Thứ tư, 13/11/2024
   

Để DIV tham gia mạnh mẽ hơn vào tái cơ cấu Quỹ tín dụng nhân dân

“Tiếp tục rà soát, đề xuất cơ sở, nội dung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Trong thời gian chờ sửa Luật này, chủ động phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đề xuất, nghiên cứu phương án, giải pháp để tham gia mạnh mẽ hơn

“Tiếp tục rà soát, đề xuất cơ sở, nội dung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Trong thời gian chờ sửa Luật này, chủ động phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đề xuất, nghiên cứu phương án, giải pháp để tham gia mạnh mẽ hơn trong việc tái cơ cấu quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) bằng nguồn lực của bảo hiểm tiền gửi”.

Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) khi chủ trì Hội nghị chuyên đề QTDND vừa qua.

Ba nhóm nhiệm vụ quan trọng của DIV để tiếp tục củng cố hoạt động và tái cơ cấu QTDND

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thời gian qua, bám sát Chỉ thị số 06 ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 06), Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, hoạt động QTDND tiếp tục được củng cố, chấn chỉnh. Tổng tài sản, tiền gửi của khách hàng, dư nợ cho vay, vốn chủ sở hữu và kết quả kinh doanh tăng; tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm. Công tác thanh tra, kiểm tra QTDND đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm, tồn tại của các QTDND. Công tác giám sát QTDND được tăng cường, số lượng QTDND được khuyến nghị các nội dung cảnh báo rõ rệt từng quý. Công tác xử lý các QTDND yếu kém đạt được nhiều kết quả tích cực.

“Đồng thời, sự phối hợp trao đổi thông tin giữa NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các sở, ban, ngành với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) và Ngân hàng Hợp tác xã được tăng cường” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ rõ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, công tác quản lý hệ thống QTDND vẫn còn một số tồn tại, hạn chế khi vẫn xuất hiện một số QTDND yếu kém, trong đó có những quỹ phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, công tác xử lý pháp nhân của QTDND còn chậm, nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của QTDND tại một số địa phương chậm được xử lý.

Để tiếp tục triển khai thực hiện củng cố hoạt động và cơ cấu lại hệ thống QTDND, cũng như khắc phục những tồn tại, khó khăn, hạn chế hiện nay, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các cơ quan, đơn vị, trong đó có DIV, chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thiết thực và có hiệu quả Chiến lược phát triển DIV đến năm 2030 sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, trong đó cần xây dựng kịch bản truyền thông trước, trong và sau khi ban hành để đảm bảo triển khai hiệu quả Chiến lược.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đề xuất cơ sở, nội dung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Trong thời gian chờ sửa Luật này, chủ động phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đề xuất, nghiên cứu phương án, giải pháp để tham gia mạnh mẽ hơn trong việc tái cơ cấu QTDND bằng nguồn lực của BHTG, trong đó có cơ chế cử cán bộ tham gia HĐQT, Ban điều hành QTDND yếu kém được kiểm soát đặc biệt (KSĐB).

Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra hoặc tham gia các đoàn thanh tra QTDND theo kế hoạch, nội dung NHNN đã giao. Phối hợp chặt chẽ với NHNN trong quá trình kiểm tra và xử lý các kết luận sau kiểm tra.

Tích cực tham gia tái cơ cấu QTDND

Được biết, dự thảo Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp lớn nhằm triển khai tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng; nâng cao vị thế của DIV để phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng phát triển chung của ngành Ngân hàng, của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế, cũng như xu hướng chung của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới và các quy định của pháp luật Việt Nam.

Trong năm 2022, DIV cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc NHNN hoàn thiện, trình đề nghị phê duyệt Chiến lược; sẵn sàng tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua việc xây dựng chương trình hành động cụ thể, kế hoạch và lộ trình phù hợp, nhằm đạt được các kết quả cụ thể qua từng năm, từng giai đoạn.

“Quá trình triển khai sẽ đảm bảo đạt mục tiêu chung của DIV, theo sát Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” - đại diện lãnh đạo DIV nhấn mạnh.

Về sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, theo thông tin từ DIV, từ đầu năm 2022, DIV đã báo cáo NHNN việc rà soát Luật Bảo hiểm tiền gửi và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi.

NHNN cũng đã tổ chức cuộc họp để thảo luận, thống nhất nội dung chính sách dự kiến quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi. Hiện nay, DIV đang tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn những đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật, trong đó tập trung vào một số chính sách lớn như DIV tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại TCTD được KSĐB, thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, căn cứ để xác định khung phí bảo hiểm tiền gửi...

Liên quan đến phương án, giải pháp để DIV tham gia sâu hơn trong việc tái cơ cấu QTDND, DIV cho biết thời gian qua đã tích cực triển khai công tác tham gia KSĐB và tham gia xử lý các QTDND yếu kém; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng, tin tưởng vào các biện pháp tái cơ cấu của Chính phủ, NHNN thực hiện.

Đối với các QTDND được KSĐB đang thực hiện giải pháp củng cố, chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn, DIV cũng tích cực phối hợp với Ban KSĐB, NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc cập nhật phương án xử lý của NHNN, tăng cường giám sát mọi hoạt động của QTDND; hỗ trợ Ban KSĐB trong triển khai các công việc theo phương án xử lý đã được NHNN phê duyệt; tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi khi được NHNN yêu cầu.

DIV cũng tăng cường theo dõi hoạt động, diễn biến của các QTDND có nguy cơ rủi ro cao, quỹ yếu kém mới phát sinh, chủ động phối hợp với Chi nhánh NHNN, chính quyền địa phương trên địa bàn quỹ hoạt động để xây dựng kế hoạch củng cố, chấn chỉnh, cũng như phương án xử lý để hạn chế thấp nhấp rủi ro với QTDND này. Ngoài ra, DIV cũng cử cán bộ tham gia Ban KSĐB theo yêu cầu của NHNN tại một số quỹ mặc dù chưa được đặt vào KSĐB.

Sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi, nâng cao vai trò của DIV trong tái cơ cấu

Theo đánh giá của DIV, bên cạnh những kết quả đạt được trong tham gia tái cơ cấu QTDND thì một số quy định về quyền hạn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi tại Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa thống nhất, đồng bộ với các nội dung về tái cơ cấu được quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi 2017, khiến việc phát huy vai trò của DIV còn nhiều hạn chế.

Ví dụ, về quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tại khoản 2 Điều 148 và khoản 1 Điều 152a Luật các TCTD sửa đổi (2017) quy định, tổ chức bảo hiểm tiền gửi tham gia vào quá trình xây dựng các phương án tái cơ cấu QTDND. Nhưng, quy định quyền và nghĩa vụ tổ chức bảo hiểm tiền gửi tại Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa đảm bảo để tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD (ví dụ: tham gia hỗ trợ kiểm tra, giám sát đối với QTDND, tham gia quá trình xây dựng các phương án tái cơ cấu QTDND, cho vay đặc biệt đối với QTDND bị KSĐB; có thể xử lý, can thiệp sớm đối với các QTDND được KSĐB biệt thông qua: tiếp quản trực tiếp, tham gia quản trị hoặc góp vốn để chi phối hoạt động của quỹ…)

Hoặc nội dung về cho vay đặc biệt đối với TCTD bị KSĐB, Luật Các TCTD sửa đổi 2017 quy định DIV cho vay đặc biệt đối với công ty tài chính, QTDND, tổ chức tài chính vi mô... Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa quy định các nội dung này. Do đó, cần bổ sung quy định DIV cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB để thống nhất với quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi 2017, cụ thể một số nội dung để đảm bảo cơ sở pháp lý cho DIV trong quá trình cho vay đặc biệt như: nguồn vốn cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD, cơ chế xử lý rủi ro…

Ngoài ra, trong quá trình triển khai công tác tham gia KSĐB theo quy định tại Luật BHTG và Luật Các TCTD sửa đổi 2017, vẫn chưa có quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ DIV khi tham gia Ban KSĐB. Việc cung cấp thông tin giữa NHNN và DIV theo quy định tại Thông tư 34/2016/TT-NHNN về trao đổi thông tin về thanh tra giám sát và phối hợp xử lý các QTDND yếu kém giữa NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố và DIV chưa được kịp thời. Do đó, cần có văn bản yêu cầu các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện việc cung cấp thông tin về thanh tra giám sát và phối hợp xử lý các QTDND yếu kém giữa NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố và DIV để công tác này được triển khai kịp thời, hiệu quả hơn.

Như vậy, cần sớm đưa việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội để Luật Bảo hiểm tiền gửi thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan, tạo nền tảng cho DIV tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu, trước mắt là đối với hệ thống QTDND.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay