Thứ tư, 22/01/2025
   

Cần luật hóa quy định về thu giữ tài sản bảo đảm

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa qua, đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) đề nghị cần luật hóa quy định về thu giữ tài sản bảo đảm tại dự thảo Luật lần này.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa qua, đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) đề nghị cần luật hóa quy định về thu giữ tài sản bảo đảm tại dự thảo Luật lần này

Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Bởi theo ông để thực hiện thu giữ, tổ chức tín dụng (TCTD) phải đảm bảo và tôn trọng các thỏa thuận với khách hàng chứ không phải thu giữ đơn phương, vô điều kiện. Quy định về thu giữ tài sản bảo đảm tại Nghị quyết 42/2017/QH14 thời gian qua đã phát huy tác dụng tích cực trong việc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu tại TCTD, là một trong tổng thể các biện pháp góp phần giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Lý giải sâu hơn về nội dung này, đại biểu cho biết, trong quan hệ tín dụng giữa người đi vay và người cho vay thì khi người đi vay có nhu cầu, người cho vay đã đưa một khoản tiền cho người đi vay sử dụng; và người đi vay cam kết hoàn trả lại khoản tiền đó đúng thời hạn đã thỏa thuận. Để bảo đảm cho việc thực hiện cam kết đó, người đi vay hoặc bên thứ ba dùng tài sản của mình để bảo đảm cho khoản vay và ký thỏa thuận tự nguyện đồng ý cho bên cho vay xử lý tài sản bảo đảm nếu không trả được nợ, trong đó có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật.

can luat hoa quy dinh ve thu giu tai san bao dam1

Đại biểu Phạm Đức Ấn phát biểu tại tổ về dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi)

“Như vậy, việc thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện đã có giữa bên đi vay và bên cho vay. Trong hợp đồng đã có thỏa thuận thì việc thực hiện thu giữ chính là việc tôn trọng và tuân thủ quy định của hợp đồng, tôn trọng quyền và nghĩa vụ của các bên đã giao kết trước đó”, đại biểu Ấn nhấn mạnh.

Trường hợp trong hợp đồng bảo đảm không có thỏa thuận về thu giữ thì TCTD không được thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm. Do đó, việc quy định tại dự thảo Luật về thu giữ tài sản bảo đảm không xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, quyền sở hữu theo quy định tại Hiến pháp, phù hợp với nguyên tắc quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự.

Nhìn nhận quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, đại biểu Phạm Đức Ấn cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung và xác định rõ nội hàm của thu giữ, bổ sung điều kiện để thực hiện việc thu giữ (tại hợp đồng bảo đảm đã có thỏa thuận thu giữ, thông báo cho các bên có liên quan trước khi tiến hành thu giữ, biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng, việc thu giữ đã được thông báo công khai…), vai trò của các cơ quan có liên quan trong quá trình thu giữ, giới hạn ủy quyền thu giữ. Như vậy, để thực hiện thu giữ, TCTD phải đảm bảo và tôn trọng các thỏa thuận với khách hàng chứ không phải thu giữ vô điều kiện, phù hợp với quy định về việc tôn trọng thỏa thuận các bên theo quy định tại Hiến pháp, Bộ luật dân sự.

Việc luật hóa quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm, là việc TCTD thực hiện thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện, hợp pháp giữa TCTD và bên có tài sản bảo đảm, trong đó điều kiện tiên quyết là có sự đồng ý cho phép thu giữ tài sản của chủ tài sản. Do đó, việc luật hóa quy định nội dung thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD tại Luật Các TCTD (sửa đổi) là cần thiết.

Về tính phù hợp với quy định pháp luật có liên quan, đại biểu cho biết, Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định trực tiếp về thu giữ nhưng đã ghi nhận một phần thông qua quy định cho phép các bên thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm tại Điều 303. Điều 301 quy định trường hợp luật liên quan có quy định khác đối với trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì quy định tại luật liên quan được áp dụng. Do đó, việc dự thảo Luật quy định về thu giữ tài sản bảo đảm để thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm để hoàn trả các nghĩa vụ nợ của khách hàng vay là đảm bảo tính thống nhất với quy định tại Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015.

Đại biểu cho biết, quy định về thu giữ tài sản bảo đảm là một trong các quy định tại Nghị quyết 42 đã góp phần mang lại những giá trị về mặt kinh tế hết sức rõ rệt. Việc các TCTD không có đầy đủ khuôn khổ pháp lý để xử lý nợ xấu khi thu hồi, xử lý nợ đồng nghĩa với việc TCTD không thể thực hiện được quyền xử lý tài sản bảo đảm một cách nhanh chóng, hiệu quả, dẫn đến TCTD phải tốn kém rất nhiều thời gian, chi phí. Nếu xử lý nợ xấu còn tiếp tục khó khăn như hiện nay, chúng ta sẽ không khơi thông được dòng tiền, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các TCTD, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng trong việc tiếp cận tín dụng mới.

Về mặt xã hội, ảnh hưởng tích cực nhất của Nghị quyết 42 là đã tạo được tâm lý tuân thủ việc trả nợ của khách hàng (khách hàng tuân thủ kỷ luật hợp đồng). Từ đó tạo môi trường cân bằng, lành mạnh cho hoạt động đi vay, cho vay, thu hồi nợ giữa các TCTD và khách hàng, hạn chế được các tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự, tạo niềm tin của xã hội đối với công tác xử lý nợ xấu trong nền kinh tế.

theo: Thoibaonganhang.vn

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay