Báo cáo về tình hình hoạt động năm 2022 tại cuộc họp, Ban chủ nhiệm VietFintech cho biết, trong năm qua, đã kiện toàn nhân sự và phân công chức năng nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban chủ nhiệm và thành lập ban thường trực.
Hiện VietFintech có 25 hội viên chính thức, 3 hội viên liên kết. Trong năm 2022, Câu lạc bộ kết nạp thêm 11 hội viên mới và 01 hội viên xin ra. Theo kế hoạch năm 2023, Câu lạc bộ dự kiến kết nạp thêm 7 hội viên mới (chia làm 2 đợt).
Trong năm 2022, Câu lạc bộ đã tổ chức thăm và làm việc với 6 hội viên phía Nam tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm gắn kết hội viên, tìm hiểu hoạt động kinh doanh, những khó khăn, vướng mắc của hội viên trong quá trình hoạt động để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, Câu lạc bộ cũng tích cực tham gia góp ý nhiều cơ chế, chính sách pháp lý, có thể kể đến: Nghị định Sandbox; Nghị định 101; Nghị định định danh và xác thực điện tử (eKYC);...
VietFintech thường xuyên tham gia các tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong và ngoài nước, với một số sự kiện tiêu biểu như: Phiên thảo luận bàn bàn tròn về Fintech khu vực Đông Nam Á; Hội thảo “Dịch vụ tài chính kỹ thuật số công bằng”; Tọa đàm góp ý luật giao dịch điện tử; Sự kiện “Ngày chuyển đổi số”; Hội thảo "Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành tài chính - ngân hàng“; Singapore Fintech Festival 2022…
Về kế hoạch năm 2023, Câu lạc bộ sẽ tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức; tiếp tục phát triển hội viên mới, rà soát hội viên cũ; tổ chức các hội thảo về eKYC (đây là vấn đề nổi cộm đang được nhiều đơn vị trong lĩnh vực Fintech quan tâm). Sau hội thảo sẽ tổng kết rút kinh nghiệm và sẽ lên kế hoạch tổ chức một hội thảo nữa trong năm 2023. Đặc biệt, là việc đẩy mạnh công tác truyền thông. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh công tác truyền thông cần xây dựng kế hoạch truyền và xuất bản thêm ấn phẩm sổ tay về Fintech Việt Nam,…
Bên cạnh đó, Câu lạc bộ tiếp tục thực hiện làm cầu nối giữa hội viên với cơ quan quản lý nhà nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội viên; tham gia góp ý chính sách, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực Fintech; tham gia các buổi hội thảo, gặp gỡ và làm việc với các đơn vị/tổ chức trong lĩnh vực Fintech.
Tại hội nghị, các thành viên trong Ban chủ nhiệm VietFintech đã tham gia thảo luận, đồng thời, thừa nhận những điểm còn tồn tại, hạn chế, như: Công tác liên kết Hội viên chưa hiệu quả; Công tác truyền thông, tuyên truyền cho Câu lạc bộ chưa được đẩy mạnh, Chưa ban hành được ấn phẩm toàn cảnh Fintech như kế hoạch 2022; Chưa tổ chức được chương trình hội thảo, hay những buổi sinh hoạt chung cho toàn thể các thành viên trong bộ Câu lạc bộ.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đồng tình với báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 và kế hoạch năm 2023 của Ban chủ nhiệm VietFintech. Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, năm 2022, Ban chủ nhiệm đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động để nâng cao vị thế, uy tín của thành viên. Tuy nhiên, có thể do nhiều yếu tố khách quan dẫn đến một số việc chưa hoàn thành. Vì vậy, Tổng Thư ký mong muốn Ban chủ nhiệm sẽ khắc phục những mặt còn hạn chế, từ đó tiếp tục phát huy được những điểm mạnh, đưa hoạt động của CLB ngày càng phát triển. Đặc biệt, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng lưu ý, Ban chủ nhiệm phải chú trọng hơn nữa đến công tác truyền thông. Bởi truyền thông sẽ tạo hiệu ứng góp phần thúc đẩy các thành viên cùng các cơ quan quản lý trong quá trình hoàn thiện, ban hành cơ chế chính sách. Việc tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm phải được đặc biệt quan tâm như: eKYC, Sandbox,…
Tiếp thu chỉ đạo của Tổng Thư ký, ông Nguyễn Đăng Hùng cho biết, sẽ cố khắc phục và khẳng định sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng kỳ vọng của Tổng Thư ký cũng như của các Hội viên.
PV