Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn là cơ sở và công cụ tài chính để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) hiện thực hóa mục tiêu phát triển của mình. Theo đó, nguồn vốn phải được sử dụng đúng mục đích theo nguyên tắc an toàn và phát triển qua các kênh đầu tư luật định; đảm bảo năng lực tài chính để bảo hiểm tiền gửi bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền, góp phần duy trì an toàn hệ thống tài chính với chi phí bỏ ra thấp nhất và kết quả đạt được cao nhất.
Hình ảnh hoạt động tại DIV
Đầu tư hiệu quả giúp nâng cao năng lực tài chính
Hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của DIV được triển khai ngay từ khi thành lập. DIV thực hiện đầu tư vào các danh mục theo quy định ở từng thời kỳ. Trước năm 2013, danh mục đầu tư của DIV gồm: Trái phiếu Chính phủ; tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; gửi tiền tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước; gửi tiền, mua trái phiếu, tín phiếu của các ngân hàng thương mại Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần được Ngân hàng Nhà nước xếp loại A.
Từ năm 2013, Luật bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực thi hành, danh mục đầu tư của bảo hiểm tiền gửi gồm: Trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, Trái phiếu Chính phủ đang là kênh đầu tư an toàn và duy nhất mang lại hiệu quả cho DIV. Việc đầu tư vào Trái phiếu Chính phủ được thực hiện trên cả thị trường sơ cấp, thứ cấp theo định hướng và quy định.
Qua hơn 20 năm hoạt động, hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đã có những đóng góp tích cực vào việc tích lũy và gia tăng nguồn vốn của DIV. Từ nguồn vốn điều lệ ban đầu được cấp 1.000 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên 5.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2022 tổng nguồn vốn của DIV đạt 95,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, nguồn thu lãi từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi hàng năm cũng tăng trưởng tích cực, hỗ trợ đắc lực cho việc quay vòng nguồn vốn để tái đầu tư. Về cơ bản, nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi được đầu tư thận trọng trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu an toàn và phát triển vốn. Đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi hiệu quả không chỉ giúp DIV bảo toàn và duy trì giá trị thực của nguồn vốn, mà còn giúp nâng cao năng lực tài chính để bảo đảm thanh khoản dự phòng chi trả, xử lý và tham gia hỗ trợ quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Theo quy định của pháp luật, DIV được đầu tư vào các tài sản rủi ro thấp đảm bảo an toàn nguồn vốn, duy trì thanh khoản và kiểm soát rủi ro.
Những khó khăn trong việc sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi
Khó khăn cơ bản trong việc sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của DIV hiện nay là khả năng sinh lời giảm so với giai đoạn trước khi Luật bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực: Năm 2012 mức sinh lời là 11%, năm 2018 còn khoảng 5-6%. Điều này xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau:
Danh mục đầu tư bị thu hẹp: Như đã đề cập ở trên, trước năm 2013 (chưa có Luật bảo hiểm tiền gửi), danh mục đầu tư của DIV đa dạng hơn bao gồm Trái phiếu Chính phủ; tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; gửi tiền tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước; gửi tiền, mua trái phiếu, tín phiếu của các ngân hàng thương mại Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần được Ngân hàng Nhà nước xếp loại A.
Từ năm 2013 đến nay (Luật bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực), danh mục đầu tư của bảo hiểm tiền gửi gồm: Trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, vẫn còn tồn tại bất cập đối với các loại hình đầu tư mà DIV được phép thực hiện. Trong việc mua Trái phiếu Chính phủ, DIV được phép mua Trái phiếu Chính phủ trên cả 2 thị trường sơ cấp và thứ cấp. Tỷ trọng đầu tư trên thị trường sơ cấp chiếm gần 90%, tuy an toàn nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào lịch phát hành của Kho bạc Nhà nước; kỳ hạn, khối lượng gọi thầu; diễn biến lãi suất trên thị trường và nhu cầu đầu tư của các ngân hàng thương mại. Trên thị trường thứ cấp, giá cả không thống nhất; hàng hóa khan hiếm, phụ thuộc vào người bán, nhu cầu và kỳ vọng của thị trường, đặc biệt là các quy định điều kiện để thực hiện đầu tư với DIV còn khá chặt chẽ đã làm mất nhiều cơ hội và giảm hiệu quả đầu tư.
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng cho phép DIV tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, cụ thể là: Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được đặt vào kiểm soát đặc biệt và mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ, tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi tổ chức tín dụng, và tham gia xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn luật; thiếu quy định cụ thể cho việc sử dụng nguồn vốn cho tái cơ cấu, đặc biệt là thiếu quy định về giới hạn nguồn vốn được sử dụng cho mục đích ngoài chi trả, và về vai trò của DIV trong việc quyết định sử dụng nguồn vốn ngoài chi trả.
Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của DIV
Cơ chế đầu tư nguồn vốn hiệu quả là một nội dung quan trọng đảm bảo ổn định tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của DIV theo hướng an toàn, tăng trưởng và hiệu quả, trong thời gian tới, DIV cần triển khai các giải pháp cũng như đề xuất với các cơ quan liên quan hướng dẫn, ban hành quy định cụ thể để xử lý những vướng mắc nêu trên nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, đa dạng hóa các kênh đầu tư.
Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi) xác định nhiệm vụ quan trọng đầu tiên để nâng cao năng lực tài chính là “nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện 2 giải pháp về: Tăng vốn điều lệ của DIV lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2025 và 15.000 tỷ đồng vào 2030 từ nguồn tự tích luỹ và các nguồn hợp pháp khác; tăng cường năng lực tài chính thông qua việc cho phép DIV đa dạng hoá hình thức, danh mục đầu tư. Nhiệm vụ này gắn việc sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm tiền gửi với các giải pháp đề xuất sau đây:
Một là, chỉ cho phép sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi sẵn có để đầu tư (thay vì nguồn vốn hoạt động như quy định tại Điều 5 Thông tư 20/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 312/2016/TT-BTC quy định chế độ tài chính đối với DIV). Điều này nhằm đảm bảo việc sửa đổi Luật bảo hiểm tiền gửi vừa có tính kế thừa Điều 31 Luật bảo hiểm tiền gửi (tổ chức bảo hiểm tiền gửi được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua Trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước), vừa giúp giảm thiểu rủi ro khi phạm vi nguồn lực sử dụng cho đầu tư bằng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi nhỏ hơn nguồn vốn hoạt động.
Hai là, nhìn nhận và xác định “chức năng đầu tư” của DIV theo hướng bổ sung điều khoản về tổ chức bảo hiểm tiền gửi “quản lý và sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để đầu tư đảm bảo an toàn, hiệu quả nhằm phát triển và thu hồi được vốn”. Điều 13 Luật bảo hiểm tiền gửi hiện hành chưa có điều khoản quy định riêng về chức năng đầu tư. Vì vậy, sửa đổi Điều 13 là cần thiết nhằm đảm bảo phản ánh đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ và nguyên tắc sử dụng vốn của DIV, phù hợp và đồng bộ với Điều 5 Thông tư số 20. Thực tiễn cho thấy, hoạt động đầu tư là một chức năng quan trọng của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Việc quy định chức năng này trong Luật bảo hiểm tiền gửi sửa đổi sẽ khẳng định vai trò không thể thiếu của hoạt động đầu tư trong các hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi, giúp hoàn thiện thể chế về vốn đầu tư, siết chặt kỷ luật sử dụng vốn nhàn rỗi theo hướng bảo toàn và phát triển. Tỷ trọng số tiền đầu tư luỹ kế/tổng nguồn vốn giai đoạn 2013 đến nay luôn ở mức 95-96% đã phản ánh nỗ lực của DIV trong quản lý và sử dụng vốn theo hướng không để lãng phí nguồn tiền nhãn rỗi sẵn có phục vụ đầu tư, quay vòng vốn để tái đầu tư. Quy định về chức năng đầu tư sẽ tạo tiền đề giúp DIV tăng trưởng và phát triển vốn có trách nhiệm hơn.
Ba là, da dạng hoá hình thức và danh mục đầu tư để tăng cường năng lực tài chính. Điều 31 Luật bảo hiểm tiền gửi quy định “tổ chức bảo hiểm tiền gửi được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua Trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước”. Từ năm 2013, danh mục đầu tư của DIV đã có sự thay đổi căn bản theo hướng hơn 99% nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi được đầu tư mua Trái phiếu Chính phủ và chưa đến 1% gửi tiền Ngân hàng Nhà nước. Do lãi suất rất thấp (0,8-1,2%/năm), DIV chỉ gửi tiền Ngân hàng Nhà nước khi chưa có phiên thầu Trái phiếu Chính phủ hoặc không trúng thầu Trái phiếu Chính phủ sơ cấp, hoặc chưa mua được Trái phiếu Chính phủ thứ cấp. DIV chưa mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước do thời gian tổ chức đấu thầu ngắn và không trùng với thời điểm có tiền nhàn rỗi trong khi tín phiếu không được bán trước hạn. Ngoài ra, Thông tư số 16/2019/TT-NHNN chỉ cho phép DIV mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước thứ cấp với kỳ hạn rất ngắn, lãi suất thấp và rất ít đơn vị chào bán. Như vậy, Luật bảo hiểm tiền gửi đã thu hẹp danh mục đầu tư (từ 6 công cụ đầu tư thời kỳ 2000-2008, 8 công cụ 2008-2012 xuống còn 3 công cụ - với duy nhất Trái phiếu Chính phủ còn có thể đem lại doanh thu).
Như vậy, hoạt động đầu tư của DIV đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do danh mục đầu tư bị thu hẹp. Việc sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm tiền gửi nhằm cho phép DIV được đa dạng hoá danh mục đầu tư là cần thiết để DIV có thể được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để đầu tư theo đúng định hướng được đề xuất trong Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi.
Cụ thể, bên cạnh các công cụ đầu tư đang thực hiện theo quy định hiện hành (Luật bảo hiểm tiền gửi) nhằm đảm bảo tính kế thừa, cần: Bổ sung các hình thức và kênh mới của các công cụ đầu tư đang thực hiện nhằm đảm bảo thống nhất giữa các văn bản pháp lý, đặc biệt là đồng bộ với Thông tư số 20 ban hành sau Luật bảo hiểm tiền gửi; đề xuất tiếp tục cho phép các công cụ đầu tư đã được thực hiện trước đây; đề xuất thêm mới một số công cụ đầu tư chưa thực hiện cho phù hợp với Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi, trong đó danh mục đầu tư được đề xuất chia theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021-2025 có 6 nhóm công cụ - kênh - hình thức đầu tư bao gồm: Mua và bán TPCP; Mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước từ tổ chức tín dụng (mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trên thị trường thứ cấp); Gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước, rút tiền tại Ngân hàng Nhà nước; Gửi tiền tại các ngân hàng thương mại, rút tiền gửi tại các ngân hàng thương mại; Mua trái phiếu, tín phiếu của các ngân hàng thương mại và bán trái phiếu, tín phiếu của các ngân hàng thương mại; và Mua và bán kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng thương mại. Giai đoạn từ năm 2025 có 1 nhóm công cụ - kênh - hình thức đầu tư là Mua và bán trái phiếu chính quyền địa phương.
Bốn là, tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng vào 2025 và 15.000 tỷ đồng vào 2030 nhằm đảm bảo tài chính cho DIV thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ cũng như có thêm nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị mới được giao phó là tham gia cơ cấu lại, từ đó giúp củng cố và tăng cường năng lực tài chính, nâng cao vị thế - góp phần duy trì niềm tin của người gửi tiền. Điều này phù hợp với Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi cũng như phù hợp với xu hướng phát triển chung của ngành ngân hàng. Theo tính toán, trong giai đoạn 2021-2030, Quỹ đầu tư phát triển (sử dụng cho mục đích tăng vốn điều lệ) dự kiến chỉ tích lũy thêm được khoảng 800 tỷ đồng và như vậy sẽ đạt giá trị khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2025 và khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng vào năm 2030. Nếu tính cả mức vốn điều lệ 5 nghìn tỷ đồng hiện tại, đến năm 2030, Quỹ đầu tư phát triển sẽ chỉ đạt mức khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng - thấp hơn nhiều mục tiêu 10 nghìn tỷ đồng và 15 nghìn tỷ đồng.
Để hiện thực hoá mục tiêu đề ra và đảm bảo có nguồn lực tài chính đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu phát triển trong trung và dài hạn, DIV phải được phép trích 100% thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi vào thu nhập để tạo nguồn tích lũy bổ sung vốn điều lệ như quy định áp dụng trước Luật bảo hiểm tiền gửi. Có thể tính phương án phân chia cho 2 quỹ gồm Quỹ đầu tư phát triển (để tăng vốn điều lệ và tăng quy mô vốn chủ sở hữu) và Quỹ dự phòng nghiệp vụ để thực hiện chi trả khi xảy ra đổ vỡ. Dựa trên phương án này, DIV tính toán đến năm 2025, lũy kế Quỹ đầu tư phát triển sẽ là khoảng 6,5 nghìn tỷ đồng; đến năm 2030 là khoảng 16 nghìn tỷ đồng - đáp ứng được mục tiêu tăng vốn điều lệ theo nội dung đề xuất trong Dự thảo Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi; ngoài ra góp phần bổ sung vốn nhàn rỗi cho đầu tư và thực hiện các nhiệm vụ.
Các giải pháp đề xuất nêu trên vừa có tính căn cơ trong ngắn hạn vừa đảm bảo sự bền vững trong trung và dài hạn dựa trên lộ trình thực hiện hợp lý sẽ giúp DIV có thể hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bảo hiểm tiền gửi, qua đó duy trì và củng cố niềm tin công chúng, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn và lành mạnh hoạt động ngân hàng theo định hướng của Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi.
Theo DIV