Thứ năm, 14/11/2024
   

Để sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số tới gần hơn nữa với khách hàng

Ngày 07/10/2021, IDG Vietnam phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn Dịch vụ Tài chính trực tuyến với chủ đề Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng, hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số.

Ngày 07/10/2021, IDG Vietnam phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn Dịch vụ Tài chính trực tuyến với chủ đề Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng, hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số. Hội thảo là một trong những sự kiện quan trọng nhất của ngành tài chính, Ngân hàng Việt Nam với sự tham dự khoảng 1000 đại biểu, 25 diễn giả trong nước và quốc tế, 15 Ngân hàng, 25 công ty chứng khoán, bảo hiểm và 30 cơ quan báo chí.

Với mục đích giới thiệu các mô hình và kinh nghiệm phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm kiểu mới, Diễn đàn giới thiệu một số xu hướng, kinh nghiệm, giải pháp công nghệ góp phần xây dựng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới trên nền tảng số và sản phẩm dịch vụ tài chính số khác như chứng khoán, bảo hiểm; kết quả khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính năm 2021 do IDG Vietnam thực hiện và Lễ Công bố, trao giải thưởng Dịch vụ Tài chính Tiêu biểu năm 2021. Có ba phiên Chuyên đề diễn ra song song với nội dung chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, định hướng phát triển các sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng, Chứng khoán và Bảo hiểm trên nền tảng số.

De san pham dich vu ngan hang so toi gan hon nua 2

Phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh: Số hóa là xu thế tất yếu của mọi lĩnh vực kinh tế đã và đang diễn ra mạnh mẽ tại hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam để hòa nhịp cùng sự chuyển đổi số của nền kinh tế, ngân hàng càng cần phải là lĩnh vực tiên phong. Làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động khá tiêu cực lên sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành tài chính - ngân hàng nói riêng. Song không phủ nhận đó cũng là tác nhân tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình số hóa nhanh hơn bởi sự cấp thiết của việc duy trì hoạt động lưu thông tiền tệ thường xuyên, liên tục…

Tuy nhiên, xét một cách khách quan và trực diện, chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt Nam còn chưa có tính tổng thể, việc đầu tư hạ tầng theo phương thức on-premies vẫn là chính nên năng lực về hạ tầng công nghệ hiện chưa đáp ứng kịp tốc độ ứng dụng công nghệ số, một số ngân hàng đã tiếp cận dịch vụ điện toán đám mây, song vẫn còn những tranh luận liên quan đến việc sử dụng công nghệ mới này; hệ sinh thái đã được thiết lập tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ do tương thích về công nghệ kết nối, giao diện lập trình ứng dụng mở (open API) chưa đồng bộ; chuyển đổi số mới tập trung chủ yếu ở số hóa kênh phân phối, các sản phẩm truyền thống của ngân hàng như lending, deposit vẫn còn phải thực hiện theo quy trình bán tự động”.

Tham luận với tiêu đề “Tổng quan về ngân hàng mở và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiên tiến từ góc nhìn của các ngân hàng”, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định: đến thời điểm hiện tại, ngân hàng mở (Open Banking) là một trong những dấu ấn quan trọng trong quá trình đổi mới công nghệ tài chính, là một trong các khái niệm có thể ảnh hưởng tới cách thức vận hành và cung ứng dịch vụ của ngành ngân hàng. Open Banking đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số theo hướng thông minh và cởi mở hơn trong ngành ngân hàng. Cùng với xu hướng đó cụm từ “Open API” - ứng dụng giao diện lập trình mở trở thành từ khóa điển hình của hệ sinh thái ngân hàng mở, khiến giới nghiên cứu, hoạch định chính sách ngành Tài chính - Ngân hàng cũng như cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm”.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, mô hình kinh doanh của Ngân hàng mở được triển khai theo cấu trúc B2B2C hoặc B2B2B (từ Ngân hàng thông qua đối tác tới khách hàng), khác biệt so với mô hình kinh doanh trực tiếp truyền thống B2C hay B2B, từ đó tạo ra kênh phân phối dịch vụ mới giúp Ngân hàng mở rộng phạm vi, quy mô kinh doanh, tiếp cận các tập khách hàng mới, giảm thiểu chi phí hoạt động, gắn kết bền chặt lợi ích của Doanh nghiệp và Ngân hàng. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, mô hình Ngân hàng mở được dự báo sẽ tác động căn bản tới mô hình kinh doanh, tiếp thị, kiểm soát rủi ro truyền thống, đồng thời là cơ hội cho ngành ngân hàng đổi mới và phát triển vượt bậc.

Tại Việt Nam, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về việc Chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, đây chính là nền tảng để các bộ, ban, ngành xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và công nghệ số để bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang dần hoàn thiện các khung pháp lý để quản lý hoạt động số hóa Ngân hàng theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg. Thống đốc NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech theo Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017. Theo đó, nghiên cứu, xây dựng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua giao diện chương trình ứng dụng Open API là một trong số nhiệm vụ trọng tâm của Ban.

Thực tiễn ở các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay, hoạt động Ngân hàng mở đang được triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau, dưới nhiều hình thức dịch vụ khác nhau. Cuối năm 2019, OCB ra mắt API Portal - nền tảng API mở cung cấp hơn 30 API của Ngân hàng để các đối tác có thể kết nối hệ thống OCB vào hệ sinh thái. Cũng cùng năm 2019, VietinBank cũng đã chính thức cho ra mắt iConnect - nền tảng Open Banking cung cấp hơn 100 APIs và đã có kết nối với trên 60 đối tác qua các APIs tại thời điểm ra mắt, con số này hiện tại đã tăng hơn gấp đôi. Các Ngân hàng lớn trên thị trường như Vietcombank, BIDV,… cũng đã bước đầu xây dựng và triển khai cung cấp Open API đến các đối tác. Nhìn chung, các Ngân hàng đang ngày càng mở rộng hợp tác, kết nối với các Công ty công nghệ, Fintech để đón đầu và tận dụng các cơ hội kinh doanh từ nền kinh tế số.

De san pham dich vu ngan hang so toi gan hon nua 3

Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Open Banking là nền tảng mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho ngành ngân hàng. Dự báo trong giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực Ngân hàng tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng sản phẩm dịch vụ. Có thể thấy hiện nay, lĩnh vực tài chính ngân hàng đang được phát triển một cách năng động và đa dạng nhất. Các ngân hàng không ngần ngại đầu tư cho ngân hàng số, đưa ra các sản phẩm dịch vụ phong phú nhằm đáp ứng tối đa các nhu cầu của khách hàng tại tất cả các phân khúc, từ khách hàng cá nhân đến khách hàng doanh nghiệp.

Thành công của các NHTM Việt Nam trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng trong giai đoạn hiện nay thể hiện trên 2 khía cạnh chính: (i) Hiện đại hóa công nghệ từ đó phát triển các loại hình dịch vụ mới, kênh phân phối mới đa tiện ích như mobile banking, internet banking, contactless payment, QR code… Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ của ngân hàng mọi lúc, mọi nơi thông qua các ứng dụng ngân hàng số. Và mới đây nhất, khi NHNN đã ban hành thông tư cho phép các ngân hàng sử dụng công nghệ để định danh khách hàng - ekyc thì dịch vụ ngân hàng đang được tới gần hơn nữa với khách hàng, đặc biệt khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong tiếp cận các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng. (ii) Phối hợp liên ngành để xây dựng hệ sinh thái mở, đưa khách hàng là trọng tâm để phục vụ. Thông qua nền tảng open banking, kết nối và lồng ghép các dịch vụ ngân hàng vào các lĩnh vực của cuộc sống, ví dụ như thanh toán hóa đơn điện nước, viễn thông, thanh toán trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến …

Tuy nhiên, hướng tới việc cung cấp đa dạng hơn nữa các loại hình sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, dịch vụ thanh toán số và trải nghiệm khách hàng thì các ngân hàng thương mại cần sớm khắc phục 5 điểm nghẽn, đó là: (i) Hành lang pháp lý cho việc ứng dụng các nền tảng công nghệ mới như eKYC, Agent Banking, cho vay online còn chưa ổn định; (ii) Thông tin dữ liệu khách hàng cấp vĩ mô đang chuẩn hóa, nhưng còn thiếu, ví dụ như dữ liệu về dân cư. Cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác như fintech… chưa rõ ràng, còn đang trong tình trạng khép kín, chưa thực sự mở; (iii) Tỉ lệ giao dịch offline, giao dịch tiền mặt, còn cao, đặc biệt tỉ lệ giao dịch tiền mặt ở các khu vực nông thôn còn rất cao; (iv) Nhiều hệ sinh thái được phát triển một cách tự phát và chưa có sự liên thông; (v) Cơ chế thử điểm Sanbox cho việc thử nghiệm các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng sau nhiều vòng lấy ý kiến của các cơ quan bộ ban ngành nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Đây là một trong những cơ chế rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ tiên tiến của ngân hàng.

Để đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tương xứng với tiềm năng, đại diện Hiệp hội Ngân hàng đã đưa ra một số kiến nghị:

Đối với cơ quan quản lý (i) Trên cơ sở hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia thống nhất, cho phép ngân hàng thương mại được khai thác, phục vụ quá trình cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng; (ii) Cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng; (iii) Sớm ban hành, hướng dẫn triển khai cơ chế thí điểm đối với sản phẩm tài chính mới.

Đối với các ngân hàng thương mại (i) Tiếp tục tập trung phát triển dịch vụ ngân hàng tiên tiến, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số. Đẩy nhanh phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động và ngân hàng trực tuyến với nhiều tiện ích mới mẻ, thuận tiện, nhanh chóng và ngày càng thân thiện, dễ sử dụng hơn cho khách hàng. (ii) Cần chú trọng việc tạo ra các trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng để nâng cao sự hài lòng, dẫn đến lòng trung thành và hướng đến mục tiêu đạt được doanh thu cao hơn từ một đối tượng cụ thể. Hướng đến mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái đa tương tác để gia tăng chất lượng dịch vụ và sự lựa chọn cho khách hàng, cũng như phát triển hoạt động kinh doanh và bán chéo sản phẩm gắn với những tiện ích cuộc sống hằng ngày. (iii) Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng khách hàng; Lấy khách hàng làm trung tâm, ngân hàng cần xây dựng các sản phẩm dịch vụ chuyên biệt dành cho từng nhóm đối tượng cụ thể. (iv) Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng dịch vụ.

Cùng với các tham luận “Kinh nghiệm về các hoạt động chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng (Ngân hàng Standard Chartered); “Cơ hội đổi mới sáng tạo cho ngân hàng số tại Việt Nam” (McKinsey&Company); Tầm nhìn và chiến lược xây dựng các sản phẩm ngân hàng trên nền tảng số tại VIB” (Ngân hàng Quốc tế Việt Nam); “Giải pháp lhanh toán liên biên giới tại Fable Fintech” (Ấn Độ); Blockchain trong Banking” (Hoa Kỳ)…, tham luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã góp thêm tiếng nói thiết thực và giải pháp hữu hiệu để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số ở Việt Nam.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay