Theo Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), hành vi trục lợi bảo hiểm tiền gửi là hành động gây ra hoặc có thể gây ra việc chi trả bảo hiểm tiền gửi không đúng quy định cho người không được bảo hiểm hoặc vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định.
Vấn đề này thường xảy ra tại các quốc gia không bảo hiểm tiền gửi cho một số đối tượng người gửi tiền nhất định, ví dụ như không bảo hiểm tiền gửi cho các tổ chức, cá nhân trong nội bộ ngân hàng hoặc các bên liên kết với ngân hàng.Theo đó, các tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải đối mặt với nhiều hình thức trục lợi bảo hiểm tiền gửi khác nhau do nhân viên ngân hàng và/hoặc những người khác muốn hưởng lợi từbảo hiểm tiền gửivi phạm các quy định và hạn mức bảo hiểm hiện hành.
Một số hình thức trục lợi và gian lận bảo hiểm tiền gửi
Một số hình thức trục lợi bảo hiểm tiền gửi có thể kể tới như:
Thứ nhất, thay thế chủ sở hữu tiền gửi (thay thế người gửi tiền không được bảo hiểm với người được bảo hiểm). Ví dụ, nhân viên ngân hàng có thể ghi lại một lần chuyển tiền giả từ tài khoản không được bảo hiểm của một pháp nhân sang tài khoản được bảo hiểm của các cá nhân hoặc từ tài khoản không được bảo hiểm của cá nhân nội bộ cho tài khoản được bảo hiểm của một số người khác trước khi ngân hàng đóng cửa.
Thứ hai, chia tách tiền gửi vượt hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định và chuyển các phần tiền gửi không được bảo hiểm sang tài khoản được bảo hiểm của người khác (hoặc tài khoản được bảo hiểm của cùng một người trong trường hợp việc chi trả theo hạn mức được tính toán dựa trên các loại quyền sở hữu khác nhau, chẳng hạn như tài khoản chung, tài khoản ủy thác, v.v.). Hành vi trục lợi này này cũng có sự hỗ trợ từ các nhân viên của ngân hàng đổ vỡ.
Thứ ba, ghi nhận người gửi tiền hoặc khoản tiền gửi giả vào danh sách tiền gửi được bảo hiểm hoặc không đưa khoản nợ phải trả của người gửi tiền khi thực hiện tính toán bù trừ. Hành vi trục lợi này có thể được thực hiện bởi cơ quan/ người chịu trách nhiệm lập danh sách và gửi tổ chức bảo hiểm tiền gửi thực hiện việc chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm.
Thứ tư, ghi nhận các khoản tiền gửi giả vào sổ sách của ngân hàng nhằm mục đích chiếm dụng tiền của quỹ bảo hiểm tiền gửi. Điều này có thể được thực hiện bởi các nhân viên của ngân hàng, người quản lý hoặc người nhận ủy thác phá sản được chỉ định của ngân hàng.
Bên cạnh các hành vi trục lợi bảo hiểm trên, còn có các hành vi gian lận trong bảo hiểm tiền gửi như: Thực hiện các đề nghị trả tiền bảo hiểm không chính xác (không tồn tại hoặc phóng đại) với các tài liệu giả mạo hoặc giả mạo danh tính của người khác nhằm mục đích được bảo hiểm tiền gửi; Không ghi vào sổ sách ngân hàng các khoản tiền gửi nhận được từ những người gửi tiền đủ điều kiện (ví dụ, nhằm tránh việc đóng phí cho quỹ bảo hiểm tiền gửi hoặc lấy cắp tiền của những người gửi tiền đó).
Việc trục lợi bảo hiểm tiền gửi xảy ra thường do các nguyên nhân chính sau: (i) một số người gửi tiền không thuộc đối tượng được bảo hiểm như các tổ chức, cá nhân trong nội bộ ngân hàng; (ii) không có chế tài xử phạt đối với các hành vi trục lợi bảo hiểm; (iii) công chúng chưa có đầy đủ nhận thức về trách nhiệm pháp lý đối với những hành vi trục lợi đó; (iv) sự chậm trễ trong việc đóng cửa ngân hàng cũng có thể gây ra các hành động trục lợi bảo hiểm tiền gửi như trên.
Biện pháp ngăn ngừa trục lợi bảo hiểm tiền gửi
Các hành vi trục lợi bảo hiểm tiền gửi có thể phức tạp và khó phát hiện. Do đó, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần có các biện pháp ngăn ngừa và xác định kịp thời các hành vi này, có quyền từ chối chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi khi phát hiện vi phạm. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng có thể tố cáo hoặc khởi kiện các hành vi trục lợi bảo hiểm tiền gửi với những cá nhân, tổ chức thực hiện và/ hoặc tham gia vào các hành vi đó. IADI khuyến nghị một số biện pháp ngăn ngừa trục lợi bảo hiểm tiền gửi như sau:
Thứ nhất, tổ chức bảo hiểm tiền gửicần thiết lập các yêu cầu đối với hệ thống công nghệ thông tin của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt về cơ sở dữ liệu về tiền gửi và người gửi tiền. Qua đó, tổ chức bảo hiểm tiền gửi định kỳ kiểm tra tính chính xác dữ liệu tiền gửi của người gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (như các khoản bù trừ, nợ phải trả của người gửi tiền đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi;
Thứ hai, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần phối hợp với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thiết lập hệ thống Dữ liệu khách hàng thống nhất (Single Customer View) vừa nhằm mục đích chi trả nhanh chóng, kịp thời, vừa giúp ngăn ngừa trục lợi bảo hiểm tiền gửi;
Thứ ba, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể điều tra các giao dịch của tài khoản tiền gửi, bao gồm cả các hoạt động của tài khoản tiền gửi không được bảo hiểm trước khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đóng cửa;
Thứ tư, tổ chức bảo hiểm tiền gửicó thể từ chối trả tiền bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền có hành vi trục lợi;
Thứ năm, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức công chúng, bao gồm nhận thức về những hành động nào là vi phạm pháp luật, có thể bị truy tố, cũng như công khai các trường hợp vi phạm đã bị xử lý , v.v, để thúc đẩy kỷ luật thị trường và tính trách nhiệm của nhân viên ngân hàng cũng như người gửi tiền;
Thứ sáu, cần có chế tài khởi kiện và truy tố đủ sức răn đe với những cá nhân, tổ chức có hành vi trục lợi bảo hiểm tiền gửi và/hoặc góp phần hay tạo điều kiện cho các hành vi đó.
Các quốc gia trên thế giới ngăn ngừa trục lợi bảo hiểm tiền gửi như thế nào?
Theo kết quả khảo sát của IADI về các hoạt động ngăn ngừa hành vi trục lợi BHTG thực hiện năm 2012, phần lớn các trường hợp trục lợi bảo hiểm tiền gửi có chế tài xử lý bởi quy định của Luật hình sự hoặc Luật Bảo hiểm tiền gửi. Đồng thời, cũng có thể xem xét các hình thức khởi kiện khác đối với những người có hành vi trục lợi đó, bao gồm khởi kiện dân sự để thu hồi các khoản tiền mà quỹ bảo hiểm tiền gửi đã chi trả.
Luật Bảo hiểm tiền gửi Philippines quy định cụ thể các hành vi trục lợi bảo hiểm tiền gửi và mức xử phạt. Trong trường hợp thành viên Hội đồng quản trị, cán bộ, nhân viên hoặc đại diện của ngân hàng thực hiện chia tách tiền gửi hoặc tạo các khoản cho vay hoặc tài khoản tiền gửi giả hoặc gian lận nhằm mục đích lợi dụng chính sách về hạn mức bảo hiểm tiền gửi, họ có thể nhận mức phạt tù từ 6 đến 12 năm và/hoặc phạt tiền từ 50.000 Peso đến 10.000.000 Peso (tương đương từ 22,5 triệu đến 4,5 tỷ Việt Nam đồng) theo quyết định của tòa án. Trong trường hợp người gửi tiền nộp đơn yêu cầu trả tiền bảo hiểm không trung thực hoặc gian lận; và nhân viên ngân hàng xác nhận tính hợp lệ của các khoản tiền gửi mà sau đó được xác minh là giả và/hoặc gian lận, hai hành vi này có thể nhận mức phạt tù từ 10 năm đến 12 năm, và/hoặc phạt tiền từ 500.000 Peso đến 10.000.000 Peso (tương đương từ 225 triệu đến 4,5 tỷ Việt Nam đồng) theo quyết định của tòa án.
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi Đài Loan (Trung Quốc), các hành vi trục lợi bảo hiểm tiền gửi và các thức xử lý với các hành vi đó bao gồm: Trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gian lận hoặc thực hiện các hoạt động bất hợp pháp khác có thể làm tăng số tiền chi trả bảo hiểm tiền gửi, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Đài Loan (CDIC) phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp trung ương trong lĩnh vực tài chính nông nghiệp về việc chấm dứt việc tham gia bảo hiểm tiền gửi cũng như công bố về việc đó. Trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không lập hoặc không cung cấp các tệp dữ liệu điện tử về người gửi tiền cho CDIC theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi, hoặc cung cấp dữ liệu hoặc tập tin có sự giả mạo nghiêm trọng, CDIC sẽ báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xử phạt tổ chức tham gia bảo hiểm với mức phạt từ 1.000.000 Đài tệ đến 5.000.000 Đài tệ (tương đương từ 800 triệu đến 4 tỷ Việt Nam đồng).
Liên hệ với thực tiễn Việt Nam
Theo quy định tại Điều 10, Luật Bảo hiểm tiền gửi, các hành vi bị cấm trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi bao gồm: Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp phí bảo hiểm tiền gửi; Tổ chức bảo hiểm tiền gửi không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền bảo hiểm; Gian lận, giả mạo hồ sơ, tài liệu, giấy tờ về bảo hiểm tiền gửi; Cản trở, gây khó khăn, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, người được bảo hiểm tiền gửi và cơ quan, tổ chức có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.
Như vậy, các hành vi bị cấm tại Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện nay chưa quy định cụ thể các hành vi nhằm trục lợi bảo hiểm tiền gửi.
Về biện pháp xử lý và chế tài xử phạt hành vi trục lợi bảo hiểm tiền gửi, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong quá trình kiểm tra chứng từ, sổ sách để xác định số tiền chi trả, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam báo cáo kiến nghị NHNN xem xét, kiểm tra, thanh tra, xử lý theo quy định tại Điều 9 Luật Bảo hiểm tiền gửi. Ngoài ra, nếu hành vi trục lợi bảo hiểm cấu thành vật chất gây tổn thất thực tế đối với Quỹ bảo hiểm tiền gửi, các cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt hoặc truy tố theo quy định tại Điều 213 Bộ luật Hình sự.
Như vậy, trên thực tế, mặc dù đã có biện pháp xử lý và chế tài xử phạt đối với hành vi trục lợi bảo hiểm tiền gửi, tuy nhiên các văn bản pháp lý hiện nay chưa quy định cụ thể về các hành vi trục lợi bảo hiểm tiền gửi. Đồng thời, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chưa được trao quyền điều tra các giao dịch của tài khoản tiền gửi, bao gồm cả các hoạt động của tài khoản tiền gửi không được bảo hiểm trước khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đóng cửa và trao quyền từ chối trả tiền bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền có hành vi trục lợi.
Vì vậy, trên cơ sở thông lệ quốc tế và thực tế tại Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể nghiên cứu, đề xuất một số biện pháp nhằm ngăn ngừa và xác định kịp thời hành vi trục lợi bảo hiểm tiền gửi như sau:
Nghiên cứu đề xuất bổ sung, sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm đồng bộ các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt bổ sung quy định về vấn đề trục lợi bảo hiểm tiền gửi như: quy định cụ thể về các hành vi trục lợi bảo hiểm tiền gửi. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể được tiếp cận, theo dõi, điều tra thông tin liên quan đến việc chi trả bảo hiểm tiền gửi trước khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đóng cửa; được chủ động từ chối trả tiền bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền có hành vi trục lợi; kiến nghị NHNN xử lý các tổ chức, cá nhân thực hiện hoặc tham gia góp phần vào việc thực hiện hành vi trục lợi bảo hiểm tiền gửi;
Nghiên cứu giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận và xác thực thông tin tiền gửi được bảo hiểm từ các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, nhằm thiết lập cho người gửi tiền một kênh giám sát hiệu quả, tin cậy số tiền gửi của mình, đồng thời hạn chế được các hành vi trục lợi bảo hiểm tiền gửi;
Kiểm tra định kỳ tính chính xác của việc dữ liệu tiền gửi của người gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (như các khoản bù trừ, nợ phải trả của người gửi tiền đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi);
Tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức công chúng về các hành vi trục lợi bảo hiểm tiền gửi và các chế tài xử phạt đối với các hành vi đó nhằm thúc đẩy kỷ luật thị trường và tăng cường trách nhiệm của nhân viên ngân hàng cũng như người gửi tiền.
Theo DIV