Ngày 10/1/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo thường niên về kinh tế toàn cầu, cùng với dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023, ở mức 1,7% và năm 2024 là 2,7%, thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo 3% của năm 2023 được đưa ra trong 6 tháng trước đó.
Theo báo cáo mới nhất này, WB cho rằng năm 2023, nhiều nền kinh tế sẽ có mức tăng trưởng gần bờ vực suy thoái do ảnh hưởng của tình trạng tăng lãi suất - giải pháp mà nhiều nước thực hiện để kiềm chế lạm phát, xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp diễn, trong khi các nền kinh tế lớn của thế giới gặp nhiều khó khăn.
Kinh tế Mỹ được dự báo có thể tránh được suy thoái trong năm 2023, với mức tăng trưởng yếu chỉ 0,5% theo dự báo của WB, đồng thời, sự suy yếu tăng trưởng toàn cầu có thể gây tác động ngược cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, bên cạnh giá cả cao và lãi suất cho vay đắt đỏ. Nền kinh tế Mỹ cũng sẽ dễ bị tổn thương vì gián đoạn chuỗi cung ứng nếu dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp hoặc xung đột Nga - Ukraine trở nên tồi tệ hơn.
Châu Âu, từ lâu đã là nhà xuất khẩu lớn sang Trung Quốc, có thể bị ảnh hưởng khi nền kinh tế Trung Quốc yếu hơn.
WB dự báo châu Âu sẽ không tăng trưởng chút nào trong năm 2023 sau mức tăng trưởng 3,3% của năm nay; Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,3%, thấp hơn gần 1% so với dự báo trước đó và bằng khoảng một nửa tốc độ mà Bắc Kinh công bố vào năm 2021.
Báo cáo của WB cũng lưu ý rằng lãi suất tăng tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu sẽ thu hút vốn đầu tư từ các nước thu nhập thấp hơn, gián tiếp tước đi nguồn đầu tư nội địa quan trọng. Lãi suất cao cũng kìm hãm tăng trưởng ở các nước phát triển trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine khiến giá lương thực toàn cầu ở mức cao.
Chủ tịch WB David Malpass cho biết: "Xung đột Nga - Ukraine đã làm tăng thêm các chi phí mới. Tình hình càng nghiêm trọng đối với các nền kinh tế nghèo nhất, nơi công cuộc giảm nghèo bị đình trệ và khả năng tiếp cận điện, phân bón, lương thực và vốn sẽ bị hạn chế trong thời gian dài".
WB dự báo tác động của suy thoái toàn cầu sẽ tồi tệ nhất ở các khu vực như vùng Sahara của châu Phi, nơi sinh sống của 60% người nghèo trên thế giới. Thu nhập bình quân đầu người trên toàn cầu cũng chỉ tăng trung bình 1,2% trong năm 2023 và 2024, tốc độ chậm đến mức tỉ lệ người nghèo có thể tăng lên.
Nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu được cho là sẽ gánh chịu hậu quả tàn khốc trong bối cảnh tăng trưởng và đầu tư kinh doanh yếu đi. WB hứa sẽ tìm cách cải thiện các điều khoản cho vay và hỗ trợ cho các quốc gia gặp khó khăn nhất.
WB lưu ý rằng một số áp lực lạm phát bắt đầu giảm dần khi năm 2022 kết thúc, với giá năng lượng và giá cả hàng hóa thấp hơn, song vẫn cảnh báo rủi ro gián đoạn nguồn cung mới vẫn ở mức cao và lạm phát kéo dài. Theo WB, điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất cao hơn mức hiện nay, làm trầm trọng thêm tình trạng tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới.