Thứ tư, 08/01/2025
   

DIV tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi QTDND được kiểm soát đặc biệt

Vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) khi tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt (KSĐB) tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) nói riêng, ngày càng được nâng cao nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các

Vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) khi tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt (KSĐB) tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) nói riêng, ngày càng được nâng cao nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức TCTD số 17/2017/QH14 (Luật Các TCTD năm 2017) được ban hành, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) được bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ mới nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD được KSĐB. Một trong những chức năng, nhiệm vụ mới của DIV là tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi QTDND, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính được KSĐB.

Kinh nghiệm quốc tế về phương án phục hồi TCTD được KSĐB

Theo thông lệ quốc tế, TCTD được yêu cầu xây dựng phương án phục hồi để khắc phục tình trạng yếu kém trong 02 giai đoạn: hoạt động bình thường và can thiệp sớm (PCA).

Hiện nay, thông lệ quốc tế phổ biến mà nhiều nước đang áp dụng ngay cả khi TCTD đang hoạt động bình thường, đó là cơ quan có thẩm quyền yêu cầu toàn bộ các ngân hàng (Pháp, Trung Quốc, Đức, Hong Kong, Ý, Mexico, Anh …) hoặc những ngân hàng có quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với hệ thống (Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Canada…) cần xây dựng một Kế hoạch phục hồi đề phòng trường hợp rơi vào tình trạng khó khăn, yếu kém.

Trong giai đoạn bị đưa vào PCA, tùy vào tình trạng mà TCTD xây dựng Kế hoạch phục hồi (chủ yếu là năng lực tài chính để có thể trở lại mức an toàn vốn theo quy định). Tại phần lớn các quốc gia (Nhật Bản, Đài Loan, Philippines …), Cơ quan giám sát ngân hàng/Ngân hàng Trung ương chịu trách nhiệm PCA; tổ chức bảo hiểm tiền gửi không tham gia, do đó, tổ chức bảo hiểm tiền gửi không tham gia vào quá trình đánh giá phương án phục hồi. Tại một số quốc gia khác (Mỹ, Hàn Quốc, …), tổ chức bảo hiểm tiền gửi được trao quyền thực hiện PCA nên việc đánh giá phương án phục hồi là tất yếu.

Quy định về việc DIV tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi TCTD được KSĐB

Theo quy định tại Điều 148 của Luật Các TCTD năm 2017, DIV phối hợp với Ban KSĐB, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đánh giá tính khả thi phương án phục hồi QTDND; phối hợp với Ban KSĐB đánh giá tính khả thi phương án phục hồi tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính.

Phương án phục hồi bao gồm các nội dung tối thiểu sau đây:

Phương án tăng vốn điều lệ và thời hạn thực hiện phương án tăng vốn điều lệ trong các trường hợp: giá trị thực của vốn điều lệ thấp hơn vốn pháp định; tỷ lệ an toàn vốn dưới mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); theo yêu cầu của NHNN để bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD;

Phương án hoạt động kinh doanh trong giai đoạn phục hồi;

Phương án cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành;

Phương án xử lý tồn tại, yếu kém về tài chính, nợ xấu, tài sản bảo đảm và các biện pháp khắc phục các vi phạm pháp luật;

Phương án chi trả theo lộ trình đối với tiền gửi của khách hàng là pháp nhân, tiền gửi, tiền vay của TCTD khác; phương án xử lý khoản vay đặc biệt đã vay, bao gồm cả khoản vay đặc biệt quy định tại khoản 3 Điều 145a của Luật này;

Biện pháp hỗ trợ quy định tại Điều 148b của Luật này cần áp dụng;

Lộ trình, thời hạn thực hiện phương án phục hồi.

Như vậy, Luật các TCTD năm 2017 là khung pháp lý cao nhất để DIV tham gia sâu hơn vào quá trình xử lý các TCTD yếu kém; trong đó có nhiệm vụ DIV tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi QTDND được KSĐB.

Căn cứ vào quy định của pháp luật, DIV đã chủ động xây dựng văn bản nội bộ về việc tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi QTDND, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính được KSĐB. Kết quả, ngày 28/12/2021, Hội đồng quản trị DIV đã ban hành Quy chế tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi QTDND, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính được KSĐB kèm theo Quyết định số 2370/QĐ-BHTG.

Quy trình đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi tại DIV bao gồm các bước sau: Tiếp nhận văn bản, tài liệu; Đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi; Gửi văn bản trả lời Ban KSĐB.

Theo Quy chế và thực tiễn, các đơn vị trong toàn hệ thống DIV, từ phòng ban tại Trụ sở chính và Chi nhánh BHTGVN, phối hợp chặt chẽ với nhau để tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi QTDND được KSĐB.

Để thực hiện tốt việc tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi, DIV đã thực hiện:

Về cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin, DIV đã chủ động xây dựng, ban hành Khung quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa chi nhánh DIV và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; thực hiện ký Quy chế làm việc, trao đổi thông tin với chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố có QTDND hoạt động trên địa bàn theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Đây là cơ sở để DIV tăng cường phối hợp, tiếp nhận, trao đổi, chia sẻ thông tin với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và Ban KSĐB trong việc thực hiện các nhiệm vụ của DIV nói chung, tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi QTDND được KSĐB nói riêng.

Bên cạnh đó, để có hướng dẫn chi tiết cho các đơn vị trong toàn hệ thống, phòng Tham gia kiểm soát đặc biệt và Thu hồi tài sản đã tham mưu, đề xuất Tổng giám đốc xây dựng và ban hành Sổ tay nghiệp vụ. Đây là tài liệu tham khảo dùng cho cán bộ DIV tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi theo yêu cầu của Ban KSĐB, nhằm nâng cao hiệu quả công tác KSĐB nói chung, tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Một số khó khăn, hạn chế

Trong quá trình tham gia ý kiến đánh giá tính khả thi một số phương án phục hồi QTDND được KSĐB, DIV gặp một số khó khăn, hạn chế như sau:

Thứ nhất, không có quy định hướng dẫn cụ thể về cơ sở, tiêu chí, phương pháp đánh giá phương án phục hồi. Phương án phục hồi khả thi cần đạt các chỉ tiêu định lượng, định tính như như thế nào, cần có những biện pháp hỗ trợ nào, thời gian thực hiện trong bao lâu... không có hướng dẫn cụ thể để QTDND được KSĐB có cơ sở xây dựng phương án phục hồi và các bên liên quan tham gia đánh giá tính khả thi của phương án. Vì vậy, hiện nay việc tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi của DIV chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng.

Thứ hai, về hồ sơ, tài liệu và thông tin để đánh giá, DIV chỉ được tiếp cận một phần các thông tin về thực trạng thông qua các văn bản được chia sẻ từ NHNN, Ban KSĐB. Trong một số trường hợp, cán bộ DIV tham gia Ban KSĐB QTDND không được nhận thông tin đầy đủ; không được tham gia ý kiến hoặc triệu tập họp nên việc tham gia đánh giá còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành không quy định việc đánh giá thực trạng QTDND được KSĐB phải căn cứ vào báo cáo của tổ chức kiểm toán độc lập. Trong khi đó, khi tiếp nhận tài liệu về phương án phục hồi, thực trạng của QTDND hiện đang do QTDND thực hiện chưa được xác nhận bởi một bên thứ ba nhằm đảm bảo các số liệu, thông tin về thực trạng của QTDND là đúng và chính xác nên việc đề xuất, đánh giá phương án phục hồi khó đảm bảo chính xác, khách quan.

Thứ ba, theo quy định, phương án phục hồi bao gồm tối thiểu 7 nội dung, tuy nhiên, một số phương án còn sơ sài, chung chung, chưa cụ thể/chi tiết về lộ trình, hình thức và các biện pháp; về các tồn tại, yếu kém, hạn chế, sai phạm dẫn đến thua lỗ, lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán chưa đánh giá chi tiết nên thiếu cơ sở để DIV có thể tham gia ý kiến đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi QTDND được KSĐB.

Thứ tư, các thông tin, số liệu liên quan đến môi trường kinh doanh của QTDND có ý nghĩa rất quan trọng đối với tính khả thi của phương án, giúp cho việc tham gia đánh giá tính khả thi của DIV được khách quan và có cơ sở. Tuy nhiên, những số liệu này không được đề cập trong phương án phục hồi được xây dựng. Do vậy, DIV cần có thời gian tìm hiểu thực tế, thu thập thông tin, số liệu, có thể ảnh hưởng đến tiến độ tham gia đánh giá của DIV.

Đề xuất, kiến nghị

Một là, NHNN đề xuất hoặc ban hành văn bản, nội dung quy định cụ thể về cơ sở, tiêu chí, phương pháp đánh giá phương án phục hồi để hướng dẫn các bên liên quan, trong đó có nội dung DIV tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi theo quy định của pháp luật.

Hai là, DIV tiếp tục chủ động phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và Ban KSĐB để trao đổi thông tin và nhận đầy đủ thông tin, tài liệu tạo điều kiện để DIV tham gia đánh giá tính khả thi phương án có hiệu quả.

Ba là, cần có đơn vị kiểm toán độc lập hoặc bên thứ ba rà soát, đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của QTDND được KSĐB để đảm bảo số liệu cho việc đánh giá tính khả thi được rõ ràng và khách quan.

Bốn là, Ban KSĐB cần rà soát và có ý kiến đối với phương án phục hồi do QTDND xây dựng đảm bảo đủ các nội dung tối thiểu theo quy định, phương án xây dựng phải chi tiết/cụ thể, đầy đủ căn cứ để BHTGVN có thể tham gia đánh giá hiệu quả hơn.

Năm là, cán bộ của DIV tham gia Ban KSĐB cần phải chủ động và thường xuyên cập nhật số liệu, tình hình liên quan đến môi trường kinh doanh tại địa phương, cung cấp cho DIV làm cơ sở đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay