Cho vay đặc biệt là hình thức cho vay theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng nhằm mục đích hỗ trợ thanh khoản đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khi tổ tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả.
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư 08/2021/TT-NHNN ngày 6/7/2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp: Cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản; cho vay đặc biệt theo quyết định của NHNN để hỗ trợ thanh khoản; cho vay đặc biệt theo phương án phục hồi (theo khoản 2 điều 4 Thông tư 08/2021/TT-NHNN). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để DIV có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu, hỗ trợ các tổ chức tín dụng có vấn đề trở lại hoạt động bình thường, góp phần đảm bảo an ninh ngân hàng, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Cho vay đặc biệt - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam
Cho vay đặc biệt là hình thức cho vay theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng nhằm mục đích hỗ trợ thanh khoản đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khi tổ tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả; hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; hoặc hỗ trợ phục hồi đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
Kinh nghiệm từ các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới cho thấy, nghiệp vụ hỗ trợ tài chính là một trong các công cụ để duy trì hoạt động của tổ chức tín dụng; tránh đổ vỡ, gây rủi ro hệ thống; tạm thời tránh được chi phí xử lý đổ vỡ, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Tại Mỹ, Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) đã tiếp nhận mua lại và hỗ trợ tài chính cho Bank of New England -có nguy cơ đổ vỡ do tổn thất tích lũy lên đến hơn 450 triệu USD lớn hơn số vốn tự có của ngân hàng là 255 triệu USD. Kết quả là người gửi tiền không bị thiệt hại do sự đổ vỡ ngân hàng gây ra và FDIC cũng không phải chi trả cho người gửi tiền.
Tại Indonesia, hỗ trợ tài chính cũng là một trong các phương thức quan trọng áp dụng đối với tất cả các ngân hàng đổ vỡ, kể cả có tầm ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng hệ thống. Sau khi hỗ trợ tài chính, Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi Indonesia sẽ được nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng đổ vỡ trong một thời gian nhất định và thực hiện việc bán cổ phiếu để thu hồi nguồn vốn ban đầu bỏ ra.
Đối với DIV, trước khi có Luật Bảo hiểm tiền gửi, DIV đã thực hiện hỗ trợ tài chính cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ mất khả năng chi trả nhưng chưa đến mức đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt dưới hình thức cho vay hỗ trợ. Trong giai đoạn từ năm 2005-2009, DIV đã cho 05 quỹ tín dụng nhân dân vay với tổng số tiền là 6.932 triệu đồng. Kết quả 4/5 quỹ tín dụng nhân dân đã trở lại hoạt động bình thường và trả hết nợ cho DIV.
Cùng với sự ra đời của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 và các văn bản hướng dẫn dưới Luật, bên cạnh các nghiệp vụ đã được DIV thực hiện để hỗ trợ tổ chức tín dụng như: kiểm tra, giám sát, tham gia kiểm soát đặc biệt, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, DIV có thêm nghiệp vụ mới là cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, DIV đã xây dựng và ban hành Quy chế về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Hướng dẫn thực hiện Quy chế về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để thống nhất quy trình thực hiện trong toàn hệ thống. Hàng năm, DIV cũng đã xây dựng kế hoạch vốn dự phòng cho vay đặc biệt để đảm bảo có đầy đủ nguồn lực về tài chính, sẵn sàng cho vay khi nhận được đề nghị vay đặc biệt theo đúng quy định.Từ đó, DIV sẽ tham gia sâu hơn vào quá trình hỗ trợ, phục hồi tổ chức tín dụng và thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém. Nâng cao vai trò và vị thế của DIV trong hệ thống tài chính-tiền tệ quốc gia, có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng và củng cố niềm tin của người gửi tiền.
(Sơ đồ quy trình DIV cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản)
Thông qua nghiệp vụ cho vay đặc biệt các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, DIV có cơ hội tiếp nhận hồ sơ thực tế về tình hình tổ chức tín dụng; đánh giá, phân tích hoạt động của tổ chức tín dụng; đánh giá tài sản bảo đảm, đề xuất phương án cho vay phù hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và thực hiện quy trình cho vay theo quy định. Qua đó, năng lực và trình độ cán bộ thực hiện công tác cho vay đặc biệt ngày càng được nâng cao.
Đối tượng cho vay đặc biệt của DIV cũng được mở rộng. Trước đây, DIV chỉ được cho vay quỹ tín dụng nhân dân, nhưng theo quy định mới, DIV được cho vayngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô. DIV không chỉ gián tiếp tham gia vào quá trình hỗ trợ phục hồi các tổ chức tín dụng yếu kém thông qua việc mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ mà còn trực tiếp tham gia hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém bằng biện pháp cho vay đặc biệt.
Bên cạnh đó, DIV không chỉ cho vay đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt, mà còn cho vay đối với các tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án phục hồi, phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt. Như vậy, phạm vi cho vay của DIV xuyên suốt quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Một số khó khăn và đề xuất, kiến nghị
Bên cạnh các cơ hội, DIV cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức:
Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 và Thông tư 08/2021/TT-NHNN đã quy định về các hình thức và nguyên tắc DIV cho vay đặc biệt. Tuy nhiên, vẫn chưa đầy đủ và chi tiết về các điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục xử lý tổn thất trong trường hợp DIV không thu hồi được khoản cho vay đặc biệt.
Thứ hai, đối tượng cho vay đặc biệt là các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Khi cho các tổ chức tín dụng này vay, DIV sẽ đối diện với nhiều rủi ro, có nguy cơ không thu hồi được số tiền đã cho vay, có khả năng dẫn đến mất vốn. Điều này đòi hỏi phải có một cơ chế miễn trừ trách nhiệm đối với các cán bộ thực hiện công tác cho vay đặc biệt khi họ đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao.
Thứ ba, vì đây là nghiệp vụ mới và bên đi vay là các tổ chức tín dụng có tình hình hoạt động kinh doanh rất yếu kém.Trong giai đoạn đầu thực hiện nhiệm vụ, DIV có thể bị động, thiếu sự chuẩn bị về nguồn lực cho hoạt động cho vay đặc biệt; kinh nghiệm, trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác cho vay đặc biệt còn thiếu và cần nâng cao.
Thứ tư, việc trao đổi, cung cấp thông tin giữa NHNN với DIV về các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt còn ở mức độ hạn chế. Điều này gây khó khăn nhất định cho DIV trong quá trìnhthẩm định và ra quyết định cho vay đặc biệt.
Để DIV ngày càng tham gia sâu và hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, xin đề xuất một số nội dung:
Thứ nhất, DIV tiếp tục tích cực phối hợp, trao đổi thông tin với NHNN về các nội dung liên quan đến tái cơ cấu tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để thực hiện tốt nhiệm vụ cho vay đặc biệt.
Thứ hai, đối tượng cho vay đặc biệt của DIV là các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nên rủi ro mất vốn là rất cao. Vì vậy, cần có quy định cụ thể về việc sử dụng quỹ dự phòng nghiệp vụ của DIV, khi khoản cho vay không thu hồi được và thẩm quyền quyết định về việc này.
Thứ ba, đối với cán bộ tham gia cho vay đặc biệt, cần có quy định về việc miễn trừ trách nhiệm vật chất khi đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao. Đồng thời, DIV cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ nghiệp vụ thông qua các khóa đào tạo trong và ngoài nước.
Phòng Tham gia kiểm soát đặc biệt và Thu hồi tài sản - DIV