Thứ tư, 09/10/2024
   

Ứng dụng công nghệ giúp thay đổi căn bản dịch vụ ngành Tài chính - Ngân hàng

Ngày 7/6, tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Ứng dụng công nghệ trong ngành Tài chính Ngân hàng - Xu hướng và góc nhìn chuyên sâu”. Tham dự và chủ trì hội thảo có PGS. TS. Bùi Hữu Toàn, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng.
công nghệ
Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Bùi Hữu Toàn khẳng định, trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã mang lại một diện mạo mới cho ngành Tài chính - Ngân hàng. Công nghệ đã thâm nhập sâu rộng vào hoạt động của các định chế tài chính, các cơ quan, doanh nghiệp, đưa đến sự thay đổi căn bản về tư duy, mô hình kinh doanh, cách thức cung cấp và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng.

"Đây là nền tảng để xây dựng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện trong ngành Tài chính Ngân hàng, góp phần thực hiện thành công những mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030", PGS. TS. Bùi Hữu Toàn khẳng định.

Tại Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 7/1/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, giảm dần tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đến cuối năm 2025 về mức dưới 8%; tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các loại hình dịch vụ tài chính ngân hàng, chú trọng đến những nhóm dân cư yếu thế là những nhiệm vụ chiến lược đã được chỉ rõ.

Hệ thống ngân hàng với sự chỉ đạo của NHNN là trụ cột then chốt để đạt được các mục tiêu chiến lược về tài chính toàn diện, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Theo chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của NHNN, ứng dụng công nghệ trở thành yếu tố quan trọng, thúc đẩy hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành của NHNN và tổ chức kinh doanh của các tổ chức tín dụng nhằm nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách về công nghệ ngân hàng.

Từ thực tiễn triển khai các kế hoạch này, tại Hội thảo, ông Lý Văn Bảo, Cố vấn Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay) đã đưa ra góc nhìn tổng quan về ứng dụng công nghệ trong ngành Tài chính - Ngân hàng. Trong đó, khi phát triển một số sinh thái số trong ngành Tài chính - Ngân hàng thì không thể không nhắc đến Fintech, sự kết hợp giữa Fintech và các định chế tài chính sẽ là giải pháp tối ưu để định chế tài chính tiếp cận công nghệ mới, giải quyết bài toán chi phí, tối ưu hóa phục vụ khách hàng tốt hơn; phù hợp với chủ trương chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4...

Công nghệ đã giúp các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng
Công nghệ đã giúp các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng

Trước sự phát triển công ngừng của công nghệ, yêu cầu về nguồn nhân lực số cũng liên tục gia tăng. PGS. TS. Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, nhu cầu phát triển nhân lực số rất lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp công nghệ số còn thấp, chỉ khoảng 30%.

Do đó, để đáp ứng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực số trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục triển khai mô hình đào tạo đại học số là rất cần thiết; cần liên kết với doanh nghiệp và đơn vị đào tạo quốc tế để thiết kế chương trình học sát với nhu cầu thực tế. Đồng thời "chứng chỉ hóa" chương trình đào tạo để sinh viên ra trường nhanh chóng tìm được việc làm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học cũng thẳng thắn đưa ra những góc nhìn, đánh giá về công nghệ Blockchain trong thị trường tiền mã hóa. Bà Đinh Hằng, thành viên Ban quản trị Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BK Fund) thông tin, tổng giá trị toàn bộ thị trường tiền mã hóa tính đến ngày 5/6 đạt 2,630 tỷ USD, giá trị này biến động liên tục 24/7, quy mô thị trường cũng biến động theo chu kỳ... Giá trị và quy mô liên tục thay đổi tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tại Việt Nam, tiền mã hóa không được công nhận là phương tiện thanh toán, hàng hóa hay dịch vụ nào. Nhiều bất cập xảy ra liên quan đến các hoạt động giao dịch tiền mã hóa, đặc biệt là các hành vi lừa đảo gây tổn hại cho người tiêu dùng tài chính. Do đó, việc sớm ban hành khung pháp lý sẽ giúp bảo vệ quyền lợi người dùng, hỗ trợ chính sách thuế, chống rửa tiền, chống khủng bố của Việt Nam hiện nay hiệu quả hơn, một chuyên gia đề xuất.

Ngay sau phiên toàn thể, các chuyên gia, nhà khoa học đã cũng nhau thảo luận các vấn đề liên quan đến công nghệ và xu hướng ứng dụng công nghệ của ngành Tài chính - Ngân hàng trong 2 phiên thảo luận chuyên sâu. Đây đều là những nghiên cứu chuyên sâu, phản biện chính sách, cung cấp góc nhìn khoa học và thực tiễn đa chiều về ứng dụng công nghệ ngành Tài chính - Ngân hàng trong bối cảnh mới, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong thời gian tới của Ngành.

"Các ý kiến đóng góp, thảo luận tại Hội thảo là cơ sở quan trọng để xây dựng những chính sách và chiến lược về công nghệ phù hợp để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Tài chính - Ngân hàng trong tương lai", PGS. TS. Bùi Hữu Toàn cho biết.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay