Áp dụng sinh trắc học vân tay, xác thực tài khoản ngân hàng chính chủ để chống lại kẻ gian đang chuẩn bị được thực hiện.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, khảo sát quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán, có một điểm rất đáng mừng là rủi ro xuất phát từ những lỗi, sai sót đến từ chính các tổ chức tín dụng là không có. Mặc dù vậy, vẫn xảy ra tình trạng kẻ gian lợi dụng kẽ hở trục lợi, chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Ông Hùng cho biết thêm, trường hợp điển hình nhất là khách hàng vô tình cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, số thẻ, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP hay mã số thanh toán... khi tham gia mạng xã hội, sử dụng internet, mua hàng qua mạng... cho kẻ gian.
Bên cạnh đó còn có hiện tượng kẻ gian lợi dụng nâng cấp sim, nâng cấp gói internet trên sim để chiếm đoạt số điện thoại, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng. Một trường hợp xảy ra phổ biến khác là kẻ gian sử dụng tin nhắn giả mạo, gửi các đường link/brandname chứa mã độc để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng. Vậy nên, việc xác thực sinh trắc học vân tay sẽ nâng cao tính bảo mật và an toàn cho các tài khoản ngân hàng của khách hàng.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa Quyết định 630/QĐ-NHNN về kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Đây là một quyết định rất căn cơ, sẽ có quy định chi tiết về hạn mức giao dịch nào sẽ phải xác thực bằng yếu tố sinh trắc học để xác định chính chủ. Có nghĩa, người mở tài khoản và người thực hiện giao dịch đó phải là một".
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua nắm bắt thực tiễn có thể thấy ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa chưa cao, cho nên mới dẫn đến các hiện tượng như: cho thuê, cho mượn, mua bán tài khoản.
“Một vụ việc điển hình vừa được Công an tỉnh Cao Bằng khởi tố cho thấy, chỉ trong vòng 6 tháng, số lượng tiền trôi qua các tài khoản gian lận là gần 1.000 tỷ đồng. Đây là con số rất đau xót. Nếu như ở chốt cuối chúng ta xác minh được chính chủ thực hiện giao dịch thì khả năng gian lận sẽ giảm bớt”, ông Phạm Anh Tuấn nói.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa Quyết định 630/QĐ-NHNN về kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Đây là một quyết định rất căn cơ, sẽ có quy định chi tiết về hạn mức giao dịch nào sẽ phải xác thực bằng yếu tố sinh trắc học vân tay để xác định chính chủ. Có nghĩa, người mở tài khoản và người thực hiện giao dịch đó phải là một.
“Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho một số tổ chức tín dụng nhưng vì lợi ích chung, lợi ích của cả cộng đồng và cả xã hội, bảo vệ an toàn tiền gửi của người dân thì bắt buộc phải làm. Chúng tôi sẽ cân nhắc để chốt hạn mức là bao nhiêu, để mức độ ảnh hưởng là ít nhất”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo thống kê của Vụ Thanh toán, trong tổng số lượng giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2023, các giá trị giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm khoảng 10%, còn từ 20 triệu đồng trở lên chỉ trên dưới 5%. Như vậy, mức độ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng là rất ít. Chưa kể khi thực hiện giao dịch chuyển tiền thì chỉ cần đưa khuôn mặt vào và xác thực với khuôn mặt đã được dùng để mở tài khoản; với trình ứng dụng công nghệ hiện nay của các tổ chức tín dụng thì việc này chỉ thực hiện trong khoảng thời gian 3-5 giây.
Theo đó, mức độ ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng là không lớn nhưng lãnh đạo Vụ Thanh toán cho rằng đổi lại người dân sẽ yên tâm, không có chuyện tiền của mình tự nhiên được chuyển đi mà không biết.
Thêm vào đó, với các giá trị giao dịch lớn, kẻ gian sẽ mất thời gian để chuyển tiền khỏi tài khoản của khách hàng và chỉ có thể vào mà không thể ra, do phần lớn các tài khoản nhận tiền là không chính chủ. Nhờ đó, ngân hàng vẫn có cơ hội giữ lại tài sản mà kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt để có cơ hội hoàn trả cho người dùng bị kẻ gian lợi dụng khi áp dụng sinh trắc học vân tay.
Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định đây là một trong những biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt trong tháng 8 và tháng 9/2023. Tuy nhiên sẽ có khoảng thời gian chuyển tiếp để các tổ chức tín dụng chuẩn bị các cơ sở hạ tầng, điều kiện chỉnh sửa ứng dụng, thu thập dữ liệu… để chuẩn bị trước khi quyết định chính thức có hiệu lực.