Trong Công văn số: 335/HHNH-PLNV gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội về việc “tham gia ý kiến đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội”, Hiệp hội Ngân hàng nhận định: “Các TCTD cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 song vẫn chia sẻ, hỗ trợ các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch bằng cách tiết giảm chi phí, giảm lương, thưởng để miễn giảm lãi, phí... cho khách hàng. Vì vậy các TCTD cũng rất cần được chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành để các TCTD có thêm điều kiện, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.”
Trên cơ sở nghiên cứu và tổng hợp ý kiến phản ánh của tổ chức tín dụng hội viên, Hiệp hội Ngân hàng đã tham gia ý kiến về một số vấn đề trọng tâm liên quan, gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội xem xét tổng hợp, đồng thời hỗ trợ có ý kiến với các có quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các TCTD để vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
ĐÁNH GIÁ về hiệu quả hoạt động, các rủi ro hoạt động, các vấn đề cần quan tâm đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2021.
1. Về hiệu quả hoạt động:
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, 8 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối trước các tác động khó lường của dịch Covid-19. Thanh khoản của hệ thống TCTD thông suốt,điều hành lãi suất trong 7 tháng đầu năm 2021 phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đến cuối tháng 7 là: 9.828.832 tỷ tăng 6,92% so với cuối năm 2020.Vốn tín dung tập trung và các lĩnh vực ưu tiên ít chịu ảnh hưởng bởi dịch covid 19 như xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nằm trong tầm kiểm soát.
Công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD được tăng cường, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, đảm bảo an toàn, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số nợ xấu nội bảng được xử lý là 78,86 nghìn tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2021 là 1,71%.
Các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả do tiếp tục tăng mạnh quy mô và tỷ trọng thu nhập phí dịch vụ, thu nhập ngoài lãi như bảo lãnh khách hàng, bão lãnh thư tín dụng (L/C), thanh toán không dùng tiền mặt, liên kết với công ty bảo hiểm để bán chéo sản phẩm (Bancassurance), chứng khoán...
Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế diễn ra an toàn, hiệu quả nghiệp vụ thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đổi mới, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng hệ sinh thái số để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nhiều TCTD đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, đảm bảo an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán qua mã QR; thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); thanh toán phi tiếp xúc tốc độ và tiện lợi; giải pháp chấp nhận thanh toán linh hoạt trên thiết bị di động (mPOS)...
Hệ thống TCTD ngoài việc chủ động hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thông qua việc miễn giản lãi, phí… còn thực hiện hàng loạt các chương trình hỗ trợ để thực hiện công tác an sinh xã hội, đóng góp vào Quỹ vaccine phòng chống Covid-19, đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai dự án xanh, dự án bảo vệ môi trường, đồng thời đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
2. Về các rủi ro, khó khăn của các TCTD
Trong năm 2021, rủi ro hoạt động chủ yếu của các TCTD liên quan đến ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cụ thể:
Dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 diễn biến rất phức tạp, lan rộng đến hơn 50 tỉnh thành phố, nhiều tỉnh thành phố lớnphải áp dụng Chỉ thị 16, 16+ của Thủ tướng Chính phủ trong 1 thời gian dàinhư TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội… dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhất là các doanh nghiệp vận tải, du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, các doanh nghiệp có sự tham gia sản xuất, điều hành, vận hành kỹ thuật của các chuyên gia nước ngoài, các doanh nghiệp FDI…, các chuỗi cung ứng sản xuất hàng xuất khẩu bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, mất hợp đồng, mất khả năng thanh toán, ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi đến 3 lần Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 song chỉ giải quyếtkhó khăn trong ngắn hạn. Áp lực trả nợ của các doanh nghiệp rất lớn dokhả năng phục hồi của các doanh nghiệp sau khi kiểm soát được dịch bệnh sẽrất chậm, nên khó có khả năng trả nợ đúng hạn nhất là các khoản dư nợ trung dài hạn, do vậy sẽ không đảm bảo theo quy định tại Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước, dẫn đến nợ xấu tại các TCTD sẽ tăng vào cuối năm hoặc sau ngày 30/6/2022.
Mặt khác sau khi khống chế, kiểm soát được dịch bệnh các doanh nghiệp cần vốn để phục hồi sản suất kinh doanh song nguồn lực của các TCTD có hạn, thậm chí cạn kiệt dẫn đến khả năng tiếp cận vốn ngân hàng sẽ hết sức khó khăn vì:
(i) Bản chất các doanh nghiệp này đã được cơ cấu nợ, miễn giảm lãi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thực chất khoản nợ đó là nợ tiềm ẩn rủi ro nhưng vẫn được giữ nguyên nhóm nợ, do đó khi ngân hàng cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh trên nền tảng nợ tiềm ẩn rủi ro, vì vậy các ngân hàng sẽ rất thận trọng khi xem xét cho vay mới.
(ii) Cả thời gian dài các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, sản xuất cầm chừng, thậm chí dừng sản xuất, nguồn thu sụt giảm, có thể không có nguồn thu trong khi các chi phí khác tối thiểu để duy trì doanh nghiệp vẫn phải chi dẫn đến nguồn lực cạn kiệt, lúc này khó đáp ứng được điều kiện các TCTD đưa ra như kinh doanh có lãi, có tài sản đảm bảo… và như vậy doanh nghiệp sẽ rất khó khăn khi vay vốn ngân hàng để phục hồi sản xuất kinh doanh.
(iii) Các nguyên tắc điều kiện cho khách hàng chịu ảnh hưởng Covid-19 vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh, các TCTD vẫn phải tuân thủ theo quy định hiện hành (không có đặc thù) dẫn đến nhiều doanh nghiệp sẽ không đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ vô cùng khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp…
Áp lực trích dự phòng rủi ro của các TCTD đối với các khoản nợ cơ cấu cho khách hàng chịu ảnh hưởng Covid-19 rất lớn, ngay trong năm 2021 trích tối thiểu 30% và phải trích hết 100% vào cuối năm 2023 dẫn đến nhiều TCTD giảm lợi nhuận đáng kể.
Cơ chế chính sách cho TCTD trong bối cảnh dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội…mới chỉ dừng ở việc cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi,phí... còn quy trình nghiệp vụ phải xử lý theo quy phạm pháp luật hiện hành(không sửa đổi trong bối cảnh dịch Covid-19).Trong thời gian giãn cách nhiều khách hàng là F1, Fo hoặc trong khu vực giãn cách 16+không thể giao tiếpđược với ngân hàng để làm các thủ tục theo quy định, dẫn đến các TCTDxử lý theo thực tế phát sinh nên rất dễ chịu rủi ro pháp lý sau này vì không có văn bản quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Công tác xử lý nợ xấu của các TCTD trong 8 tháng đầu năm 2021, đặc biệt trong Quý II và Quý III/2021 bị đình trệ do chịu tác động bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó kiểm soát, phải thực hiện giãn cách tại nhiều tỉnh/thành phố, ảnh hưởng đến công tác khởi kiện khách hàng, thu giữ, phát mại, đấu giá tài sản đảm bảo của ngân hàng.
Dịch bệnh gây ra những khó khăn về kinh tế cũng khiến tình trạng gian lận và lừa đảo có xu hướng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp. Rất nhiều TCTD đã ghi nhận nhiều trường hợp khách hàng bị kẻ gian lừa đảo, giả mạo email, tin nhắn thương hiệu của ngân hàng, dẫn đến mất tiền trong tài khoản, thẻ và cả những trường hợp kẻ gian giả mạo giấy tờ tinh vi để mở thẻ, mở tài khoản gây rủi ro cho ngân hàng…
ĐÁNH GIÁ về hoạt động của các TCTD trong việc hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid -19
Đến nay Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi Thông tư đến 3 lần (Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN) liên quan đến việc cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư.
Ngoài việc cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, các TCTD đã chủ động chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp bằng việc miễn giảm phí, lãi đến nay là lần thứ tư, mức giảm cao nhất đến 3%/năm. Đặc biệt thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng, các TCTD tùy theo khả năng tài chính của mình đăng ký tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối đa đến 1%/năm các khoản dư nợ hiện hữu với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính trên 20.372 tỷ đồng. Riêng 04 NHTM Nhà nước tiếp tục cam kết dành thêm 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay và thực hiện miễn toàn bộ phí dịch vụ ngân hàng trên địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16.
Kết quả đến ngày 26/7/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198.638 khách hàng với dư nợ 309.147 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 787.479 khách hàng với dư nợ 1.395.135 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4.042.012 tỷ đồng cho 525.401 khách hàng, bên cạnh đó, các TCTD cũng tiếp tục triển khai đồng loạt việc miễn, giảm nhiều các loại phí đểhỗ trợ khách hàng trong giai đoạn bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh như: phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, phí rút tiền tại ATM, phí thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại... Ước tính từ Ngân hàng Nhà nước, tổng số phí mà các TCTD giảm cho khách hàng trong thời gian qua khoảng 1.100 tỷ đồng.
Các TCTD cải tiến quy trình giao dịch, xây dựng và ban hành quy trình giao dịch qua email nhằm hỗ trợ các khách hàng giao dịch từ xa đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Đồng thời chú trọng việc áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng đảm bảo việc khách hàng không đến ngân hàng nhưng mọi tiện ích vẫn được phục vụ nhanh chóng, đầy đủ.
Sự vào cuộc của ngành ngân hàng thông qua hàng loạt các giải pháp hỗ trợ linh hoạt đã và đang tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất kinh doanh.
ĐỀ XUẤTcác giải pháp cho năm 2022
Các TCTD cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 song vẫn chia sẻ, hỗ trợ các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch bằng cách tiết giảm chi phí, giảm lương, thưởng để miễn giảm lãi, phí... cho khách hàng. Vì vậy các TCTD cũng rất cần được chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành để các TCTD có thêm điều kiện, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Trên cơ sở đó, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị:
Đối với Chính phủ:
Do hậu quả dịch Covid-19 ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến người dân và doanh nghiệp. Thời gian tới nhiềudoanh nghiệp sẽ rất khó khăn, thậm chí lâm vào tình trạng phá sản, hệ quả là nợ xấu của các TCTD sẽ tăng trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 Về thí điểm xử lý nợ xấu của của các TCTD sắp hết hạn. Vì vậy đề nghị Chính phủ xem xét tổng kết Nghị quyết 42 của Quốc hội để từ đó kiến nghị Quốc hội cho phép ban hành Luật xử lý nợ xấu của các TCTD làm cơ sở đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các TCTD.
Chỉ đạo các Bộ ngành đẩy nhanh tiến độ: (i) sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng theo hướng tăng tính tự chủ cho các TCTD; sửa Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Phòng chống rửa tiền nhằm tạo cơ chế pháp lý thống nhất, đồng bộ, giúp các TCTD cho vay an toàn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, phát triển sản xuất, kinh doanh; (ii) Hoàn thiện khung pháp lý cho các môhình kinh doanh mới (như P2P Lending, Fintech, TTKDTM, tiền kỹ thuật số, giao dịch xuyên biên giới, cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu…), cũng như thúc đẩy phối hợp giữa các bộ, ngành để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.
Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia, đặc biệt là dữ liệu dân cư và có cách thức khai thác hiệu quả vào các hoạt động ngân hàng, tài chính, phục vụ phát triển đất nước và quản lý xã hội.
Xem xét ban hành Nghị định về khoanh nợ đối với số dư nợ được cơ cấu nợ doảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tương tự như Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP, có như vậy mới hỗ trợ được doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng sau khi kiểm soát được dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đối với các Bộ ngành:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư:Tổng hợp khó khăn vướng mắc của bộ ngành đề xuất Chính phủ có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng bởi dịch từ đó nghiên cứu trình Chính phủ cho phép khoanh nợ đối với những khoản nợ đã được các TCTD cơ cấu nợ theo Thông tư 01, 03, 14 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn tín dụng sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
- Bộ Tài chính:Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp, khung pháp lý về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ; Nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch trên thị trường chứng khoán và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch; Có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các TCTD như các doanh nghiệp khác nhằm tạo điều kiện cho TCTD có điều kiện miễn, giảm phí, hạ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịchCovid-19.
- Bộ Thông tin và Truyền thông: Hiện nay, giá cước phí tin nhắn dịch vụ mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng cho các TCTD cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. Các TCTD khi đã áp dụng miễn, giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 đều phải bù lỗ khi phải trả chi phí dịch vụ tin nhắn viễn thông, ước tính chi phí viễn thông cả hệ thống các TCTD phải trả cho các nhà mạng lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng. Hiệp hội Ngân hàng đã có 4 lần có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị giảm phí cước viễn thông, song đến nay các TCTD vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ về giảm giá cước tin nhắn. Vì vậy, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện điều chỉnh giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng nhằm hỗ trợ các TCTD tiếp tục duy trì việc miễn, giảm phí cho khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19.
- Đối với Ngân hàng Nhà nước:
Sớm đề nghị, trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật các TCTD năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD tạo môi trường pháp lý lành mạnh cho tổ chức và hoạt động của các TCTD, phù hợp hơn với chuẩn mực, thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động hiện nay của các TCTD.
Xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động ngân hàng số, xác thực khách hàng điện tử - eKYC, cho vay theo phương thức điện tử, theo đó việc phê duyệt tín dụng thông qua các hệ thống phần mềm, số hóa, dưới các hình thức giao dịch điển tử, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, tạo điều kiện cho các TCTD trong quá trình hoạt động và cho khách hàng vay vốn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các TCTD trong thực hiện việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm theo tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 liên quan thu giữ tài sản bảo đảm, nộp thuế xử lý tài sản bảo đảm, chuyển nhượng, sang tên tài sản, thủ tục xét xử rút gọn, thi hành án…
Xem xét những vướng mắc, bất cập của các TCTD hiện nay trong thực tiễn thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN để có giải pháp hỗ trợ tốt hơn khách hàng vay, TCTD do tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4.
Ban hành quy định hướng dẫn về hồ sơ/thực hiện phương án cơ cấu thời hạn trả nợ dành riêng cho khách hàng gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 phù hợp với tình hình mới (giao dịch điện tử thay thế giao dịch truyền thống); việc phân loại nợ cho các khoản cơ cấu nợ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Tín dụng xanh là định hướng mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho các ngân hàng thương mại trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng đang gặp phải khó khăn khi triển khai tín dụng xanh. Do đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, kế hoạch triển khai hành động để phát triển tín dụng xanh.