Thứ sáu, 10/01/2025
   

Cần cân bằng giữa thúc đẩy lĩnh vực Fintech với bảo vệ người tiêu dùng tài chính

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, giao Ngân  hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định tạo thuận lợi

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, giao Ngân  hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong những năm gần đây, lĩnh vực Fintech (công nghệ tài chính) tại Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ với số lượng các công ty Fintech đã tăng gần gấp bốn lần, từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng gần 200 công ty ở thời điểm hiện tại.

Các công ty Fintech tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thanh toán chiếm tỷ trọng lớn với 46 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được NHNN cấp giấy phép và đang hoạt động (tính đến 16/11/2021), ngoài ra là các lĩnh vực P2P Lending, các công ty cung cấp giải pháp khác như quản lý tài sản, chấm điểm tín dụng, các giải pháp xác thực khách hàng...

Trong thời gian qua, xu hướng ngân hàng hợp tác với công ty Fintech là điểm sáng trên thị trường tài chính ngân hàng ở Việt Nam. Sự hợp tác chính là chìa khóa then chốt mang lại thành công cho các doanh nghiệp Fintech và các ngân hàng trong kỷ nguyên số. Bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng của các ngân hàng và sự đổi mới, sáng tạo của các công ty Fintech sẽ tạo ra sự kết hợp “cộng hưởng” vừa đảm bảo tính bền vững, vừa đảm bảo tính đổi mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính sáng tạo, tiện lợi với chi phí thấp.

Áp dụng các giải pháp Fintech cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiệu quả

Tại Việt Nam, các tổ chức trung gian thanh toán - được coi như Fintech trong lĩnh vực thanh toán - được phép cung ứng các dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử (như dịch vụ cổng thanh toán…) hay dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán (như dịch vụ ví điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ…). Các dịch vụ này đã trực tiếp góp phần giúp các giao dịch thanh toán điện tử được thực hiện nhanh chóng, thông suốt, an toàn bảo mật.

Đặc biệt, trong bối cảnh giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn một số hoạt động trong nền kinh tế, song việc áp dụng các giải pháp Fintech vào việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã góp phần duy trì các hoạt động cung ứng sản phẩm dịch vụ tới khách hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện, nâng cao hiệu quả công tác chống dịch Covid -19 và đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân. Giải pháp Fintech trong lĩnh vực thanh toán đã góp phần hỗ trợ nhu cầu mua sắm phi tiếp xúc của người dân. Trước đây, người dân lựa chọn phương thức thanh toán bằng tiền mặt khi mua hàng tại các điểm bán hàng vật lý hoặc khi nhận hàng mua từ hoạt động thương mại điện tử (Cash on Delivery) thì nay đã chuyển dần sang các hình thức thanh toán phi tiếp xúc thuận tiện, an toàn, nhanh chóng khác để giảm nguy cơ lây lan của dịch bệnh.

Từ đó, Fintech góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) thông qua mối quan hệ hợp tác với các ngân hàng để mở rộng cung ứng sản phẩm, dịch vụ tới các khách hàng. Cụ thể hơn, sau khi NHNN ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN cho phép mở tài khoản bằng phương thức điện tử, các công ty Fintech đã hỗ trợ ngân hàng trong việc hoàn thiện quy trình, giải pháp mở tài khoản thanh toán thông qua cung cấp công nghệ mới như xác thực sinh trắc học, nhận diện khách hàng bằng trí tuệ nhân tạo…

Kết quả thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh trong 9 tháng đầu năm 2021 có tốc độ tăng trưởng đạt cao so với cùng kỳ năm 2020 (qua kênh Internet tăng 51,16% về số lượng và 29,09% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 76,19% về số lượng và 88,3% về giá trị; qua kênh QR code tăng 64,07% về số lượng và 127,9% về giá trị, số tài khoản thanh toán mở bằng phương thức điện tử đang hoạt động đạt 1,8 triệu với lượng giao dịch đạt hơn 4,6 triệu món…) cho thấy vai trò tích cực của Fintech đối với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua.

Trong triển khai tài chính toàn diện, qua những phân tích ở trên về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, có thể thấy, Fintech đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính tới một bộ phận người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng truyền thống. Bên cạnh đó, sự tham gia của Fintech cũng góp phần làm chuyển biến việc cung ứng tín dụng tới các chủ thể trong nền kinh tế hiệu quả, nhanh chóng hơn. Cụ thể, các giải pháp Fintech giúp đẩy nhanh quá trình xét duyệt tín dụng và đưa ra các quyết định cấp tín dụng phù hợp, hạn chế các rủi ro trong quá trình cấp tín dụng thông qua việc cung ứng giải pháp phân tích, chấm điểm tín dụng trên cơ sở ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)… Có thể ví các công ty Fintech như là “cánh tay nối dài” của các ngân hàng tới người dân thông qua việc mở rộng mạng lưới giao dịch, đơn giản hóa việc sử dụng dịch vụ tài chính, đưa dịch vụ phù hợp hơn với từng đối tượng…thông qua các giải pháp công nghệ, đây chính là một phần quan trọng trong chiến lược tài chính toàn diện.

Cùng với đó, Fintech đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngân hàng diễn ra nhanh hơn. Quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng đã được xúc tiến trước đại dịch, tuy nhiên khi đại dịch diễn ra đã đẩy nhanh tiến trình này hơn nữa nhằm vừa đảm bảo sự sống còn của các ngân hàng, vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng đang bị giãn cách. Tại Việt Nam, hoạt động chuyển đổi số đã và đang được các TCTD chủ động triển khai với kết quả đáng ghi nhận khi có tới 95% TCTD đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Hầu hết các ngân hàng đều ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ, trong đó có 9/19 nghiệp vụ đã được một số ngân hàng số hóa hoàn toàn (như gửi tiết kiệm; tiền gửi có kỳ hạn; mở và sử dụng tài khoản thanh toán; thẻ ngân hàng; ví điện tử; chuyển tiền; quản lý nhân sự; kế toán - tài chính...). Nhiều ngân hàng cũng đã ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) và dữ liệu lớn (Big Data) để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân... giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút ngắn thời gian giải ngân, cho vay. Đặc biệt, sau khi các chính sách về mở tài khoản và nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) tại Việt Nam được ban hành, thống kê cho thấy từ tháng 3/2021 đến hết tháng 9/2021, có 20 ngân hàng báo cáo triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC) với khoảng 1,8 triệu tài khoản thanh toán mở bằng phương thức eKYC đang hoạt động.

Quản lý Fintech trong lĩnh vực ngân hàng: Cần sự phối hợp từ nhiều Bộ, ngành

Theo NHNN, quản lý Fintech không chỉ là quản lý các doanh nghiệp trung gian thanh toán mà cả các doanh nghiệp công nghệ tài chính khác ví dụ như cung cấp công nghệ hạ tầng blockchain hay các giải pháp liên quan đến AI, Bigdata cũng như quản lý tài chính cá nhân…Mục tiêu cuối cùng của cơ quan quản lý đối với thị trường Fintech suy cho cùng là đảm bảo lợi ích của người dùng. Nhưng đi cùng với đó, NHNN cũng sẽ tạo hành lang pháp lý sao cho vẫn thúc đẩy doanh nghiệp Fintech được đổi mới sáng tạo.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. NHNN được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định. Việc xây dựng Nghị định có những thuận lợi, khó khăn nhất định. 

Có thể thấy, phạm vi của Nghị định là các giải pháp công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, do đó NHNN (cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng) là cơ quan phù hợp nhất trong vai trò chủ trì, đề xuất chính sách trong quá trình xây dựng Cơ chế thử nghiệm trên cơ sở góp ý, phối hợp của các Bộ, cơ quan liên quan khác. Bên cạnh đó, Nghị định đưa ra các chính sách pháp lý mới điều chỉnh hoạt động Fintech (là hoạt động có tính chất phức tạp) với mục tiêu hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo đi kèm với quản lý rủi ro, đảm bảo ổn định tài chính nên các ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành liên quan là vô cùng cần thiết để đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và đảm bảo có sự đánh giá toàn diện các chính sách tại Nghị định.

Dù vậy, việc xây dựng Nghị định cũng gặp một số khó khăn. Hiện nay, các vấn đề phát sinh từ hoạt động Fintech rất phức tạp, một vấn đề nhưng có thể thuộc sự quản lý của nhiều Bộ, ngành do vậy việc phân định trách nhiệm giữa các Bộ, ngành cần sự trao đổi, thống nhất và phối hợp tích cực của các Bộ, ngành cũng như chỉ đạo từ Chính phủ. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, NHNN và các cơ quan liên quan đã phối hợp, trao đổi về các vấn đề phát sinh đến hoạt động Fintech. Tuy nhiên, để công tác xây dựng chính sách và quản lý các hoạt động Fintech có hiệu quả, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và chủ động đề xuất chính sách từ các Bộ, ngành đối với lĩnh vực quản lý có liên quan.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 06/9/2021 về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN đang hoàn thiện dự thảo Nghị định để lấy ý kiến rộng rãi theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Theo NHNN, Nghị định được xây dựng dựa trên một số quan điểm, nguyên tắc định hướng, cụ thể như bám sát chủ trương của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, cần cân bằng giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, với đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng ngừa rủi ro an ninh mạng. Đồng thời đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các nhóm đối tượng khác nhau, gồm tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với các công ty Fintech có liên quan. Hơn nữa, phải đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành và triển khai vận hành Cơ chế thử nghiệm sau khi Nghị định được ký ban hành. Như vậy, nội dung trọng tâm Nghị định sẽ tập trung thúc đẩy các giải pháp sáng tạo, đồng thời đảm bảo kiểm soát rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng và duy trì ổn định tài chính.

Ngoài ra, lĩnh vực trung gian thanh toán tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển, do đó các Bộ, ngành liên quan như NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư cần nghiên cứu có cơ chế để thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài giúp các tổ chức trung gian thanh toán tại Việt Nam có thêm nguồn tài chính, cơ hội học hỏi kỹ năng quản lý, tiếp nhận công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đó, về phía NHNN cần bổ sung quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của các ngân hàng liên kết trong việc phối hợp với ví điện tử, chia sẻ các thông tin nhận biết khách hàng của ngân hàng để có thể tinh giản được các quy trình thủ tục và thông tin khi mở ví điện tử, trên cơ sở đảm bảo an toàn, bảo mật và các quy định liên quan.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 34/2021/QĐ-TTg quy định về định danh và xác thực điện tử. Do đó, các đơn vị liên quan (như Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, NHNN) cần sớm nghiên cứu xây dựng, đưa vào khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm định danh cá nhân thuận tiện, an toàn và chính xác. Trong đó cho phép các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khai thác dữ liệu công dân có gắn với các yếu tố sinh trắc học trên cơ sở có sự đồng ý của khách hàng, nhằm giúp các tổ chức xác thực chính xác khách hàng mở và sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán.

Đồng thời, để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng lộ, lọt, mua, bán dữ liệu cá nhân, các Bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an phối hợp NHNN nghiên cứu sớm xây dựng, ban hành nghị định quy định một cách đầy đủ, toàn diện về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng cường vai trò của các tổ chức nhằm bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay