Thứ sáu, 10/01/2025
   

Cần sớm sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi để bảo vệ tốt hơn người gửi tiền và tổ chức nhận tiền gửi

Sau 10 năm đi vào cuộc sống, trong quá trình thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung để Luật này phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các

Sau 10 năm đi vào cuộc sống, trong quá trình thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung để Luật này phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Luật Bảo hiểm tiền gửi bộc lộ bất cập sau 10 năm triển khai

Đánh giá về Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện hành, ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước cho biết, bên cạnh những mặt đạt được, Luật Bảo hiểm tiền gửi vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Đó là một số quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa cụ thể, dẫn tới quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc; một số quy định cần có sự đánh giá lại để phù hợp với tình hình và hệ thống pháp luật thời điểm hiện tại; một số quy định cần phải được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đồng thời tạo cơ sở để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) thực hiện được các nhiệm vụ mới được giao.

Theo ông Tạ Quang Đôn, có thể chỉ ra những vướng mắc, bất cập của Luật Bảo hiểm tiền gửi như:

Về tiền gửi được bảo hiểm, hiện nay, Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định tiền gửi được bảo hiểm gồm tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa có quy định rõ về “các hình thức tiền gửi khác”, do vậy còn có các quan điểm khác nhau trong việc xác định tiền gửi được bảo hiểm đối với hình thức như: tiền gửi ký quỹ, thẻ trả trước...

Về cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa có quy định về thủ tục sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có thay đổi thông tin về Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi hoặc khi tổ chức bảo hiểm tiền gửi thay đổi mẫu Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi. Trên thực tế đã phát sinh các trường hợp này, do đó cần có quy định, hướng dẫn cụ thể tại Luật.

Đối với tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi, trong quá trình hoạt động, một số tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp khó khăn trong hoạt động dẫn đến việc chậm nộp phí, nợ phí, nợ tiền phạt nộp chậm và không có khả năng trả các khoản phí này cho DIV. Tuy nhiên chưa có quy định về việc nợ phí, gia hạn thời gian đóng phí bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, về việc xử lý số tiền nợ này của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đến thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Ngoài ra, Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa quy định về kỳ tính phí quý đầu tiên đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bắt buộc nhưng khai trương hoạt động một thời gian mới nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về thời điểm tính phí kỳ thu phí đầu tiên.

Việc áp dụng mức phí bảo hiểm phân biệt giữa các tổ chức tín dụng phù hợp với xu thế phát triển cạnh tranh, tạo sự công bằng cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, khuyến khích các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có hoạt động tốt sẽ được hưởng mức phí bảo hiểm tiền gửi thấp hơn và ngược lại. Tuy nhiên, áp dụng mức phí phân biệt cũng có những khó khăn, bởi lẽ hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại, gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém. Nếu áp dụng phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt ở giai đoạn này sẽ làm tăng gánh nặng tài chính đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt là những tổ chức tín dụng có độ rủi ro cao, gia tăng khó khăn cho quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức này. Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng thì các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi. Hiện nay 61 tổ chức (60%) trong tổng số 102 tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới vẫn áp dụng hệ thống phí bảo hiểm tiền gửi đồng hạng, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc. Luật Bảo hiểm tiền gửi có đặt cơ sở cho việc quy định mức phí bảo hiểm phân biệt, tuy nhiên thời gian qua ở Việt Nam vẫn đang áp dụng mức phí đồng hạng 0,15% trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Với mức phí đồng hạng như hiện nay giúp DIV tăng trưởng ổn định về nguồn thu phí bảo hiểm tiền gửi, từ đó quỹ dự phòng nghiệp vụ cũng tăng trưởng ổn định tạo nguồn cho DIV thực hiện chính sách chi trả bảo hiểm đối với người được bảo hiểm tiền gửi. Do vậy, việc áp dụng mức phí đồng hạng hay phân biệt cần thiết phải có sự đánh giá thận trọng và lộ trình áp dụng để tránh những ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống các tổ chức tín dụng, niềm tin của công chúng.

Về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, Điều 22 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản. Thời điểm NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán thực hiện theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng. Hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có thay đổi quy định thời điểm chấm dứt kiểm soát đặc biệt, thời điểm văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán… Điều này đòi hỏi cần nghiên cứu thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm tại Luật Bảo hiểm tiền gửi để đảm bảo tính kịp thời, tránh gây áp lực lên hệ thống tổ chức tín dụng.

Về hoạt động đầu tư của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Điều 31 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định tổ chức bảo hiểm tiền gửi được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và gửi tiền tại NHNN. Tuy nhiên, Luật chưa quy định DIV được bán trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN khi cần thiết. Trong khi đó, trường hợp phát sinh nghĩa vụ chi trả bảo hiểm tiền gửi, DIV cần phải được phép bán trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN đang nắm giữ để chủ động thực hiện nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, mặc dù các kênh đầu tư hiện tại là kênh đầu tư an toàn nhưng có thể nghiên cứu đa dạng hóa thêm hình thức đầu tư mới để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của DIV mà vẫn đảm bảo an toàn, qua đó nâng cao hơn nữa năng lực của DIV trong việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền.

Mặt khác, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã bổ sung thêm một số quyền hạn, nghĩa vụ của DIV trong quá trình tham gia tái cơ cấu TCTD, bao gồm: phối hợp tham gia xây dựng phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), phương án phá sản tổ chức tín dụng, cho vay đặc biệt đối với QTDND, công ty tài chính, mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ. Trong khi đó, các quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện chưa quy định các quyền, nghĩa vụ này của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Theo ông Tạ Quang Đôn, mặc dù Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã có các quy định để DIV tham gia vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng, tuy nhiên với năng lực hiện có của DIV, có thể nghiên cứu để DIV tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng, đặc biệt là các QTDND, qua đó tăng thêm nguồn lực cho hoạt động tái cơ cấu tổ chức tín dụng, đồng thời để DIV phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò tổ chức bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền tại Việt Nam.

Cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới

Để Luật Bảo hiểm tiền gửi tiếp tục đi vào cuộc sống và có hiệu quả thực thi, cần khẩn trương sửa đổi Luật theo hướng khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thi hành Luật.

Đồng thời, Luật Bảo hiểm tiền gửi cần được sửa đổi, bổ sung thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan, là cơ sở pháp lý cho DIV phát huy được vai trò, vị thế của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, DIV đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi theo hướng:

Bám sát, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém nhằm sử dụng chính sách bảo hiểm tiền gửi như một công cụ hiệu quả để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền.

Bên cạnh đó, cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới để DIV có vai trò lớn hơn trong việc thực hiện các chính sách xã hội; đảm bảo tăng cường năng lực tài chính, sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có thực hiện các mục tiêu được giao. Ngoài ra, việc nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửitheo lộ trình, phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm bảo vệ tốt hơn người gửi tiền, nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tổ chức tín dụng cũng là một nội dung quan trọng.

Cụ thể, DIV đã chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung:

Về việc tham gia vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được kiểm soát đặc biệt, DIV đề xuất bổ sung quy định tổ chức bảo hiểm tiền gửi tham gia xây dựng, thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được kiểm soát đặc biệt khi được cấp có thẩm quyền giao.

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ: Tham gia xây dựng, thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được kiểm soát đặc biệt theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Kiểm tra các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo phạm vi, nội dung, thời hạn do NHNN quyết định trong trường hợp cần thiết; kiến nghị NHNN xử lý hành vi vi phạm quy định pháp luật về tài chính ngân hàng và các quy định pháp luật khác liên quan đến nội dung kiểm tra do NHNN giao. Yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cung cấp thông tin tại tổ chức của mình về tiền gửi không được bảo hiểm, các khoản nợ của người được bảo hiểm tiền gửi, thông tin khi có sự thay đổi về địa điểm giao dịch. Tuyên truyền về hình ảnh, hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức về bảo hiểm tiền gửi và các kiến thức có liên quan đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bên cạnh đó, DIV đề xuất bổ sung quy định về việc Thủ tướng Chính phủ quyết định trả tiền bảo hiểm trong trường hợp đặc biệt theo đề nghị của NHNN. Theo đó, đối với thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, Luật Bảo hiểm tiền gửi cần quy định nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm NHNN có văn bản yêu cầu tổ chức bảo hiểm tiền gửi thực hiện chi trả tiền bảo hiểm cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được kiểm soát đặc biệt không có khả năng phục hồi.

Về tiền gửi được bảo hiểm, tiền gửi không được bảo hiểm, cần bổ sung cụ thể về các loại tiền gửi được bảo hiểm; đồng thời có quy định NHNN hướng dẫn đối với các loại tiền gửi chưa được quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi.

DIV đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về phí bảo hiểm tiền gửi theo hướng: Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của NHNN, căn cứ vào khung phí bảo hiểm tiền gửi, NHNN quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi cụ thể đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại của DIV đối với các tổ chức này. Bổ sung quy định về thời điểm để tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho kỳ đầu tiên đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mới thành lập là ngày Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực. Bổ sung quy định về miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được kiểm soát đặc biệt.

Đối với Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, DIV đề xuất bổ sung quy định đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi chỉ có một địa điểm giao dịch đồng thời là trụ sở chính, có thể niêm yết Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi thay cho bản sao.

Về cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, cần sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi cho thống nhất với các văn bản liên quan. Đồng thời, cần bổ sung quy định về cấp bản sao Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, nêu chi tiết thời gian nộp hồ sơ đề nghị cấp bản sao, hồ sơ đề nghị cấp bản sao, thủ tục cấp bản sao.... cũng như sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn cấp, cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, cấp bản sao Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi theo hướng tăng thêm thời gian.

Để hạn chế các trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi trục lợi bảo hiểm tiền gửi, đề xuất bổ sung hành vi nhằm mục đích được hưởng nhiều tiền bảo hiểm hơn là một trong những hành vi bị cấm. Bên cạnh đó, để phù hợp với thực tiễn giải quyết khiếu nại về bảo hiểm tiền gửi, đề xuất sửa đổi quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu tại Luật Bảo hiểm tiền gửitheo hướng tăng thêm thời gian (lên 30 ngày).

Để nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, DIV đề xuất sửa đổi, bổ sung về nguồn vốn hoạt động và doanh thu hoạt động. Cụ thể, nguồn vốn hoạt động gồm có: Vốn điều lệ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi do Nhà nước cấp; nguồn thu từ phí bảo hiểm tiền gửi; nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, bổ sung doanh thu hoạt động gồm: Nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

DIV cũng đề xuất cần đa dạng hóa danh mục đầu tư của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, cụ thể: tổ chức bảo hiểm tiền gửi được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc; gửi tiền; mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của NHNN trong vòng 03 năm liền kề trước đó. Bên cạnh đó, DIV đề xuất được phép bán trái phiếu Chính phủ; trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc; tín phiếu NHNN; trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các loại giấy tờ có giá đang nắm giữ; rút tiền gửi ngân hàng. NHNN quy định chi tiết về hoạt động đầu tư của DIV.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong thực thi, Luật Bảo hiểm tiền gửicũng cần được sửa đổi theo hướng đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan.

Lãnh đạo DIV cho biết, Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ được sửa đổi trên cơ sở tham khảo, học tập kinh nghiệm của các nước, hướng dẫn phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của các tổ chức quốc tế nhằm từng bước hướng tới chuẩn mực chung của quốc tế về bảo hiểm tiền gửi.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay