Vì một nền nông nghiệp bền vững
Với quyết tâm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng trưởng tín dụng, “lấy khách hàng làm trung tâm” đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động, hơn 36 năm đồng hành phát triển cùng “tam nông” và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Agribank luôn kiên định với vai trò “bà đỡ” của nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nỗ lực chung tay cùng Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền nông nghiệp Việt Nam văn minh, hiện đại, lấy nông nghiệp làm gốc và là điểm tựa cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong nhiều năm qua, Đảng bộ Agribank chủ trương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; trong đó tập trung đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân. Hiện thực hóa những chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy, hệ thống Agribank đã chủ động đẩy mạnh tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức chính trị - xã hội về vấn đề phát triển “tam nông”, đặc biệt với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong phối hợp triển khai chính sách tín dụng, ký kết các thỏa thuận hợp tác mang lại lợi ích cho người thụ hưởng là nông dân.
Để triển khai chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Đảng, Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn (nay là Nghị định 116), Agribank và Hội Nông dân Việt Nam đã thực hiện ký kết Thỏa thuận liên ngành số 01/TTLN-HND-AGRIBANK nhằm phối hợp triển khai việc chuyển tải nguồn vốn cho vay và các dịch vụ thanh toán đến các hộ gia đình và cá nhân thông qua mô hình tổ vay vốn, đáp ứng nhu cầu về phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trong những năm qua, giữa 2 bên đã bám sát nội dung thỏa thuận, chương trình phối hợp thực hiện trong việc triển khai cho hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Agribank và Hội Nông dân Việt Nam đã phát huy hiệu quả tích cực với 7 chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đã đạt được những con số đáng ghi nhận: 100% xã trên toàn quốc được cho vay thực hiện xây dựng nông thôn mới; 637 ngàn tỷ đồng dư nợ với 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; 1 triệu thẻ thấu chi hỗ trợ nhu cầu vay vốn giao dịch thanh toán mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của khách hàng tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn được triển khai trực tiếp đến khách hàng hoặc thông qua mô hình tổ vay vốn. Thực hiện chính sách của Nhà nước, mỗi năm, Agribank dành hàng nghìn tỷ đồng áp dụng lãi suất ưu đãi đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Đưa chính sách đi vào cuộc sống
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh”. Bám sát mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế của đất nước, nhất là thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, Đảng bộ Agribank chỉ đạo toàn hệ thống triển khai hiệu quả, linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Agribank đã được Đảng, Chính phủ, NHNN giao phó với vai trò là cầu nối đưa nguồn vốn đến người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất - kinh doanh. Thời gian qua, nhằm giúp các hộ dân tiếp cận nguồn vốn để phát triển các mô hình kinh tế, Agribank tích cực triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm, thủy sản. Theo chỉ đạo nâng quy mô cho vay lên 30.000 tỷ đồng, Agribank đã đăng ký với NHNN và dự kiến tăng quy mô giải ngân theo chương trình cho vay lâm sản, thủy sản lên 8.000 tỷ đồng. Đến nay, doanh số cho vay triển khai từ đầu chương trình đã đạt gần 5.500 tỷ đồng, dư nợ đạt gần 5.000 tỷ đồng với hơn 3,3 nghìn lượt khách hàng vay vốn.
Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn cũng đã tạo điều kiện cho người dân nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, nhiều hộ nông dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng, từ đó góp phần phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình; các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều khởi sắc trong kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động và đóng góp đáng kể nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Một điểm sáng trong thực hiện tín dụng “tam nông” của Agribank là triển khai chính sách hỗ trợ DNVVN, hợp tác xã, hộ kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, gắn với thực hiện cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực nông sản, ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn. Thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ với Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC), Agribank tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nâng cao năng lực, mở rộng thị trường, đưa ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Khi đầu tư trang thiết bị công nghệ cao vào quá trình sản xuất kinh doanh nông nghiệp, các doanh nghiệp sẽ cần vốn đầu tư nhiều. Do đó với sự hợp tác, đồng hành của Agribank, các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với vốn tín dụng từ ngân hàng trong thời gian tới. Đây là sự thể hiện nghiêm túc cam kết của Agribank trong việc cung ứng vốn đến DNNVV, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt đối với sản phẩm nông nghiệp xanh - sạch hướng tới phát triển bền vững, gắn với bộ tiêu chuẩn ESG.
Để các chính sách kịp thời đi vào cuộc sống, giúp người dân nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, NHNN, nhất là các chính sách tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, cũng như sử dụng vốn vay được hiệu quả, Đảng ủy Agribank đã chỉ đạo cấp ủy các cấp từ trung ương đến địa phương thực hiện tốt quan hệ phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, đoàn thể tại địa bàn hoạt động của Agribank. Với hệ thống chân rết là các tổ vay vốn thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Agribank đã chuyển tải được nguồn vốn ưu đãi đến được từng người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên khắp mọi miền Tổ quốc; tham gia hỗ trợ, tư vấn phương án sản xuất, cách quản lý, sử dụng vốn vay… tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn đầu tư sản xuất nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Thực hiện định hướng xây dựng nông thôn hiện đại và nông dân văn minh theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; quán triệt chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, thời gian tới, để dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được khơi thông, Đảng bộ Agribank tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị bám sát các định hướng tăng cường đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, toàn hệ thống Agribank tập trung cho vay đối với các lĩnh vực, đối tượng ưu tiên, nhất là DNVVN, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất tập trung vào đối tượng khách hàng DNVVN, cho vay theo chuỗi liên kết; đồng thời, đẩy mạnh phương thức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thông qua tổ vay vốn, vận hành hiệu quả ngân hàng lưu động…
Bên cạnh đó, Agribank tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn, bảo đảm an toàn vốn vay, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hiệu quả. Đặc biệt, luôn hỗ trợ, đồng hành, phối hợp Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố phát động nhiều phong trào thi đua lao động, sản xuất, nâng cao hiệu quả hỗ trợ nông dân trong phát triển kinh tế. Từ đó tạo điều kiện cho người nông dân có thêm nguồn lực để xây dựng ngày càng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp, nhân rộng các phong trào đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra nông sản chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và vươn tầm ra thế giới.