Chính phủ Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Trong đó, mối quan hệ mật thiết giữa thành phố thông minh và chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng là vô cùng quan trọng.
Công cụ đắc lực để số hóa
Thành phố thông minh không chỉ hướng tới giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bao trùm, bền vững. Trong đó, việc xây dựng thành phố thông minh với hệ thống thanh toán thông minh đóng vai trò then chốt. Tất cả mọi hoạt động trong cuộc sống, từ mua bán hàng hoá, dịch vụ đều gắn với dịch vụ ngân hàng tài chính, ngược lại hoạt động ngân hàng tài chính cũng thúc đẩy sự phát triển của thành phố thông minh.
Nhận định về vấn đề nêu trên, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, nói về thành phố thông minh và quan điểm thành phố thông minh phải đạt được 2S: sạch và số. Mối quan hệ mật thiết giữa thành phố thông minh và chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng là vô cùng quan trọng. Thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều quy định nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán của ngành Ngân hàng, tăng cường chuẩn hóa, liên thông trong ngành ngân hàng và giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, an toàn và thuận tiện.
Để kiến tạo bức tranh về hệ thống thanh toán hiện đại ở thành phố thông minh, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, với vai trò đơn vị được NHNN giao xây dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, NAPAS đã phối hợp với các ngân hàng thành viên triển khai các giải pháp phục vụ cho người dân sử dụng dịch vụ thanh toán thông minh để thanh toán mọi loại dịch vụ thông qua điện thoại di động của khách hàng.
Theo đó, việc kết nối các giải pháp thanh toán hiện đại với cổng dịch vụ công Quốc gia chính là chìa khóa để xây dựng thành phố thông minh, mang đến cho người dân cuộc sống tiện lợi cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Trước yêu cầu đặt ra, trong năm 2023, NAPAS đã tích hợp dịch vụ thanh toán trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an, cùng với Cổng dịch vụ công Quốc gia là 2 kênh giao dịch để người dân có thể thực hiện thanh toán dịch vụ công trực tuyến thay vì phải đến trực tiếp các cơ quan nhà nước bằng các phương thức thanh toán qua thẻ NAPAS, mã VietQR, tài khoản ngân hàng.
Không chỉ đối với dịch vụ công, các phương thức thanh toán tiện lợi do NAPAS triển khai cũng được tích hợp thanh toán trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục. Với lĩnh vực giao thông - một trong những trụ cột quan trọng của thành phố thông minh, trong những năm vừa qua, NAPAS đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý và vận hành giao thông công cộng của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để triển khai phương thức thanh toán thẻ vé bằng thẻ NAPAS không tiếp xúc (contactless). Hiện, NAPAS đang triển khai thanh toán thẻ vé với 11 tuyến xe buýt điện Vinbus tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, sắp tới dự kiến tiếp tục sẽ triển khai thanh toán thẻ NAPAS trên các tuyến metro thông qua thẻ nội địa. NAPAS cũng hợp tác cũng ONEFIN triển khai thanh toán thẻ NAPAS trên 39 xe buýt các tuyến 01, 43, 65, tới nay ONEFIN đã mở rộng 71 xe điện buggy tham quan trung tâm TP. Hồ Chí Minh, chấp nhận thanh toán thẻ NAPAS và VietQR.
Với xu hướng thanh toán di động phát triển mạnh mẽ, NAPAS cũng đang triển khai giải pháp số hóa thẻ lên điện thoại di động, người dân chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh để chạm vào đầu đọc thẻ, thay cho việc chạm thẻ thanh toán không tiếp xúc khi đi các phương tiện giao thông công cộng như hiện nay.
Với sự đa dạng trong phương thức thanh toán cùng với ứng dụng triển khai các công nghệ thanh toán mới nhất, có thể nói, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Theo số liệu từ NHNN Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2024, so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 9,31 tỷ giao dịch với giá trị đạt 160 triệu tỷ đồng, tăng gần 60% về số lượng, 35% về giá trị. Đặc biệt, dịch vụ chuyển tiền nhanh qua mã VietQR do NAPAS phối hợp với các ngân hàng sau 3 năm triển khai đã len lỏi vào mọi mặt của đời sống, từ chợ dân sinh đến các hàng quán vỉa hè, gửi xe… Qua ghi nhận của NAPAS, số lượng giao dịch chuyển tiển qua VietQR năm 2023 tăng trưởng gấp 8 lần năm 2022, gấp 1000 lần so với năm 2021. Năm 2023, có gần 62 triệu mã VietQR được sử dụng để nhận tiền, gấp hơn 10 lần so với số lượng mã VietQR được tạo năm 2022. Tính riêng đến tháng 7/2024, số lượng giao dịch chuyển tiền qua mã VietQR tăng trưởng gấp đôi và số lượng mã VietQR được tạo ra gấp gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Thông qua hành trình phát triển của dịch vụ VietQR đã thúc đẩy thói quen của khách hàng sử dụng ứng dụng thanh toán ngân hàng (mobile app) trên điện thoại thông minh để thực hiện thanh toán cho mọi loại hình hàng hóa, dịch vụ.
Tăng cường vai trò kết nối
Không chỉ mang lợi ích cho người dân, hạ tầng thanh toán thông minh còn trở thành phương thức để doanh nghiệp tăng vị thế cạnh tranh. Ông Lê Trường Sơn, Phó tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, trong thời gian qua, đơn vị dùng nguồn lực đáng kể để số hóa, chuyển đổi số, trong đó phối hợp với các đối tác đưa tất cả những phương thức thanh toán không tiền mặt vào hệ thống bán lẻ của mình. Hầu hết các hình thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt phổ biến trên thị trường đều đã có mặt tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op và đang thay đổi đáng kể tập quán, thói quen của người tiêu dùng, khách mua hàng.
"Dù kết quả đạt được rất đáng khích lệ nhưng vẫn còn nhiều thách thức khi các chỉ số đánh giá của quốc tế cho thấy tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn khá cao trong đời sống. Rõ ràng chúng ta cần nhiều giải pháp ở các cấp độ Chính phủ, địa phương, sở ngành cho đến doanh nghiệp. Người tiêu dùng cần được tạo điều kiện để mua sắm không tiền mặt nhiều hơn. Bên cạnh đó, cơ quan chính quyền cũng nghiên cứu có những quy định nghiêm khắc hơn để người dân không chỉ tình nguyện mà còn thấy trách nhiệm trong thanh toán không tiền mặt”, ông Lê Trường Sơn đề xuất.
Mang nhiều kỳ vọng phát triển hơn nữa hạ tầng thanh toán thông minh, đại diện NAPAS cho biết, đơn vị dự kiến triển khai giải pháp thanh toán mới trên nền tảng thẻ, tài khoản. Trong số đó là công nghệ thanh toán thông qua nhận dạng khuôn mặt người dùng – smile to pay, cho phép khách hàng chỉ cần quét khuôn mặt để thực hiện thanh toán. Dẫn chứng tại Trung Quốc, người dân đi tàu điện ngầm có thể thanh toán mà không cần dùng đến thẻ ngân hàng hay xuất vé mỗi khi qua cửa, camera chỉ cần quét khuôn mặt của khách hàng và cho phép chấp nhận thanh toán số tiền mua vé. Trong thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục phối hợp các ngân hàng thành viên và kết nối các đơn vị trong, ngoài ngành cung cấp các giải pháp thanh toán mới, hiện đại, gia tăng nhiều trải nghiệm hơn nữa cho người dùng.
Trong tương lai không xa, ông Nguyễn Hoàng Long tin rằng, với nền tảng và hệ thống dịch vụ thanh toán, người dân tại những thành phố thông minh hoàn toàn có thể sống mà không cần sử dụng đến tiền mặt. Với một ngày bình thường, người dân có thể đi làm bằng metro và sử dụng phương thức thanh toán không tiếp xúc chỉ bằng cách đưa điện thoại chạm lên đầu đọc thẻ gắn tại các cổng vé, số tiền mua vé sẽ được trừ thẳng vào tài khoản ngân hàng. Đến gần cơ quan, người dân ghé vào quán ăn sáng, uống cafe, rồi tiến hành thanh toán chuyển tiền qua ứng dụng của ngân hàng. Đến giờ nghỉ trưa, người dân có thể tranh thủ thanh toán tiền điện, tiền nước, dịch vụ công… thông qua ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại. Hết giờ làm việc, khách hàng có thể di chuyển về nhà bằng xe bus được thanh toán qua thẻ ngân hàng...”.
"Góp phần vào tương lai đó, NAPAS cam kết sẽ không ngừng nỗ lực hoàn thiện hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia cung cấp các dịch vụ thanh toán thông minh, qua đó nâng cao độ hài lòng và hạnh phúc của cư dân thành phố", ông Nguyễn Hoàng Long khẳng định.