Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam (ảnh T/C Nhịp sống thị trường)
Chia sẻ với Nhịp sống thị trường, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, lý do chính ADB cắt giảm dự báo không phải từ những vấn đề đang diễn ra trong nước, mà từ những khó khăn đang xảy ra trên khắp thế giới
Lý do đằng sau việc cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2023
Theo ông, đâu là điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2022?
Hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong các lĩnh vực đã thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong quý 3/2022. Theo tính toán của ADB, tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam ước tính sẽ ở mức 7,5%. Có thể thấy, Việt Nam được dự báo sẽ ghi nhận mức tăng trưởng cao và đây cũng là điểm nổi bật của kinh tế Việt Nam trong năm 2022.
Không chỉ vậy, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay, bất chấp những bất ổn trên thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở trong thời gian gần đây cũng như những thách thức đang diễn ra trên toàn thế giới.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế được dự báo ở mức cao trong 2022, nhưng nếu xem xét kỹ hơn thì một số yếu tố như xuất khẩu đang có dấu hiệu giảm nhiệt. Đây có phải lý do khiến ADB điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2023, từ 6,7% xuống còn 6,3%?
Lý do chính ADB cắt giảm dự báo không phải từ những vấn đề đang diễn ra trong nước, mà từ những khó khăn đang xảy ra trên khắp thế giới và chúng tôi gọi đây là những “cơn gió ngược”. Cụ thể, chúng tôi thấy các nền kinh tế ở Hoa Kỳ và khu vực châu Âu đang có xu hướng chậm lại, trong khi kinh tế Trung Quốc đang rất khó để đưa ra dự đoán và đây là ba khu vực đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đó là lý do chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2023, từ 6,7% xuống còn 6,3%.
Ông có thể nói rõ hơn về những “cơn gió ngược” có thể cản trở kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?
Bắt đầu từ quý 4/2022, những “cơn gió ngược” đang có dấu hiệu mạnh lên. Cụ thể, các chỉ số kinh tế chính cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang suy yếu. Do đó, chúng tôi cho rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chậm lại trong năm 2023.
Bên cạnh đó, ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế tiên tiến khác, mặc dù lạm phát giảm nhẹ vào tháng 11/ 2022 nhưng vẫn ở mức cao, và các ngân hàng trung ương có thể kéo dài chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện tại. Đồng USD tăng giá do FED thắt chặt tiền tệ có thể tiếp tục gây áp lực giảm giá đối với đồng tiền Việt Nam, tạo áp lực lạm phát và gây áp lực lên dự trữ ngoại hối.
Ngoài ra, tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023. Không chỉ vậy, xung đột ở Liên bang Nga và Ukraine có thể làm tăng giá cả hàng hóa, tiếp tục gây ra tác động tiêu cực trên toàn cầu.
Đó có thể xem là thách thức bên ngoài. Đâu là thách thức trong nội tại nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023?
Tôi nghĩ những thách thức trước mắt của Việt Nam sẽ là vấn đề lạm phát. Nếu lạm phát trên toàn thế giới tiếp tục ở mức cao và lãi suất tiếp tục tăng thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng phải làm điều tương tự để bảo vệ giá trị của đồng Việt Nam.
Hàm lượng nội địa trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 45%, nghĩa là Việt Nam phải nhập khẩu rất nhiều để hoàn thành sản phẩm và đem đi xuất khẩu. Nếu như đồng Việt Nam giảm giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu Việt Nam và gây ra lạm phát trong nước. Vì vậy, tôi nghĩ lạm phát sẽ là một rủi ro lớn của Việt Nam trong năm tới.
Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023
Chúng ta nói nhiều đến dự báo cho cả năm 2023. Vậy ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế của Việt Nam trong quý 1/2023?
Rất khó để có thể đưa ra dự đoán cho quý đầu tiên. Chúng ta có thể chứng kiến rất rõ xuất khẩu chậm lại trong quý 1/2023, nhưng điều đó không có nghĩa là cả năm sẽ như vậy. Có thể Việt Nam sẽ có khởi đầu năm mới chậm nhưng mọi thứ sẽ được cải thiện trong các quý tiếp theo của năm.
Trong khi xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục giảm nhiệt, lĩnh vực nào sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023?
Lĩnh vực dịch vụ phát triển rất mạnh. Có thể thấy cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế đều đang trên đà hồi phục. Trong 11 tháng đầu năm 2022, lượt khách nội địa đạt gần 100 triệu lượt, cao hơn so với giai đoạn trước COVID-19. Chúng tôi cũng đã thấy sự trở lại của khách du lịch quốc tế trong năm nay.
Cho nên tôi nghĩ lĩnh vực này sẽ là động lực lớn cho kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Bên cạnh đó, FDI vẫn sẽ tiếp tục là một động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển trong năm 2023.
Ông có khuyến nghị gì về chiến lược điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam trong năm 2023?
Các phản ứng chính sách đối với Việt Nam cần hướng tới sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính.
Đầu tiên, về chính sách tiền tệ, duy trì sự ổn định giá cả phải là trọng tâm chính của chính sách tiền tệ. Việt Nam đã hai lần tăng lãi suất kịp thời và dứt khoát vào tháng 10/2022 để ngăn chặn việc Đồng Việt Nam mất giá, điều này có thể gây ra nhập khẩu lạm phát.
Tuy nhiên, lạm phát toàn cầu vẫn chưa chắc chắn, mặc dù yếu tố này có vẻ ổn định vào tháng 11 và tháng 12. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng địa chính trị và nhu cầu năng lượng gia tăng từ việc nới lỏng các hạn chế di chuyển của Trung Quốc có thể đẩy giá hàng hóa toàn cầu tăng cao. Do đó, Việt Nam nên tiếp tục cảnh giác với lạm phát vào năm 2023 và các đợt tăng lãi suất tiếp theo có thể vẫn được thực hiện vào năm 2023 trong trường hợp lạm phát tiếp tục tăng.
Trong khi các biện pháp tiền tệ được thắt chặt để ngăn chặn nhập khẩu lạm phát, hỗ trợ tài chính sẽ trở nên cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp. Cùng với đó, Việt Nam cũng cần tăng cường bảo trợ xã hội trước tác động ngày càng tăng đối với lực lượng lao động do suy thoái kinh tế toàn cầu. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, nằm trong gói kích cầu mới nhất đầu năm 2022, các hoạt động đầu tư công cần được triển khai đúng kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Năm 2022, Việt Nam phải đối mặt với nhiều bất ổn trên thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông, điều này có tiếp tục xảy ra trong năm 2023?
Tại thời điểm này, chúng tôi không có bất kỳ lo ngại nào về sự an toàn và lành mạnh của hệ thống tài chính ở Việt Nam. Tuy nhiên, có những lo ngại về tính thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư. Do đó, để giảm thiểu rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống tài chính, Chính phủ cần phải tiếp tục thực hiện các cải cách như thúc đẩy xếp hạng tín dụng công, phát triển các quỹ trái phiếu doanh nghiệp và quỹ hưu trí, đồng thời thắt chặt các yêu cầu để trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Vậy ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn?
Tôi tin rằng với nền tảng kinh tế vĩ mô lành mạnh, Việt Nam sẽ có thể đương đầu với những cơn gió ngược vào năm 2023. Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn rất tích cực. Tôi muốn nhấn mạnh, sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ là động lực giúp Việt Nam trở thành điểm đến của dòng vốn FDI trong dài hạn.
Theo Giang Anh
Nguồn: Tạp chí điện tử Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/giam-doc-quoc-gia-ngan-hang-adb-thoi-diem-nay-chung-toi-khong-co-bat-ky-lo-ngai-nao-ve-su-an-toan-cua-he-thong-tai-chinh-o-viet-nam-11842.html