Theo báo cáo kết quả khảo sát mua sắm thương mại điện tử xuyên biên giới của Tổ chức bưu chính quốc tế IPC vừa ban hành, 28% người tiêu dùng được hỏi mua sắm trực tuyến ít hơn vào năm 2022 so với năm 2021; Gần 50% số người được hỏi cho biết họ nghĩ rằng việc giao hàng miễn phí sẽ trở nên quan trọng hơn trong tương lai khi mua sắm trực tuyến; 53% số người được hỏi tiếp tục mua hàng từ Amazon, AliExpress và eBay…
Tổ chức bưu chính quốc tế IPC vừa ban hành báo cáo kết quả khảo sát người mua sắm thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan về kỳ vọng và thói quen của người tiêu dùng mua sắm trực tuyến xuyên biên giới. Cuộc khảo sát được thực hiện với 33.009 người từ 39 quốc gia trên toàn thế giới, chiếm 93% thị trường thương mại điện tử thế giới. Năm nay, cuộc khảo sát đã nghiên cứu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế đối với mua sắm trực tuyến cũng phương thức người tiêu dùng muốn mua sắm trực tuyến một cách bền vững.
Giám đốc điều hành IPC, Ông Holger Winklbauer cho biết: “Khảo sát người mua sắm thương mại điện tử xuyên biên giới của IPC là nguồn thông tin vô giá cho ngành bưu chính mỗi năm, phản ánh sự năng động của thị trường. Bằng cách thu thập dữ liệu hữu ích thông qua báo cáo khảo sát, bưu chính các nước có thể tự định vị mình để cung cấp trải nghiệm phát hàng tốt nhất cho người tiêu dùng thông qua hiểu biết nhu cầu và mong đợi của họ”.
Chi phí sinh hoạt tăng đòi hỏi nhiều giải pháp hơn cho người tiêu dùng
Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng dẫn đến những thách thức đối với ngành, bởi vậy điều quan trọng là phải hiểu và phân tích tác động hiện tại và tương lai đối với mua sắm trực tuyến. Khảo sát người mua sắm thương mại điện tử xuyên biên giới của IPC đã khảo sát quan điểm của người tiêu dùng về thay đổi chi phí sinh hoạt sẽ ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của họ như thế nào. 65% người tiêu dùng ngừng chi tiêu và sẽ cắt giảm mua sắm trực tuyến.
Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng lưu ý rằng họ sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến nhưng có kế hoạch chi tiêu ít hơn. Những người khác sẽ hướng tới các dịch vụ giao hàng miễn phí hoặc dịch vụ Click and Collect (Tự gửi và nhận hàng) để giảm chi phí mua sắm. Trong xu hướng điều chỉnh hành vi mua sắm, 24% ý kiến cho biết sẽ mua nhiều hơn từ các cửa hàng điện tử trong nước trong thời gian tới. Một phần đáng kể người được hỏi nói rằng họ sẽ mua ít hơn từ các thị trường Anh, Trung Quốc và Mỹ.
Amazon tiếp tục vượt qua các đại gia bán lẻ thương mại điện tử
Người tiêu dùng đánh giá cao khả năng tiếp tục mua sắm tại các trang thương mại điện tử bán lẻ như Amazon, eBay và AliExpress. Cuộc khảo sát cho thấy 27% người tiêu dùng đã mua hàng gần đây nhất từ Amazon và 17% từ Alibaba. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến năm 2022, cả Wish và eBay đều mất thị phần xuyên biên giới đáng kể, trong khi Amazon tăng ở một số quốc gia. Nhà bán lẻ điện tử thời trang Trung Quốc Shein cũng đã tăng thị phần đáng kể từ 0% vào năm 2019 lên 6% vào năm 2022.
Người tiêu dùng sẵn sàng không lựa chọn dịch vụ giao hàng nhanh để giảm tác động môi trường.
Tính bền vững tiếp tục là điểm được quan tâm khi người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. 30% những người tham gia cuộc khảo sát đồng ý rằng họ muốn đợi vài ngày để nhận được gói hàng của mình nhằm giảm tác động đến môi trường. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng nghĩ rằng việc trả tiền cho các biện pháp bền vững khi mua sắm trực tuyến là trách nhiệm của nhà bán lẻ thương mại điện tử chứ không phải của người tiêu dùng. 23% đồng ý rằng giao hàng bền vững là quá mơ hồ và vì vậy họ không muốn trả tiền cho nó. Kết quả cho thấy mặc dù có nhu cầu và kêu gọi các lựa chọn mua sắm và giao hàng bền vững, nhưng chỉ có 14% từng trả tiền cho giao hàng bền vững. Các quốc gia có cung cấp dịch vụ lựa chọn giao hàng bền vững có trả phí phổ biến nhất là Thụy Sỹ, Trung Quốc, Phần Lan, Áo và Đức.
Nhiều người trả phí hải quan cho các mặt hàng xuyên biên giới
Với các quy định chặt chẽ hơn về nhập khẩu các mặt hàng ở nhiều quốc gia, số lượng người tiêu dùng phải trả thuế hải quan cũng tăng lên. Do ảnh hưởng của Brexit và các quy tắc về hải quan thay đổi ở Liên minh Châu âu và ở một số quốc gia khác, số người nộp thuế hải quan đã tăng từ 11% năm 2016 lên 16% vào năm 2021.
79% số người được hỏi biết trước khi mua hàng rằng phí hải quan sẽ được áp dụng cho giao dịch mua hàng xuyên biên giới. Vào các năm trước, tỷ lệ này ở châu Âu thấp hơn so với các khu vực khác, với 41% người tiêu dùng được cảnh báo ở Iceland, 42% ở Slovakia và 55% ở Croatia.