Báo cáo nhận định, các thị trường hàng hóa đang đối mặt với rủi ro địa chính trị, do xung đột vũ trang tại Trung Đông có thể gây gián đoạn nguồn cung dầu mỏ, giá cả tăng cao và thị trường hàng hóa chao đảo mạnh, tùy thuộc vào quy mô và thời gian biến động của giá dầu.
Dự báo giá cả hàng hóa (%)
Đơn vị hàng hóa |
Thực tế và dự báo |
Thay đổi so năm trước |
||||||
Chỉ số (1) |
2021 |
2022 |
2023 |
2024 |
2025 |
2023 |
2024 |
2025 |
Tổng cộng (2) |
101,0 |
143,3 |
109,6 |
105,1 |
104,6 |
-23,5 |
-4,1 |
-0,5 |
Năng lượng (3) |
95,5 |
152,6 |
108,6 |
103,7 |
103,0 |
-28,8 |
-4,5 |
-0,7 |
Phi năng lượng |
112,5 |
124,4 |
111,5 |
108,0 |
107,8 |
-10,4 |
-3,1 |
-0,1 |
Nông nghiệp |
108,3 |
122,7 |
113,9 |
112,2 |
109,7 |
-7,2 |
-1,5 |
-0,5 |
Đồ uống |
93,5 |
106,3 |
106,3 |
100,9 |
100,4 |
0,0 |
-5,1 |
-0,5 |
Thực phẩm |
121,8 |
143,7 |
131,1 |
129,1 |
124,7 |
-8,8 |
-1,5 |
-3,4 |
Dầu và món ăn chính |
127,1 |
145,2 |
120,4 |
117,3 |
114,1 |
-17,1 |
-2,5 |
-2,7 |
Ngũ cốc |
123,8 |
150,4 |
133,4 |
129,6 |
122,9 |
-11,3 |
-2,9 |
-5,2 |
Thực phẩm khác |
113,1 |
135,6 |
142,9 |
144,1 |
140,3 |
5,4 |
0,8 |
-2,6 |
Nguyên liệu thô |
82,9 |
80,3 |
76,0 |
76,9 |
78,1 |
-5,3 |
1,1 |
-0,4 |
Gỗ xẻ |
90,4 |
80,1 |
79,9 |
81,2 |
82,5 |
-0,2 |
1,6 |
1,6 |
Nguyên liệu thô khác |
74,8 |
143,3 |
109,6 |
105,1 |
104,6 |
-23,5 |
-4,1 |
-0,5 |
Phân hóa học |
152,3 |
235,7 |
156,5 |
132,4 |
119,5 |
-33,6 |
-15,4 |
-9,7 |
Kim khoáng (4) |
116,4 |
115,0 |
101,4 |
96,6 |
102,6 |
-11,8 |
-4,8 |
6,2 |
Kim loại cơ bản (5) |
117,7 |
122,4 |
107,8 |
102,3 |
110,5 |
-12,0 |
-5,1 |
8,0 |
Kim loại quý (6) |
140,2 |
136,8 |
138,4 |
145,1 |
131,5 |
1,2 |
4,8 |
-9,4 |
Nguồn: WB tháng 10/2023
Trong đó, (1) Theo USD danh nghĩa, 2010=100; (2) Bao gồm các mặt hàng năng lượng và phi năng lượng (trừ kim loại quý), tính theo tỷ trọng xuất khẩu 2002-2024, các mặt hàng năng lượng chiếm 67%; (3) Bao gồm than (Australia), dầu thô (Brent), khí tự nhiên (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản); (4) Bao gồm kim loại cơ bản và quặng sắt; (5) Bao gồm nhôm, đồng, chì, kền, thiếc, kẽm; (6) Không thuộc nhóm hàng hóa phi năng lượng.
Trước khi xảy ra xung đột vũ trang, chỉ số giá cả hàng hóa (CPI) do WB công bố tăng 5,0% trong quý III/2023, chủ yếu do giá dầu thô tăng tốc 11%, trái ngược với xu hướng giảm giá trong năm 2022. Do dầu thô chiếm 52% trong CPI, nên giá dầu tăng đã bù đắp xu hướng giảm giá của 24 trong số 43 mặt hàng trong CPI. Nguyên nhân đẩy CPI tăng trong quý III/2023 là do hoạt động kinh tế sôi động hơn so với kỳ vọng và quyết định của nhóm OPEC+ (gồm OPEC và 10 quốc gia khác) về cắt giảm sản lượng dầu khai thác. Do nguồn cung dồi dào, giá cả các mặt hàng phi năng lượng giảm 2,0%, nhất là ngũ cốc và kim loại cơ bản. Về tổng thể, trước khi xảy ra xung đột Trung Đông, giá cả hàng hóa vẫn tương đối cao, khoảng 45% cao hơn mức giá trung bình trong các năm 2015-2019, cao hơn 25% nếu trừ đi yếu tố lạm phát.
Sau những cuộc đụng độ vũ trang trước đây tại Trung Đông, giá năng lượng thường chứng kiến xu hướng chao đảo mạnh. Từ khi xảy ra xung đột lần này đến nay, giá năng lượng đã tăng 9,0%, giá dầu thô tăng 6,0%. Do các cuộc đình công tại các cơ sở sản xuất khí hóa lỏng (LNG) Australia, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu bắt đầu tăng từ tháng 9/2023, tăng thêm 35% sau khi Israel đóng cửa mỏ khí tự nhiên tại vùng duyên hải quốc gia.
Trong quý III/2023, giá năng lượng tăng 9% so với quý trước. Lo lắng về căng thẳng ngân hàng tại Mỹ và châu Âu đã lắng dịu, hoạt động kinh tế tăng cao hơn kỳ vọng - giao thông và vận tải hàng không phục hồi - đã hỗ trợ dầu tăng giá lên trên 70 USD/thùng. Ngoài ra, tiêu dùng tăng vững tại Trung Quốc đã bù đắp tình trạng ảm đạm trong lĩnh vực bất động sản. Trong quý III/2023, nhu cầu về dầu thô toàn cầu đã lập kỷ lục 103 triệu thùng/ngày.
Về phía cung, quyết định của OPEC+ về cắt giảm sản lượng đã đẩy giá dầu lên trên 90 USD/thùng trong tháng 9/2023. Trong những tháng cuối năm 2023, Arập Xê út sẽ giảm sản lượng dầu khai thác xuống mức thấp hơn 2 triệu thùng/ngày so với tháng 9/2022, mức thấp nhất trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, sản lượng dầu bên ngoài OPEC+ tăng mạnh trong năm nay (dẫn đầu là Mỹ, quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới), góp phần bù đắp phần lớn sản lượng dầu bị cắt giảm.
Trong khó khăn, Liên minh châu Âu (EU) đã thay thế nguồn khí đốt từ CHLB Nga bằng cách mở rộng nhập khẩu LNG và hoàn thành việc lắp đặt đường ống dẫn khí đốt từ Nauy và Bắc Phi. Nhu cầu tiêu thụ khí đốt tại châu Âu cũng giảm thấp, nhờ hiệu quả sử dụng tăng cao, triển khai các chính sách quản lý nhu cầu, sản xuất công nghiệp trầm lắng. Ngoài ra, nhập khẩu khí đốt vào Trung Quốc tăng thấp hơn so với kỳ vọng cũng phần nào giảm áp lực tăng giá mặt hàng này. Đây là những yếu tố cho phép EU tăng lượng khí đốt dự trữ lên đến 95% công suất trước khi mùa đông đến gần. Bất chấp những tiến triển tích cực này, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu vẫn cao hơn 82% so với mức giá trung bình trong giai đoạn 2015-2019. Do nguồn cung cải thiện và xu hướng chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch, giá than tiếp tục xu hướng giảm. Giá phân hóa học tăng nhẹ, nhưng vẫn ở mức hợp lý và thấp hơn mức giá trước năm 2022. Tuy nhiên, giá phân bón vẫn cao hơn 85% so với mức giá trung bình trong giai đoạn 2015-2019.
Trước khi xảy ra xung đột tại Trung Đông, giá nông sản giảm 3% trong quý III/2023, chủ yếu là do giá thực phẩm giảm. Nhờ giá ngũ cốc giảm 7%, nên chỉ số giá thực phẩm giảm 3%. Giá nông nghiệp tăng từ tháng 9/2023, và đã tăng thêm 4% kể từ khi bắt đầu xảy ra xung đột. Lạm phát giá thực phẩm trong nước giảm nhẹ, nhưng vẫn tăng hai con số tại 4/10 quốc gia thu nhập thấp và tại 1/3 trong số các nước thu nhập cao và trung bình, gây áp lực về an ninh lương thực tại nhiều nơi trên thế giới.
Khó khăn về thực phẩm bắt đầu gia tăng trong những năm gần đây, riêng trong tháng 8/2023 đã gõ cửa trên 210 triệu người đang sinh sống tại những quốc gia đang xảy ra xung đột và bạo loạn. Do phải hỗ trợ rắc rải nhiều nơi trên thế giới, các cơ quan cứu trợ gặp nhiều khó khăn trong việc phân phát hàng cứu trợ. Đáng chú ý, với 53% dân số tại Gaza đối mặt với khó khăn lương thực từ trước khi xảy ra xung đột tại Trung Đông, nên xung đột bùng phát đang trầm trọng thêm tình hình an ninh lương thực tại khu vực này.
Kể từ khi xảy ra xung đột, giá kim loại giảm 1%. Tuy nhiên, giá vàng tăng 8%. Nếu xung đột leo thang, giá kim loại có thể sẽ tăng cao, nhưng chủ yếu thông qua các kênh gián tiếp. Rối loạn trên thị trường năng lượng sẽ làm tăng chi phí sản xuất kim loại, trong khi rủi ro địa chính trị leo thang sẽ đẩy giá vàng tăng cao, do các nhà đầu tư chuyển dịch nguồn vốn sang tài sản an toàn hơn.
Trước khi xảy ra xung đột Trung Đông, giá kim loại giảm 2% trong quý III/2023. Khó khăn trong ngành công nghiệp nặng và xây dựng nhà ở tại Trung Quốc đã kìm hãm giá kim loại, bù đắp cho xu hướng gia tăng nhu cầu về mặt hàng này để phát triển các nguồn năng lượng mới. Trên toàn cầu, nhu cầu về kim loại giảm thêm do mặt bằng lãi suất tăng cao đã cản trở hoạt động xây dựng và đầu tư, trong khi nguồn cung khá dồi dào. Trong quý III/2023, giá vàng cũng giảm 3%, do USD tăng giá mạnh và những lo ngại về khả năng lãi suất cao sẽ kéo dài. Cùng với xu hướng giảm giá kim loại cơ bản, các mặt hàng kim loại sử dụng trong ngành sản xuất xe điện và ắc quy cũng ghi nhận xu hướng giảm giá. Tuy nhiên, giá cả vẫn chao đảo do đặc điểm về phân nhóm và tập trung của thị trường khoáng chất.
Triển vọng
Theo dự báo cơ bản, xung đột tại Trung Đông sẽ chỉ gây tác động hạn chế đến mặt bằng giá cả hàng hóa toàn cầu, do giá cả thường bị chi phối bởi các yếu tố cơ bản về cung và cầu.
Theo dự báo cơ bản này, sau khi giảm 24% trong năm nay, giá cả hàng hóa tiếp tục giảm thêm 4% trong năm 2024 và 0,5% trong năm 2025, nguyên nhân cơ bản là do kinh tế toàn cầu yếu ớt và điều kiện tài chính ngày càng thắt chặt. Trong năm 2024, thương mại toàn cầu trầm lắng và yếu kém trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc cũng gây áp lực giảm giá năng lượng và kim loại phục vụ sản xuất công nghiệp.
Ngoài ra, khả năng cung ứng các loại hàng hóa chủ chốt (dầu thô, ngũ cốc, kim loại, và nhiều mặt hàng thực phẩm) cải thiện cũng kìm hãm giá cả. Tuy nhiên, dự báo này đưa ra với giả thiết là chiến tranh tại Trung Đông được kiềm chế và chỉ gây tác động không đáng kể đến thị trường hàng hóa.
Trong năm 2025, giá cả được kỳ vọng sẽ tăng trở lại, nhờ kinh tế toàn cầu tăng vững và các nước tập trung phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo. Trong giai đoạn 2020-2023, đầu tư toàn cầu vào phát triển hạ tầng năng lượng sạch có thể tăng 40% và tiếp tục tăng nhanh, kéo theo nhu cầu về kim loại và khoáng chất liên quan.
Về giá năng lượng, sau khi giảm khoảng 29% trong năm 2023, giá năng lượng sẽ giảm 5% trong năm 2024 do kinh tế toàn cầu trầm lắng sẽ kéo giảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu. Sau đó, giá năng lượng tiếp tục giảm thêm 0,7% vào năm 2025. Trong năm 2023, giá dầu trung bình ở mức 84 USD/thùng, nghĩa là sẽ dao động quanh mức giá trung bình 90 USD/thùng trong quý IV/2023. Ngoài ra, lo ngại về xung đột tại Trung Đông và những rủi ro địa chính trị khác, OPEC+ thu hẹp sản lượng, áp lực từ nhu cầu về các sản phẩm lọc hóa dầu cũng là những yếu tố hỗ trợ tăng giá năng lượng trong những tháng cuối năm 2023 này.
Sau khi giảm sâu tại châu Âu ngay từ đầu năm 2023, giá khí đốt tự nhiên được dự báo giảm 4% trong năm 2024 do nhu cầu tăng chậm. Giá than tiếp tục xu hướng giảm, nhờ nguồn cung tăng và nhu cầu giảm.
Nhờ nguồn cung tăng vững, giá cả các mặt hàng nông nghiệp được dự báo giảm 7% trong năm 2023, sau đó tiếp tục giảm 2% trong năm 2024-2025. Sau khi giảm hơn 11% vào năm 2023, chỉ số giá ngũ cốc được dự báo sẽ giảm trung bình 4% trong năm 2024-2025 do nguồn cung dồi dào và trữ lượng hợp lý. Riêng giá gạo vẫn tăng cao trong năm 2024, do Ấn Độ vẫn tiếp tục hạn chế xuất khẩu. Giá phân bón được dự báo tiếp tục giảm, khi kênh cung ứng trực tuyến mở rộng, nhưng có thể vẫn ở mức cao do nguồn cung một số loại phân bón còn hạn chế và Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu.
Giá kim loại cơ bản được dự báo giảm 5% trong năm 2024 do nhu cầu yếu ớt, nhưng sẽ tăng trở lại từ năm 2025 do sản xuất công nghiệp phục hồi trên toàn cầu. Mặc dù hoạt động xây dựng và thị trường bất động sản tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi và ổn định từ năm 2024, nhưng sẽ không tác động đáng kể đến nhu cầu kim loại toàn cầu như trong hai thập kỷ vừa qua.
Rủi ro
Sau khi xảy ra xung đột tại Trung Đông, rủi ro địa chính trị có dấu hiệu leo thang, có thể đẩy mặt bằng giá cả hàng hóa tăng cao. Nếu rối loạn xảy ra ở cấp độ thấp, nguồn cung dầu mỏ có thể giảm 0,5-2,0 triệu thùng/ngày (0,5-2,0% lượng dầu cung ứng trong năm 2023), giá dầu sẽ tăng 3-13% trong quý IV/2023 so với dự báo cơ bản 90 USD/thùng. Nếu rối loạn xảy ra ở cấp độ trung bình, nguồn cung dầu mỏ có thể giảm 3-5 triệu thùng/ngày (3-5% lượng dầu cung ứng trong năm 2023), giá dầu sẽ tăng 21-35% trong quý IV/2023 so với dự báo cơ bản 90 USD/thùng. Nếu rối loạn xảy ra ở cấp độ cao, nguồn cung dầu mỏ có thể giảm 6-8 triệu thùng/ngày (6-8% lượng dầu cung ứng trong năm 2023), giá dầu sẽ tăng 56-75% trong quý IV/2023 so với dự báo cơ bản 90 USD/thùng.
Những rủi ro địa chính trị khác cũng phủ bóng đen lên triển vọng thị trường hàng hóa, nếu các nước bổ sung thêm các biện pháp hạn chế thương mại, nhóm OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu cho tới năm 2024. Động thái chấm dứt Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã hạn chế quy mô xuất khẩu ngũ cốc và các loại hạt có dầu từ Ukraina, trong khi những rối loạn tiếp theo có thể đẩy giá thực phẩm và năng lượng tăng cao. Ngoài ra, các biện pháp hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng sẽ đẩy giá cả leo thang, căng thẳng địa chính trị sẽ thúc đẩy các nước xuất khẩu kim loại cơ bản và đất hiếm tăng cường các biện pháp hạn chế xuất khẩu.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan (chủ yếu là do El Niño gây ra) cũng ảnh hưởng tới triển vọng thị trường hàng hóa, trong sáu tháng tới đây như lũ lụt, có thể tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác khoáng sản, đẩy giá cả tăng cao.