Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều người phải làm việc, giao dịch trên mạng internet. Không những thế, dịch Covid-19 với những tác động nặng nề đã khiến một số người gặp khó khăn, tìm đến các kênh cho vay qua app với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh để rồi “sa bẫy” tín dụng đen hoặc bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Các hành vi lừa đảo trên không gian mạng xuất hiện ngày càng tinh vi, trong đó các đối tượng mạo danh cả ví điện tử, công ty tài chính để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dùng.
Mạo danh ví điện tử để lừa đảo:
Gần đây, một số người dùng ví MoMo phản ánh bị mất tiền trong tài khoản sau khi kẻ gian xin thông tin đăng nhập ví để kiểm tra đơn hàng trên sàn thương mại điện tử. Thủ đoạn mà kẻ gian lợi dụng để lừa đảo là khi người dùng ví MoMo trao đổi hoặc mua bán voucher ưu đãi để thanh toán tiền điện, nước, internet hoặc voucher mua hàng siêu thị, vé máy bay…
Cụ thể, kẻ gian dụ người dùng rằng đang cần thu mua số lượng lớn voucher mà chủ tài khoản không sử dụng đến với giá tốt. Kẻ gian sẽ yêu cầu được đăng nhập vào ví để tự thanh toán (do MoMo không cho phép chuyển voucher sang tài khoản khác) và thuyết phục rằng người dùng có thể huỷ liên kết tài khoản với sàn thương mại điện tử trong vài giây sau khi đã thanh toán đúng voucher trao đổi. Nhưng chỉ vài thao tác sau khi đăng nhập thành công vào tài khoản của chủ ví, tiền trong tài khoản MoMo và thẻ ngân hàng liên kết (trong trường hợp người chủ chưa kịp hủy liên kết thẻ) đều bay sạch.
Trước phản ánh này, đại diện Momo đã khẳng định: “Sẽ không có bất cứ nhân viên nào từ Ví MoMo gọi điện để yêu cầu người dùng cung cấp mật khẩu hay mã xác thực (OTP). Người dùng tuyệt đối không cung cấp bất cứ thông tin và liên hệ ngay với Ví MoMo để được hỗ trợ. Chỉ cần thực hiện đúng các khuyến cáo này thì khi sử dụng các phương tiện thanh toán không tiền mặt, người dùng không cần quá lo về độ an toàn”.
Bên cạnh đó, kẻ gian lợi dụng sự cả tin của người dùng, cùng những nhu cầu và khó khăn về tài chính trong mùa dịch, nhiều đối tượng đã giả mạo MoMo để thực hiện các hành vi lừa đảo. Thực tế, không ít người dùng ví MoMo nhận được email về “Gói cứu trợ Covid - Chung tay vượt qua đại dịch” có trị giá 1 triệu đồng.
Phía MoMo đã cho biết, hiện nay, công ty không có chương trình “Gói cứu trợ Covid - Chung tay vượt qua đại dịch". Mục tiêu của các đối tượng lừa đảo là lấy thông tin gồm mật khẩu và mã xác thực (OTP) để chiếm đoạt tiền trong ví điện tử. Ngoài ra, với các thông tin cá nhân có được, đối tượng lừa đảo có thể dùng để vay tiền tại các tổ chức và ứng dụng khác. Khi đó người dùng bị lấy cắp thông tin cá nhân sẽ phải “gánh” khoản nợ của các đối tượng lừa đảo.
Mới đây, ví điện tử VnPay cũng vừa cảnh báo về tình trạng bị các đối tượng mạo danh để lừa đảo khách hàng. Các đối tượng này lợi dụng uy tín của VNPAY và thông báo cho vay tín dụng cá nhân, sau đó yêu cầu người dùng đăng nhập vào đường link giả, hoặc tải app giả mạo, nhập thông tin cá nhân hay chuyển tiền vào một tài khoản cá nhân chỉ định để chứng minh thu nhập rồi chiếm đoạt tiền của người dùng ví.
Theo VnPay, đây là thủ đoạn lừa đảo tinh vi, người dùng có thể gặp rủi ro bị đánh cắp thông tin ngân hàng, các thông tin cá nhân có thể bị lợi dụng để làm hợp đồng tín dụng, vay tiền… mà không hề biết. VnPay khẳng định: Hiện tại, VnPay là đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán điện tử, không cung cấp dịch vụ cho vay tín dụng dưới bất cứ hình thức nào. Để đảm bảo an toàn, người dùng không truy cập vào đường dẫn tải app, website mạo danh VnPay, không chuyển tiền cho các tài khoản cá nhân giả mạo nhân viên ví để vay tín dụng cá nhân. Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản ngân hàng hoặc bất kỳ thông tin nào khác cho các trang web này.
Mạo danh công ty tài chính:
Không những thế, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng một số đối tượng đã mạo danh công ty tài chính, mời khách hàng vay vốn. Trong đó, các đối tượng đã sử dụng con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền để dụ dỗ khách hàng chuyển khoản rồi chiếm đoạt.
Cụ thể, theo phản ánh, để tiến hành thủ đoạn lừa đảo, các đối tượng sẽ gọi điện tới người dân mời vay tiền và hướng dẫn cài đặt một ứng dụng có tên “Auto Cash” để giải ngân nhanh. Ngay sau đó, một tài khoản Zalo có tên “Phê duyệt PTF" sẽ kết bạn với khách hàng để dụ dỗ, thuyết phục khách hàng vay vốn, chuyển tiền đặt cọc cho đối tượng. Đến đây, sau khi cài đặt ứng dụng và nhập các thông tin cá nhân như số điện thoại, chứng minh nhân dân... khách hàng sẽ được ứng dụng nêu trên giải ngân một khoản tiền ảo kèm theo một hợp đồng tín dụng với con dấu giả mạo.
Đáng chú ý, để nhận được số tiền giải ngân trên phải có một mật khẩu xác nhận. Muốn có mật khẩu này, người dân phải phải tạm ứng và chuyển khoản đặt cọc một số tiền. Sau khi khách hàng chuyển tiền cọc, đối tượng lừa đảo cắt liên lạc hoàn toàn với khách hàng.
Công ty tài chính FeCredit cho biết, gần đây, lợi dụng tình hình dịch bệnh và các chính sách giãn cách xã hội, một số đối tượng đã giả mạo nhân viên các công ty tài chính để yêu cầu khách hàng chuyển khoản số tiền góp hằng tháng vào tài khoản cá nhân và chiếm đoạt số tiền này. Do đó, FeCredit cũng khuyến cáo khách hàng cần cảnh giác với thủ đoạn này để tránh mất tiền.
Trong khi đó, Công ty Mirae Asset Finance Việt Nam cũng bị kẻ gian mạo danh bằng cách sử dụng nền tảng ứng dụng giả mạo, tài khoản mạng xã hội ảo nhằm thực hiện các thủ đoạn mời gọi cho vay và yêu cầu khách chuyển các khoản tiền sai quy định nhằm trục lợi bất hợp pháp. Mirae Asset Finance Việt Nam khẳng định không thu bất kỳ chi phí nào khi khách hàng làm hồ sơ vay. Khách hàng cần bảo mật thông tin để tránh bị lừa đảo,
Không chỉ mạo danh ví điện tử, công ty tài chính để lừa đảo, các hành vi lừa đảo, gian lận trên không gian mạng liên quan đến hoạt động thanh toán, chuyển tiền cũng xuất hiện nhiều hơn như: (i) mạo danh, sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác hoặc chỉnh sửa thông tin giấy tờ tùy thân, sử dụng giấy tờ tùy thân giả để mở tài khoản thanh toán/thẻ ngân hàng và sử dụng cho các hành vi lừa đảo, gian lận; (ii) thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, hoặc mua, bán thông tin tài khoản thanh toán để sử dụng cho các mục đích vi phạm pháp luật; (iii) mạo danh cơ quan chức năng (Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam…) hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để lừa đảo người dân cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP…) nhằm chiếm đoạt tài sản.
Khuyến cáo và tăng cường giáo dục tài chính đối với khách hàng:
Về phía các ví điện tử, ngân hàng cần thường xuyên khuyến cáo, để bảo vệ tài khoản cá nhân; tăng cường truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính-ngân hàng. Bên cạnh đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cũng chủ động theo dõi, nắm bắt, cập nhật các hành vi, phương thức, thủ đoạn lừa đảo, gian lận trong hoạt động thanh toán để thông tin, cảnh báo kịp thời tới khách hàng nhằm giúp khách hàng nâng cao nhận thức về rủi ro, cảnh giác trước những thủ đoạn tội phạm mới và thực hiện giao dịch tài chính an toàn, đảm bảo an toàn tiền và tài sản của khách hàng.
Các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (trong đó có các ví điện tử) cần tiếp tục phối hợp triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong hoạt động thanh toán. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư công nghệ an ninh, bảo mật nhằm bảo đảm bảo an ninh, an toàn tài khoản và giao dịch của khách hàng trên không gian mạng.
Liên quan đến các hành vi lừa đảo, gian lận trong hoạt động thanh toán, về phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động theo dõi để cảnh báo tới các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán. Mới đây, tại văn bản gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về việc đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, NHNN đã chỉ ra các phương thức, thủ đoạn phổ biến mà tội phạm đang sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.
Để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền, phía các cơ quan quản lý đã khuyến cáo người sử dụng dịch vụ cần lưu ý như sau: Trong quá trình sử dụng dịch vụ, khách hàng cần tuân thủ theo các hướng dẫn của tổ chức cung ứng dịch vụ, đặc biệt cần nâng cao cảnh giác với những thủ đoạn của tội phạm trên mạng. Ngoài ra, khách hàng cần bảo mật thông tin cá nhân, thông tin tài khoản… để tránh bị đánh cắp, lợi dụng (không cung cấp tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã OTP trong bất kỳ trường hợp nào yêu cầu để nhận/nạp tiền; không sử dụng mã PIN gắn liền với các thông tin cá nhân như số di động, số chứng minh thư, ngày sinh, ghi số PIN bỏ vào ví; không nạp/chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ khi nhận được các cuộc gọi lạ...). Khách hàng không mở hộ thẻ/tài khoản cho người khác, kể cả cho mượn hoặc bán.
Theo các chuyên gia tài chính, chuyện lừa đảo qua ví điện tử và app đang ngày càng tinh vi nên người vay phải cẩn trọng. Trước khi vay, khách hàng phải tìm hiểu kỹ thông tin. Thông thường, các app cho vay tiền mà lừa đảo có tên nước ngoài, quảng cáo cho vay ngay, không phải thế chấp, bảo lãnh, các điều kiện dễ dàng hơn…Do đó, người dân cần cảnh giá, không tham gia vào các app quảng cáo trên mạng được giới thiệu như “thương mại điện tử” đến từ nước ngoài với mục đích đầu tư mà không rõ nguồn gốc, độ xác thực. Khách hàng không nên tin vào những thông tin quảng cáo chưa được xác thực, không nên cung cấp thông tin cá nhân cho người khác. Người dùng không cung cấp mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai, không click vào link lạ, liên hệ ngay với ngân hàng, ví điện tử nếu có dấu hiệu nghi ngờ để được hỗ trợ và xác thực thông tin.
Thực tế, việc xử lý tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ngày càng phức tạp, do đó cần sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan như NHNN, Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông trong việc phát hiện, xử lý, giám sát, truyền thông, nâng cao nhận thức công chúng trong sử dụng dịch vụ. Đồng thời, tăng cường vai trò của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro mất tiền trên môi trường mạng.
Theo DIV