Theo Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp thường mắc 2 sai phạm phổ biến đó là: đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay không đúng thời hạn (quá thời hạn gửi hồ sơ theo quy định) và sai phạm trong sử dụng vốn vay, thường doanh nghiệp vay vốn sử dụng vốn vay sai mục đích.
Để quản lý hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, nhằm đảm bảo nguồn vốn này được sử dụng hiệu quả, cũng như đảm bảo việc thanh toán, chuyển tiền để trả nợ vay an toàn, đúng mục đích, Ngân hàng Trung ương đã ban hành cơ chế chính sách và các quy định cụ thể đối với hoạt động này (chi tiết tại Thông tư 12/2022/TT-NHNN).
Theo đó, các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp gồm khoản vay trung dài hạn nước ngoài; khoản vay ngắn hạn chuyển thành trung dài hạn; thay đổi nội dung khoản vay… theo quy định doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Nhưng qua thực tế xử lý thủ tục đăng ký này cho doanh nghiệp tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy vẫn còn phát sinh những tồn tại từ phía doanh nghiệp dẫn đến sai phạm hành chính. Điều đó cho thấy cần phải nhận diện, nắm bắt và phối hợp thực hiện các giải pháp đồng bộ để hạn chế sai phạm phát sinh, cũng như thực hiện tốt hoạt động này trên địa bàn.
Qua thực tế xử lý hồ sơ, thực hiện việc xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay trả nợ nước ngoài cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, thống kê cho thấy những sai phạm thường gặp của doanh nghiệp là: (1). Không đăng hoặc đăng ký không đúng thời hạn khoản vay trung, dài hạn; thực hiện rút vốn; (2). Trả nợ gốc và lãi của khoản vay trung, dài hạn khi chưa được Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký hoặc thực hiện không đúng tài khoản; (3). Thay đổi kế hoạch rút vốn, trả nợ gốc và lãi khoản vay trung, dài hạn nước ngoài so với nội dung đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước nhưng không thực hiện đăng ký thay đổi hoặc đăng ký thay đổi không đúng thời hạn; (4). Giao dịch rút vốn, trả nợ (gốc và lãi vay) không ghi hoặc ghi không rõ nội dung; (5). Sử dụng vốn vay không đúng mục đích vay đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước hoặc nằm ngoài mục đích vay được phép; (6). Không thực hiện báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, không đúng thời hạn hoặc báo cáo không chính xác theo quy định.
Trong đó, doanh nghiệp thường mắc 2 sai phạm phổ biến đó là: đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay không đúng thời hạn (quá thời hạn gửi hồ sơ theo quy định) và sai phạm trong sử dụng vốn vay, thường doanh nghiệp vay vốn sử dụng vốn vay sai mục đích.
Để khắc phục các sai phạm trên, doanh nghiệp và các đơn vị, tổ chức có liên quan (Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh thành phố và tổ chức tín dụng được phép, cung ứng dịch vụ tài khoản) cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đối với doanh nghiệp vay trả nợ nước ngoài thực hiện nghiêm các quy định của Ngân hàng Trung ương về vay trả nợ nước ngoài liên quan đến doanh nghiệp như: quy định về đối tượng; điều kiện; nguyên tắc đăng ký khoản vay; thủ tục đăng ký khoản vay; giao dịch ngoại hối (rút vốn; trả nợ) tuân thủ đúng quy định; công tác báo cáo.... Đặc biệt là sử dụng vốn vay đúng mục đích, hợp pháp đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài.
Trong quá trình này chủ động nắm bắt thông tin hoặc tư vấn từ tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tài khoản; hoặc từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thành phố về những quy định liên quan (quy định hồ sơ; thủ tục; thời gian….) để đảm bảo hạn chế sai phạm phát sinh, nhất là những sai phạm về thời hạn nộp hồ sơ, về sử dụng tài khoản giao dịch; về mục đích sử dụng vốn vay.
Thứ hai, đối với các tổ chức tín dụng được phép thực hiện trách nhiệm nhiệm vụ của tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tài khoản, đảm bảo việc mở và sử dụng tài khoản đúng quy định; nội dung giao dịch vốn của doanh nghiệp đúng quy định, đúng mục đích; tôn trọng triệt để nguyên tắc kiểm tra chứng từ; đối chiếu tính khớp đúng của các đề nghị chuyển tiền với các tài liệu liên quan, đảm bảo phù hợp với xác nhận của Ngân hàng Nhà nước nhằm hạn chế thấp nhất các sai phạm liên quan đến cung cấp dịch vụ tài khoản. Trong quá trình này cần chủ động thông tin, tư vấn hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện tốt các thủ tục liên quan, hạn chế nguyên nhân mắc sai phạm đối với doanh nghiệp do thiếu thông tin, không nắm bắt rõ cơ chế chính sách của Ngân hàng Trung ương.