Tại hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn không gian mạng ngày 23/6, ông Nguyễn Thanh Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết: Một trong 6 vấn đề đặt ra đối với ATTT Việt Nam trong năm 2022 là chiến dịch tấn công vào các ngân hàng tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Phúc cho biết: Từ tháng 5/2019 đến nay xuất hiện các chiến dịch tấn công lừa đảo (phishing) nhằm vào các ngân hàng tại Việt Nam để thu thập thông tin cá nhân, thông tin giao dịch thanh toán của khách hàng… Cũng từ đầu năm đến nay, Cục ATTT đã tiếp nhận 1.000 lượt phản ánh của người dân về các sự vụ lừa đảo trên không gian mạng.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, Cục đã phát hiện, xử lý 506 website lừa đảo giả mạo tổ chức tài chính, ngân hàng; hỗ trợ xử lý ngăn ngừa 1,5 triệu người dùng Internet Việt Nam tránh truy cập vào các trang lừa đảo, vi phạm pháp luật. Cục đã phối hợp địa phương cảnh báo, tuyên truyền đến cơ sở hàng tuần danh sách website giả mạo và phát triển ứng dụng (app) bảo vệ người sử dụng.
Bên cạnh đó, việc phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ và triển khai phương án bảo đảm ATTT theo cấp độ còn thấp. Năm 2020 cả nước có 2.452 hệ thống thông tin (HTTT) thì chỉ có 19% trong số HTTT được phê duyệt cấp độ. Năm 2021, cả nước có 2.858 HTTT, trong đó chỉ có 29,6 % phê duyệt cấp độ. Đến tháng 5/2022, cả nước có 3.014 HTTT, trong đó 30% HTTT được phê duyệt cấp độ.
Theo Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đến tháng 12/2022, việc phân loại, xác định và phê duyệt đề xuất cấp độ HTTT phải hoàn thành. Tháng 6/2023 phải triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ.
Theo Báo tin tức