Trong báo cáo vĩ mô mới phát hành, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agriseco) nhận định lạm phát 2023 không phải thách thức lớn, áp lực tăng nhưng trong mức kiểm soát 4,5% theo mục tiêu của Chính phủ tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước nới lỏng dần chính sách tiền tệ.
Theo Agriseco, Fed dự báo ngừng tăng lãi suất từ nửa cuối năm 2023 và Trung Quốc tái mở cửa có thể tác động trái chiều lên chỉ số lạm phát ở Việt Nam. Áp lực lạm phát từ bên ngoài sẽ giảm bớt từ nửa cuối 2023 khi giá cả hàng hóa hạ nhiệt, rủi ro tỷ giá bớt áp lực lên chi phí nhập khẩu nguyên nhiên liệu trong nước.
Trong nước, áp lực lạm phát từ phía cầu khi nhu cầu tiêu dùng hồi phục; tiền lương cơ sở tăng; nới room tín dụng; tăng giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Đồng thời, áp lực từ giá cả một số mặt hàng trong nước nhưng có thể kiểm soát: Giá cả các hàng hóa (điện, y tế, giáo dục) khả năng tăng so với năm trước tuy nhiên Chính phủ có thể điều chỉnh tăng giá với mức độ và thời điểm thích hợp để kiểm soát lạm phát mục tiêu.
Ngược lại, giá cả các hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số dự báo hạ nhiệt (giá thịt lợn, gạo) sẽ giúp kiềm chế đà tăng lạm phát. Theo đó, Agriseco nhận định lạm phát 2023 không phải thách thức lớn, áp lực tăng nhưng trong mức kiểm soát 4,5% theo mục tiêu của Chính phủ đề ra đầu năm, tạo dư địa Ngân hàng Nhà nước nới lỏng dần chính sách tiền tệ.
Về lãi suất, nhóm phân tích Agriseco cho rằng mặt bằng lãi suất có thể duy trì cao đến nửa đầu năm 2023 khi Fed tiếp tục tăng lãi suất nhưng tốc độ chậm dần. Lãi suất điều hành dự báo giữ nguyên trong năm 2023 do Fed giảm tốc độ tăng lãi suất và tình hình lạm phát trong nước được kiểm soát, tỷ giá ổn định. Do vậy, lãi suất huy động dự báo có thể tăng nhẹ tới quý II/2023 khi Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục chính sách thắt chặt và sau đó giảm dần từ nửa đầu năm 2024.
Lãi suất cho vay có thể tiếp tục tăng, đạt đỉnh vào cuối quý I/2023, duy trì tới cuối năm trước khi giảm vào đầu 2024, tạo dư địa cho vay hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, tập trung ở các nhóm ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, xây dựng KCN, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân).