Thứ ba, 21/01/2025
   

8 kinh nghiệm từ quốc tế để ngân hàng Việt tiến tới Basel III

Sáng 10/10, Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp cùng nhóm nghiên cứu Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu triển khai Basel III tại các ngân hàng thương mại Việt Nam” tổ chức Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu của đề tài. Đề tài do TS. Nguyễn Khương, Chuyên viên chính Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, Ngân hàng Nhà nước làm chủ nhiệm.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Chu Khánh Lân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng nêu nhận định, trước tác động tiêu cực có tính hệ thống, mất an toàn vi mô, vĩ mô do khủng hoảng tài chính ngân hàng năm 2008, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đã ban hành chuẩn mực Basel III vào năm 2010 và Basel III cải tiến 7 năm sau đó nhằm mục đích khắc phục lỗ hổng, hạn chế của Basel II và thúc đẩy một ngành ngân hàng có khả năng phục hồi tốt hơn, ổn định tài chính bền vững hơn cả về vi mô và vĩ mô.

Về chủ trương thực hiện Basel III tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, trong đó có nội dung “Nghiên cứu, có giải pháp phù hợp để khuyến khích các ngân hàng thực hiện Basel II theo phương pháp nâng cao, hướng đến triển khai Basel III khi tổ chức tín dụng có đủ điều kiện về tài chính, nhân lực”.

Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại tại Việt Nam cũng đang tích cực triển khai Basel III.

PGS.TS. Chu Khánh Lân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo
PGS.TS. Chu Khánh Lân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Khương, Chuyên viên chính Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, Ngân hàng Nhà nước chỉ ra 3 cách tiếp cận khi lựa chọn triển khai một phần khuôn khổ Basel III. Đầu tiên đó là cách tiếp cận phân loại theo đối tượng quản lý, trong đó các ngân hàng được chia thành các nhóm dựa trên những tiêu chí nhất định như quy mô, mô hình kinh doanh,… và với mỗi nhóm ngân hàng sẽ có một cơ chế quy định riêng.

Tiếp theo là cách tiếp cận theo hướng đơn giản hóa với từng tiêu chuẩn. Cụ thể, trong đó một số tiêu chuẩn sẽ có các điều kiện miễn trừ mà các ngân hàng thỏa mãn điều kiện đó sẽ không phải tuân thủ tiêu chuẩn này hoặc tuân thủ theo một quy định thay thế theo hướng đơn giản hóa.

Cuối cùng là cách tiếp cận cho toàn hệ thống, trong đó việc triển khai một phần khuôn khổ Basel III được áp dụng thống nhất trên toàn hệ thống mà không tính đến sự khác biệt về quy mô, mô hình kinh doanh của các ngân hàng riêng lẻ.

TS. Nguyễn Khương, Chuyên viên chính Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, NHNN
TS. Nguyễn Khương, Chuyên viên chính Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, NHNN thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày đề tài

Từ thực tế nghiên cứu tình hình triển khai Basel III trên thế giới, nhóm nghiên cứu rút ra 8 bài học cho việc thực hiện Basel III tại Việt Nam.

Thứ nhất, hầu hết các quốc gia, khu vực quốc tế đã nhận ra lợi ích, xu hướng toàn cầu của Basel III và lên phương hướng, kế hoạch triển khai thực hiện.

IMF cho rằng không nhất thiết phải triển khai đầy đủ Basel I/II mới thực hiện một số đổi mới Basel III nhưng trình tự thực hiện là một cân nhắc quan trọng.

Thứ hai, về mức độ ưu tiên thực hiện, hầu hết các NHTM lựa chọn triển khai các mô đun theo cấu trúc từ đơn giản, ít tác động đến phức tạp, nhiều tác động. Đối với các công cụ phức tạp nên áp dụng khi đáp ứng đủ điều kiện cần thiết.

Thứ ba, NHTW và cơ quan quản lý giám sát cần tăng cường và củng cố khuôn khổ pháp lý cho việc triển khai Basel III. Việc xây dựng một chiến lược chuyển đổi sang khung Basel III một cách thận trọng là cần thiết đối với các khu vực tài phán. Các văn bản dưới luật như quy định tín vốn, quy định quản lý rủi ro, lãi suất trên sổ ngân hàng… đảm bảo cho các ngân hàng triển khai đúng quy định, tiến độ thực hiện và giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh và bất bình đẳng giữa các khu vực tài chính.

Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo
Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo

Thứ tư, một số thách thức trong triển khai Basel III cho các NHTM như: Thách thức trong việc tăng vốn; khó khăn trong rà soát chiến lược quản lý tài sản và nợ phải trả; làm giảm năng lực đầu tư/cho vay của ngân hàng; khó khăn về cơ sở hạ tầng, quản lý dữ liệu, công nghệ thông tin; hạn chế nguồn nhân lực và năng lực giám sát xuyên biên giới; khó khăn về kỹ thuật triển khai các quy định… cần được nhận diện, cân nhắc, khắc phục trong quá trình triển khai thực hiện Basel III tại ngân hàng.

Thứ năm, về điều kiện để triển khai Basel III hiệu quả, cần có sự phối hợp chính sách kịp thời, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý ngân hàng và NHTM trong triển khai thực hiện Basel III như: Tăng cường, phối hợp giữa NHTW và Bộ Tài chính nhằm phát triển thị trường vốn, công cụ vốn và hạ tầng tài chính hỗ trợ cho việc triển khai Basel III. Đơn cử như Indonesia tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý khác hỗ trợ các doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng cao phát hành chứng khoán trên thị trường vốn do yêu cầu thanh khoản của Basel III sẽ làm tăng nhu cầu của các ngân hàng đối với các trái phiếu chất lượng cao…

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Thứ sáu, chìa khóa để đảm bảo rằng Basel III là cơ hội cho các ngân hàng là việc lựa chọn kiến trúc công nghệ được sử dụng để thực hiện. Kiến trúc công nghệ này cần phải phù hợp với quy mô và cấu trúc, các quy trình cũng như phạm vi địa lý của ngân hàng. Đồng thời kết hợp tất cả những điều này một cách liền mạch với quy mô và phạm vi của các quy định. Bên cạnh đó, giải pháp cần phải linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của ngân hàng và đủ cởi mở để thích ứng với những thay đổi trong hoạt động kinh doanh và các quy định.

Thứ bảy, quản lý rủi ro ngân hàng có tác động đáng kể đến sự ổn định của thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nguồn tài trợ từ ngân hàng vẫn chiếm ưu thế.

Thứ tám, do mô hình giám sát phân tán nên việc triển khai Basel III cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan.

Từ 8 kinh nghiệm trên, theo nhóm nghiên cứu, hiện nay, hầu hết các ngân hàng đã thực hiện tốt việc triển khai Basel II theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Đây chính là kết quả rất tích cực ghi nhận công sức, vai trò của Ngân hàng Nhà nước đối với sự an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong việc triển khai Basel II.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, trong giai đoạn tới đây, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục nghiên cứu, hướng đến việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Basel III trong giai đoạn phù hợp.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay