Thứ bảy, 11/01/2025
   

Vẫn cần thận trọng cho vay tiêu dùng

Sau khi liên tục tăng trưởng trên 2 con số thì lần đầu tiên tín dụng tiêu dùng của Việt Nam chỉ tăng trưởng 1 con số trong năm 2020. Đâu là nguyên nhân tác động tới sự sụt giảm này? Thời gian tới, tín dụng tiêu dùng có hồi phục tốt hơn?

Sau khi liên tục tăng trưởng trên 2 con số thì lần đầu tiên tín dụng tiêu dùng của Việt Nam chỉ tăng trưởng 1 con số trong năm 2020. Đâu là nguyên nhân tác động tới sự sụt giảm này? Thời gian tới, tín dụng tiêu dùng có hồi phục tốt hơn?

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện kinh tế tài chính trao đổi về vấn đề này.

Nguyên nhân tác động đến sự sụt giảm mạnh của tín dụng tiêu dùng?

Tôi cho rằng, có ít nhất 3 lý do. Một là, do cho vay tiêu dùng tăng với tốc độ khá nhanh trong vài năm qua nên không thể tăng cao mãi được vì khoảng trống cho vay tiêu dùng cũng khai thác nhiều rồi. Hai là, tác động của dịch Covid đối với nền kinh tế là tương đối mạnh. Không chỉ trước mắt, nhìn về tương lai người dân cũng nhận thấy, thu nhập bị suy giảm đồng nghĩa với khả năng trả nợ của họ bị ảnh hưởng theo, do vậy họ đã giảm vay tiêu dùng. Ba là, bản thân các TCTD, nhất là các công ty tài chính cho vay tiêu dùng quá nhanh có thể họ sẽ gặp phải vấn đề về quản lý.

Mặt khác, ảnh hưởng của Covid đã làm bao nhiêu ngành đóng cửa, không hoạt động. Mà cho vay tiêu dùng dựa vào lương, thu nhập để làm đảm bảo cho khoản nợ của người vay. Như vậy, khả năng nợ xấu phát sinh từ cho vay tiêu dùng là khó tránh khỏi. Bởi thế, các ngân hàng phải thận trọng, giảm cho vay tiêu dùng cũng là bình thường.

Việc thúc đẩy tín dụng tiêu dùng có đẩy lùi tín dụng đen?

Vấn đề này đã được bàn thảo khá nhiều rồi. Nhưng theo tôi, việc thúc đẩy cho vay tiêu dùng chỉ có thể làm giảm phần nào chứ không thể xóa được tín dụng đen. Bởi phân khúc cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, ngân hàng và tín dụng đen là hai phân khúc khác nhau. Tín dụng đen cho vay những người có độ rủi ro cao như cờ bạc, lô đề, xổ số… Dĩ nhiên, vẫn có sự trùng lắp giữa hai phân khúc này, nhưng theo tôi là không nhiều.

Muốn hạn chế tín dụng đen phải sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía ngành công an. Ở góc độ nào đấy, tín dụng đen được coi là những hành vi phi pháp. Quy định của Luật Dân sự 2015 lãi suất cho vay tối đa chỉ là 20%/năm, trong khi lãi suất cho vay của tín dụng đen cao gấp nhiều lần so với mức đó và đây có thể coi là vi phạm pháp luật. Chưa kể là cách thức đòi nợ theo kiểu xã hội đen như vậy chỉ có phía ngành công an mới có thể xử lý mạnh được.

Liệu việc các ngân hàng giảm mạnh lãi suất sẽ thúc đẩy tín dụng tiêu dùng tăng trong thời gian tới?

Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới người dân sẽ thận trọng hơn trong chi tiêu nên tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng vẫn chậm. Chắc phải đợi đến khi kinh tế phục hồi hoàn toàn, lúc đấy có thể mới tăng trưởng tốt trở lại.

Nhưng ở Việt Nam tôi lại có quan điểm không cần thiết phải khuyến khích cho vay tiêu dùng. Xét về mặt tổng thể, Việt Nam cần có chính sách tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn. Tôi lấy ví dụ, nếu như bạn có 10 đồng tiêu dùng 7 đồng còn 3 đồng để đầu tư. Giờ tăng tiêu dùng lên 8 đồng chỉ còn 2 đồng đầu tư. Tiêu dùng tăng, nhưng đầu tư giảm, theo đó tốc độ tăng trưởng kinh tế lại giảm đi vì kinh tế Việt Nam vẫn phát triển dựa vào vốn. Mấu chốt nằm ở chỗ này. Nên tăng chi cái này thì phải giảm chi cái khác.

Do đó, chúng ta không nên nghĩ rằng, cứ tăng tiêu dùng là sẽ tăng tổng cầu. Điểm nữa, nếu ta khuyến khích vay tiêu dùng ngày càng nhiều, khả năng thanh toán của người vay cũng sẽ ngày càng thấp đi do kinh tế vẫn còn khó khăn. Đến một lúc nào đấy khả năng thanh toán không trả được nợ nữa thì lại phát sinh nợ xấu. Quan điểm của tôi là không cấm cản các ngân hàng cho vay tiêu dùng nhưng cũng không khuyến khích cho vay nhiều mà vẫn theo hướng thận trọng. Việc cho vay dựa theo năng lực tài chính, cân đối lợi ích của họ chứ không cần thiết phải cố gò ép.

Theo Thời báo Ngân hàng

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay