Ngày 26/11/2021, Chi hội Thẻ - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2018-2021, xây dựng phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2021-2024 và bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới.
Hội nghị được tổ chức dưới hình tiếp trực tuyến, có sự tham dự của Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, đại diện lãnh đạo Vụ Thanh toán, Cục Công nghệ thông tin, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, đại diện Câu lạc bộ Pháp chế, Câu lạc bộ Fintech của Hiệp hội Ngân hàng và lãnh đạo các thành viên của Chi hội Thẻ Ngân hàng.
Hội nghị đã nghe ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Thẻ đã trình bày và thông qua dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2018-2021 và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2021-2024 với nhiều điểm nhấn quan trọng.
Hội nghị đã nhất trí với kết quả bầu cử Ban Chấp hành Chi hội Thẻ nhiệm kỳ 2021-2024 gồm 12 thành viên là Vietcombank, Agribank, VietiBank, BIDV, Techcombank, ACB, MB, Sacombank, ABBank, Napas, VPBank và TPBank. Chủ tịch Chi hội Thẻ thuộc về Vietcombank và 2 Phó Chủ tịch thuộc về Agribank và Sacombank. Hội nghị đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng tặng cho tập thể Chi hội và 02 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động thẻ và xây dựng Chi hội.
Thẻ nội địa tăng nhanh
Trong báo cáo của Chi hội Thẻ cho thấy, thị trường thẻ giai đoạn 2018-2021 có sự tăng trưởng tích cực, trên cả 4 mặt hoạt động là: phát hành thẻ, sử dụng thẻ, thanh toán thẻ và phát triển mạng lưới. Thị trường thẻ ở Việt Nam ghi nhận sự cạnh tranh giữa nhóm thẻ nội địa (giao dịch thanh toán, chi trả trong nước) và nhóm thẻ quốc tế có phạm vi giáo dịch rộng hơn, trong và ngoài nước.
Tổng số lượng thẻ phát hành, đang lưu thông đến 30/6/2021 đạt 110 triệu thẻ các loại, tăng 28% so với cuối năm 2018; trong đó thẻ nội địa đạt 90,4 triệu thẻ chiếm tỷ trọng 82%; có 04 ngân hàng dẫn đầu về số lượng thẻ đang lưu hành là Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) với 16,9 triệu thẻ, chiếm 15%; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 15,3 triệu thẻ, chiếm 14%); Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với 15,1 triệu thẻ, chiếm 14%; Ngân hàng Quân đội (MB) với 7,6 triệu thẻ, chiếm 7%. Về thẻ ghi nợ nội địa, một trong chủ đề thảo luận chính vào năm 2018 của Chi hội Thẻ, đến nay sau gần 4 năm đã tăng thêm 18%, đạt số lượng thẻ lưu hành 85,7 triệu thẻ. Top 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất, đó là: VietinBank (18%), Agribank (17%), BIDV (16%), Vietcombank (15%); và Ngân hàng Đông Á (ĐongABank) chiếm 7%. Về thẻ trả trước nội địa: đến 30/6/2021 có 11/41 ngân hàng phát hành loại thẻ này, với tổng số thẻ đang lưu hành đạt hơn 4,3 triệu thẻ, tăng 69% so với năm 2018. Về thẻ tín dụng nội địa: có 9/41 ngân hàng phát hành với 248.011 thẻ, tăng 19% so với năm 2019. Các tổ chức thành viên có thị phần lớn là Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chiếm 34%, Vietinbank (27%), Ngân hàng Á Châu (ACB) chiếm 13%, Ngân hàng Nam Á (NamABank) chiếm 12% và Công ty tài chính JACCS chiếm 10%.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thẻ nội địa phần nào nói lên xu hướng thanh toán của người dùng, cùng với những nỗ lực xây dựng thị trường của các tổ chức phát hành thẻ thành viên.
Thẻ ghi nợ nội địa, một trong chủ đề thảo luận chính vào năm 2018 của Chi hội Thẻ, đến nay sau gần 4 năm đã tăng thêm 18%, đạt số lượng thẻ lưu hành 85,7 triệu thẻ. Top 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất, đó là: VietinBank (18%), Agribank (17%), BIDV (16%), Vietcombank (15%); và Ngân hàng Đông Á (ĐongABank) chiếm 7%. Về thẻ trả trước nội địa: đến 30/6/2021 có 11/41 ngân hàng phát hành loại thẻ này, với tổng số thẻ đang lưu hành đạt hơn 4,3 triệu thẻ, tăng 69% so với năm 2018. Về thẻ tín dụng nội địa: có 9/41 ngân hàng phát hành với 248.011 thẻ, tăng 19% so với năm 2019. Các tổ chức thành viên có thị phần lớn là Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chiếm 34%, Vietinbank (27%), Ngân hàng Á Châu (ACB) chiếm 13%, Ngân hàng Nam Á (NamABank) chiếm 12% và Công ty tài chính JACCS chiếm 10%.
Về doanh số sử dụng thẻ các loại của tổ chức thành viên tăng 24%/năm. Doanh số sử dụng thẻ ghi nợ nội địa tăng trung bình 8%/năm; tính đến 30/6/2021, tổng doanh số sử dụng thẻ ghi nợ nội địa đạt 1.184.683 tỷ VNĐ, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018. Vietcombank tiếp tục dẫn đầu với 23% thị phần, theo sau là Agribank (19%), BIDV (13%), Vietinbank (12%), Đông Á (6%). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 khiến nhu cầu chi tiêu, mua sắm của người dân giảm, dẫn đến doanh số sử dụng thẻ nội địa từ năm 2020 đến nay giảm 11% so với năm 2018. Điểm cộng trong hoạt động này là, trong khi tỷ trọng doanh số chi tiêu qua thẻ tăng từ 15% (năm 2018) lên 22% (năm 2021 thì, tỷ trọng doanh số rút tiền mặt qua thẻ đã giảm dần từ 85% năm 2018 xuống 82% năm 2020 và 78% tại thời điểm 30/6/2021. Top 05 ngân hàng dẫn đầu về doanh số sử dụng thẻ gồm: Vietcombank (18%), Agribank (14%), Vietinbank (13%), BIDV (4%) và Sacombank (10%) vẫn đang tiếp tục khẳng định thương hiệu, uy tín của ngâng hàng phát hành.
Đối với hoạt động thanh toán thẻ, tính chung cho cả doanh số sử dụng và doanh số rút tiền mặt, ghi nhận tốc độ tăng bình quân 5%/năm. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh số thanh toán thẻ của các tổ chức thành viên vẫn đat 1.781.251 tỷ VNĐ, tăng 10% so với cùng kỳ 2020 (trong đó, doanh số thanh toán chiếm 34% và doanh số rút tiền mặt chiếm 64%). Vietcombank chiếm thị phần lớn nhất (21%), Agribank (17%), Vietinbank (13%), BIDV (11,4%) và Sacombank (11%).
Về phát triển mạng lưới, trong giai đoạn 2018 đến nay, số lượng máy ATM của các tổ chức thành viên chỉ tăng 5%, từ 18.434 máy lên 19.398 máy tại thời điểm 30/6/2021. Ở chiều ngược lại, đến 30/6/2021 mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ đã có tổng số POS 188.395 máy, trong đó Vietcombank dẫn đầu thị phần với 45.825 POS lưu hành, chiếm 24%; BIDV (20%), Vietinbank (17%), Agribank (14%), Sacombank (7%). Số lượng mPOS (máy quẹt thẻ) tăng gấp 4 lần trong giai đoạn từ 2018 đến nay, từ đến 27.565 máy lên 117.298 máy tại thời điểm 30/6/2021. Số lượng đơn vị chấp nhận thẻ QR cũng tăng gấp 2 lần, từ 57.969 đơn vị lên 115.739 đơn vị. Số lượng đơn vị chấp nhận thẻ Ecom (thanh toán trực tiếp trên các website trực tuyến) có xu hướng giảm, từ 2.525 đơn vị chấp nhận thẻ năm 2018 xuống 1.760 đơn vị chấp nhận thẻ tính đến 30/6/2021, tương đương với mức giảm 30%.
Cạnh tranh để phát triển
Thị trường thẻ ngân hàng bao gồm thẻ nội địa và thẻ quốc tế có sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Bề dày lịch sử phát triển của các tổ chức thẻ quốc tế như Visa, JCB, Master Card, American Express.. là những cái bóng bao phủ thị trường thẻ toàn cầu bởi tiềm lực và tính đa tiện ích. Nỗ lực mở rộng, phát triển thị phần thẻ nội địa không chỉ là mục tiêu người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, mà trước hết đó là củng cố, bồi đắp năng lực, uy tín, thương hiệu của các tổ chức phát hành thẻ qua việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế về quản trị rủi ro, bảo vệ bí mật thông tin thẻ, ứng dụng công nghệ tài chính (fintech)… nhằm tạo lập niềm tin vững chắc cho người dùng, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư.
Cạnh tranh để phát triển, trong thế biết người, biết ta thì sự bắt tay, liên kết giữa các tổ chức phát hành thẻ trong nước với tổ chức thẻ quốc tế sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Doanh số sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế tăng 27%/năm giai đoạn 2018-2020; tính đến 30/6/2021, đạt 245.662 tỷ VNĐ, tăng 41% so với cùng kỳ. Top 5 ngân hàng chiếm thị phần cao nhất bao gồm: Sacombank (32%), Techcombank (18%), VietinBank (10%), ACB (9%), Vietcombank (8%). Về doanh số sử dụng thẻ tín dụng quốc tế tăng mạnh trong giai đoạn 2018-2020 (tốc độ tăng trưởng 33%/năm). Tính đến 30/6/2021, doanh số sử dụng thẻ tín dụng quốc tế tăng 32% so với cùng kỳ, đạt 219.611 tỷ VNĐ. Top 5 ngân hàng dẫn đầu thị phần bao gồm: TPBank (17%), VPBank (16%), Techcombank (15,7%), VIB (8%), Sacombank (6%). Về doanh số thanh toán thẻ quốc tế của các tổ chức thành viên, 6 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt 474.969 tỷ VNĐ, tăng 55% (trong khi tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018-2021 chỉ đạt 19%/năm). Top 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất là: Sacombank (22%), Techcombank (16%), VietinBank (14%), Vietcombank (11%) và BIDV (8%).
Bệnh dịch Covid-19 đang làm xáo trộn mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, song trong “nguy” có “cơ”. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng công nghệ vào trong các giao dịch thương mại, thanh toán, đã đem lại diện mạo mới cho hoạt động thẻ. Cùng với phát hành thẻ vật lý là sự xuất hiện của thẻ phi vật lý, với các hình thức thành toán mới mang lại sự thuận tiện và nhiều trải nghiệm cho người dùng. Những số liệu nêu trên, phần nào cho thấy chuyển dịch xu hướng sử dụng thẻ ngân hàng, máy ATM không còn là két sắt để chủ thẻ rút tiền; người dùng thẻ ngân hàng đã biết chi và tiêu qua app ứng dụng, thậm chí tiêu trước trả sau nhờ phát huy tối đa công năng dịch vụ tiện ích do tổ chức phát hành liên kết với các trung gian thanh toán mang lại.
Khắc phục khó khăn, vướng mắc để vươn lên
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chi hội Thẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, hoạt động của Chi hội trong nhiệm kỳ 2018-2021 đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, đã tạo lập thị trường thẻ tương đối ổn định, có nhiều đóng góp cùng Hiệp hội Ngân hàng tham gia tích cực với cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng môi trường pháp lý cho hoạt động thanh toán nói chung và hoạt động thẻ nói riêng. Bện canh đó, Chi hội Thẻ cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, chỉ đạo các tổ chức thành viên chia sẻ thông tin, phối hợp xử lý rủi ro thẻ khi có phát sinh; thúc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đào tạo, truyền thông nhằm xây dựng hệ sinh thái bền vững.
Theo báo cáo của ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Thẻ, hoạt động thẻ ngân hàng trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cần được các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ. Đó là, lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp cần có thời gian phù hợp nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 mới bước đầu thuyên giảm; việc sử dụng chữ ký điện tử trong phát hành thẻ online; cơ chế bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt trong kinh doanh đối một số loại hình kinh doanh; cơ chế trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong hoạt động thẻ; cơ chế miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần doanh số thanh toán bằng thẻ… vẫn còn những bất cập, cần bổ sung, sửa đổi. Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn việc doanh nghiệp có thể sử dụng các biên lai thanh toán hàng hóa dịch vụ in từ thiết bị thanh toán thẻ (ATM/POS) và/hoặc các bảng kê giao dịch bằng thẻ ngân hàng để làm chứng từ chứng minh việc sử dụng vốn. Tình trạng đơn vị chấp nhận thẻ không tuân thủ quy trình đã được hướng dẫn, thực hiện giao dịch giả mạo, thanh toán khống mà không có giao dịch mua bán sản phẩm/dịch vụ nhằm rút tiền từ thẻ tín dụng hoặc rửa tiền; cung cấp thông tin về thẻ cho bên thứ ba để thực hiện hành vi giả mạo, rủi ro trong việc thông tin của chủ thẻ bị đánh cắp, thẻ giả sử dụng bất hợp pháp, đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp mà các ngân hàng đang khó kiểm soát và chưa có chế tài xử lý, gây tổn hại khôn lường về tài chính cũng như uy tín cho ngân hàng, chủ thẻ…
Vượt qua khó khăn, vướng mắc để thị trường thẻ Việt Nam phát triển an toàn, bền vững luôn là mục tiêu phấn đấu của Chi hội Thẻ. Bên cạnh việc đề xuất, kiến nghị với cơ quản lý hoàn thiện cơ chế, chính sách, Chi hội Thẻ cũng mong muốn các thành viên tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh trên tinh thần tất cả cùng thắng. Hoạt động thẻ với chất lượng ngày càng cao sẽ là đóng góp tích cực thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia về thanh toán không dùng tiền mặt, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển nền kinh tế đất nước.