền mặt, các doanh nghiệp viễn thông và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cần hoàn thiện hồ sơ và đáp ứng các điều kiện để các bộ, ngành liên quan sớm phê duyệt triển khai Mobile - Money (thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ).

Các bộ, ngành liên quan cần phối hợp ký kết, hợp tác trong cung cấp dịch vụ, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông về những lợi ích của thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, trong đó có lĩnh vực y tế, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy thanh toán điện tử. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn.

Hà Anh

Theo Tạp chí Ngân hàng

Tài liệu tham khảo

1. Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM  tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.

2. Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về TTKDTM.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay