Thứ hai, 23/12/2024
   

Cung ứng vốn rẻ hỗ trợ kinh tế phục hồi

Cùng với các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai rất nhiều các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất thị trường.

Cùng với các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai rất nhiều các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất thị trường.

Từ đầu năm trở lại đây, trước tín hiệu của nền kinh tế có khả năng kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động linh hoạt và nhanh chóng hai lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành và các mặt bằng lãi suất cho vay, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng.

Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của các ngân hàng trong nước cho thấy, sau nghỉ lễ, các ngân hàng lại tiếp tục giảm lãi suất huy động. Theo đó, Saigonbank đã giảm 0,3% lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Nam A Bank cũng giảm 0,1 - 0,2% tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên... Động thái giảm lãi suất diễn ra trên diện rộng trong những tuần gần đây, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4. So với cuối năm 2022, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 1 - 1,7 điểm % ở tất cả các kỳ hạn.

Lãnh đạo một NHTMCP đánh giá, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đang thúc đẩy các NHTM giảm mặt bằng lãi suất. Lãi suất huy động giảm là cơ sở để ngân hàng giảm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng với chi phí hợp lý, mở ra bối cảnh kinh doanh thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Một tin vui đối với thị trường, 4 NHTM chiếm khoảng hơn 50% thị phần tín dụng của Việt Nam đều có đồng thuận rất cao với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Đơn cử, tại Vietcombank, nhà băng này vừa công bố quyết định giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 3 tháng từ 1/5/2023 đến hết 31/7/2023 (không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá, thấu chi…).

"Vietcombank tin rằng đây sẽ là hành động thiết thực, thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của Vietcombank trong việc thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vì mục tiêu chung góp phần phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế", lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.

Trước đó, trong bốn tháng đầu năm, Vietcombank đã giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay đối với toàn bộ khách hàng vay vốn. Ước tính sẽ có hơn 600.000 tỷ đồng dư nợ của Vietcombank với khoảng 110.000 khách hàng được giảm tiếp lãi suất vay.

Không chỉ các "ông lớn", các ngân hàng nhỏ cũng tích cực giảm lãi suất cho vay với nhiều đối tượng khách hàng. Sacombank vừa dành 5.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay mua nhà với mức lãi suất ưu đãi. Cụ thể, các khách hàng có thể vay mua, xây mới hoặc sửa chữa nhà với mức lãi suất chỉ từ 10,68%/năm. Kỳ hạn vay dài tối đa lên đến 30 năm.

Hay như PVcomBank, đã thông báo đẩy mạnh triển khai gói tín dụng ưu đãi lên tới 13.500 tỷ đồng phục cho vay khách hàng với mức lãi suất cho vay giảm tới 4% so với lãi suất thông thường. Đối tượng được hưởng ưu đãi gồm các khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, mua nhà/đất để ở, mua ô tô, các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ vay sản xuất kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất và phân phối các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu… Gói tín dụng ưu đãi này sẽ được triển khai đến hết 31/1/2024 hoặc khi hết dư địa giải ngân.

Lãi suất còn dư địa giảm?

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Phạm Chí Quang cho biết, cùng với các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai rất nhiều các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất thị trường. Từ đầu năm trở lại đây, trước tín hiệu của nền kinh tế có khả năng kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động linh hoạt và nhanh chóng hai lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành và các mặt bằng lãi suất cho vay, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng. Trên cơ sở đó một mặt hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, mặt khác tạo định hướng giảm dần lãi suất trên thị trường.

Với việc điều hành rất đồng bộ và nhiều công cụ như vậy, cho đến nay về cơ bản mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay đã có sự giảm đáng kể. Cụ thể, hiện nay lãi suất cho vay đối với nền kinh tế đã giảm 0,6% so với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Các chuyên gia của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, khả năng lãi suất có thể giảm tiếp, do áp lực từ lạm phát toàn cầu và tỷ giá trong nước được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022. Ngoài ra, việc Fed được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý II/2023, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7%, và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%.

Trong báo cáo phát hành mới đây, các chuyên gia Maybank Investment Bank nhận định, lạm phát trong nước sẽ thấp hơn mức mục tiêu 4,5% và trục chính sách tiềm năng của Fed đang cho thấy lãi suất đạt đỉnh 5,0% vào tháng 5/2023 và giảm 50 điểm cơ bản trong quý II/2023 sẽ là những yếu tố tạo điều kiện Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất điều hành. Cụ thể, tổ chức này dự báo, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm 0,5 điểm % vào giữa năm 2023 và 0,5 điểm % vào đầu năm 2024.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngân hàng, điều này không đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước cần phải liên tục thay đổi điều hành chính sách lãi suất từ nay tới cuối năm. Hiện lãi suất điều hành đã ở mức mức bình quân giai đoạn 2014-2019, trong đó lãi suất tái chiết khấu ở mức 4,5% và lãi suất tái cấp vốn ở mức 6%.

Mặt khác, tuy sức ép lạm phát đã giảm nhưng nguy cơ gia tăng lạm phát vẫn hiện hữu trên bình diện toàn cầu. Lạm phát do chi phí đẩy có thể xuất hiện với giá dầu thô thế giới, vốn là chỉ số có ảnh hưởng mạnh tới lạm phát Việt Nam, có xu hướng tăng trở lại trong bối cảnh các quốc gia OPEC cắt giảm sản lượng dầu thô.

Hơn nữa, trong cơ cấu nhập khẩu vẫn có một tỷ trọng hàng hóa được nhập từ các nền kinh tế đang có mức lạm phát cao. Sự biến động của lãi suất điều hành sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế thế giới và chính sách điều hành của NHTW các nước lớn. Trong đó, biến động lãi suất điều hành của Fed là yếu tố cần được quan tâm đến.

Thông tin thêm về định hướng điều hành lãi suất, ông Phạm Chí Quang cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác có định hướng để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn với giá chi phí hợp lý để hỗ trợ cho quá trình phục hồi nền kinh tế thời gian tới.

Theo thoibaonganhang.vn

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay