Tiếp sau động thái nâng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng đã tăng cả ba loại lãi suất chính thêm 0,5%, phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi đều tăng lần lượt ở mức 3%, 3.25% và 2.5%, có hiệu lực từ ngày 8/2.
Theo thông báo của ECB, lộ trình tăng lãi suất sẽ được duy trì với tốc độ ổn định và được giữ ở mức phù hợp để đảm bảo lạm phát trở lại theo đúng mục tiêu trung hạn 2%. Ngày 16/3, ECB sẽ có cuộc họp và lên kế hoạch về chính sách tiền tệ tiếp theo, nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát cao kéo dài trong thời gian qua.
Được biết, việc tăng lãi suất sẽ làm giảm lạm phát thông qua việc làm giảm nhu cầu, đồng thời cũng sẽ bảo vệ chống lại nguy cơ lạm phát thay đổi liên tục. Trong mọi trường hợp, các quyết định về chính sách của ECB sẽ tiếp tục phụ thuộc vào dữ liệu thực tế của nền kinh tế và cách tiếp cận từng cuộc họp của ECB.
Ngày 1/2/2023, Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết, tỷ lệ lạm phát của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp, xuống còn 8,5% trong tháng 1/2023. Trong khi đó, tháng 12/2022, tỷ lệ lạm phát của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là 9,2%. Lạm phát của Eurozone đã giảm nhanh sau khi ghi nhận mức cao kỷ lục 10,6% trong tháng 10/2022.
Tại Đức, tỷ lệ lạm phát là 8,6% trong tháng 12/2022. Nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát cao vẫn là giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục ở mức rất cao.
Theo bà Monika Schnitzer, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Kinh tế Đức - nhóm cố vấn kinh tế của chính phủ Đức - cho rằng lạm phát vẫn sẽ tác động tới quốc gia này đến năm 2024.