Thứ tư, 08/01/2025
   

Cảnh báo về tình trạng mua bán, cho thuê thông tin tài khoản ngân hàng

Thời gian qua, hành vi mua bán, cho thuê thông tin tài khoản ngân hàng có nhiều diễn biến phức tạp. Việc không ý thức được mức độ nguy hiểm của hành vi mua bán, cho thuê tài khoản để lấy tiền tiêu xài của người dân có thể tiếp tay cho hoạt động phạm tội.
* Thế nào là mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng

Trong bối cảnh các dịch vụ ngân hàng phát triển mạnh mẽ và dễ dàng tiếp cận, một số cá nhân đã lợi dụng sự thuận tiện trong đăng ký tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi mua bán hoặc cho thuê tài khoản ngân hàng.

Có thể hiểu mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng là hành vi cá nhân trực tiếp đăng ký và mở tài khoản ngân hàng, sau đó sẽ bàn giao thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin đăng nhập Internet Banking, Sim điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng… cho người khác để nhận được một khoản tiền nhất định.

Một cá nhân có thể đăng ký mở cùng lúc nhiều tài khoản ngân hàng (Nguồn intenet)
Một cá nhân có thể đăng ký mở cùng lúc nhiều tài khoản ngân hàng (Nguồn intenet)
* Mục đích của việc sử dụng tài khoản do mua bán, cho thuê tài khoản

Đối tượng thường sử dụng những tài khoản được mua bán, cho thuê để thực hiện các hoạt động phạm tội, bất hợp pháp như:

- Rửa tiền: Một trong những mục đích được các đối tượng sử dụng tài khoản không chính chủ là để che giấu các giao dịch tài chính không hợp pháp, làm tăng nguy cơ rửa tiền, chuyển hóa những nguồn tiền bất hợp pháp thành hợp pháp như từ đánh bạc, bán hàng đa cấp,…

- Lừa đảo: Tài khoản ngân hàng mua bán, cho thuê thường được các đối tượng sử dụng để thực hiện các giao dịch lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác.

- Trốn thuế: Những người mua bán, cho thuê tài khoản cũng có thể trở thành đồng phạm trong các hành vi trốn thuế, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

- Tài trợ cho những cá nhân tổ chức có hành vi hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

* Mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ theo Khoản 5 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng đối với người thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, tại Khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng đối với hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc phải nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Như vậy, các hành vi liên quan như cho thuê, mượn, mua, bán,… tài khoản ngân hàng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng. Đồng thời, buộc phải nộp lại vào ngân sách nhà nước số lợi bất chính có được từ những hành vi này.

* Mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng có bị xử lý hình sự không?

Tại Điều 291 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, thì sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Trường hợp nếu thuộc một trong những trường hợp dưới đây thì bị phạt tiền từ 100 đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản.

- Có tổ chức.

- Có tính chất chuyên nghiệp.

- Thu lợi bất chính từ 50 đến dưới 200 triệu đồng.

- Tái phạm nguy hiểm.

Trường hợp nếu thuộc một trong những trường hợp dưới đây thì bị phạt tiền từ 200 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 02 đến 07 năm, cụ thể:

- Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên.

- Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, tùy thuộc vào mức độ vi phạm mà người phạm tội có thể bị xử lý hình sự. Khung hình phạt cao nhất cho trường hợp này là phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.

* Cảnh báo và khuyến cáo

Việc mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng, dù dưới hình thức nào, đều vi phạm các quy định của Nhà nước và bị xử lý. Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình và góp phần phòng chống tội phạm lợi dụng tài khoản ngân hàng để phạm tội. Khi phát hiện đối tượng chào mời cho thuê, cho mượn hay mua bán tài khoản, người dân cần tố giác và cung cấp thông tin cho Công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay