Thứ bảy, 20/07/2024
   

DIV nâng cao chất lượng cán bộ tham gia kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng

Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017 đã cho phép Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) được tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD.

Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017 đã cho phép Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) được tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD.

Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ mới, DIV cần có một đội ngũ cán bộ có chất lượng, được đào tạo đầy đủ về các kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ.

Với vai trò là tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, DIV được giao nhiệm vụ tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của NHNN; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Chính phủ (Luật BHTG số 06/2012/QH13). Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017 được ban hành, BHTGVN được phép tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD thông qua việc thực hiện các nghiệp vụ cho vay đặc biệt, tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi và xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, DIV đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quản trị và điều hành về kiểm soát đặc biệt như: Hướng dẫn tạm thời số 1215/HD-BHTG ngày 9/12/2016 về việc BHTGVN tham gia vào quá trình KSĐB đối với QTDND, Quy chế về cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB kèm theo Quyết định số 593/QĐ-BHTG ngày 7/9/2018, Hướng dẫn thực hiện Quy chế về cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB số 1327/HD-BHTG ngày 29/10/2019, Quy định tạm thời về Tổ xử lý đột biến đối với QTDND có vấn đề. Hệ thống văn bản quản trị nói trên cùng với các văn bản quy phạm pháp luật như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017, Thông tư 11/2019/NHNN về KSĐB đã định hướng cụ thể cho DIV trong việc tham gia kiểm soát đặc biệt đối với TCTD.

Đến ngày 31/01/2021, DIV đã cử 35 cán bộ tham gia KSĐB tại 29 QTDND được kiểm soát đặc biệt. Trên cơ sở phân công, nhiệm vụ của Trưởng Ban kiểm soát đặc biệt, các cán bộ DIV tham gia Ban kiểm soát đặc biệt đã phối hợp với các thành viên thực hiện giám sát tình hình hoạt động, đánh giá trực trạng và thực hiện phương án củng cố, chấn chỉnh QTDND, giám sát và cập nhật số liệu chi tiết về tài sản của QTDND, số dư tiền gửi, tiền gửi được bảo hiểm, tình hình phân loại nợ, khả năng thu hồi nợ của QTDND để đánh giá khả năng chi trả tiền gửi đến hạn thanh toán; lập, kiểm tra, đối chiếu danh sách người gửi tiền, xây dựng phương án dự phòng chi trả làm cơ sở để DIV thực hiện chi trả tiền gửi được bảo hiểm khi phát sinh nghĩa vụ chi trả, xác minh, đối chiếu những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc gửi tiền để báo cáo NHNN; báo cáo về số dư tiền gửi được bảo hiểm, số tiền dự kiến chi trả theo yêu cầu của NHNN. Đối với nhóm các QTDND được KSĐB đang thực hiện phương án ngân hàng thương mại tham gia xử lý, cán bộ DIV đã tham gia đối chiếu, lập danh sách người gửi tiền, tuyên truyền ổn định tâm lý người gửi tiền và hỗ trợ công tác chi trả; Tích cực phối hợp với ban kiểm soát đặc biệt, Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi khi được yêu cầu.

Các cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt đã chủ động, tích cực thực hiện công việc được giao, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của DIV là tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD yếu kém theo định hướng của Chính phủ và chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ, việc nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ tham gia kiểm soát đặc biệt là việc làm hết sức cần thiết do tính phức tạp của nghiệp vụ chuyên môn và khối lượng công việc cũng sẽ tăng dần lên theo sự phát triển của nền kinh tế và hệ thống các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Do đó, mục tiêu dài hạn của DIV là phải xây dựng một đội ngũ cán bộ được trang bị kiến thức và trình độ chuyên môn sâu, thành thạo các kỹ năng nghiệp vụ giúp DIV thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của DIV trong hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam.

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ phục vụ mục tiêu lâu dài, Tổng Giám đốc DIV đã phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ DIV tham gia kiểm soát đặc biệt TCTD giai đoạn 2019-2021 (Theo Quyết định số 731/QĐ-BHTG ngày 15 tháng 8 năm 2019). Mục đích của Đề án là xây dựng đội ngũ cán bộ tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt có trình độ phù hợp với chiến lược phát triển của DIV trong chiến lược phát triển tổng thể của ngành ngân hàng; đảm bảo sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ của DIV sẽ được trang bị đầy đủ và đồng bộ các kiến thức cơ bản, chuyên sâu và các kỹ năng thực hiện chuyên môn nghiệp vụ để tham gia có hiệu quả vào quá trình kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của NHNN và của DIV.

Đề án đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ DIV tham gia kiểm soát đặc biệt TCTD giai đoạn 2019-2021 đã thực hiện được 03 khóa cơ bản và 02 khóa nâng cao. Khoá đào tạo cơ bản đã trang bị cho học viên kiến thức tổng quát và có hệ thống về các quy định của pháp luật về kiểm soát đặc biệt đối với TCTD, cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi, các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của tổ chức tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt TCTD…Khóa đào tạo nâng cao trang bị cho học viên các kiến thức chuyên sâu hơn về tham gia kiểm soát đặc biệt các ngân hàng; tham gia kiểm soát đặc biệt các QTDND có quy mô lớn; tham gia xây dựng phương án phá sản đối với ngân hàng và QTDND có quy mô lớn; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng cổ phần phần vốn góp TCTD được kiểm soát đặc biệt. Chương trình cũng chú trọng đến việc đào tạo cho cán bộ kỹ năng thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác nhau trong các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể vì kỹ năng là điều kiện đủ bổ sung cho điều kiện cần là kiến thức chuyên môn của cán bộ. Cán bộ có kỹ năng tốt sẽ giúp DIV tiết kiệm thời gian và nguồn lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kiến thức chuyên môn mới chỉ có thể đảm bảo thực hiện công việc ở độ hoàn thành, còn kỹ năng sẽ quyết định chất lượng và hiệu quả công việc.

Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo, giảng viên và học viên cũng cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm thực tế, trao đổi và đưa ra giải pháp giúp giải quyết, xử lý các vấn đề khó, tình huống phức tạp phát sinh trong thực tiễn khi tham gia kiểm soát đặc biệt. Trong năm 2021 và định hướng đào tạo trong thời gian tới, bên cạnh việc tổ chức cho cán bộ DIV tham gia kiểm soát đặc biệt tham gia khóa đào tạo cơ bản và nâng cao theo Đề án đào tạo, DIV dự kiến tiếp tục cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về tham gia kiểm soát đặc biệt do NHNN, Học viện Ngân hàng tổ chức.

Với sự quan tâm của Ban lãnh đạo DIV, sự nỗ lực trong học tập và nghiên cứu cũng như ứng dụng vào thực tế khi thực hiện nhiệm vụ, trong tương lai gần DIV sẽ có được một đội ngũ cán bộ tham gia kiểm soát đặc biệt nói riêng và lực lượng cán bộ DIV nói chung có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm và các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của DIV, bắt nhịp với sự phát triển chung của hệ thống ngân hàng trong kỷ nguyên mới.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay