Thứ ba, 16/07/2024
   

VAMC vượt khó về đích

Sáng ngày 17/1/2024, VAMC tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2024. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Hoàn thành mục tiêu kinh doanh, xử lý, thu hồi nợ vượt kế hoạch

Chia sẻ tại Hội nghị, Phụ trách HĐTV - Tổng giám đốc VAMC TS. Đoàn Văn Thắng cho biết, năm 2023, mặc dù bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của NHNN Việt Nam và hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các cơ quan, đơn vị có liên quan, VAMC đã nỗ lực thích ứng, đẩy mạnh hoạt động mua bán, xử lý nợ, phấn đấu thực hiện kế hoạch được NHNN giao. Các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023 của VAMC hầu hết đều tăng trưởng cao so với năm 2022.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Báo cáo cụ thể về kết quả hoạt động năm 2023, Phó Tổng giám đốc Lê Văn Hùng thông tin, mua nợ theo GTTT đạt 1.755 tỷ đồng giá mua nợ, tăng 65% so với năm 2022; xử lý thu hồi nợ đạt 16.109 tỷ đồng theo dư nợ gốc, tăng 49% so với năm 2022; VAMC đã hoàn thành chỉ tiêu mua nợ bằng TPĐB, đạt 117% kế hoạch xử lý thu hồi nợ.

Đặc biệt, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của VAMC năm 2023 được NHNN giao đều hoàn thành kế hoạch và tăng trưởng so với năm 2022. cụ thể: hoàn thành kế hoạch doanh thu, kế hoạch lợi nhuận năm 2023 và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt kế hoạch được NHNN giao.

Phụ trách HĐTV - Tổng giám đốc TS. Đoàn Văn Thắng cho biết, VAMC đã vượt khó khăn, thách thức hoàn thành tốt kế hoạch được NHNN giao
Phụ trách HĐTV - Tổng giám đốc TS. Đoàn Văn Thắng cho biết, VAMC đã vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành tốt kế hoạch được NHNN giao

Theo đánh giá của lãnh đạo VAMC sau hơn 6 năm tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và 5 năm triển khai Kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2019-2023, hoạt động mua bán và xử lý nợ của VAMC đã có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Nhờ có Nghị quyết 42/2017/QH14, kết quả thu hồi nợ giai đoạn 15/8/2017 đến 31/12/2023 chiếm gần 3/4 kết quả thu hồi nợ giai đoạn 2013-2023; VAMC đã mua nợ theo GTTT gần 14.000 tỷ đồng giá mua, trong đó, mua nợ theo Nghị quyết 42/2017/QH14 chiếm gần 95% và xử lý được hơn 79% nợ thị trường đã mua; đã thành lập và đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC, hoạt động của Sàn giao dịch nợ không ngừng được đầu tư, mở rộng, bước đầu đã góp phần tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam...

Cũng trong thời gian qua, VAMC đã và đang từng bước phát triển trung tâm dữ liệu nợ xấu tập trung tại Việt Nam thông qua hoạt động mua bán nợ bằng TPĐB, theo GTTT và vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC. Hàng hoá đăng tải trên website VAMC và Sàn giao dịch nợ VAMC đa dạng, phong phú bao gồm bất động sản, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, quyền chủ nợ...;

Luỹ kế từ khi thành lập đến 31/12/2023, Sàn giao dịch nợ đã thực hiện đăng ký thành viên và cấp user truy cập website cho 216 khách hàng; ký kết 21 hợp đồng nguyên tắc môi giới bán khoản nợ xấu, TSBĐ; đăng tải thông tin các khoản nợ của các TCTD trên website của Sàn giao dịch nợ với tổng giá trị là 59.831 tỷ đồng; đăng thông tin TSBĐ của các TCTD trên website của Sàn giao dịch nợ với tổng giá trị là 1.829 tỷ đồng. Qua đó giúp TCTD xử lý thành công 333 khoản nợ, TSBĐ với giá trị 1.061 tỷ đồng; ký kết 23 hợp đồng tư vấn và môi giới khoản nợ, TSBĐ với tổng phí dịch vụ là 622 triệu đồng…

Hoạt động mua bán nợ xấu theo GTTT vẫn còn vướng nhiều cơ chế

Mặc dù hoạt động kinh doanh đạt được những kết quả tích cực, song, kết quả mua nợ theo GTTT của VAMC chưa đạt yêu cầu theo Kế hoạch kinh doanh năm 2023 được NHNN giao do nhiều nguyên nhân chủ yếu là nguyên nhân khách quan.

Về nguyên nhân khách quan, theo các quy định hiện hành, VAMC chỉ được đấu giá tài sản là khoản nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua của các TCTD bao gồm khoản nợ xấu được mua theo GTTT và mua bằng TPĐB dẫn tới hạn chế đối tượng đấu giá, phạm vi hoạt động đấu giá của VAMC. Cụ thể, theo quy định tại Điều 3 Thông tư 19/2013/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung, VAMC chỉ được phép mua các khoản nợ xấu hạch toán nội bảng tại các TCTD. Hay tại quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14, VAMC chỉ được mua các khoản nợ đang hạch toán nội và ngoại bảng của TCTD được xác định là nợ xấu hình thành trước 15/8/2017. Tuy nhiên, nhiều khoản nợ xấu mới hình thành và phát sinh sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực (15/8/2017) đã được TCTD xử lý ngoại bảng sẽ không thuộc đối tượng mua nợ của VAMC.

Khó khăn nữa đối với VAMC, theo quy định tại Khoản 3.3, Điều 6, Thông tư 01/2017/TT-BTC ngày 05/01/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với VAMC: “Đối với khoản thu từ bán nợ, bán TSBĐ đối với khoản nợ mua theo GTTT: VAMC hạch toán vào thu nhập tại thời điểm chuyển quyền và nghĩa vụ cho người mua”. Tuy nhiên, đối với một số khoản nợ mua theo GTTT, VAMC đã ký hợp đồng mua TSBĐ (các hợp đồng mua bán có giá trị lớn) có điều khoản thanh toán từng lần theo tiến độ thực hiện hợp đồng, khách hàng đã thanh toán tiền. VAMC đã chuyển phần lớn lợi ích gắn với tài sản cho khách hàng mua TSBĐ... nhưng cơ quan này lại chưa được ghi nhận doanh thu và giá vốn do chưa hoàn thành chuyển quyền và nghĩa vụ cho người mua TSBĐ theo quy định. Điều này dẫn đến VAMC cũng chưa có cơ sở hạch toán giảm dư nợ cho khách hàng và khách hàng vay vẫn phải chịu tính lãi trên số dư nợ đã được thanh toán từ tiền bán TSBĐ của mình.

Phần lớn khách hàng được VAMC mua nợ bằng TPĐB đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, không có khả năng phục hồi, không hợp tác, thậm chí liên quan đến các vụ án, đang chấp hành hình phạt ...; TSBĐ của các khoản nợ xuống cấp, thanh khoản kém. Mặt khác, trong những năm vừa qua, nền kinh tế diễn biến không thuận lợi thị trường bất động sản sụt giảm, thanh khoản kém, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu diễn biến khó khăn..., nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay cũng như nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp rất hạn chế, tác động tiêu cực đến dòng tiền cũng như định hướng kinh doanh, kế hoạch tài chính của các khách hàng, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ mua bán, xử lý thu hồi nợ của VAMC.

VAMC - thu hồi nợ
Quang cảnh Hội nghị

Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp

Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024 theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN, Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” và Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, VAMC xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cũng như các nhóm giải pháp để thực hiện hiệu quả trong năm 2024.

Về nhóm giải pháp trọng tâm về mua, bán và xử lý nợ xấu, VAMC đẩy mạnh việc tìm kiếm, khai thác danh sách các khoản nợ đã mua bằng TPĐB, triển khai làm việc với các TCTD và đối tác, lựa chọn các khoản nợ có tính khả thi trong việc xử lý sau khi mua để thực hiện mua khoản nợ theo GTTT. Song song với đó VAMC tập trung rà soát, đánh giá thực trạng và phân loại khách hàng, khoản nợ/TSBĐ của các khoản nợ xấu đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ và có phương án xử lý nợ phù hợp; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và khách hàng vay để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan đến khoản nợ/TSBĐ nhằm đẩy nhanh tiến độ mua nợ, xử lý nợ.

Đặc biệt, VAMC chú trọng việc xây dựng danh mục các TSBĐ là dự án bất động sản đáp ứng các điều kiện để chào bán tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Tiếp tục triển khai bán đấu giá/chào giá cạnh tranh/bán thỏa thuận các khoản nợ và TSBĐ để thu hồi nợ; Theo dõi, đôn đốc các TCTD thu nợ, xử lý TSBĐ mà VAMC đã ủy quyền; Tiếp tục hỗ trợ các TCTD và bám sát quá trình khởi kiện/thi hành án đối với các khoản nợ đã ủy quyền cho TCTD thực hiện để xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ; phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự xử lý các trường hợp thi hành án kéo dài; đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao hỗ trợ, tháo gỡ, hướng dẫn các khó khăn, vướng mắc trong quá trình VAMC/TCTD khởi kiện khách hàng…

Đối với nhóm giải pháp tạo lập thị trường mua bán nợ xấu trong đó VAMC đóng vai trò là trung tâm của thị trường, VAMC thực hiện hiệu quả hoạt động mua, bán, xử lý nợ mua theo GTTT nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu; Xây dựng trung tâm dữ liệu về khoản nợ/TSBĐ; đẩy mạnh hoạt động Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ/TSBĐ; Chủ động tìm kiếm và mở rộng đối tác, các nhà đầu tư để thực hiện tư vấn, môi giới mua, bán nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ trên cơ sở danh mục nợ xấu đã được phân loại; Kịp thời công khai hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu: công bố danh mục TSBĐ do VAMC đang quản lý, đăng thông báo bán đấu giá tài sản/khoản nợ, đăng thông báo thu giữ TSBĐ...

Phó Tổng giám đốc VAMC Đặng Đình Thích phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024
Phó Tổng giám đốc VAMC Đặng Đình Thích phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024

Vượt qua mọi khó khăn trong năm 2023, VAMC đã đạt được những kết quả tích cực. Song bước sang năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn nhất là trong hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu. Vì vậy, để triển khai có hiệu quả và hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024 đã đề ra, lãnh đạo VAMC kiến nghị Chính phủ, NHNN và các Bộ, ngành có liên quan tăng cường nguồn lực cho VAMC về cả vốn, công nghệ, nguồn nhân lực và tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý TSBĐ, khoản nợ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho hoạt động mua, bán và xử lý nợ của VAMC cũng như các TCTD. Cụ thể, đề nghị NHNN xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2013/TT-NHNN ban hành ngày 06/9/2013 theo đề xuất tại văn bản số 1154/CV-VAMC ngày 10/10/2023 (thay thế Văn bản số 1026/CV-VAMC ngày 24/11/2022); Đề nghị NHNN sớm phê duyệt Phương án phát hành TPĐB và Phương án mua nợ theo GTTT năm 2024...

Lãnh đạo VAMC đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm mở rộng phạm vi, hoạt động đấu giá tài sản của VAMC theo hướng không chỉ đấu giá nợ xấu/TSBĐ của khoản nợ xấu VAMC mua nợ từ TPĐB, mua theo GTTT mà còn khoản nợ, TSBĐ của khoản nợ của các TCTD lựa chọn bán đấu giá qua VAMC.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của tập thể cán bộ nhân viên VAMC đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh tốt hơn, trong đó nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch như kết quả tài chính, xử lý, thu hồi nợ xấu...

Về định hướng hoạt động năm 2024, Phó Thống đốc đề nghị VAMC tập trung đối với hoạt động mua, bán nợ theo GTTT vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Nhất là những món nợ kéo dài từ năm 2018, 2019 cần phải lưu ý xử lý tránh để khoản nợ tồn đọng lâu ảnh hưởng đến vòng quay vốn ủa VAMC. Ngoài ra, lãnh đạo NHNN cũng yêu cầu VAMC tuân thủ quy định mua nợ TPĐB; theo dõi sát các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm một số vụ việc kéo dài. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát nội bộ - tuyến phòng thủ kịp thời phát hiện vấn đề tiềm ẩn rủi ro; Tăng hiệu quả năng suất lao động, trách nhiệm của cán bộ nhân viên. Đồng thời, đánh giá phân tích đúng tồn tại, nguyên nhân để đưa ra các giải pháp triển khai phù hợp, đạt hiệu quả.

Kế hoạch kinh doanh của VAMC năm 2024:

- Mua nợ bằng TPĐB (giá mua nợ tối đa): 10.000 tỷ đồng

- Mua nợ theo giá trị thị trường (giá mua nợ): 2.000 tỷ đồng

- Xử lý nợ xấu (dư nợ gốc xử lý): 11.586 tỷ đồng.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay