Ngày 11/5/2023, Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) đã có buổi làm việc với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhằm tìm hiểu và trao đổi về tình hình triển khai các hoạt động tín dụng xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
> Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam làm việc với Nhóm công tác Ngân hàng nước ngoài
Thông tin với đoàn công tác WB, ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, liên quan đến tăng trưởng xanh, các chính sách của Chính phủ đã tương đối đầy đủ, như: Luật Bảo vệ Môi trường (2020); Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã xây dựng và ban hành một số văn bản quy định về tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon, hướng tới tăng trưởng xanh như Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Quyết định số 1731/QĐ-NHNN về ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD);... Bên cạnh đó, NHNN cũng tích cực huy động, vận động các nguồn tài trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế để triển khai hoạt động tài chính xanh và ngân hàng xanh, đồng thời tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng đặc thù góp phần sử dụng tài nguyên tiết kiệm, có hiệu quả, tăng trưởng xanh...
Quang cảnh buổi làm việc
Đến ngày 31/12/2022, dư nợ tín dụng xanh của ngân hàng đạt khoảng hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm hơn 31% tổng dư nợ tín dụng xanh), năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (46,7%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường xã hội đạt hơn 2.359 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế. Điều đó cho thấy, các TCTD đang tham gia tích cực vào tiến trình chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, thể hiện trách nhiệm xã hội cao, đặc biệt là trách nhiệm cho vay.
Tại buổi làm việc, hai bên cũng trao đổi về mô hình quỹ xanh, quỹ bảo lãnh xanh, ngân hàng phát triển xanh - các mô hình đang được vận hành khá phổ biến trên thế giới, là những tham khảo tốt để nghiên cứu, xem xét và lựa chọn mô hình phát triển phù hợp nhất với Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cũng bày tỏ mong muốn sẽ có thêm những buổi làm việc chuyên sâu hơn với WB về các chủ đề liên quan tới tăng trưởng xanh, tín dụng xanh. Bên cạnh đó, WB có thể hỗ trợ kỹ thuật cho các TCTD thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bằng nhiều hình thức, trong đó có việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm thường niên/định kỳ nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên về tăng trưởng xanh. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẵn sàng kết nối, tổ chức trao đổi và làm việc giữa các tổ chức hội viên với WB, giúp WB hiểu rõ hơn về thực trạng của các ngân hàng tham gia vào tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
VNBA News